(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn giữ gìn và ngày càng phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Có được kết quả đó ngoài sự dẫn dắt của các nghệ nhân còn có sự đóng góp không nhỏ của tuổi trẻ, nhất là lực lượng thanh niên. Bằng những hành động cụ thể, họ đã nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống: Nhìn từ thế hệ trẻ

(VH&ĐS) Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn giữ gìn và ngày càng phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Có được kết quả đó ngoài sự dẫn dắt của các nghệ nhân còn có sự đóng góp không nhỏ của tuổi trẻ, nhất là lực lượng thanh niên. Bằng những hành động cụ thể, họ đã nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, sự giao thoa về văn hóa bên cạnh góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cũng đặt ra nhiều thách thức. Đó là sự du nhập của những dạng thức văn hóa không phù hợp với truyền thống dân tộc, mà đối tượng dễ ảnh hưởng nhất là giới trẻ. Thực tế cho thấy bản sắc dân tộc ngày càng phai mờ, mai một dần đi theo năm tháng khi mà nó thể hiện ở nhiều phương diện như: Thanh niên không thích mặc trang phục dân tộc, không biết hát dân ca hay sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, lối sống hiện đại “Âu hóa” len dần vào đời sống của lớp trẻ hôm nay thay cho những phong tục, tập quán truyền thống. Họ cũng rất ít khi quan tâm đến cội nguồn, văn hóa truyền thống...

Tuy nhiên, bên cạnh đó ở một số địa phương điều đáng mừng là ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc của tầng lớp thanh niên mang tính tự giác rất cao. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, nhưng rất nhiều thanh niên các dân tộc Mường, Thái, Mông... vẫn rất yêu thích bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Họ thường xuyên mặc quần áo dân tộc, sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình trong đời sống hàng ngày chứ không chỉ trong các ngày lễ hội. Nam nữ thanh niên vẫn say mê học hát then, đàn tính, học nghề thủ công truyền thống; cùng nhau hát, biểu diễn trò chơi dân gian trong những ngày lễ hội...

Để giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc không thể thiếu lực lượng nòng cốt là lớp trẻ.

Bản Chiềng Ban, xã Quang Hiến cũng được xem là nơi có bề dầy truyền thống văn hóa với những lễ hội truyền thống đặc sắc như: chùa Mèo, mừng cơm mới, cồng chiêng... Để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, xã chú trọng đến việc thành lập các đội văn nghệ, thu hút đông đảo các thành phần lứa tuổi tham gia sinh hoạt nhất là lớp trẻ. Đội văn nghệ của bản được thành lập đã gần 15 năm luôn được chọn là hạt nhân nòng cốt trong các đợt hội diễn văn nghệ, liên hoan văn hóa quần chúng các cấp từ xã, huyện đến cấp tỉnh. Thông qua các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, các tiết mục mang đậm nét văn hóa truyền thống như khặp Thái, Xường Mường, Phong trào văn hóa, văn nghệ chính là yếu tố quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Hơn nữa, những buổi sinh hoạt văn nghệ còn giúp cho lớp trẻ hiểu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Em Vi Thị Thúy, người dân trong bản cho biết: Trong các buổi sinh hoạt văn nghệ ở bản mình, em đã được các nghệ nhân, các cụ già... dạy cho rất nhiều điệu múa như khặp Thái, Xường Mường...và rất nhiều bài hát của dân tộc mình. Qua đó, em không chỉ thuộc nhiều các bài hát, điệu múa của dân tộc mình mà còn tham gia biểu diễn ở nhiều hội diễn, hội thi cả cấp tỉnh và huyện. Hơn hết em còn hiểu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc mình mà bấy lâu nay em vẫn mơ hồ.

Xã Xuân Cẩm (Thường Xuân), chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Do vậy, các hoạt động giữ gìn bản sắc, xây dựng nếp sống văn hóa Thái được xã đặc biệt quan tâm. Đến nay, hầu hết lớp trẻ trong xã đều sinh sống trong những căn nhà sàn truyền thống. Nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn xã vẫn được giữ gìn và thu hút rất nhiều các bạn trẻ tham gia. Ngoài ra, ở hầu hết các thôn, bản đều thành lập đội văn hóa, văn nghệ với lực lượng nòng cốt chủ yếu là lớp trẻ biểu diễn vào các ngày lễ, tết, khai trương làng văn hóa, ngày đại đoàn kết toàn dân...

Ông Cầm Bá Huyến - Trưởng phòng VHTT huyện Thường Xuân, cho biết: Hiện nay, thế hệ trẻ trên địa bàn huyện hầu như ai cũng thuộc làu những trò chơi, trò diễn, những làn điệu khặp, điệu xòe, nhảy sạp, khua luống... của dân tộc mình. Nhận thấy vai trò quan trọng của lớp trẻ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương nên huyện cũng đã trực tiếp mời các nghệ nhân tham gia dạy hát, múa dân ca cho thanh thiếu nhi ở các bản, làng trong các buổi sinh hoạt văn nghệ với phần nào mong muốn các em sẽ hiểu hơn và tự hào về truyền thống văn hoá của dân tộc mình.

Việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc thông qua việc lồng ghép nội dung dạy múa hát dân ca trong các buổi sinh hoạt văn nghệ ở các bản, làng cho thế hệ trẻ đã và đang bước đầu đạt được kết quả khả quan. Đây thực sự là một cách làm hay, nên được nghiên cứu và nhân rộng vì thông qua đó lực lượng nòng cốt là lớp trẻ sẽ tiếp thu, giữ gìn và phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]