(vhds.baothanhhoa.vn) - Với hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, đa dạng, trong đó, nhiều di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, những năm qua, huyện Như Thanh đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, đồng thời thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích xuống cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của các di tích ở Như Thanh

Với hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, đa dạng, trong đó, nhiều di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, những năm qua, huyện Như Thanh đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, đồng thời thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích xuống cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân.

Khu du lịch Bến En nhiều năm qua đã là điểm đến của du khách trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa.

Có dịp đi lễ đền Phủ Na ở xã Xuân Du (Như Thanh), mới thấy người dân ở đây luôn tự ý thức chăm lo gìn giữ, bảo vệ và tu sửa di tích lịch sử văn hóa ở làng quê mình, cũng như ý thức về các ngày sinh hoạt lễ tết, hội làng, tự hào về thuần phong, mỹ tục với những việc làm hết sức lành mạnh, nhân văn. Nhiều nét văn hóa vẫn lưu giữ được đến ngày nay, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất này. Bởi thế, hàng năm vào dịp mùng 6 Tết, Lễ hội Phủ Na gắn với di tích lịch sử đền Phủ Na chính thức được huyện Như Thanh và chính quyền địa phương tổ chức khai hội, lễ hội thu hút đông đảo bà con và du khách thập phương tới dâng hương, vãn cảnh.

Phủ Na được xem là một trong những di tích tâm linh không chỉ của riêng người dân huyện Như Thanh mà còn của tỉnh Thanh Hóa. Chính điều đặc biệt trong tín ngưỡng cùng với phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, và hệ thống đền, miếu quy tụ ở một vùng thung lũng tạo nên một quần thể di tích độc đáo mang tính nguyên sơ, đã thu hút hàng trăm ngàn khách thập phương về với điểm du lịch này trong những ngày xuân.

Quần thể di tích Phủ Na đã được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hoá và thắng cảnh ngày 28/1/1993. Ngày 2/1/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định công nhận Phủ Na là là Điểm du lịch cấp tỉnh. Theo kết luận tại Hội thảo khoa học về Di tích danh thắng Phủ Na tháng 9/2003, Phủ Na ra đời vào năm 1909 (dấu tích còn ghi lại thượng lương của đền Mẫu Nghi Thiên Hạ), được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn. Tín ngưỡng thờ ở Phủ Na là thờ Mẫu. Khi tín ngưỡng của đạo Mẫu - Liễu Hạnh du nhập về Xuân Du thì tại đây đã có tín ngưỡng thờ Tản Viên, mẹ Âu Cơ và chúa Cửa Rừng (chúa Thượng Ngàn). Vì vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu đã hòa phối cùng tín ngưỡng của người Mường cùng tồn tại, phát triển, được thể hiện ở hệ thống thờ tại Phủ Na.

Cô Nguyễn Thị Trang, Đồng đền thủ nhang tại di tích đền Phủ Na, cho biết: Nhận thức được giá trị truyền thống văn hóa của lễ hội Phủ Na đối với đời sống của nhân dân cũng như việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh, nên những năm qua, quần thể di tích đền Phủ Na luôn được đón nhận sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đóng góp của nhân dân và du khách. Cùng với đó là sự tăng cường công tác quản lý lễ hội để đảm bảo các yếu tố văn hóa đẹp, lành mạnh tiếp tục được phát huy, làm cho đời sống tinh thần của nhân dân thêm phong phú, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tỉnh, hạn chế, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xu hướng thương mại hóa..., không làm ảnh hưởng, phá vỡ kỷ cương và không khí tôn nghiêm vốn có của chốn linh thiêng, không làm biến dạng và méo mó các giá trị đích thực của lễ hội.

Những năm qua, không thể phủ nhận những nỗ lực, cùng nhiều cách làm linh hoạt nên hệ thống di tích trên địa bàn huyện Như Thanh ngày càng được giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã có Nghị quyết số 08 về chương trình “Phát triển du lịch của huyện giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, tiến hành kiểm tra, đánh giá thực trạng các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn và có kế hoạch trùng tu, tôn tạo... thành lập và điều hành có hiệu quả Ban quản lý của từng khu di tích, lựa chọn những người gắn bó, tâm huyết với các di tích để kiện toàn vào ban quản lý, chỉ đạo chặt chẽ công tác trông coi, bảo vệ, giữ gìn các cơ sở vật chất, di vật, cổ vật thuộc khu di tích, yêu cầu theo dõi hiện trạng và kịp thời báo cáo cấp trên khi có hư hỏng, xuống cấp để trùng tu, khắc phục... Quá trình tôn tạo của các di tích được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, dưới sự kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quy mô và giá trị vốn có của di tích, và đặc biệt là toàn bộ kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 di tích, trong đó có 1 di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia, 4 di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh cấp tỉnh, 2 di tích lịch sử văn hóa đang lập hồ sơ khoa học trình tỉnh công nhận, có 2 danh lam thắng cảnh là Khu du lịch sinh thái Bến En và Khu du lịch lòng hồ Yên Mỹ. Bằng các nguồn vốn, trong những năm qua huyện đã trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh đền Phủ Na (hay còn gọi là Na Sơn động phủ), ở xã Xuân Du, Di tích lịch sử cách mạng Lò cao kháng chiến, đền Khe Rồng... với tổng kinh phí 42 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng nguồn vốn xã hội hóa, các đồng gia bản hội, các nhà hảo tâm doanh nghiệp, một số di tích lịch sử khác trên địa bàn huyện cũng được trùng tu, tôn tạo. Bên cạnh đó, huyện cũng đang đẩy mạnh, xây dựng triển khai chính sách khuyến khích, ưu đãi, đầu tư phát triển du lịch, từng bước đầu tư 3 dự án du lịch gồm: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi, giải trí cao cấp Bến En do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư; du lịch cộng đồng làng Roọc, xã Xuân Phúc; dự án Du lịch sinh thái Eo Gắm ở xã Hải Long...

Theo ông Trịnh Xuân Phòng - Phó phòng Văn hóa huyện Như Thanh, cho biết: Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hoá trên địa bàn huyện, mà đặc biệt là công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa từ các di tích lịch sử, văn hóa đã luôn được quan tâm và thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, công tác này hiện còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do có địa hình đồi núi, rộng, nhiều đơn vị hành chính các di tích nằm rải rác nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, nắm bắt tình hình, đội ngũ cán bộ mỏng, hạn chế trong việc triển khai các văn bản, hướng dẫn của Nhà nước trong công tác quản lý tại các khu di tích, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên công tác xã hội hóa trong việc tu bổ di tích và tổ chức lễ hội còn hạn chế, dẫn đến một vài di tích xuống cấp chưa được trùng tu, tôn tạo kịp thời.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]