(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 21/11/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Thư viện, thay cho Pháp lệnh Thư viện năm 2000. Với nhiều điểm mới, Luật Thư viện không chỉ cần thiết cho sự phát triển của hệ thống thư viện, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy, làm thay đổi văn hóa đọc trong cộng đồng hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỳ vọng thúc đẩy phát triển văn hóa đọc

Ngày 21/11/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Thư viện, thay cho Pháp lệnh Thư viện năm 2000. Với nhiều điểm mới, Luật Thư viện không chỉ cần thiết cho sự phát triển của hệ thống thư viện, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy, làm thay đổi văn hóa đọc trong cộng đồng hiện nay.

Theo đó, Luật Thư viện được Quốc hội thông qua với 6 chương, 52 điều đã cụ thể hóa các chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được Hiến pháp 2013 quy định: Quyền tiếp cận thông tin, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa. So với Pháp lệnh Thư viện năm 2000, Luật Thư viện đã bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập, lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; mở rộng đối tượng được thành lập thư viện, xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số, đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện và hàng năm định kì đánh giá hoạt động thư viện.

Trao đổi với phóng viên Báo Văn hóa và Đời sống, ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam chia sẻ: “So với Pháp lệnh Thư viện trước đây thì nhân tố đột phá trong Luật Thư viện là xã hội hóa và hiện đại hóa hoạt động thư viện. Trong đó, xã hội hóa (thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; thư viện cộng đồng; thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng tham gia xây dựng, tự nguyện đóng góp tiền bạc, công sức, nhân lực, vật lực để phát triển thư viện. Thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, thông tin, tri thức trong hệ thống thư viện phải được chuyển tải nhanh chóng tới bạn đọc qua internet. Khi các thư viện đẩy nhanh việc số hóa tài liệu, xây dựng thư viện điện tử, thư viện đa phương tiện, liên thông thư viện, truy cập mở... sẽ đáp ứng yêu cầu của độc giả”.

Và để Luật Thư viện đi vào cuộc sống, ngày 18/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện; ngày 28/8/2020, Bộ VH,TT&DL ban hành Thông tư số 05 Quy định về đánh giá hoạt động thư viện.

Nghị định số 93 đã quy định chi tiết về thư viện công lập; tài liệu cổ quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; không gian đọc, phòng đọc; điều kiện thành lập các thư viện; trình tự, thủ tục đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện; liên thông thư viện...

Luật Thư viện được kỳ vọng sẽ thúc đẩy, phát triển văn hóa đọc cộng đồng.

Và thay vì đầu tư dàn trải, các thư viện công lập có vai trò quan trọng sẽ được Nhà nước ưu tiên đầu tư. Đương nhiên, việc xác định về vai trò quan trọng của thư viện sẽ có những tiêu chí cụ thể, rõ ràng: có ít nhất 500.000 đơn vị bảo quản, trong đó có ít nhất 200.000 bản sách và ít nhất 5.000 đầu tài liệu số. Cơ sở dữ liệu dùng chung đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tuân thủ quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và an ninh mạng; tài nguyên thông tin được lưu trữ, bảo quản và quản lý bằng hạ tầng, thiết bị kỹ thuật và công nghệ hiện đại; không gian đọc thân thiện; hiệu quả hoạt động thư viện đạt ít nhất 6.000 người đăng ký sử dụng, 1.000.000 lượt người đến thư viện và truy cập trang thông tin điện tử của thư viện... Bên cạnh, Luật Thư viện còn quy định về tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt.

Như vậy, theo quy định, để tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước, bản thân các thư viện (cấp tỉnh) sẽ phải tự đổi mới, thay đổi để không chỉ nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. Và đó cũng là cách để chính các thư viện tồn tại, phát triển.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá, Luật Thư viện cũng là thách thức đối với hệ thống các thư viện công cộng cấp huyện, xã khi đặt ra những tiêu chí và điều kiện hoạt động rõ ràng: có ít nhất 10.000 bản sách với ít nhất 1.000 đầu sách; ít nhất 10 đầu báo, tạp chí. Bảo đảm ít nhất 60m2 đối với không gian đọc cho người sử dụng thư viện, bảo đảm cho người khuyết tật có thể di chuyển và tiếp cận dễ dàng (đối với thư viện công cộng cấp huyện); có ít nhất 2.000 bản sách và 2 đầu báo, tạp chí. Bảo đảm ít nhất 40m2 đối với không gian đọc cho người sử dụng thư viện... Dù là một trong số thiết chế văn hóa xây dựng nông thôn mới, song với thực tế cơ sở vật chất, hoạt động tại các thư viện cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh hiện nay, nếu để có thể đáp ứng được các yêu cầu như trong quy định của Luật Thư viện thì cần thiết có sự quan tâm, đầu tư của mỗi địa phương. Có như vậy, việc thúc đẩy, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng theo Luật Thư viện mới có thể thực sự đạt kết quả.

Với vai trò là thư viện công trung tâm của tỉnh Thanh Hóa, Thư viện tỉnh Thanh Hóa trong những năm gần đây đã được quan tâm đầu tư cả về hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu văn hóa đọc của người dân trên địa bàn tỉnh nói chung. Ông Đỗ Hữu Cương - Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: “Theo quy định của Luật Thư viện, về cơ bản các tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại thì Thư viện tỉnh đã đáp ứng được. Tuy nhiên, so với yêu cầu về nguồn tài liệu số (5.000 tài liệu số), tài liệu cổ, tài liệu quý hiếm thì Thư viện vẫn chưa thể đáp ứng. Vì thế, sau khi Luật Thư viện có hiệu lực, Thư viện tỉnh đã lên kế hoạch về việc xây dựng dự án số hóa tài liệu, sưu tầm tài liệu cổ, Bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, địa lý, chính trị, văn hóa của tỉnh nói riêng”.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]