(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nằm trong vùng nông nghiệp, lễ hội cổ truyền ở xứ Thanh chủ yếu là lễ hội cầu mùa. Với ý nghĩa cầu mong thần linh phù hộ độ trì cho dân làng được người an, vật thịnh, mùa màng tươi tốt bội thu. Đây chính là các lễ kỳ phúc, kỳ yên thường phổ biến ở hầu hết các làng quê nông nghiệp. Tiêu biểu cho loại lễ hội này là lễ hội trình nghề ở làng Triềng (Yên Ninh, Yên Định), lễ kỳ phúc ở các làng nông nghiệp miền xuôi và lễ Cầu Ngư ở các làng miền biển như Ngư Lộc (Hậu Lộc), Quảng Nham (Quảng Xương)...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lễ hội cổ truyền và văn minh nông nghiệp ở xứ Thanh

(VH&ĐS) Nằm trong vùng nông nghiệp, lễ hội cổ truyền ở xứ Thanh chủ yếu là lễ hội cầu mùa. Với ý nghĩa cầu mong thần linh phù hộ độ trì cho dân làng được người an, vật thịnh, mùa màng tươi tốt bội thu. Đây chính là các lễ kỳ phúc, kỳ yên thường phổ biến ở hầu hết các làng quê nông nghiệp. Tiêu biểu cho loại lễ hội này là lễ hội trình nghề ở làng Triềng (Yên Ninh, Yên Định), lễ kỳ phúc ở các làng nông nghiệp miền xuôi và lễ Cầu Ngư ở các làng miền biển như Ngư Lộc (Hậu Lộc), Quảng Nham (Quảng Xương)...

Điểm nổi bật ở đây là người dân đã sáng tạo ra những trò diễn phản ánh đời sống sản xuất nông nghiệp và phục vụ nhà nông. Những hội trình nghề có trò chơi, trò diễn, trò tứ dân, giới thiệu tất cả các ngành nghề song chủ yếu là đề cao ngành sĩ, ngành nông.

Trò Trình nghề có địa phương phát âm chệch đi một chút, gọi là trò triềng. Có nơi gọi là trò Tứ dân, hoặc trò sĩ, nông, công, thương để chỉ vào những trò diễn chính - thực ra còn nhiều trò chỉ các nghề nghiệp khác. Trước sân đình, khi cúng thần linh (thành hoàng) xong, người ta trình diễn những hoạt cảnh, đưa ra hình ảnh nhiều hạng người, mỗi người một nghề, ra làm trò vui cho thiên hạ cùng xem, việc trình diễn này là bằng động tác, bằng dụng cụ. Người đi cày thì vác cày cuốc, giong trâu bò (có khi là trâu bò thật, có khi là người hóa trang thành trâu bò). Người đi câu thì có cần câu, dây câu, giỏ cá. Người làm thợ mộc thì mang đục, chàng; người là thợ rèn thì mang lò, bễ (đều là những dụng cụ thật hoặc tô vẽ, hóa trang). Có cả những vai đóng làm thầy thuốc, thầy bói... Đặc biệt là trong trò bao giờ cũng đưa thêm một cô gái nghịch ngợm, gọi là cô gái lẳng lơ, hoặc cô gái bán xoan (xuân) để làm trò cười vui nhộn. Có nơi, trò diễn còn đưa ra những vai như chú Khách ngô nghê, cũng gọi là chú Ngô già bán kẹo v.v... Tất cả kéo nhau lượn vòng quanh sân đình, rồi đi diễu hành trên một số đoạn đường trong làng xóm. Các trò diễn hoàn toàn là “diễn cương” không có văn bản lời lẽ nào quy định. Trong khi trình diễn đôi khi có sự giao lưu với khán giả. Những người biểu diễn chạy lao vào các hàng quán dọc đường, vào đám đông người xem để cùng vui đùa, gây không khí sôi nổi cho ngày đầu xuân trở nên hào hứng.

Nhiều hội làng cũng được tổ chức những cuộc thi tài như thổi cơm thi, nhằm động viên tài năng tháo vát của người thôn nữ. Có nhiều kiểu thi nấu cơm như vừa nấu vừa chăm cóc, nấu cơm trong phạm vi một vòng tròn, vừa đi vừa nấu... Có những câu ca dao hài hước nói về cuộc thi này: Một tay đun chín bếp rơm/ Tay vo bánh lọc chị nhường chồng cho.

Múa đèn - một trong những trò diễn dân gian tiêu biểu ở lưu vực sông Mã. (Ảnh: T.K)

Còn có những cuộc thi khác như làm bánh trong, bánh lọc, thi chồng cỗ...

Đặc biệt ở thôn Phú Khê xưa (nay là hai xã Hoằng Phú, Hoằng Quý huyện Hoằng Hóa) còn có tục lệ thi dệt vải trên thuyền. Mỗi chị một khung cửi. Trong khoảng thời gian quy định, trên chiếc thuyền tròng trành đó, ai dệt vải đẹp và xong trước là người thắng cuộc.

Ngoài việc tổ chức các lễ kỳ yên, kỳ phúc cầu mong cho hòa cốc phong đăng, cho thái bình thịnh trị. Với những hình thức thông thường như tế lễ ở đình, với các nghi thức cúng bái, đọc văn, rước cờ, rước kiệu, các làng còn tổ chức làm lễ Tống trùng: Người dân cho rằng sở dĩ làng có bệnh tật, sâu keo... là vì có những con ma trùng ám hại. Phải trừ khử quét sạch bằng cách cho tất cả chúng vào một chiếc thuyền giấy, châm lửa đốt và đẩy chúng ra ngoài biển khơi. Còn có các lễ tùy theo hoàn cảnh từng làng, ví dụ như lễ đánh chuột (tức là săn chuột). Cũng tổ chức cúng bái ở đình làng rồi giao cho các giáp, mỗi giáp một đoàn lực sĩ mang dụng cụ đi săn, xông vào các hang ổ của chuột để bắt. Ngày hội đánh chuột thật là rộn ràng sôi nổi, cả làng “trống đánh tan hoang vì ba con chuột” v.v... là như vậy. Bắt được nhiều chuột sẽ có thưởng, thưởng ít thôi! còn không bắt được con nào hoặc quá ít thì phải uống nước lã! “Giáp một cười khì, giáp nhì phì bụng ra” v.v... cũng là vì thế.

Cũng để phục vụ cuộc sống nông nghiệp, người dân đã đúc kết kinh nghiệm nước, phân, cần, giống trong đó nước là yếu tố hàng đầu. Trò diễn dân gian ở đây đã đề cao công việc thủy lợi. Những việc thi bơi thuyền, chèo đua đều được tổ chức giống các nơi trong nước nhưng người dân cũng hay gắn những hành động này với nhiều ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn trò Thủy ở vùng Đông Sơn thực chất là ca ngợi việc đưa nước vào đồng ruộng:

“Mở cửa cho Thủy tôi vào

Dựng trò làm lễ tiêu hao sự tình”

Theo nội dung lời ca của trò là diễn tả sự vui mừng của dân làng nhờ có dòng mương đưa nước vào ruộng làm cho ngô lúa xanh tươi.

Nhưng ở đây còn được xem là tổ chức cuộc thi bơi chèo là để tế Cao Hoàng mà người dân quan niệm Cao Hoàng là Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi có công đánh đuổi giặc Minh.

Có một trò diễn khá đặc sắc ở lưu vực sông Mã, thể hiện toàn bộ một lịch tiết nông nghiệp, đó là trò múa Đèn. Về đạo cụ hóa trang, trò múa Đèn ở lưu vực sông Mã bắt buộc phải có ngọn đèn đội trên đầu và khăn đỏ chít ngang đầu. Về vấn đề hóa trang, khăn đỏ trên đầu cũng như ngọn đèn, tượng trưng cho mặt trời. Ánh sáng mặt trời đối với sự sinh trưởng của muôn loài và vòng quay của mặt trời đối với chu trình sản xuất là điều rất quan trọng.

Tục thờ thần mặt trời là tín ngưỡng phổ biến của cư dân nông nghiệp. Đây cũng là một vấn đề mà chủ nhân văn minh nông nghiệp Đông Sơn đã sớm nhận thức được và thể hiện trên trống Đông Sơn. Trên di vật tiêu biểu của nền văn minh nông nghiệp này, ta thấy hình ảnh trung tâm là mặt trời, các hoạt động, của con người và muôn loài (cây cỏ, chim, cá, hươu), đều diễn ra dưới sự tỏa sáng của “mặt trời”. Đây chính là tín ngưỡng nông nghiệp cổ với tục thờ mặt trời còn lưu lại với trò diễn dân gian ở lưu vực sông Mã.

Lời ca của trò múa Đèn là một bản nông lịch. Người ta nhắc nhở nhau tháng nào làm gì, cho đến cuối năm thu hoạch và hưởng thụ ra sao? Người nông dân lao động rất chăm chỉ, công việc của họ trong cả năm:

Tháng giêng, tháng hai: luống bông, luống đậu; tháng ba, tháng tư: vãi mạ; thời gian chờ mạ tốt: chẻ lạt đan lừ; tháng năm, tháng sáu: nhổ mạ, đi cấy, tháng bảy, tháng tám: kéo sợi, dệt cửi, vá may; tháng chín, tháng mười: (lúa chín) đi gặt; gặt hái xong: đánh lá lật, đánh gà luộc, cúng cơm mới, dâng oản.

Lễ hội chính là hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú có vai trò quan trọng trong cuộc sống người dân. Những dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp trong lễ hội truyền thống cho thấy việc sưu tầm nghiên cứu lễ hội cổ truyền đang là vấn đề bức thiết trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của người lao động.

Trần Thị Liên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]