(vhds.baothanhhoa.vn) - Đi qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử cũng như sự bào mòn của thời gian, nhưng những sắc phong cổ vẫn còn nguyên giá trị và được ví như những “báu vật” nơi làng quê.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ gìn “báu vật” nơi làng quê

Đi qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử cũng như sự bào mòn của thời gian, nhưng những sắc phong cổ vẫn còn nguyên giá trị và được ví như những “báu vật” nơi làng quê.

Hơn 40 năm qua được dân làng tin tưởng giao giữ các sắc phong, ông Phạm Duy Hinh (80 tuổi) ở thôn Thịnh Vinh, xã Hà Bình, huyện Hà Trung tự hào cho biết: Đây là những “báu vật” quý giá của các làng và của cả người dân xã Hà Bình. Mỗi tấm sắc phong được bảo tồn, lưu giữ nâng niu, trân trọng qua từng thế hệ bởi phần giá trị truyền thống, hồn cốt tinh thần vẹn nguyên trải qua những biến động của thời gian. Chính vì các sắc phong này đối với dân làng là “báu vật” nên bản thân tôi cũng luôn có ý thức trong việc giữ gìn cẩn thận. Trước kia những sắc phong này được đựng trang trọng trong một hộp tráp hình chữ nhật sơn son thếp vàng, nhiều hoa văn rồng phượng. Nhưng qua thời gian, những hộp này đã bị mục và sắc phong cũng được cuộn gọn cẩn thận ở trong những túi giấy bóng.

Hiện nay thôn Thịnh Vinh đang lưu giữ 19 bản sắc phong và đều được dịch sang tiếng Việt. Mặc dù đã trải qua hàng trăm năm nhưng những dòng chữ Hán màu đen trên bản giấy vẫn còn hiện rõ. Dấu triện đỏ của các triều đình phong kiến, những hoa văn rồng phượng in chìm vẫn còn nguyên màu vàng lấp lánh. Căn cứ nội dung các bản dịch, bản sắc phong cổ nhất được ghi nhận từ thời vua Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783) và bản mới nhất được ban tặng vào thời vua Khải Định năm thứ 9 (1924).

Mặc dù đã hàng trăm năm, nhưng những sắc phong vẫn được người dân thôn Thịnh Vinh, xã Hà Bình, huyện Hà Trung gìn giữ.

Xã Yên Trung, huyện Yên Định, hiện đang lưu giữ 28 sắc phong cổ và được dịch sang tiếng Việt. Trước đây những đạo sắc này nằm rải rác ở các đình, đền và trong nhiều hộ dân. Từ những năm 60 trở lại đây, những sắc phong này được nhân dân tự nguyện nộp cho xã và được lưu giữ cẩn thận tại phòng Đảng ủy xã. 28 sắc phong (đạo sắc vua ban) do các vị vua thời Lý, Lê, Nguyễn ban cho các anh hùng dân tộc, người có công với nước thời xưa như Lý Thường Kiệt, đệ nhất phu nhân Lý Thường Kiệt, Cao Sơn thượng đẳng thần, Dũng Quận công, Trương Hoa Thước, Quế Hoa nương. Những sắc phong này không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà còn là tài sản vô giá của tổ tiên để lại cho thế hệ mai sau.

Ở nhiều làng quê xứ Thanh, việc giữ gìn cẩn thận những sắc phong này được chính quyền cũng như người dân hết sức coi trọng. Đó là việc lưu giữ 52 đạo sắc được phong cho các thần: Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân, Tiến Hiền Thiên Tôn và Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa. Hay như người dân ở làng Quần Thanh, xã Khuyến Nông, huyện Triệu Sơn hiện còn lưu giữ 12 đạo sắc phong cổ của các triều đại phong kiến Hậu Lê và nhà Nguyễn phong tặng...

Ngoài giá trị tâm linh, sắc phong còn mang giá trị lịch sử. Những bản sắc phong này như một chứng tích ghi lại đầy đủ công lao, sự đóng góp của các vị thần đã có công “khai thiên lập ấp” mở mang bờ cõi quê hương. Là báu vật, song những địa phương lưu giữ lúc nào cũng lo lắng với sự biến đổi khí hậu, điều kiện bảo quản còn thô sơ chắc chắn lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến những sắc phong này.

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]