Nét mới của Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019 là phương châm xã hội hoá công tác tổ chức lễ hội, để dần đưa các hoạt động lễ hội trở về với cộng đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đưa hoạt động lễ hội trở về với cộng đồng

Nét mới của Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019 là phương châm xã hội hoá công tác tổ chức lễ hội, để dần đưa các hoạt động lễ hội trở về với cộng đồng.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019 là lần đầu tiên, Ban Tổ chức đưa phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin hướng dẫn về giao thông, điểm tham quan, tour du lịch và các dịch vụ tại Đền Hùng. (Ảnh: KC)

Theo đó, hầu hết các nhiệm vụ trong chương trình giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019 được giao cho các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành, thị trong tỉnh Phú Thọ tham gia một cách chuyên sâu, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị, địa phương. Kinh phí thực hiện cũng theo hướng xã hội hoá, để dần đưa các hoạt động lễ hội trở về với cộng đồng, để người dân thực sự làm chủ lễ hội.

Hoạt động dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng không chỉ là hoạt động chính do UBND tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện, mà bắt đầu từ năm nay, toàn bộ 13 huyện, thành, thị trong tỉnh cũng thực hiện nội dung này theo chương trình, kịch bản riêng của mỗi địa phương. Việc này vừa phát huy tính chủ động, trách nhiệm của các địa phương tham gia vào các hoạt động Giỗ Tổ, củng cố khối đại đoàn kết giữa chính quyền với Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện đúng giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, là sự riêng có của dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, cùng thời điểm làm Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng được tổ chức tại Đền Thượng (ngày 10/3 năm Kỷ Hợi, tức ngày 14 tháng 4 năm 2019) cũng như các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn, tỉnh Phú Thọ có chủ trương vận động mỗi gia đình tự chuẩn bị một “mâm cơm tri ân”đảm bảo trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên chung của dân tộc vào thời điểm Chủ lễ đọc Chúc văn trên Đền Thượng.

Nét mới của không gian phần Hội được trải rộng từ Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đến thành phố Việt Trì, trong đó nổi bật là chương trình khai hội Đền Hùng bắt đầu từ 19 giờ 45 phút ngày 08/3 năm Kỷ Hợi (tức ngày 12/04/2019) với các hoạt động: Trình diễn diễn xướng dân gian, chương trình nghệ thuật chào mừng với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật 04 tỉnh và các ca sỹ nổi tiếng. Kết thúc chương trình là màn bắn pháo hoa tầm thấp tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì. Toàn bộ nội dung chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình Phú Thọ và sóng truyền hình một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cùng với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, triển lãm, diễn xướng như mọi năm; phần Hội năm nay còn diễn ra nhiều hoạt động có nét mới như: Hội sách đất Tổ tại Ngã 5 Đền Giếng khai mạc ngày 02/3 năm Kỷ Hợi (tức ngày 06/4/2019); chương trình thi trưng bày hoa, cây cảnh tại Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì; tổ chức các hoạt động văn nghệ biểu diễn hằng đêm tại sân khấu Quảng trường Hùng Vương; hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các vùng miền năm 2019. Một điểm mới nữa là quy mô tổ chức hội trại văn hoá năm nay được mở rộng; ngoài gian trại của 13 huyện, thành, thị còn có sự tham gia gian hàng quảng bá thương hiệu, sản phẩm của nhiều doanh nghiệp lớn trong cả nước với nhiều sản phẩm phong phú.

“Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019 là lần đầu tiên, Ban Tổ chức đưa phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin hướng dẫn về giao thông, điểm tham quan, tour du lịch và các dịch vụ tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng vào phục vụ người dân và du khách trẩy hội” - ông Nguyễn Duy Anh (Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng) chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, tạo sự hài lòng cho nhân dân và du khách thập phương, tỉnh Phú Thọ tiếp tục triển khai thực hiện "5 không"tại lễ hội (đó là: Không có tình trạng ùn tắc giao thông; không để xảy ra tình trạng kinh doanh, dịch vụ với giá cả mang tính “chặt, chém”; không có người ăn xin, ăn mày; không để xảy ra các hành vi mang tính phản cảm; không để mất vệ sinh an toàn thực phẩm); cũng như công khai số điện thoại đường dây nóng tại các địa điểm xung quanh khu vực Đền Hùng để tiếp nhận nhanh nhất thông tin phản ánh của nhân dân và du khách.

Bên cạnh đó, các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường; chống ùn tắc, chen lấn, xô đẩy và đảm bảo an toàn giao thông; có các phương án cứu hộ, cứu nạn, ứng phó kịp thời trong mọi tình huống khi có sự cố xảy ra đã được xây dựng chu đáo. Tỉnh Phú Thọ đã chỉnh trang cơ sở vật chất tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, như: Đầu tư, tôn tạo cảnh quan khu vực ngã 5 Đền Giếng; chỉnh trang cảnh quan trục hành lễ; sắp xếp, bố trí các điểm kinh doanh dịch vụ đảm bảo khoa học, hợp lý và phù hợp với cảnh quan chung của Khu Di tích; nâng cấp các bãi đỗ xe theo hướng giao thông khép kín; xây dựng mới các khu vệ sinh cao cấp phục vụ nhân dân và du khách thập phương...

Theo dangcongsan.vn


Theo dangcongsan.vn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]