(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Lễ hội dâng trâu tế trời gắn với di tích lịch sử đền Chín gian là điều mong ước của cộng đồng dân tộc Thái huyện Như Xuân hàng thế kỷ qua sắp trở thành hiện thực, hứa hẹn sẽ là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lễ hội dâng trâu tế trời và câu chuyện đền Chín gian trên đồi Pú Pỏm

(VH&ĐS) Lễ hội dâng trâu tế trời gắn với di tích lịch sử đền Chín gian là điều mong ước của cộng đồng dân tộc Thái huyện Như Xuân hàng thế kỷ qua sắp trở thành hiện thực, hứa hẹn sẽ là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.

Tâm linh ngôi đền Chín gian

Theo truyền thuyết, lịch sử, tài liệu khảo sát dân tộc học tại miền Tây Thanh -Nghệ, đặc biệt là vùng sáu Thanh gồm các xã Thanh Quân, Thanh Sơn, Thanh Xuân, Thanh Hòa, Thanh Lâm, và Thanh Phong (Như Xuân) đều gọi ngôi đền cũ trên đồi Pú Pỏm xã Thanh Quân hiện nay là đền Chín gian. Ngôi đền Chín gian có tên gọi là “Tến Xớ Quái” (tức đền Hiến Trâu) nằm trên một ngọn đồi nhỏ, còn gọi là “Pú Pỏm”, bên dòng suối Tốn. Đoạn suối dưới chân đồi Pú Pỏm này gọi là bến “Tà Tạo” (tức bến Quan). Đền Chín gian trước kia là một ngôi nhà có cấu trúc kiểu nhà sàn gồm 9 gian, với kết cấu kiểu nhà sàn tre, nứa lợp tranh do bà con nhân dân trong vùng đóng góp để làm. Xung quanh khu vực địa điểm đền là thung lũng Phà Lẽm ở phía Tây Nam suối Tốn và bến Tà Phạ (bến tắm trâu của trời) Mường Tôn. Đã thành lệ, trong các dịp lễ tế trời và Tạo Ló Ỳ, lễ vật đầu tiên và không thể thiếu của dân Mường Tôn dâng lên bao giờ cũng là một con trâu tốt nhất trong bản, và phải là trâu tơ chưa dùng trong cày, kéo và không có các khuyết tật bẩm sinh trên cơ thể. Ngoài ra, mỗi mường phải có thêm 9 con lợn con, 90 con gà nhỏ và 90 cặp cá khô và một chum rượu cần (lẩu xá).Trong tâm thức của nhân dân chín bản Mường của người Thái luôn biết ơn và kính trọng đối với Tạo Ló Ỳ người đã có công khai lập ra chín Mường. Hàng năm họ tổ chức lễ hội để tưởng nhớ và cầu mong Thần phù hộ che chở cho cuộc sống cả chín bản mười Mường, ai cũng gặp được nhiều điều tốt lành, tránh được rủi ro, đây là nơi hướng tâm thức về một thời cha ông khai mường, lập đất. Và ngôi đền Chín gian là một phần không thể thiếu trong tín ngưỡng linh thiêng...

Xuất phát từ niềm mong mỏi, nhu cầu tâm linh của đồng bào dân tộc Thái vùng Sáu Thanh, ngành Văn hóa huyện Như Xuân đã nghiên cứu, tu bổ, tôn tạo di tích. Đền Chín gian cách trung tâm huyện Như Xuân 30 km, tọa lạc trên đồi Pú Pỏm (đồi Tròn) thuộc thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân, được bao bọc xung quanh là đồng ruộng, đồi núi, bản làng người Thái sinh sống. Hiện nay đang trong giai đoạn thi công, dự kiến công trình sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng vào thời gian tới.

Đền Chín gian, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân đang trong quá trình thi công. Sau khi hoàn thành ngôi đền sẽ diễn ra lễ hội dâng trâu tế trời hứa hẹn một mùa lễ hội đặc sắc.

Hứa hẹn một mùa lễ hội đặc sắc

Theo ông Đàm Văn Thông - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Như Xuân, điểm nhấn đặc sắc của ngôi đền Chín gian chính là gắn với lễ hội dâng trâu tế trời. Sau khi công trình đền Chín gian hoàn thiện, đưa vào sử dụng, lễ hội dâng trâu tế trời sẽ được phục dựng. Nét nổi bật và rất riêng của lễ hội đền Chín gian đó là lễ hiến trâu.

Nghi thức tín ngưỡng riêng của đồng bào người Thái còn được thể hiện rất rõ trong các hình thức hát khặp, hát nhuôn. Ở mỗi gian đền, khi bà mo hành lễ, đằng sau có 6 - 8 cô gái hát đệm bài cúng, kể về cuộc hành trình lên Mường Trời. Bên ngoài đền, sẽ diễn ra phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội trại, các trò diễn dân gian được tổ chức sôi nổi cùng với nhiều sản phẩm do đồng bào làm ra được giới thiệu để du khách có thể thưởng thức ngay trong nhà trại. Bên cạnh đó còn diễn ra hoạt động trò chơi, trò diễn như bắn nỏ, kéo co, vật dân tộc, ném còn, nhảy sạp, mùa vòng, tung còn, đánh cồng chiêng, khua luống, uống rượu cần, thi bắn nỏ, đẩy gậy, giao lưu bóng chuyền, diễn xướng dân gian, liên hoan nghệ thuật quần chúng.

Những hoạt động vui chơi này được tổ chức quanh đền, ở các bản lân cận vào các buổi tối, kéo dài đến tận khuya. Đến với lễ hội đền Chín gian, du khách còn được thưởng thức hình thức hát thơ theo cốt truyện trường ca của các chàng trai, cô gái Thái, đặc biệt là điệu hát “Hắp bảo xảo”, tức hát giao duyên. Thông qua các hoạt động của lễ hội, sẽ góp phần khơi dậy truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” biết ơn những người có công dựng bản, lập mường; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Thái vùng sáu Thanh của huyện Như Xuân. Đây cũng là cơ hội để huyện Như Xuân giao lưu văn hóa, nối vòng tay bạn bè, nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Đền Chín gian và lễ hội dâng trâu tế trời hứa hẹn sẽ là điểm du lịch tâm linh không những của cộng đồng dân tộc Thái huyện Như Xuân mong ước, chờ đợi hàng thế kỷ qua mà còn là của cả đồng bào dân tộc Thái ở phía Tây của Thanh Hóa.

Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]