(vhds.baothanhhoa.vn) - Mùa lễ hội năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã và đang bắt đầu với những đổi thay tích cực. Thay vì những cảnh chen lấn, tranh cướp, cờ bạc trá hình hiên ngang chốn linh thiêng, mê tín dị đoan núp bóng... người ta dễ dàng nhận thấy bức tranh mùa lễ hội này bình yên, văn hóa hơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Di tích đẹp mùa lễ hội

Mùa lễ hội năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã và đang bắt đầu với những đổi thay tích cực. Thay vì những cảnh chen lấn, tranh cướp, cờ bạc trá hình hiên ngang chốn linh thiêng, mê tín dị đoan núp bóng... người ta dễ dàng nhận thấy bức tranh mùa lễ hội này bình yên, văn hóa hơn.

Mỗi năm tết đến, xuân về, người Việt tin rằng bắt đầu một năm mới cũng đồng nghĩa sẽ có những thay đổi, khởi đầu mới trong cuộc sống, vận mệnh. Từ quan niệm đó phải chăng đã hình thành nên nét đẹp truyền thống đi lễ đầu xuân của mỗi người, mỗi nhà. Để cầu cho một năm mới an yên, may mắn, vạn sự hanh thông, tốt đẹp.

Vì lẽ đó mà dịp đầu xuân cũng chính là khoảng thời gian “đông vui” bậc nhất của các điểm đến tâm linh. Cửa chùa, đền, phủ rộng mở. Cảnh bán mua trong và gần khu vực lễ hội; rồi các trò chơi bày ra hấp dẫn du khách đi lễ, trong đó không ít các trò cờ bạc trá hình vô cùng cám dỗ. Bên cạnh đó còn là nạn móc túi, cướp giật khiến nhiều người đi lễ đầu xuân thật khó an lòng...

Song đó là thực trạng của những mùa lễ hội trước. Còn ở mùa lễ hội này, thực sự đã có những đổi thay.

Tăng cường công tác quản lý khiến di tích mùa lễ hội không còn lộn xộn.

Có mặt tại đền Độc Cước (TP Sầm Sơn) trong những ngày đầu xuân. Đây là một trong những điểm đến du xuân hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Theo đánh giá của cơ quan quản lý di tích thì mỗi ngày đầu xuân các di tích ở đây đón hàng nghìn lượt khách về dâng hương, hành lễ, vãn cảnh. Tuy nhiên, bức tranh di tích trong những ngày diễn ra lễ hội năm nay đã khiến nhiều du khách cảm thấy hài lòng. Anh Lê Văn Đức, người dân ở phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn) cho biết: Năm nào vào dịp đầu xuân anh và gia đình cũng đến dâng hương, vãn cảnh tại di tích đền Độc Cước. Năm nay, anh đặc biệt ấn tượng với công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường khá sạch sẽ, không còn cảnh “người trên rác dưới", không còn cảnh rút thẻ bói toán... Trong những ngày đầu xuân với mưa rải rác khiến công tác vệ sinh môi trường tại các di tích trên núi Trường Lệ khá vất vả.

Ông Cao Văn Tâm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Du lịch TP Sầm Sơn cho biết: Công tác chuẩn bị cho cụm di tích trên núi Trường Lệ được lên kế hoạch và bắt đầu trước dịp Tết Nguyên đán khoảng 30 ngày. Theo đó tất cả các vấn đề: vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự, trang trí hệ thống trưng bày, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng quán...đều được cắt cử, giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng đơn vị, cá nhân. Ai vi phạm hoặc không làm tròn nhiệm vụ sẽ bị khiển trách, nhắc nhở, xử lý.

Cũng theo ông Tâm, nếu để xảy ra những vấn đề phản cảm, hạn chế tại các di tích thì trách nhiệm không chỉ thuộc về phía người dân. Bản thân người dân khi đến chốn tâm linh đều với một tâm thế hướng thiện. Vì vậy vấn đề nào người dân chưa hiểu, chưa thông thì cần phải tuyên truyền, nhắc nhở, thuyết phục để họ hiểu và tuân theo. Điều đó phụ thuộc vào phần lớn văn hóa giao tiếp của những người làm công tác quản lý. Và khi người dân đã hiểu thì để xây dựng một môi trường lễ hội văn minh không còn là vấn đề khó.

Cùng với Sầm Sơn thì di tích Đền Nưa - Am Tiên xã Tân Ninh (Triệu Sơn) cũng là một trong những điểm đến tâm linh thu hút rất đông du khách trong những ngày đầu xuân. Theo ước đoán có những ngày di tích đón hàng vạn lượt khách, đặc biệt là trước, trong và sau ngày chính hội Mở cổng trời (mùng 9 tháng Giêng). Ông Lê Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết: Rút kinh nghiệm sau những vấn đề còn tồn tại, hạn chế ở các mùa lễ hội trước, năm nay công tác tổ chức lễ hội, quản lý di tích được chú trọng nhiều hơn. Cùng với việc tổ chức các trò chơi dân gian, đảm bảo ATGT; ANTT; phòng tránh và nói không với các tệ nạn xã hội... thì BTC lễ hội còn lên phương án riêng nếu có tình huống bất ngờ. Trong quá trình tổ chức, quản lý lễ hội, di tích thì nhiệm vụ được giao cụ thể cho từng đơn vị để tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra.

Ngay cả “điểm nóng” trong mùa lễ hội như Phủ Na (Như Thanh) cũng được du khách và người dân đánh giá đã có nhiều đổi thay nhờ sự nỗ lực tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội từ những cơ quan, đơn vị có trách nhiệm; sự thay đổi trong ý thức tham gia lễ hội của người dân, để cùng vì mục tiêu xây dựng môi trường lễ hội văn minh, văn hóa.

Có thể không phải tất cả các di tích, các lễ hội trên địa bàn tỉnh đều đã có thay đổi tích cực. Tuy nhiên ngay ở những điểm đến vốn được xem là “điểm nóng” cũng đã có sự thay đổi thì không cớ gì hiệu ứng “domino” trong công tác tổ chức, quản lý di tích mùa lễ hội lại không thể xảy ra. Tất cả những nỗ lực cố gắng đó đã làm cho di tích đẹp hơn trong mùa lễ hội.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]