(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Sáng 22/8 (âm lịch) tại Chính điện Khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã diễn ra lễ kỷ niệm 599 năm khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 2017) và 584 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi (1433 - 2017). Nghi lễ được tổ chức thành kính, trang nghiêm với tất cả sự ngưỡng vọng của hậu thế trước bậc tiền nhân. Cũng trong buổi lễ, UBND tỉnh đã công bố việc hoàn thành công trình phục dựng Chính điện Lam Kinh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lễ kỷ niệm 599 năm khởi nghĩa Lam Sơn và 584 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi: Thành kính và trang nghiêm

(VH&ĐS) Sáng 22/8 (âm lịch) tại Chính điện Khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã diễn ra lễ kỷ niệm 599 năm khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 2017) và 584 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi (1433 - 2017). Nghi lễ được tổ chức thành kính, trang nghiêm với tất cả sự ngưỡng vọng của hậu thế trước bậc tiền nhân. Cũng trong buổi lễ, UBND tỉnh đã công bố việc hoàn thành công trình phục dựng Chính điện Lam Kinh.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở VH,TT&DL làm lễ kính cáo tưởng nhớ đức vua Lê Thái Tổ.JPG

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở VH,TT&DL làm lễ kính cáo tưởng nhớ đức vua Lê Thái Tổ.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Phát - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Bá Oai - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ninh Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH,TT&DL; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; thành phố, huyện, thị xã cùng đông đảo người dân, du khách và Hội đồng con cháu dòng họ Lê Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước cùng về tham dự.

Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công đức của bậc tiền nhân. Hàng năm, vào ngày 22 (âm lịch) Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh lại cùng nhau tập trung về Lam Kinh - kinh đô thứ hai của nhà Hậu Lê để tham gia lễ hội truyền thống Lam Kinh.

Trong không khí linh thiêng, thành kính, các đồng chí đại biểu đã làm lễ kính cáo tưởng nhớ công lao to lớn của đức vua Lê Thái Tổ và các nghĩa sĩ Lam Sơn.

Với những giá trị độc đáo, được gìn giữ và bảo tồn trải qua nhiều thế kỷ, năm 2012, Lam Kinh chính thức được công nhận là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt với hệ thống đền, miếu, lăng tẩm, đại điện được phục dựng, tu bổ phỏng dựng theo kiến trúc vốn có: các tòa thái miếu; sân rồng; nghinh môn... và đặc biệt là Chính điện (Đại điện).

Đại điện Lam Kinh xưa kia vốn là nơi nhà vua về bái yết tổ tiên cũng như thiết triều trong mỗi chuyến về quê. Bởi vậy, khi Đại điện được cơ quan chức năng đồng thuận cho phép phỏng dựng thì đã được tiến hành vô cùng tỉ mẩn, cẩn trọng. Trong đó, với tổng diện tích hơn 1700 m2, việc phục dựng đòi hỏi khối lượng gỗ lên đến trên 2030 m3 gỗ, chủ yếu là gỗ lim.

Sau thời gian dài phỏng dựng, với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng chuyên môn, sự nỗ lực, kì công và cẩn trọng của hàng trăm nghệ nhân điêu khắc gỗ hàng đầu của xứ Thanh, công trình Chính điện Lam Kinh đã được hoàn thành, phục vụ quan khách và người dân trong lễ hội Lam Kinh 2017. Nghệ nhân điêu khắc gỗ Hoàng Tuấn Liêm - Giám đốc Công ty Tu bổ di tích và Xây dựng công trình văn hóa Thanh Hóa - đơn vị thi công phỏng dựng Chính điện cho biết: "Kiến trúc của công trình chính xác đến từng chi tiết".

Việc Chính điện Lam Kinh hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ du khách dâng hương, tham quan trong lễ hội năm nay là thành quả có được bởi sự quan tâm của Chính phủ, Bộ VH,TT&DL, sự cố gắng, nỗ lực của tỉnh Thanh cùng nhiều cơ quan, đơn vị. Và sự nỗ lực đó đã được đông đảo du khách ghi nhận. Bà Cao Thị Kim Dung, hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội về với lễ hội cho biết: "Đứng trước công trình Đại điện được phỏng dựngmới cảm nhận hết được sự uy nghiêm của một công trình kiến trúc cổ xưa. Thật tự hào khi mỗi năm lại được trở về nơi này vào đúng ngày lễ hội".

Chính điện Lam Kinh là công trình có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử, văn hóa, nằm ở trung tâm khu di tích, ngay trước sân Rồng. Không chỉ là điểm nhấn tham quan, công trình còn góp phần vào việc khôi phục không gian tâm linh di tích, tôn tạo cảnh quan, phát huy giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan của nhân dân, du khách muôn phương khi về với Lam Kinh của xứ Thanh.

Dù thời tiết mưa to, vẫn nhiều du khách thập phương về Lam Kinh trẩy hội.

Được biết, trong khuôn khổ của lễ hội Lam Kinh truyền thống, ngày 21/8 (âm lịch) tại di tích đền thờ Trung túc vương Lê Lai (đền Tép) xã Kiên Thọ, UBND huyện Ngọc Lặc đã phối hợp với BQL Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm. Khởi nghĩa Lam Sơn diễn ra trong 10 năm (1418 - 1428) có được thành công không thể không nhắc đến trung thần Lê Lai liều mình cứu chúa Lê Lợi. Ghi nhận nghĩa cử hy sinh đó, trước khi mất, Cao Thái Tổ Hoàng đế Lê Lợi đã căn dặn con cháu cùng bề tôi làm giỗ Lê Lai trước giỗ vua một ngày. Bởi vậy mà dân gian có câu: hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi.

Với sự cố gắng, nỗ lực khắc phục thời tiết của BTC, sự chân thành ngưỡng vọng của nhân dân, du khách, lễ hội Lam Kinh đã diễn ra với tất cả sự thành kính, trang nghiêm, thể hiện đúng đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]