(vhds.baothanhhoa.vn) - Sáng nay (15/4), UBND huyện Như Xuân đã tổ chức Hội thảo khoa học Phục dựng lễ hội Đền Chín gian với mục đích xác định rõ nguồn gốc lịch sử Đền Chín gian và lễ hội dâng trâu tế trời của người Thái ở huyện Như Xuân và các vùng phụ cận, đồng thời nghiên cứu về lễ nghi thờ tự, trình tự tổ chức nghi lễ, giá trị, ý nghĩa của lễ hội dâng trâu tế trời, làm cơ sở cho việc khôi phục lễ hội, đồng thời làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và góp phần phát triển KT-XH của huyện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hội thảo Phục dựng lễ hội Đền Chín gian

Sáng nay (15/4), UBND huyện Như Xuân đã tổ chức Hội thảo khoa học Phục dựng lễ hội Đền Chín gian với mục đích xác định rõ nguồn gốc lịch sử Đền Chín gian và lễ hội dâng trâu tế trời của người Thái ở huyện Như Xuân và các vùng phụ cận, đồng thời nghiên cứu về lễ nghi thờ tự, trình tự tổ chức nghi lễ, giá trị, ý nghĩa của lễ hội dâng trâu tế trời, làm cơ sở cho việc khôi phục lễ hội, đồng thời làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và góp phần phát triển KT-XH của huyện.

Đền Chín gian được xây dựng vào năm 1937, sau 3 lần tổ chức lễ hội (cứ 2 năm tổ chức lễ hội một lần) thì kết thúc vào năm 1944 do hoàn cảnh chiến tranh và điều kiện kinh tế khó khăn của nhân dân địa phương. Để khôi phục lại Đền Chín gian gắn với lễ hội dâng trâu tế trời nhằm góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn huyện, từ năm 2012 trong khuôn khổ “Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1820 ngày 31/3/2012 cho phép khôi phục lại phong tục cổ truyền này. Đến ngày 30/1/2015, Đền Chín gian đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho việc phục dựng lại di tích và lễ hội đền Chín gian.

Quang cảnh hội thảo.

25 tham luận của các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, Trường đại học, các cơ quan nghiên cứu đã được gửi đến hội thảo, trong đó ngay tại hội thảo có 18 ý kiến góp ý và tham luận được trình bày. Nội dung các tham luận tập trung ở 3 chủ đề: Những vấn đề chung về văn hóa dân tộc Thái và vấn đề phục dựng lễ hội Đền Chín gian thuộc xã Thanh Quân, huyện Như Xuân; Tục dâng trâu tế trời và lễ hội Đền Chín gian; Một số vấn đề về khai thác du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh gắn với lễ hội Đền Chín gian thuộc xã Thanh Quân và các di tích lịch sử danh thắng khác trong và ngoài huyện Như Xuân.

Để chuẩn bị cho hội thảo này, trước đó huyện Như Xuân đã tổ chức điền dã thực địa, phát động nhân dân và cán bộ toàn vùng sáu Thanh sưu tầm tư liệu và một cuộc hội nghị khoa học trong phạm vi vùng sáu Thanh - vùng không gian địa - văn hóa lâu đời của người Thái ở huyện Như Xuân; cuộc điền dã thực địa tại một số địa bàn ở huyện Như Xuân và huyện Quế Phong (Nghệ An); hội nghị khoa học vùng sáu Thanh ngày 24/2/2018 nhằm trao đổi thảo luận, tập hợp ý kiến của nhân dân các vùng sáu Thanh về những vấn đề liên quan đến nguồn gốc lịch sử Đền Chín gian và nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trong việc phục dựng lễ hội.

Ông Hà Văn Thương - một trong số những người gắn bó và tâm huyết với văn hóa Thái đưa ra ý kiến tại hội thảo.

Có thể khẳng định, từ một phế tích được phục dựng là việc không dễ đặc biệt làm thế nào để qua quá trình phục dựng, di sản vẫn mang hồn cốt riêng. Đó là trăn trở của lãnh đạo huyện Như Xuân cũng như của các nhà khoa học. Nhiều vấn đề đã được đặt ra tại hội thảo, đáng chú ý là sự kiến giải cho những câu hỏi: Khôi phục và bảo vệ thế nào để không vi phạm công ước/ không gian và tính thiêng của di sản? Quan điểm cộng đồng, quyền cộng đồng và sự tham gia của cộng đồng vào di sản? Nên chăng phải quan tâm hơn nữa tới vai trò chủ nhân của thiết chế thờ Trời mà hình thức biểu hiện là đền chín gian (chủ yếu chỉ có ở người Tày Dọ). Bằng cách sử dụng phương pháp chồng văn bản, các nhà khoa học và đại biểu tham dự hội thảo đã khẳng định sắc thái riêng của Đền Chín gian thông qua biểu tượng vật thể và những lưu dấu trong tâm thức cộng đồng.

Hội thảo đã cơ bản thống nhất về nguồn gốc lịch sử ra đời, vị trí xây dựng Đền Chín gian, ý nghĩa của việc thờ tự, về thờ tự và trang trí trong đền, không gian sinh thái, kịch bản tổ chức lễ hội. Trong đó có một số ý kiến trái chiều về thời gian tổ chức lễ hội nên sử dụng thời gian của người Thái từ đầu tháng 5 đến trước 15/7 âm lịch hay để phù hợp với điều kiện KT-XH, phong tục tập quán và sản xuất nên tổ chức vào mùa xuân.

Hội thảo đã khẳng định việc khôi phục, tôn tạo Đền Chín gian và tổ chức lễ hội nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong huyện, nhất là văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái trên địa bàn huyện. Đồng thời là điểm nhấn quan trọng để phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh và du lịch cảnh quan, môi trường của địa phương trong bối cảnh kết nối với các huyện khác trong và ngoài tỉnh; với mục tiêu văn hóa du lịch phải trở thành nguồn lực cho sự phát triển kinh tế của địa phương.

KIỀU HUYỀN


KIỀU HUYỀN

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]