(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Lễ hội Cầu Ngư là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang tính chất cộng đồng dân cư chặt chẽ. Những phong tục tập quán, quy ước trong lễ hội được quy định nghiêm ngặt của cư dân vùng biển xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lễ hội Cầu Ngư: Ẩn chứa những giá trị tiêu biểu và độc đáo

(VH&ĐS) Lễ hội Cầu Ngư là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang tính chất cộng đồng dân cư chặt chẽ. Những phong tục tập quán, quy ước trong lễ hội được quy định nghiêm ngặt của cư dân vùng biển xứ Thanh.

Cũng như ngư dân các vùng biển khác, người dân vùng biển Diêm Phố xưa và Ngư Lộc nay là những con người gắn bó với biển, phụ thuộc vào biển. Người dân Diêm Phố xưa sống bằng nghề làm muối. Trước biển cả bao la, nơi đầu sóng ngọn gió, người dân thấy mình nhỏ bé, luôn khát vọng biển khơi gió lặng sóng yên, ước mơ có những vị thần linh che chở cho cuộc sống bình yên, hạnh phúc, tàu bè vào khơi ra lộng tôm cá đầy thuyền nên họ đã lập nên một hệ thống nghè, chùa, miếu, phủ để cúng các vị thần.

Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: Lễ hội Cầu Ngư xuất hiện từ thời Lê và được tổ chức đều đặn hằng năm từ các ngày 21 đến 24/2 âm lịch. Từ khi ra đời cho đến nay Lễ hội Cầu Ngư có sức sống mạnh mẽ, thể hiện bản sắc văn hóa, tinh thần của người dân Diêm Phố, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham dự. Với 81 dòng họ, 450 tàu cá đều về tham gia lễ hội, đám rước dài tới 2 km.

Để tổ chức lễ hội Cầu Ngư, làng phải bàn bạc chuẩn bị hàng tháng trước đó. Bởi lẽ, ngoài việc tế lễ rước sách như những nơi khác, lễ hội làng Diêm Phố còn phải tổ chức làm Long Châu, đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức. Trong các công việc chuẩn bị cho lễ hội thì việc làm Long Châu là quan trọng hơn cả vì đây là vật thiêng dùng để cúng tế chính trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Ông Phạm Văn Hùng, thôn Nam Vượng, nghệ nhân làm Long Châu cho biết, điểm nhấn đặc sắc, độc đáo nhất lễ hội Cầu Ngư chính rước Long Châu. Long Châu là một chiếc thuyền rồng do 10 - 12 người thợ khéo léo, tài hoa làm nên. Họ không chỉ có tay nghề khéo léo mà người đó phải là người có đạo đức, gia đình hạnh phúc.

Lễ hội Cầu Ngư gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với lễ rước thuyền Long Châu (lễ vật quan trọng nhất trong lễ hội Cầu Ngư, nơi các thần linh của biển cả ngồi) từ thôn Bắc Thọ về khu vực Lễ đàn (sân nhà văn hóa thôn Thắng Phúc) để bà con đến tế lễ. Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao sôi nổi, mang đậm nét văn hóa truyền thống vùng biển như: Thi câu mực, thi cờ tướng, diễn xướng chầu văn, hò đối... Trước khi kết thúc lễ, ban tổ chức sẽ “hóa vàng” chiếc thuyền Long Châu, gửi về biển cả để các thần linh của biển chứng giám lòng thành và che chở cho ngư dân một năm “trời yên bể lặng, tôm cá đầy thuyền”.

Lễ hội Cầu Ngư thu hút đông đảo người dân tham gia. (Ảnh: Doãn Tài)

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cho rằng, tục thờ Cá Ông và các vị thần biển gắn liền với lễ hội Cầu Ngư và câu chuyện về một con cá voi trôi dạt vào bờ biển Diêm Phố được nhân dân đem 100 lá chiếu đắp lên xác cá voi. Sau đó đem cốt về lập đền thờ (nay là đền Cá Ông nằm trong Cụm di tích Chùa Nghè Diêm Phố) thể hiện sự kính trọng, biết ơn của ngư dân với Cá Voi giúp họ vượt qua hiểm nguy, bão táp để bảo toàn tính mạng. Lễ hội Cầu Ngư và tục thờ Cá Voi thể hiện sự ứng xử khôn ngoan của người dân Diêm Phố với triết lý “Sống hòa - người với biển” là bạn nương tựa vào nhau cùng tồn tại mà bao đời nay cha ông truyền lại. Lễ hội Cầu Ngư còn phản ánh tín ngưỡng tâm linh và sắc thái văn hóa biển cần phải được bảo tồn, phát huy giá trị của nó trong cuộc sống hôm nay.

TS. Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa (Sở VH,TT&DL) cho biết: Lễ hội Cầu Ngư ở Ngư Lộc, Hậu Lộc là một lễ hội được đánh giá với quy mô và sức lan tỏa lớn không những ở Hậu Lộc mà còn ảnh hưởng đến ngư dân các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, được thể hiện rõ nét trong nghi thức, nghi lễ trang nghiêm, long trọng và những trò chơi đầy ý nghĩa gắn đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây.

“Với những giá trị to lớn, tiêu biểu, độc đáo, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội Cầu Ngư, tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn, giao Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa hoàn chỉnh hồ sơ khoa học, báo cáo các cơ quan chức năng để trình hồ sơ lên Hội đồng Di sản Quốc gia xét duyệt trong quý II/2017, công nhận lễ hội Cầu Ngư là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia” - Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]