(vhds.baothanhhoa.vn) - Không chỉ là vùng đất địa linh nhân kiệt, sở hữu số lượng di tích lớn. Xứ Thanh còn nổi danh với các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào các dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, đến thời điểm hiện tại đã có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận: trò diễn Xuân Phả; lễ hội Cầu ngư; lễ hội đền Độc Cước... tất cả đã làm nên một sắc thái văn hóa xứ Thanh độc đáo, riêng có.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Cần chính sách hỗ trợ

Không chỉ là vùng đất địa linh nhân kiệt, sở hữu số lượng di tích lớn. Xứ Thanh còn nổi danh với các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào các dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, đến thời điểm hiện tại đã có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận: trò diễn Xuân Phả; lễ hội Cầu ngư; lễ hội đền Độc Cước... tất cả đã làm nên một sắc thái văn hóa xứ Thanh độc đáo, riêng có.

Nét đẹp di sản văn hóa phi vật thể xứ Thanh

Năm 2016, trò diễn Xuân Phả ở xã Xuân Trường (Thọ Xuân) trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đầu tiên ở Thanh Hóa, đó là niềm vui, tự hào của địa phương. Lần đầu tiên một loại hình trình diễn văn hóa dân gian của xứ Thanh chính thức trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tương truyền, trò diễn Xuân Phả vốn được biết đến là một loại hình văn hóa có nguồn gốc cung đình, được biểu diễn cho vua, quan trong triều xem vào những dịp vui với các tích trò ca ngợi công lao chống giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi... của triều đại. Trò diễn Xuân Phả là nghệ thuật dân gian được biểu hiện bằng động tác, ngôn ngữ hình thể, không dễ hiểu hết nếu chỉ xem một lần. Bởi vậy, trò diễn luôn mang đến cho người xem sự thích thú. Qua thời gian và biến động lịch sử, trò diễn Xuân Phả đã thực sự bị gián đoạn, mai một. Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, chính quyền địa phương và người dân Xuân Phả đã từng bước khôi phục lại trò diễn Xuân Phả trên cơ sở những thông tin về trò diễn được lưu truyền trong các thế hệ người dân trong làng. Ban đầu chỉ một số ít người dân tham gia khôi phục, sự thiếu thốn về trang phục, đạo cụ... tất cả đều vô cùng khó khăn. Đến nay, sau gần 30 năm chính thức được khôi phục, Xuân Phả đã trở thành trò diễn dân gian nổi danh, có mặt ở nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội quan trọng của tỉnh. Đặc biệt, hàng năm trong hai lễ hội Lam Kinh và Lê Hoàn diễn ra trên địa bàn huyện Thọ Xuân, nhân dân và du khách lại được mãn nhãn với các tích trò được hàng trăm nghệ nhân dân gian làng Xuân Phả trình diễn vô cùng ấn tượng.

Trò Xuân Phả - di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đầu tiên ở Thanh Hóa.

Khác với Xuân Phả, lễ hội Cầu Ngư xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) lại mang nét văn hóa đặc sắc của đời sống tín ngưỡng, tâm linh của cư dân vùng biển xứ Thanh. Với họ, biển vừa là mẹ thiên nhiên bao la nhưng cũng là vị thần quyền năng với những sự trừng phạt vô cùng khủng khiếp. Tự ngàn đời nay, trong tâm thức người dân vùng biển Ngư Lộc luôn tin rằng cuộc sống mưu sinh của mình có sự bảo trợ của vị thần biển. Bởi vậy, bên cạnh những nghi lễ thường xuyên, vào mỗi dịp đầu năm (22/2 ÂL) hàng vạn cư dân biển Ngư Lộc và các xã lân cận lại cùng nhau tổ chức lễ hội Cầu Ngư với các nghi thức tế lễ linh thiêng, cẩn trọng, trong đó thuyền Long Châu được xem là trung tâm của lễ hội. Thuyền Long Châu do chính tay các nghệ nhân có kinh nghiệm, hiểu biết trong làng làm nên với thiết kế và kích thước tương đối lớn, sau khi kết thúc phần tế lễ, thuyền Long Châu sẽ được hóa ngay bên bờ biển thể hiện ước vọng và những cầu mong về cuộc sống no đủ, vươn khơi bình an, thuyền về đầy cá tôm. Cứ như vậy, lễ hội Cầu Ngư xã Ngư Lộc đã trở thành nét đẹp văn hóa tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng dân cư, thu hút hàng vạn du khách muôn phương trở về tham gia lễ hội. Nói về lễ hội Cầu Ngư, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đồng thuận cho rằng: xuyên suốt lễ hội là khát vọng được chung sống hòa thuận của con người với thiên nhiên.

Với người dân TP du lịch biển Sầm Sơn thì lễ hội đền Độc Cước tại di tích bên bờ biển lại thể hiện sự ngưỡng vọng của con người trước vị thần “Độc Cước” bảo trợ. Vị thần Độc Cước với công lao đối với cư dân Sầm Sơn đã trở thành huyền thoại, đi sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần, làm nên nét đẹp văn hóa tín ngưỡng độc đáo. Ngày nay, cùng với khát vọng về bình an, vươn khơi thuyền đầy cá tôm thì di tích đền Độc Cước và lễ hội được tổ chức còn gắn liền với ước vọng về sự phát triển rực rỡ của du lịch thành phố biển. Vừa qua, lễ hội đền Độc Cước đã chính thức trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia thứ 8 của Thanh Hóa. Đánh giá về điều này, bà Đàm Thị Thái - Trưởng phòng VHTT TP Sầm Sơn chia sẻ: đó là sự khẳng định cho những giá trị văn hóa lâu đời của cư dân Sầm Sơn, đây cũng là động lực cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản để từ đó góp phần tạo nên “sản phẩm văn hóa” hấp dẫn du khách.

Và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của xứ Thanh còn có lễ hội Pồôn Pôông của người Mường (Ngọc Lặc), lễ tục Kin chiêng Boọc Mạy của người Thái (Như Thanh)... tất cả đều gắn liền với tập tục sinh hoạt, đời sống vật chất, là nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng dân cư. Dù là lễ hội, lễ tục, trò diễn dân gian... thì tất cả đều mang theo khát vọng, niềm tin về cuộc sống ấm no, yên bình của người Việt nói chung và người xứ Thanh nói riêng.

Hỗ trợ chính sách để bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Nếu như trò diễn Xuân Phả được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên của Thanh Hóa vào năm 2016 thì đến nay, sau 3 năm, niềm vui nối tiếp niềm vui, Thanh Hóa tự hào khi đã sở hữu 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó thực sự là thành quả từ nỗ lực gìn giữ của không chỉ cộng đồng cư dân, vào cuộc của chính quyền địa phương và không thể không nhắc đến cố gắng của cơ quan chuyên môn mà trực tiếp là ngành VH,TT&DL tỉnh nhà trong việc hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khi chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là sự khẳng định về mặt pháp lý của cơ quan chức năng chuyên môn cho những giá trị trao truyền nhiều thế hệ. Để từ niềm tự hào di sản, tạo nên động lực để chính quyền, người dân địa phương thêm phần ý thức, trách nhiệm trong việc cùng nhau nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Tuy nhiên, có một thực tế, sau khi trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bên cạnh nỗ lực tuyên truyền đến người dân về giá trị di sản, tổ chức biểu diễn, duy trì hoạt động trong các lễ hội, sự kiện thì chính sách hỗ trợ thực sự cho các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là chưa nhiều. Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thanh Hóa cho biết: “Để hỗ trợ cộng đồng dân cư, các địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản thì về lâu dài cần có kế hoạch, chương trình nhà nước về việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể (giống như di tích) đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó có thể là đề án chung của tỉnh và cần thiết có nguồn kinh phí nhất định cho việc thực hiện. Bên cạnh đó, việc phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch cũng cần có những định hướng rõ nét hơn”.

Được biết, ngoài 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được công nhận thì thời gian tới, ngành VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục lập hồ sơ trình bộ VH,TT&DL xem xét, công nhận di sản đối với: Nghề đục đá núi Nhồi; Hò sông Mã; lễ hội đền Mưng; lễ hội đền Sòng; nghề làm hương (TP Thanh Hóa)... với thứ tự lần lượt. Để từng bước, các nét đẹp, giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng dân cư xứ Thanh được khẳng định, gìn giữ và phát huy trong đời sống hiện đại.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]