(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếp sống văn hóa được hình thành, ý thức trách nhiệm và sự tự giác của người dân trong các phong trào, hoạt động tại khu dân cư được nâng cao, là điều kiện để xây dựng đô thị văn minh đạt kết quả bền vững.

Khi nếp sống văn hóa là nền tảng xây dựng đô thị văn minh

Nếp sống văn hóa được hình thành, ý thức trách nhiệm và sự tự giác của người dân trong các phong trào, hoạt động tại khu dân cư được nâng cao, là điều kiện để xây dựng đô thị văn minh đạt kết quả bền vững.

Khi nếp sống văn hóa là nền tảng xây dựng đô thị văn minhLễ hội bánh giầy, TP Sầm Sơn.

Từ nếp sống văn minh trong cưới, tang và lễ hội

Trên địa bàn phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn), mỗi năm có đến hàng chục đám cưới diễn ra. Trước đây, còn nặng nề tình trạng “trả nợ miệng” nên mỗi khi trong thôn, khu phố có đám hỷ, tất thảy người dân trong khu dân cư đều được gia chủ mời đến tham dự. Từ nhiều năm nay, tình trạng này đã giảm đi đáng kể. Bà Lê Thị Hường, khu phố Xuân Phú, phường Trung Sơn, cho biết: “Bình quân mỗi tháng, gia đình tôi nhận từ 3-5 giấy mời tham dự đám cưới. Thú thật, mời mà không đi, ra đường không dám nhìn mặt nhau. Vì vậy, chỉ riêng tiền đám cưới, mỗi tháng gia đình tôi chi từ 1.000.000 - 1.500.000 đồng. Hai ông bà đã hết tuổi lao động, lương không có, nên mỗi khi nhận được giấy mời, tôi lo lắm. Trước đây, gia đình có việc, họ cũng đã đến. Từ khi xảy ra dịch COVID-19, được cán bộ phường, khu phố tuyên truyền, vận động tuân thủ 5K phòng, chống dịch nên các gia đình khi dựng vợ, gả chồng cho con, không còn mời tràn lan như trước, mà chỉ gói gọn trong gia đình. Tôi thấy làm như vậy rất tốt, mong cách làm này được duy trì”.

Bà Đàm Thị Thái, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, UBND TP Sầm Sơn, cho biết: Trước tình trạng đa số các đám hiếu, đám hỷ trên địa bàn tổ chức dài ngày, ăn uống linh đình, vừa gây tốn kém cho gia chủ, vừa mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông, các cấp ủy, chính quyền đã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12-1-1998 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 18-8-2021 của UBND tỉnh ban hành quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh. Trên tinh thần đó, cấp ủy, chính quyền và ngành văn hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm túc các quy định, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đề cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Bằng cách làm này, đến nay, nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, các đám hiếu, đám hỷ được người dân tổ chức gọn nhẹ, không ăn uống linh đình và kéo dài như trước. Đặc biệt, tình trạng căng phông rạp dài ngày, lấn chiếm lòng, lề đường hành lang an toàn giao thông cũng như xả rác không đúng nơi quy định trên đường làng, tuyến phố gần như được chấm dứt, góp phần làm cho bộ mặt đô thị thông thoáng, sạch đẹp.

Khu phố Hòa Bình, phường Hải Châu (thị xã Nghi Sơn) được ghi nhận là khu phố có phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nhất là trong thực hiện việc cưới, tang theo nếp sống mới. Trưởng khu phố, ông Lê Bá Thắng, cho biết: Trước đây, việc cưới, việc tang với nhiều thủ tục rườm rà, đặc biệt là trong đám tang có tục khóc mướn, cúng bái, nhạc loa inh ỏi, rải vàng mã ra đường. Mỗi đám thường kéo dài 3 ngày và ăn uống đại trà nên rất tốn kém. Tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, địa phương đã lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đám cưới, đám tang gọn nhẹ, chỉ giới hạn trong nội bộ gia đình và tuân thủ nghiêm túc 5K trong phòng, chống dịch. Để người dân tuân thủ, cán bộ, đảng viên trong khu phố phải là người gương mẫu chấp hành. Bằng cách làm này, đến nay 224 hộ trong khu phố đều đã chấp hành nghiêm túc. Vì vậy, các đám cưới, đám tang rút ngắn xuống còn 2 ngày và không mời ăn uống đại trà như trước. Đặc biệt, nhiều hủ tục trong đám tang như khóc mướn, rải vàng mã, cúng bái trên loa, đài... không còn nữa.

Đến phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao

Nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp Nhân dân, trong những năm gần đây, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở 11 xã, phường trên địa bàn TP Sầm Sơn và 31 xã, phường trên địa bàn thị xã Nghi Sơn ngày càng được hoàn thiện, là nền tảng thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ (VHVN), thể dục thể thao (TDTT) của 2 địa phương này phát triển.

Khi nếp sống văn hóa là nền tảng xây dựng đô thị văn minhBiểu diễn võ thuật tại lễ khai hội đền Lĩnh, phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn).

Bà Đàm Thị Thái, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, UBND TP Sầm Sơn, cho biết thêm: Hiện nay, TP Sầm Sơn có 1 nhà thi đấu thể thao, đáp ứng được nhu cầu tổ chức các giải đấu thể thao trong nhà cấp quốc gia; 3 sân khấu ngoài trời (sân khấu bãi biển) và 1 công viên (Công viên hòn Trống Mái) đảm bảo điều kiện tổ chức các sự kiện văn hóa cấp quốc gia; 11/11 đơn vị hành chính cấp xã, phường có thiết chế văn hóa; 85/86 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 98,84%. Đây là những điều kiện đưa tỷ lệ người tham gia luyện tập TDTT trên địa bàn thành phố thường xuyên đạt 51%, gia đình thể thao đạt 56%. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số hoạt động TDTT trên địa bàn thành phố không được tổ chức theo kế hoạch. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự ủng hộ, hưởng ứng tham gia của các đơn vị và Nhân dân, thành phố đã đăng cai, tổ chức thành công một số giải thi đấu thể thao có chất lượng chuyên môn cao, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, như: Giải bóng bàn, cầu lông, quần vợt hè Sầm Sơn năm 2021; Giải vô địch cầu mây toàn quốc năm 2021...

Tại thị xã Nghi Sơn, phong trào tập luyện VHVN, TDTT cũng đang có nhiều khởi sắc. Ông Nguyễn Văn Trà, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, UBND thị xã, cho biết: Ngoài trung tâm thể thao của huyện đang tiến hành tu sửa nâng cấp với kinh phí 5 tỷ đồng, 31 phường, xã với 232/238 thôn, tổ khu phố đều có nhà văn hóa, sân thể thao, phục vụ hoạt động VHVN, TDTT của người dân. Ngoài ra, trên địa bàn thị xã đã xây dựng 38 sân cỏ nhân tạo do các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, xây dựng. Nhờ đó, 100% các xã, phường trên địa bàn đều đã thành lập được các câu lạc bộ bóng chuyền hơi, bóng đá, cầu lông... Hiện tỷ lệ người tham gia hoạt động thể thao thường xuyên của thị xã đạt 42% và 38,2% gia đình thể thao thường xuyên.

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở TP Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn không chỉ đơn thuần là nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân mà còn tạo dựng môi trường văn hóa, văn minh đô thị. TP Sầm Sơn có 86% gia đình văn hóa, 100% khu phố đạt chuẩn văn hóa và 1 phường được công nhận phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Thị xã Nghi Sơn có gần 52.000/68.240 hộ gia đình văn hóa; 178/238 khu dân cư đạt chuẩn văn hóa; 6/15 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và 1 phường được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Khi nếp sống văn hóa được hình thành, ý thức trách nhiệm và sự tự giác của người dân trong các phong trào, hoạt động tại khu dân cư được nâng cao, là điều kiện để xây dựng đô thị văn minh đạt kết quả bền vững.

Bài và ảnh Minh Xuyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]