(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhà Lê Trung hưng ở Thanh Hóa, chọn sách Vạn Lại, hương Lam Sơn, căn cứ địa khởi nghĩa núi Lam, để xây dựng kinh đô Nam triều theo cách gọi của sử cũ, đối trọng với Bắc triều (Thăng Long) nơi nhà Mạc tiếp quản.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kinh thành Vạn Lại

Nhà Lê Trung hưng ở Thanh Hóa, chọn sách Vạn Lại, hương Lam Sơn, căn cứ địa khởi nghĩa núi Lam, để xây dựng kinh đô Nam triều theo cách gọi của sử cũ, đối trọng với Bắc triều (Thăng Long) nơi nhà Mạc tiếp quản.

Sách là đơn vị hành chính của làng Việt Mường ở miền núi rừng xa xôi hiểm trở. Vạn Lại (xã Xuân Châu) là mảnh đất nối liền Thọ Xuân trung du với Ngọc Lặc vùng cao, cảnh quan đặc sắc, một bức tranh trăm núi nghìn đồi, núi tiếp núi, đồi tiếp đồi, núi thoai thoải, đồi thâm thấp, thỉnh thoảng chen vào những đám bằng phẳng. Đồi núi rải rác lùm cây bụi cỏ, đây đó vang vọng tiếng chim đa đa kêu “trét trét đa đa” trong cảnh hoang vu, gợi nhớ câu thơ của Bà huyện Thanh Quan: “Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”, càng thêm âm u hoang vắng.

Sách Vạn Lại cư trú dưới thung lũng, như bị kẹp chặt giữa một bên đồi núi khô cằn, muỗi rừng thổi sáo, một bên sông Cầu Chày “chó lội đứt đuôi”. Nó phát nguyên từ Ngọc Khê chứa đầy nước lá lim độc hại, người ta dễ sinh bụng báng da vàng, nhưng thời gian trôi qua đã cuốn trôi tất cả sơn lam chướng khí để Vạn Lại trở nên nước ngọt đất lành.

Đầu thế kỷ XV, nhiều anh hùng áo nâu, hào kiệt chân đất về Lam Sơn tụ nghĩa, đã phải đến Vạn Lại tạm cư trú, tránh con mắt dòm ngó, dò xét của quân Minh. Họ ngày cầm cày cuốc sản xuất lương thực, đêm múa gươm giáo luyện võ chờ thời khắc linh thiêng, được đứng dưới cờ đại nghĩa.

Theo cách nhìn phong thủy học, quốc sử nói về kinh thành Vạn Lại: “Lập quốc tất phải lấy nơi hiểm trở làm căn cứ địa. Sách Vạn Lại núi đứng sững, nước uốn quanh, thật đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương”. Cho nên năm 1546 vua Lê Trang Tông dời đô phủ đến Vạn Lại. Năm 1548, Trang Tông (Lê Ninh) mất, thái tử Huyên nối ngôi tức Lê Trung Tông. Mấy lần quân Mạc tiến đánh Thanh Hóa, tấn công An Tràng, uy hiếp Vạn Lại, vua Lê và triều đình vẫn bình yên. Năm 1554, tại kinh đô kháng chiến Vạn Lại, Lê Trung Tông mở khoa thi (chế khoa) đầu tiên, chọn tiến sĩ 13 người cả tiến sĩ xuất thân và đồng xuất thân. Riêng đệ nhất giáp chỉ lấy đỗ được một người là Đinh Bạt Tụy quê xã Bùi Không, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Trong hoàn cảnh khói lửa chiến tranh vẫn có người dùi mài kinh sử, chứng tỏ chính sách Nam triều bấy giờ chú trọng võ không quên văn. Hai năm sau (1556) vua Lê mất, mới 22 tuổi, không con nối.

Thái sư Trịnh Kiểm và các đại thần tìm kiếm con cháu nhà Lê, vì bị nhà Mạc truy sát, phải trốn tránh khắp nơi. May mắn, triều đình tìm được Lê Duy Bang cháu 6 đời Lam Quốc Công Lê Duy Trừ, đang lưu lạc ở xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Duy Trừ là anh Lê Thái Tổ con cháu xứng đáng làm vua kế nghiệp. Chỉ hiềm Duy Bang sinh ra ở chốn dân gian trong cảnh nghèo đói, thất học, ham chơi bời lêu lổng. Cần phải che giấu dòng dõi hoàng gia, ông Duy Quang làm nghề nấu rượu ở Bố Vệ, đem ra chợ búa bán đổi lấy tiền mua gạo. Trong khi cha nấu rượu Duy Bang ngồi chầu chực bên cạnh xin nếm rượu lâu dần thành nghiện. Ông Duy Quang dạy con không được, gọt trọc đầu chỉ để lại cái chỏm tóc giữa đỉnh, nên thành tục danh chú Chỏm. Hàng ngày chú Chỏm ra chợ Cầu Bố kiếm rượu. Hàng ngày được Chỏm mở hàng, dù chỉ uống chịu cũng đắt khách, vì thế người ta tranh nhau bán chịu rượu cho Chỏm. Đùng một cái, Nam triều đón rước Chỏm về Vạn Lại làm vua. Người ta nhẩm tính tiền nợ rượu rủ nhau tìm đến Vạn Lai đòi nợ. Nhưng nợ cộng lại chồng chất như núi đồi Vạn Lại, triều đình lấy đâu tiền trả cho xuể. Tục truyền Thái sư Trịnh Kiểm phải ra lệnh cấm rất nghiêm bởi thế thành câu thành ngữ dân gian: “Nợ như chúa Chổm”.

Voi đá còn sót lại ở Vạn Lại.

Vạn lại ban đầu chỉ là nơi hành tại, sau 10 năm kiến thiết đã thành một chốn kinh đô, dẫu rằng qui mô còn nhỏ hẹp. Chung quanh thành lũy kiên cố bao bọc. Các cung thất, điện đình, lầu các đầy đủ. Điện thị triều uy nghi, chỗ hội họp bá quan, nơi nhà vua mở khoa thi tuyển văn tài. Ngự hoa viên để hoàng đế, hoàng hậu, cung nữ dạo chơi. Hồ sen nơi cung nữ tắm mát cầu điếu ngư để vua câu cá... Ngoài phố xá hàng trăm quán hàng cửa hiệu. Lụa vải gấm vóc, phấn son... Lại có cả đồ ăn thức uống... Những lúc yên bình, quân Mạc không quấy phá, cửa thành rộng mở cho nhân dân chung quanh vào chơi và mua bán tại khu chợ ở góc kinh thành. Tất nhiên vua Duy Bang rất thích. Nơi này đẹp đẽ, đông vui, thú vị gấp vạn lần Cầu Bố, tuy được xây dựng kiểu “thượng gia hạ kiều” hàng hóa bán hai bên, giữa là lối đi, nhưng chật hẹp, nghèo nàn... Vua Chổm (kiêng tên tục Chỏm, gọi chệch là Chổm) khoái nhất món rượu tăm thịt chó. Nhưng Chổm là một hoàng đế hàng ngày bận rộn vào việc học hành để trị nước, an dân, khôi phục đô thành Thăng Long. Thì ra làm vua đâu có sướng phải ngày đêm vất vả lo toan việc nước, đôi lúc Chỏm thấy cứ làm “chú Chỏm” năm xưa ở Cầu Bố hóa ra lại hay, tha hồ ăn chơi thả cửa.

Nhưng vua Duy Bang cũng nổi tiếng thông minh, học đâu nhớ đó, giá như bỏ được các thú đam mê thế tục, có thể trở thành minh quân, thánh chúa. Có lúc vua nghĩ vậy, kể cũng hay, tuy nhiên nhà vua nợ đời chưa trả hết, thói tục vẫn chứa đầy lòng tham không đáy, đến nỗi để lại lời ca dân gian lưu truyền hậu thế:

Vua Ngô băm sáu tàn vàng

Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì!

Chúa Chổm đánh rượu tì tì

Chết xuống âm phủ chả khác đếch gì vua Ngô!

Nói cho công bằng, đời vua Lê Anh Tông (Duy Bang - Chúa Chổm) cũng làm được mấy việc: Không ủng hộ Trịnh Cối mà phong tiết chế cho Trịnh Tùng, là thức thời; tổ chức một số khoa thi tiến sĩ tại điện thị triều Vạn Lại; giương cao ngọn cờ phù Lê, quy tụ nhân dân trong nước, tập hợp nhân tài về theo chính nghĩa...

Năm 1592, Lê Thế Tông (con Anh Tông) khôi phục cơ đồ trở lại Thăng Long, nhưng dư đảng quân Mạc chưa dẹp xong, những lúc Đông Đô bị đe dọa, nhà vua lại phải về kinh thành Vạn Lại căn cứ địa đề phòng biến cố lịch sử xảy ra.

Cuối thế kỷ XVII, nhà Lê suy yếu, đế nghiệp chuyển sang tay Tây Sơn rồi nhà Nguyễn (1802) Cảnh Thịnh cũng như Gia Long sợ con cháu nhà Lê dựa vào Lam Kinh, Vạn Lại, vùng cứ địa hiểm yếu để tụ nghĩa chống lại tân triều nên triệt phá cả 10 làng hương Lam Sơn. Mãi đến đời Tự Đức các làng hương Lam Sơn, trong đó là Vạn Lại, nhân dân mới được hồi cư trên đống đổ nát hoang tàn. Đôi voi đá đang kính cẩn quỳ chầu trên đám cỏ rậm, xưa là sân rồng. Những con ngựa đá mấy trăm năm vẫn đứng hiên ngang, yên cương chuẩn bị như lúc nào cũng sẵn sàng xông trận... Công lao đắp lũy xây thành, kiến thiết cung điện vất vả bao nhiêu thì sức lực san nền lấp ruộng khó nhọc bấy nhiêu.

So với đồng đất Yên Trường (An Tràng), Vạn Lại thua kém màu mỡ hơn nhiều, do bên kia được Lương Giang đem phù sa bồi đắp trong khi Cầu Chày bên này chỉ để lại của cải thiếu dinh dưỡng. Đồi núi có đá phiến, đá vôi, cát két, gra bo... tiếp giáp với đồi núi là đồng bằng phù sa cổ, chất đất cấu tạo không đều, tầng trên mầu nâu vàng, thành phần cơ giới thịt nhẹ đến thịt trung bình, tầng dưới phổ biến kết vón, đá ong, dễ rửa trôi, dẫn đến bạc màu, có phản ứng chua, PHKAL từ 4,0-5,2, hàm lượng mùn, lân, kali nghèo...

Phần nhiều núi đồi không tên có lẽ vì chưa in đậm dấu ấn bàn tay người khai phá “Danh sơn đệ nhất” là đồi tùng, núi Gò Tô - Đồi Tùng thế kỷ XVI vang bóng vàng son một thời với những cung điện, lầu các trải 4 đời vua, nay đã thành phế tích. Gò Tô không phải gò, đó là một dãy núi đá cao chừng 50-60m, từ đâu lưu lạc tới đứng sừng sững giữa vùng núi đồi thấp. Ở đây có mỏ phốt phát và rất quan trọng một “nhà bảo tàng cách mạng” tháng 8 năm 1935, tại hang núi Gò Tô, hội tương tế ai hữu của Đảng thành lập gồm 18 người lãnh đạo 400 công nhân đồn điền cà phê Vạn Lại đấu tranh, chống bọn quản lý tây, nhiều cuộc thắng lợi. Thời kỳ kháng chiến, Gò Tô nhộn nhịp sư đoàn 304 rèn cán chỉnh quân và rộn ràng xưởng cơ khí quân giới 66. Hang động Gò Tô cũng là nơi bảo vệ an toàn cho nhiều chiến sĩ cộng sản về hoạt động vùng liên xã Xuân Châu, Thọ Lập, Quảng Phú...

Thời kỳ khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp, lãnh tụ Tống Duy Tân lợi dụng địa thế hiểm trở của đồi núi Vạn Lại, bố trí trận địa nhử địch vào vòng vây trùng điệp để tiêu diệt. Ngày 30 tháng 11 năm 1889, sĩ quan Pháp Lơphevơrơ chỉ huy 300 quân Tây ngụy tiến vào đồi núi Vạn Lại lùng sục nghĩa quân, lập tức bị sa lưới - “Trận đồ bát quái” của nghĩa quân Hùng Lĩnh. Nhiều tên bị bắt, giết. Chỉ huy Lơ phevơrơ trúng đạn, trọng thương, giặc xả súng điên cuồng, liều chết đưa bại tướng chạy thẳng một mạch về tỉnh lỵ Thanh Hóa để cứu chữa. Tiếp theo ngày 2/12/1889 nghĩa quân với sự giúp đỡ của nhân dân Vạn Lại - Yên Lược giúp đỡ, bất ngờ tập kích phá tan đồn Yên Lược. Trong kháng chiến Cần Vương, trên đất Vạn Lại: Đồng Lạch, Cà Lồ, Đồng Sẩm... đến nay còn lưu dấu tích mồ chôn Pháp - Ngụy.

Thế mạnh đất đai của Vạn Lại và xã Xuân Châu là gò đồi. Từ bức tranh nghèo nàn, hoang vu, đồi núi màu xám ngắt buồn tẻ dần dà chuyển gam màu xanh tươi cuộc sống. Tư bản thực dân lập đồn điền cà phê Vạn Lại kết hợp chăn nuôi bò lấy thịt và phân bón. Lu-i rây nô và tô mát chiếm dụng đất đai tới 170 ha, nhưng kết quả lợi nhuận không nhiều. Đáng kể hơn là mía, đã và đang trở thành cây đặc sản Vạn Lại - Xuân Châu nói riêng. Cây mía lau vỏ cứng, mật ngọt thơm. Giống mía xanh năng suất cao hơn. Hiện nay Vạn Lại - Xuân Châu nhập một số giống mới đặc sản để cung cấp Nhà máy Đường Lam Sơn. Những binh đoàn mía đông nghịt, chật gò kín bãi, múa gươm, vẫy giáo, trùng trùng ra trận tấn công vào nghèo khó, xây đời mới.

Trước 1945 mía đường Vạn Lại đã nổi tiếng, sau 1945 càng nức danh thơm. Mật này làm chè lam Phủ Quảng, bánh gai Tứ Trụ... những mặt hàng quen thuộc, ưa thích của bộ đội, cán bộ, học sinh, đồng bào tản cư. Đường hoa mơ Vạn Lại cung cấp hàng chục tấn phục vụ quân y, thương bệnh binh...

Nhân dân Thanh Hóa quen dùng mật mía Vạn Lại đặc sánh màu cánh nhán vị ngọt ngon hương thơm dịu mát, để lâu không bị chua. Ngày tết dù xưa dù nay, văn hóa ẩm thực phong phú đến đâu cũng không thể thiếu món bánh chưng chấm mật. Cảm ơn, trời đất, nhớ công đức tổ tông đã để lại cho con cháu món bánh chưng thơm dẻo nếp cái hoa cau lại cả mật mía Vạn Lại để cuộc sống thêm ngọt ngào, lừng hương vị Tết.

Hoàng Tuấn Phổ


Hoàng Tuấn Phổ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]