(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Vào sáng ngày 19/5/2017, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực văn học nghệ thuật 2016 sẽ được tổ chức trao giải tại Nhà hát lớn Hà Nội. Trong số 18 tác giả được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, 95 tác giả được trao giải thưởng Nhà nước, Thanh Hóa vinh dự có 3 tác giả hiện đang sống và làm việc tại địa phương. Đó là Nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân với tác phẩm: Cõi người qua tín ngưỡng Mường Trong và Văn hóa giao duyên Mường Trong; Nhà nghiên cứu Phạm Vương Túc (nhà thơ Vương Anh) với tác phẩm Xường cài hoa dân tộc Mường; và nhà văn Kiều Vượng với tác phẩm Vùng trời thủng. Báo Văn hóa & Đời sống xin chúc mừng các tác giả, và xin giới thiệu với độc giả hành trình lao động và sáng tạo của các tác giả.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hoàng Anh Nhân - một đời gom nhặt văn hóa dân gian Mường

(VH&ĐS) Vào sáng ngày 19/5/2017, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực văn học nghệ thuật 2016 sẽ được tổ chức trao giải tại Nhà hát lớn Hà Nội. Trong số 18 tác giả được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, 95 tác giả được trao giải thưởng Nhà nước, Thanh Hóa vinh dự có 3 tác giả hiện đang sống và làm việc tại địa phương. Đó là Nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân với tác phẩm: Cõi người qua tín ngưỡng Mường Trong và Văn hóa giao duyên Mường Trong; Nhà nghiên cứu Phạm Vương Túc (nhà thơ Vương Anh) với tác phẩm Xường cài hoa dân tộc Mường; và nhà văn Kiều Vượng với tác phẩm Vùng trời thủng. Báo Văn hóa & Đời sống xin chúc mừng các tác giả, và xin giới thiệu với độc giả hành trình lao động và sáng tạo của các tác giả.

Gặp ông, tôi nghĩ ngay đến hình ảnh con ong cần mẫn một đời đi tìm hoa để tạo mật. Ngoài 83 tuổi, nhà sưu tầm và biên soạn Hoàng Anh Nhân tuy không còn vẻ tinh anh, nhưng sự hăng say của ông thì vẫn thấy rất rõ.

Duyên nợ đầu tiên phải nói đó là sau năm 1960, ông vào làm việc ở Ty Văn hóa. Nhiều người thời đó, biết đến ông qua vài ba vở kịch. Sau chặng đường luân chuyển công tác, từ Thanh Hóa lặn lội vào Sông Bé đi xây dựng văn hóa, rồi vừa trở ra Thanh lại được biệt phái lên Ban Dân tộc phụ trách văn hóa các dân tộc ít người. Ông mỉm cười: Đừng gọi đó là truân chuyên, với tôi, đến tuổi này mới nhận ra đó là sự may mắn.

Cũng nhờ vào duyên may ấy mà đến nay, nhà sưu tầm biên soạn Hoàng Anh Nhân đã có trong tay 47 đầu sách của dân tộc Mường, dân tộc Thái. Ông đưa cho tôi bản thảo Hồi kí Hoàng Anh Nhân mà ông đang viết. Ông tâm sự: Chính cuốn hồi kí này là cơ hội để ông nhớ lại tất cả những con người may mắn ông được gặp, những bài vía, bài mo. Hình ảnh Hoàng Anh Nhân với chiếc xe đạp cà tàng, với mấy bộ quần áo lặn lội đi hết bản này đến bản khác đã khiến bạn bè nể phục ông. Ông cười tươi: Cả mái tóc xanh gửi lại cho rừng, nên bây giờ phơ phơ đầu bạc.

Nhà biên soạn nghiên cứu Hoàng Anh Nhân.

Bắt đầu từ năm 1963, sau cuốn Truyện thơ Mường, ông và nhà văn Minh Hiệu sưu tầm, bạn đọc và đồng nghiệp biết đến cái tên Hoàng Anh Nhân. Đến năm 1973, ông gặp nhà thơ Vương Anh, và cả hai đã phát hiện ra “Đẻ đất đẻ nước”. Cuốn sách ngay lập tức được các Giáo sư đầu ngành, các cơ quan văn hóa lớn như Viện Văn học, Liên hiệp văn học nghệ thuật rồi Hội văn nghệ dân gian tổ chức hội thảo khoa học. “Thú thực lúc đó tôi không hiểu nổi giá trị lớn của tác phẩm. Sau đó Tỉnh ủy Thanh Hóa giao cho Sở Văn hóa Thanh Hóa tổ chức cuộc hội thảo Khoa học và ông Đặng Thai Mai lúc đó là Chủ tịch Hội liên hiệp văn học và nghệ thuật Việt Nam, các nhà nghiên cứu như Vũ Ngọc Phan, Nông Quốc Chấn rất hưởng ứng.

Sau đó, ông dần dần gắn bó với đồng bào dân tộc, coi người Mường như phần máu thịt của mình. 2 cuốn sách nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân tâm đắc đó chính là Cõi người qua tín ngưỡng Mường Trong xuất bản năm 2008 và Văn hóa giao duyên Mường Trong xuất bản năm 2011. Đây cũng chính là hai cuốn sách ông đã vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016. Có thể nhiều độc giả chưa hiểu tại sao ông lại chọn Mường Trong. Nếu như Mường Ngoài tính từ Hòa Bình trở ra thì Mường Trong được tính từ Thanh Hóa trở vào đến Quảng Bình. Với điều kiện thâm nhập, ăn cùng, sống cùng với người Mường Thanh Hóa, nhà sưu tầm Hoàng Anh Nhân cho rằng: Dù rất ngẫu nhiên nhưng cũng có nhiều nguyên cớ để tôi chọn đối tượng sưu tầm chủ yếu là văn hóa dân gian Mường. Trước tiên vì văn hóa Mường rất gần với văn hóa Việt. Tuy vậy, họ có cách phản ánh, sáng tạo rất riêng.

Nhiều người chỉ nghĩ, tìm hiểu văn hóa dân gian là lượm lặt cái đã có sẵn, không bột khó gột nên hồ. Nhưng văn hóa dân gian là một thực thể sống, nảy sinh, tồn tại và phát triển gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng của quần chúng lao động. Chính vì thế ông đã phải lặn lội vất vả để người dân có thể nói hết được về văn hóa, về những giá trị truyền thống của họ. Ông thuyết phục họ bằng cách đi vào thâm nhập thực tế ở các cuộc lễ bái, tang ma, đồng thời học tiếng nói của người Mường để có thể tiếp xúc, trò chuyện thành thục.

Năm 2015, nhà sưu tầm nghiên cứu Hoàng Anh Nhân tiếp tục cho ra mắt cuốn sách “Tuyển tập sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian Thanh Hóa”. Cuốn sách là cả một kho tàng giá trị về văn hóa dân gian ở Thanh Hóa, đồng thờicũng là một sự trao truyền của ông với những người mới bước chân vào địa hạt này. “Tôi muốn giúp anh em đã làm công việc này thì nên đi thế nào, tìm hiểu văn hóa dân gian ra sao”. Cũng vì lẽ đó mà “Tuyển tập sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian Thanh Hóa” đã đạt Giải Sách năm 2015 của Hội xuất bản và giải A của Giải thưởng Lê Thánh Tông, Hội văn học nghệ thuật Thanh Hóa năm 2015.

Nếu như với những người khác, một khi có tuổi, lại thêm đã có những thành tích nhất định, họ sẽ dễ thỏa mãn, nhưng với nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân, ông từng ngày miệt mài, gom nhặt từng tí một, tập hợp dành dụm lại rồi sau đó mới ngồi vào bàn viết và viết. Sau Tuyển tập ấy, ông tiếp tục cho ra mắt độc giả cuốn Tín ngưỡng vía Mường Trong, và cuốn Truyện thơ Mường nàng ờm chàng Bồng Hương và anh Loong Choóng.

Nghe ông kể chuyện tâm sự mới biết kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc ít người nói chung và người Mường nói riêng vô cùng phong phú, và những nhà nghiên cứu như ông vẫn chưa khai thác hết được. Nhưng ông cũng không quá tiếc khi cho rằng “những giá trị tinh hoa nhất thì mình đã hái được rồi”.

Mỗi tác phẩm của ông, mang một góc nhìn, góp phần tìm hiểu văn hóa Mường, thông qua các biểu hiện văn hóa tín ngưỡng mà ông cho là tiêu biểu của tín ngưỡng Mường Trong. Và theo ông, văn hóa Mường là một yếu tố quan trọng trong sự trưởng thành của mình. “Tôi cảm ơn tất cả những người đã âm thầm đồng hành. Trong đó trước tiên là bà con người Mường Trong cưu mang, nuôi dưỡng, dạy bảo, và những người như ông Hà Văn Ban, ông Ngô Hoài Chung đã lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh tạo điều kiện, nâng bước tôi đi trên con đường học tập và nghiên cứu văn hóa. Đặc biệt, cảm ơn làng Đại An - Hoàng Lương - Hoằng Hóa, nơi tôi sinh ra”. Bỗng tôi nhớ đến những dòng chữ đầu tiên trong cuốn Hồi ký đang còn dở dang của ông: “Tôi sinh ở làng Đại An, xã Hoằng Lương, huyện Hoằng Hóa - một làng quê nông nghiệp, tôi lớn lên trong khuôn phép của tổ tiên dạy rằng, bán chị em xa mua láng giềng gần, chị em không bán láng giềng phải mua, như vậy là gia đình, làng xóm tạo nên cộng đồng làng, cộng đồng làng trở thành sức mạnh, là bóng mát chở che cho cuộc sống của mỗi người. Mọi gia đình trong làng đều dìu nhau vượt qua mọi thử thách, mọi bước thăng trầm của cuộc sống đem công tích, nước mắt, mồ hôi, công sức duy trìvà phát triển cuộc sống bằng nghĩa xóm tình làng, bằng tối lửa tắt đèn có nhau. Nhờ thế mà làng tôi đã lớn lên và phát triển trong suốt hơn 1 nghìn năm lịch sử kể từ thuở ông Bưng Lê Phụng Hiểu, quẩy núi dời sông, mở rộng ruộng đồng tạo nên môi trường thuận lợi cho dân trong vùng làm ăn sinh sống”.

Nghỉ hưu lâu, nhưng công việc của ông chưa khi nào ngơi nghỉ. Hành trình sống và làm việc của ông còn tiếp tục. Ông bỏ qua hết mọi sân si của lẽ đời, lẽ người để âm thầm gom nhặt của nả văn hóa dân tộc. Tên tuổi của ông chính ở những tác phẩm mang thương hiệu Hoàng Anh Nhân.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]