(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) “Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mười hai tháng sáu rủ nhau mà về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mười hai tháng sáu cũng về Hàn Sơn”. Những ngày đầu tháng 6 (âm lịch), có dịp về xã Châu Lộc (Hậu Lộc), du khách sẽ được đắm mình trong không khí náo nhiệt của lễ hội Hàn Sơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hàn Sơn chuẩn bị vào mùa lễ hội

(VH&ĐS) “Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mười hai tháng sáu rủ nhau mà về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mười hai tháng sáu cũng về Hàn Sơn”. Những ngày đầu tháng 6 (âm lịch), có dịp về xã Châu Lộc (Hậu Lộc), du khách sẽ được đắm mình trong không khí náo nhiệt của lễ hội Hàn Sơn.

Cụm di tích Hàn Sơn nổi tiếng thơ mộng và hữu tình bởi trên có dãy núi Sơn Trang bao phủ, dưới có sông, ghềnh đá nơi sông Mã tách dòng trước khi về biển cả; nơi một con gà gáy cả 5 huyện cùng nghe…

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Thơ - Chủ tịch UBND xã Châu Lộc (Hậu Lộc), cho biết: Cụm thắng tích Hàn Sơn đã có một thời bị lãng quên bởi chiến tranh phá hoại quá nhiều. Với lòng tôn kính, mỗi năm nhân dân địa phương đóng góp tiền của, công sức khôi phục dần các di tích. Đến nay, ngôi đền đã được trùng tu tôn tạo, du khách thập phương dù đi đâu về đâu cũng không quên được “tháng Sáu hội Gai, tháng hai hội Mía” (hội Gai tức hội đền Hàn) là lễ hội văn hóa tâm linh lớn.

Hàng năm, cứ đến tháng 6 âm lịch, hàng ngàn khách thập phương lại dập dìu tìm đến Hàn Sơn. Di tích vào mùa lễ hội đông vui, náo nức nhưng linh thiêng và thành kính. Du khách đến đây với nhiều lý do: Làm lễ, hầu bóng, cầu may và thưởng ngoạn cảnh vật… Tựu trung trong mỗi người là lòng thành kính, tĩnh tâm, gột rửa phiền muộn giữa chốn đời thường để lòng nhẹ nhõm, thanh thản.

Đền mẫu thuộc cụm di tích Hàn Sơn được trùng tu, tôn tạo, phục vụ du khách.

Theo sử sách ghi lại, cụm thắng tích Hàn Sơn gồm: Phủ Mẫu, đền cô Tám, đền quan Hoàng Ba, đền quan Giám Sát, đền Cô Đôi… Mỗi ngôi đền được gắn kết với những câu chuyện do người xưa ghi chép lại với một giai thoại riêng biệt.

Đầu tiên đến thăm quan Phủ Mẫu (cung cấm) du khách sẽ cảm nhận được sự uy nghi, linh thiêng. Phủ Mẫu gồm 5 cung: Thượng điện thờ Tam tòa Thánh Mẫu; Thánh Mẫu Liễu Hạnh ngồi ở giữa và cao nhất, bên hữu là mẫu Thoải (mẹ của sông nước), bên tả là mẫu Thượng ngàn (mẹ của núi rừng). Cung thứ hai ở giữa là ban thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu; bên tả thờ vua Bát Hải, bên hữu thờ Diêm Vương. Cung thứ ba là ban thờ đức Thánh Trần có 2 công chúa hầu cận. Cung thứ tư thờ ngũ vị tôn ông: 4 nhiên thần của miền vũ trụ và quan lớn Tuần Tranh (Trần Quốc Toản) làm nhiệm vụ kiêm chi đôi nước. Cung thứ năm thờ tứ phủ Chầu Bà, các thần linh được nhân dân coi trọng, tạo thuận lợi trong công việc và giúp họ đánh quân xâm lược.

Cách Phủ Mẫu không xa là đền cô Tám thờ vị “cứu tinh linh thiêng” chuyên lặn lội vào tận rừng sâu tìm những phương thuốc quý để cứu giúp những người dân lành, tương truyền trị khỏi cả bệnh nan y. Cây cỏ quanh khu vực đều là dược liệu quý, nếu ai tới đây thì khi về nhớ mang về ít lá cây để sắc uống.

Điều đặc biệt, đền cô Tám còn giữ được một cung Nhất bên cạnh cây đa cổ thụ trên 500 tuổi, xum xuê tỏa bóng mát, ôm trọn ngôi đền, chứng kiến bao biến cố, thăng trầm lịch sử.

Quanh khu vực dòng nước thác ghềnh hung dữ, ta bắt gặp đền Cô Đôi thờ hai vị Thánh cô. Truyền thuyết kể: Xưa có 2 người con gái, tuổi đôi mươi vì cảnh đời éo le nên không quản mưa gió đến nơi đây cầu Thánh Mẫu. Khi qua sông, nước lũ quá dữ, họ đã thác xuống dòng sông. Nhân dân địa phương cảm động, cho là người thành tâm với Thánh Mẫu nên xây đền thờ cho 2 cô bên bờ sông Lèn cách Phủ Mẫu chừng 1 km.

Thời gian lễ hội thường kéo dài đến hết tháng nên ngoài phần lễ, khách thập phương sẽ được hòa mình vào những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc. Đầu tiên là nghi lễ dành cho các bản hội: ngày lễ, đêm họ ở lại hầu bóng. Ngày 12 của tháng hội là ngày rước bóng, sau đó là những cuộc đua thuyền náo nhiệt trên sông, trai gái thi tài, hát đối đáp giao duyên…

Cũng bởi Hàn Sơn tọa lạc trên vùng đất “bồng lai tiên cảnh”, nằm ngay ở nơi sơn quần thủy tụ, nên về đây du khách sẽ được thưởng ngoạn nét đẹp huyền ảo của thiên nhiên.

Vào mùa lễ hội, đông đảo du khách lại về Hàn Sơn dâng hương.

Để chuẩn bị tổ chức mùa lễ hội năm nay xã Châu Lộc đã lên phương án đảm bảo giao thông, an ninh trật tự, kiên quyết ngăn chặn tình trạng móc túi, cờ bạc lưu động.

Ngoài ra, nhằm kịp thời giúp du khách phản ánh những hiện tượng thiếu văn hóa trong mùa lễ hội hoặc đóng góp những ý kiến để công tác tổ chức lễ hội ngày càng tốt hơn, Ban quản lý và Ban tổ chức lễ hội đã thiết lập đường dây nóng nhằm giúp người dân và du khách dễ dàng liên lạc.

Đồng thời phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cụ thể cho các tiểu ban triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, ATGT, nhằm hạn chế tình trạng hành khất, mê tín dị đoan, móc túi, trộm cắp, sư giả… góp phần giữ gìn nét đẹp truyền thống của lễ hội.

Vào những ngày này, ở cụm di tích Hàn Sơn đang nhộn nhịp, khẩn trương cho công tác chuẩn bị. Công tác vệ sinh môi trường trong và ngoài khuôn viên cụm di tích cũng được tiến hành. Nhiều hạng mục di tích đang được trùng tu, tôn tạo để đón chào du khách về dâng hương vãn cảnh.

Với sự nỗ lực, cố gắng của các lực lượng chức năng cùng ý thức chấp hành của người dân, tin rằng Lễ hội Hàn Sơn năm nay sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách về dự lễ hội.

Hà Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]