(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhân dịp Kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427), 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang và Lễ hội Lam Kinh năm 2018, Báo VH&ĐS trân trọng đăng bài viết của cố GS. Phan Huy Lê - một chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam, có nhiều năm nghiên cứu về Anh hùng dân tộc Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn, đúng như lời của GS Nguyễn Quang Ngọc khi nói về người Thầy của mình: “Nói đến Phan Huy Lê là người ta nghĩ ngay đến chuyên gia hàng đầu về lịch sử chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam với những tổng kết sâu sắc và độc đáo, góp phần nâng tầm những chiến công chung của đất nước”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lê Lợi với sự nghiệp cứu nước

Nhân dịp Kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427), 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang và Lễ hội Lam Kinh năm 2018, Báo VH&ĐS trân trọng đăng bài viết của cố GS. Phan Huy Lê - một chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam, có nhiều năm nghiên cứu về Anh hùng dân tộc Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn, đúng như lời của GS Nguyễn Quang Ngọc khi nói về người Thầy của mình: “Nói đến Phan Huy Lê là người ta nghĩ ngay đến chuyên gia hàng đầu về lịch sử chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam với những tổng kết sâu sắc và độc đáo, góp phần nâng tầm những chiến công chung của đất nước”.

Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về khởi nghĩa Lam Sơn và thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc do Lê Lợi - Nguyễn Trãi lãnh đạo. Vấn đề cần đặt ra là trong thắng lợi hiển hách của sự nghiệp bình Ngô, chúng ta xác định thế nào cho đúng, cho thật khách quan và thỏa đáng công lao và cống hiến của Lê Lợi. Theo tôi, có thể nêu lên mấy mặt cơ bản sau đây:

1. Lê Lợi là người khởi xướng và sáng lập ra cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Trước khi tổ chức và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, bia Vĩnh Lăng chỉ cho biết tóm lược thái độ và hoạt động của Lê Lợi như sau: “Tuy thời gặp loạn lớn, mà chí càng bền, giấu mình ở Lam Sơn, làm nghề cày cấy. Vì giận quân giặc tàn bạo nên càng chuyên tâm vào sách thao lược, dốc hết cửa nhà, hậu đãi tân khách”.

Theo một số tài liệu, chủ yếu là thư tịch của Trung Quốc, thì Lê Lợi có thời gian tham gia hay hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Trần Quý Khoáng, rồi sau ra hàng quân Minh, giữ chức Tuần kiểm huyện Nga Lạc. Thực ra nhiều nguồn tư liệu đáng tin cậy cho biết Lê Lợi không tham gia phong trào Hậu Trần và chưa bao giờ đầu hàng quân giặc, giữ chức tước của nhà Minh. Có thể nhà Minh đã từng dùng chức tước để mua chuộc dụ dỗ Lê Lợi như đoạn nhận xét sau đây của sử cũ: “Đối với những hào kiệt trong nước, chúng phần nhiều vờ trao cho quan tước rồi đem về an trí ở phương Bắc. Vua hiểu biết hơn hẳn mọi người, sáng suốt và cương quyết, không bị quan tước dụ dỗ, không bị uy thế khuất phục. Người Minh đã dùng trăm phương ngàn kế xảo trá vẫn không dụ được vua”.

Lê Lợi đã từng thấy sự bất lực và đổ nát của triều Trần, sự bất bình, phản kháng của nhân dân đối với vương triều suy thoái này, nên biết rõ phong trào cứu nước dưới danh nghĩa khôi phục Hậu Trần không thể đi đến thành công. Đại Việt sử ký toàn thư, phần chống Minh do Phan Phu Tiên là nhà sử học đương thời soạn thảo, còn ghi lại thái độ của Lê Lợi đối với nhà Hậu Trần: “Vua thấy họ yếu hèn, lại say đắm tửu sắc, biết là không làm nên chuyện, mới ẩn náu ở chốn núi rừng...”.

Trước thế lực, uy tín và ảnh hưởng của Lê Lợi, quân Minh đã dùng nhiều thủ đoạn để mua chuộc, dùng chức tước để dụ dỗ ông. Trong thời gian chuẩn bị khởi nghĩa, Lê Lợi cũng có khi phải dùng lễ vật và lời lẽ nhún nhường để che mắt quân giặc. Lê Lợi đã từng tự viết về những năm tháng tạm náu mình để chờ thời cơ mưu đại sự này: “Trẫm vẫn giữ vững lòng như xưa, không để quan tước dụ dỗ, không cho uy thế khuất phục, dù lũ giặc trăm mưu ngàn khóe, mà chí Trẫm vẫn rắn chắc, không hề nao núng. Nhưng vì thế giặc còn mạnh, chưa dễ mà chống chọi được. Trẫm thường phải dùng lời nhún nhường, dùng lễ thật hậu, nhiều vàng bạc, châu báu hối lộ lũ tướng giặc Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ, mong chúng nới bớt lòng hại Trẫm để Trẫm có thể đợi thời xem thế...”. Chức Tuần kiểm huyện Nga Lạc có thể là quan tước quân Minh dùng để mua chuộc Lê Lợi, nhưng trước sau ông chưa hề làm quan cho giặc.

Trong những năm đầu thời Minh thuộc, Lê Lợi, như Lê Quý Đôn nhận xét, “hết sức ẩn kín hình tích, không lộ tiếng tăm”. Nhưng đằng sau cái bề ngoài an phận, “nương thân nơi hoang dã” (Bình Ngô đại cáo) đó là cả một tâm hồn rực lửa yêu nước và căm thù, một ý chí kiên cường, một hoài bão mưu đồ đại sự. Đó là những năm tháng “nghĩ khó đội trời cùng quân địch, thề không chung sống với giặc thù”, “phát giận quên ăn, thường nghiền ngẫm những sách thao lược, nghĩ nay suy trước, xét cùng mọi lẽ hưng vong” (Bình Ngô đại cáo). Trước những thủ đoạn mua chuộc, đe dọa của địch, Lê Lợi thổ lộ với những người thân tín: “kẻ trượng phu ở đời nên cứu nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ đâu lại chịu bo bo làm đầy tớ muôn người”.

Lúc bấy giờ phong trào chống Minh đã bùng nổ dữ dội, mà lớn nhất là cuộc khởi nghĩa Giản Định - Trùng Quang. Đất Thanh Hóa, quê hương của Lê Lợi, cũng là địa bàn hoạt động mạnh mẽ của nghĩa quân Hậu Trần, của Đồng Mặc. Lê Lợi theo dõi chặt chẽ thời cuộc nhưng không tham gia các cuộc khởi nghĩa đó. Điều ấy chứng tỏ Lê Lợi đang suy nghĩ, tìm tòi và nuôi dưỡng một ý đồ cứu nước lớn hơn.

Có thể coi đó là giai đoạnchuẩn bị về nhận thức tư tưởng để hình thành quyết tâm cứu nước và phương hướng cứu nước của Lê Lợi.

Đầu năm Bính Thân (1416), Lê Lợi cùng 18 người bạn thân tín nhất, cùng tâm huyết và chí hướng, trong đó có Nguyễn Trãi, làm lễ thề kết nghĩa anh em, nguyện sống chết “chung sức đồng lòng, chống giữ địa phương để trong cõi được ở yên”. Đó là Hội thề Lũng Nhai lịch sử đặt cơ sở cho sự hình thành một tổ chức lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và là một bước chuẩn bị lực lượng tiến tới phát động khởi nghĩa. Từ Hội thề Lũng Nhai đến lúc cuộc khởi nghĩa bùng nổ (1416 - 1418) có thể coi là giai đoạn chuẩn bị về tổ chức và lực lượng cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng và chủ trì.

Qua bài Văn thề Lũng Nhai thì lúc đầu Lê Lợi và 18 người bạn chí cốt chỉ mới cam kết “chống giữ địa phương để trong cõi được ở yên” (ngự thủ địa phương, đắc an cư lân cảnh). Sau này, khi đã lên làm vua, lúc vua tôi bàn luận về nguyên do hưng vong, được mất, Lê Lợi cũng chân thành kể lại: “Trẫm xưa kia gặp buổi loạn lạc, nương mình ở Lam Sơn, vốn chỉ mong giữ được mạng mình thôi, chứ không có chí muốn lấy thiên hạ. Đến khi giặc tàn ngược quá quắt, dân không sống nổi, phàm người có tri thức đều bị giết hại, Trẫm tuy đem hết của nhà để thù phụng chúng, mong khỏi tai họa, mà lòng chúng muốn hại Trẫm vẫn không bớt chút nào. Việc dấy binh thực là do bất đắc dĩ thôi”.

Như vậy là trong nhận thức và ý đồ của Lê Lợi, từ ý thức bảo vệ xóm làng quê hương đã được nâng lên thành quyết tâm giải phóng dân tộc, giành lại non sông. Đó là bước phát triển và trưởng thành tự nhiên của một con người yêu nước, dù là người thủ lĩnh. Sự chuyển biến tư tưởng đó, một mặt, như Lê Lợi nói là do sự thúc bách của quân thù, dồn mọi người vào tình thế không thể sống yên được và chỉ có thể bảo vệ cuộc sống của mình trên cơ sở đấu tranh quét sạch quân giặc ra khỏi đất nước. Nhưng mặt khác, đó cũng do lòng yêu nước, thương dân cùng ý chí và tầm suy xét rộng lớn vốn có của Lê Lợi với quan hệ tác động lẫn nhau giữa thủ lĩnh và phong trào yêu nước rộng lớn của toàn dân. Lê Lợi là người khởi xướng một phong trào yêu nước và sự phát triển của phong trào lại là bệ đỡ để nâng cao tầm vóc của người lãnh đạo lên ngang với sứ mạng lịch sử.

Trong giai đoạn chuẩn bị, Lê Lợi đã “dốc hết cửa nhà, hậu đãi tân khách” (Bia Vĩnh Lăng), trang trại Lam Sơn của Lê Lợi trở thành cơ sở vật chất đầu tiên của những người khởi nghĩa. Hai cha con Ngô Kinh, Ngô Từ là những gia nô tin cậy được Lê Lợi giao phó cho việc quản lý trang trại, vừa “thu nhận nhân tài hào kiệt” các nơi đến, vừa “bên trong lo việc binh lương, bên ngoài bắt kẻ gian dòm ngó”. Trên đất Lam Sơn đang hình thành một căn cứ khởi nghĩa. Anh hùng hào kiệt từ bốn phương bí mật tìm về Lam Sơn tụ nghĩa. Một bộ chỉ huy khởi nghĩa, một lực lượng nòng cốt của nghĩa quân được khẩn trương xây dựng dưới quyền tổ chức và lãnh đạo của Lê Lợi.

Đầu năm Mậu Tuất (1418), cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ. Bình Định Vương Lê Lợi là người lãnh đạo cao nhất của cuộc khởi nghĩa, là chủ soái của nghĩa quân Lam Sơn. Trải qua 10 năm chiến đấu gian khổ, khởi nghĩa Lam Sơn đã phát triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên quy mô cả nước và đi đến toàn thắng vào cuối năm 1427.

Quá trình hình thành, chuẩn bị về mọi mặt của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chứng tỏ Lê Lợi là người khởi xướng và sáng lập ra cuộc khởi nghĩa ấy. Lê Lợi không những đề ra chủ trương, mà còn trực tiếp đứng ra tập hợp lực lượng, xây dựng tổ chức, tạo nên cơ đồ của một phong trào yêu nước đi từ không đến có, từ yếu đến mạnh để cuối cùng giành thắng lợi vẻ vang.

Tượng đài Lê Lợi.

2. Lê Lợi là người đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng yêu nước dưới lá cờ đại nghĩa Lam Sơn

Những phong trào chống Minh trước khởi nghĩa Lam Sơn biểu thị nhiều xu hướng chính trị khác nhau. Phong trào Hậu Trần do một số quý tộc họ Trần lãnh đạo, nêu khẩu hiệu vừa chống Minh, vừa khôi phục vương triều Trần. Sự bất lực của các nhà quý tộc cùng danh nghĩa khôi phục một vương triều đã sụp đổ làm cho phong trào này dù dấy lên mạnh mẽ một thời, nhưng vẫn không huy động được lực lượng của đông đảo nhân dân và nhanh chóng tan rã, thất bại.

Cuộc khởi nghĩa Lê Ngã do một gia nô cầm đầu lại chủ trươngvừa chống Minh, giải phóng đất nước, vừa chống lại tầng lớp quý tộc, giải phóng nô tì. Bọn quý tộc trong đó có người chủ cũ của Lê Ngã là Trần Thiên Lại (có sách chép là Tê), đã tập hợp lực lượng đánh lại Lê Ngã. Cuộc xung đột đó làm cho lực lượng nghĩa quân bị tổn hại và quân Minh thừa dịp đàn áp, dập tắt cuộc khởi nghĩa.

Dưới thời thuộc Minh, mâu thuẫn dân tộc giữa nhân dân ta và chính quyền đô hộ của nhà Minh đã trở thành mâu thuẫn gay gắt nhất và bao trùm cả xã hội. Nhưng bên trong xã hội vẫn tồn tại những mâu thuẫn phức tạp với yêu cầu dân sinh bức thiết của nông dân và yêu cầu giải phóng của nô tì. Tất cả những cuộc khởi nghĩa chống Minh đều xuất phát từ mâu thuẫn dân tộc và biểu hiện lòng yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Nhưng các phong trào yêu nước trước khởi nghĩa Lam Sơn, hoặc do sự bất tài, bất lực của những người lãnh đạo, hoặc do những khuynh hướng chính trị hẹp hòi, đều không đoàn kết, tập hợp được mọi lực lượng yêu nước của mọi tầng lớp xã hội nên đều thất bại.. Những phong trào này vẫn chưa khắc phục được những nhược điểm và sai lầm đã từng dẫn cuộc kháng chiến chống Minh do triều Hồ lãnh đạo đến chỗ bại vong.

Khởi nghĩa Lam Sơn trong quá trình chuẩn bị đã đi theo một khuynh hướng khác. Trong số 19 người dự Hội thề Lũng Nhai và danh sách 51 tướng văn, tướng võ của nghĩa quân ngày đầu khởi sự, ngoài một số người vùng Lam Sơn và Thanh Hóa còn có nhiều người yêu nước từ những nơi xa xôi tìm đến với Lê Lợi. Đó là trường hợp Nguyễn Xí từ Thượng Xá (Nghệ An), Nguyễn Trãi từ Thăng Long (Hà Nội), Phạm Văn Xảo từ vùng Kinh Lộ (vùng quanh Hà Nội), Trần Nguyên Hãn từ Sơn Đông (Vĩnh Phúc), Bùi Quốc Hưng từ Cống Khê (Hà Tây), Lưu Nhân Chú cùng với cha là Lưu Trung, anh rể là Phạm Cuống từ Đại Từ (Thái Nguyên)... Khởi nghĩa Lam Sơn dấy lên từ Thanh Hóa, nhưng ngay từ đầu đã tập hợp được anh hùng hào kiệt của bốn phương, gây dựng được mối liên hệ rộng rãi trong nước.

Thành phần bộ chỉ huy có thể nói là một hình ảnh thu nhỏ của khối đoàn kết dân tộc lúc bấy giờ với những con người ưu tú thuộc mọi thành phần xã hội và dân tộc. Bên cạnh Lê Lợi thuộc tầng lớp hào trưởng, có mặt những trí thức tài cao chí lớn như Nguyễn Trãi, những quý tộc yêu nước như Trần Nguyên Hãn, những tù trưởng miền núi như Lê Lai, cho đến những người nông dân lao động như Nguyễn Khuyến, Nguyễn Xí, những người đã từng phải đi ở, làm gia nô như Trịnh Khả...Còn lực lượng nghĩa quân là quần chúng yêu nước vũ trang “nêu gậy làm cờ, tụ tập khắp bốn phương manh lệ” (Bình Ngô đại cáo). Manh là người cày ruộng, lệ là tôi tớ. Manh lệ là quần chúng lao động, gồm những người nông dân và nô tì trong xã hội thời bấy giờ.

Khởi nghĩa Lam Sơn đã sớm mang tầm vóc dân tộc với khuynh hướng và khả năng đoàn kết, tập hợp lực lượng rộng lớn của nó. Cờ nghĩa Lam Sơn càng giương cao, tính dân tộc và tính nhân dân của phong trào càng phát triển.

Trong giai đoạn hoạt động ở miền núi rừng Thanh Hóa, tên tuổi của Bình Định Vương Lê Lợi cùng ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa đã lan truyền khắp nước. Nhiều người yêu nước từ các nơi tiếp tục tìm về Lam Sơn tham gia sự nghiệp cứu nước. Trong số đó, có người được Lê Lợi cử về quê hoạt động, xây dựng cơ sở như bà Lương Minh Nguyệt ở Cổ Lộng (Nam Định), Phạm Luận ở Như Uyên (Kinh Môn, Hải Dương)... Khởi nghĩa Lam Sơn khi còn ở trong địa bàn Thanh Hóa đã có những mối liên hệ và cơ sở được chuẩn bị ngoài Thanh Hóa.

Cuộc khởi nghĩa không chỉ tập hợp những người yêu nước mà còn có khả năng thu hút những cuộc khởi nghĩa khác. Trên đất Thanh Hóa, Nguyễn Chích là một nông dân nghèo cầm đầu cuộc khởi nghĩa trước Lê Lợi và từ căn cứ núi Nghiêu - Hoàng đã mở rộng hoạt động khắp vùng Nam Thanh Hóa, Bắc Nghệ An. Nguyễn Chích đã sớm hưởng ứng hịch cứu nước của Lê Lợi, rồi đem toàn bộ lực lượng ra nhập khởi nghĩa Lam Sơn.

Từ tháng 10 năm 1424, khởi nghĩa Lam Sơn chuyển hướng chiến lược vào xây dựng “đất đứng chân” ở Nghệ An, rồi nhanh chóng phát triển thành mộtcuộc chiến tranh yêu nước rộng lớn. Sự hưởng ứng và tham gia ủng hộ của nhân dân được nâng cao và mở rộng dưới nhiều hình thức phong phú: gia nhập nghĩa quân, tiếp tế lương thực, phối hợp bao vây đồn địch... Sử cũ ghi lại nhiều hình ảnh cảm động: “già, trẻ tranh nhau đem trâu, rượu đến đón và khao quân. Mọi người đều nói: không ngờ nay lại được trông thấy uy nghi nước cũ”, “chia quân đi lấy lại đất đai các nơi, đến châu huyện nào, người ta đều nghe tiếng mà quy phục, cùng nhau hợp sức vây đánh thành Nghệ An”, “nhân dân trong cõi dắt díu nhau đến đông vui như đi chợ”, “tranh nhau đến cửa quân xin liều chết đánh giặc”.

Trong giai đoạn này khởi nghĩa Lam Sơn trở thành trung tâm quy tụ của nhiều cuộc khởi nghĩa chống Minh ở các địa phương và phát triển trong sự tham gia hưởng ứng và vùng dậy của nhân dân. Khi tiến quân vào Nghệ An, các lực lượng khởi nghĩa ở vùng này như Phan Liêu, Lộ Văn Luật ở Ngọc Ma, Nguyễn Biên ở Động Choác (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), Nguyễn Vĩnh Lộc ở Trang Niên (Yên Thành, Nghệ An) đều tự nguyện ra nhập hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn, đứng dưới lá cờ cứu nước của Bình Định Vương. Có nơi nhân dân còn vũ trang nổi dậy, phối hợp với nghĩa quân Lam Sơn cùng giải phóng quê hương xứ sở. Cuộc nổi dậy của Nguyễn Tuấn Thiện (tức Lê Thiện) ở Đỗ Gia (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một trường hợp tiêu biểu của hình thái đấu tranh này.

Từ năm 1426 khởi nghĩa Lam Sơn phát triển ra Bắc và trở thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc quy mô cả nước. Cuộc khởi nghĩa không những tỏa rộng về không gian mà còn phát triển về chiều sâu của hình thái chiến tranh nhân dân.

Lúc bấy giờ hầu như không còn cuộc khởi nghĩa nào phát triển ngoài phạm vi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Vì vậy hình thái phát triển chủ yếu của cuộc chiến tranh yêu nước trong giai đoạn cuối này là kết hợp giữa sức mạnh tiến công của quân đội Lam Sơn với sự tham gia ủng hộ về mọi mặt và sự vùng dậy mãnh liệt của quần chúng nhân dân. Sử cũ mô tả: “các lộ Đông Đô và các xứ phiên trấn, chỗ nào cũng vui mừng tranh nhau đem trâu, dê, cơm, rượu đến khao quân và đều hưởng ứng vây đánh các thành giặc”, “hào kiệt ở Kinh lộ và nhân dân các phủ huyện cùng các tù trưởng ở phiên trấn đều tấp nập kéo đến các cửa quân xin liều chết đánh thành giặc ở các xứ”. Dựa vào cơ cấu làng xã cổ truyền, nhân dân vũ trang thành các đội dân binh cùng phối hợp chiến đấu với quân đội Lam Sơn, vừa giữ làng vừa tham gia cứu nước. Do đó như Nguyễn Trãi nói, nghĩa quân Lam Sơn “càng đánh lại càng thắng, đi đến đâu đánh tan đến đấy, như phá vật nát, như bẻ cành khô”.

Cuộc kháng chiến chống Tống đời Tiền Lê, đời Lý, chống Nguyên - Mông đời Trần, chống Minh đời Hồ là những cuộc chiến tranh giữ nước, tiến hành vào lúc đất nước độc lập, có chính quyền và quân đội. Khởi nghĩa Lam Sơn là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc dấy lên từ nhân dân và từ tay không gây dựng cơ đồ. Trong điều kiện đó, việc thu phục nhân tâm, đoàn kết và tập hợp lực lượng dân tộc giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Lê Lợi đã hoàn thành xuất sắc vai trò lịch sử đó trong khởi nghĩa Lam Sơn.

Đất nước ta lúc bấy giờ không ít những người yêu nước có tài năng xuất chúng, nhưng khó có một người nào khác ngoài Lê Lợi hội tụ được những yếu tố cần thiết để trở thành một lãnh tụ dân tộc có sức đoàn kết, tập hợp rộng lớn như vậy. Trần Nguyên Hãn là một quý tộc dòng dõi họ Trần, nhưng không tham gia phong trào Hậu Trần, lại lặn lội tìm vào Lam Sơn phò tá Lê Lợi. Nguyễn Trãi là một trí thức uyên bác, có tâm hồn lớn, đã bao năm đi tìm đường cứu nước và tìm minh chủ, cũng tự nguyện đứng dưới cờ của Bình Định Vương Lê Lợi. Nhiều tù trưởng miền núi đã từng hùng cứ một phương như Cầm Quý ở Ngọc Ma, Xa Khả Tham ở Mường Mộc... thậm chí có người đã từng hợp tác với quân Minh như Cầm Lạn ở Quỳ Châu, Đèo Cát Hãn ở Ninh Viễn... Sớm muộn đều quy phục Lê Lợi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn.

Uy tín và ảnh hưởng rộng lớn của Lê Lợi rõ ràng không phải được tạo nên bằng dòng dõi thế phiệt trâm anh, cũng không phải bằng phẩm hàm, chức tước hay học vị. Sức lôi cuốn và hấp dẫn của Lê Lợi trước hết là do đức độ, tài năng của ông quyết định. Lê Lợi là một nhà yêu nước lớn đã dốc hết tâm huyết, nghị lực của nhà cho sự nghiệp cứu nước. Trang trại Lam Sơn ở miền núi rừng cũng là một cơ sở ban đầu thuận tiện cho việc tập hợp nhân tài, gây dựng lực lượng. Là một hào trưởng thuộc tầng lớp địa chủ thứ dân, Lê Lợi không bị ràng buộc quyền lợi và địa vị với các vương triều Trần, Hồ, với chế độ điền trang thái ấp và chế độ bóc lột nô tì của tầng lớp quý tộc. Do đó mọi tầng lớp xã hội, mọi lực lượng yêu nước có thể tìm thấy ở Lê Lợi người đại diện cho lợi ích chung và tối cao của dân tộc trong công cuộc đuổi giặc cứu nước.

Trong quá trình khởi nghĩa, không thấy Lê Lợi đề ra những chính sách hay biện pháp giải phóng nô tì, giảm nhẹ tô thuế cho nông dân. Nhưng trong thực tế, đông đảo nông dân và nô tì đã nhiệt liệt tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và nhiều người trong họ đã trở thành những tướng soái xuất sắc của quân đội Lam Sơn. Dưới lá cờ cứu nước của Lê Lợi, trong đấu tranh dân tộc, một bộ phận nô tì đã được giải phóng khỏi các điền trang thái ấp của quý tộc và thân phận gia nô, sau này có người trở thành nông dân tự do và có người trở thành quan chức của triều Lê. Trên thực tế, khởi nghĩa Lam Sơn đã kết hợp được trong mức độ nào đó yêu cầu dân tộc với yêu cầu dân sinh (dĩ nhiên trong giới hạn của chế độ phong kiến). Theo tôi, đấy là những nhân tố chủ quan và khách quan đã góp phần tạo nên vai trò lãnh tụ dân tộc của Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn.

3. Lê Lợi là lãnh tụ tối cao của khởi nghĩa Lam Sơn, cùng với bộ chỉ huy nghĩa quân vạch đường chỉ lối đưa sự nghiệp cứu nước đến toàn thắng

Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn là đầu não của cuộc khởi nghĩa, giữ vai trò quyết định trong việc tổ chức và chỉ đạo chiến tranh, vạch ra đường lối, chiến lược, chiến thuật đưa cuộc chiến tranh vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi đến thắng lợi cuối cùng.

Ngày nay, thật khó tách bạch ra những cống hiến của từng cá nhân trong bộ chỉ huy. Tất nhiên về một số mặt nào đó, sử sách còn ghi lại đóng góp của từng người. Ví dụ: Nguyễn Trãi tìm đến Lam Sơn với Bình Ngô sách vạch ra “ba kế sách dẹp giặc Ngô” với những chủ trương “đánh vào lòng người”, “mưu phạt nhi tâm công, bất chiến tự khuất” (Bình Ngô đại cáo), kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao, địch vận, cách kết thúc chiến tranh nhằm “sửa hòa hiếu cho hai nước, tắt muôn đời chiến tranh” (Phú núi Chí Linh)...

Vì vậy Lê Lợi coi Nguyễn Trãi là một “mưu sĩ” (Quân trung từ mệnh tập) “nói tất nghe mà kế tất theo” (Biểu tạ ơn). Người anh hùng nông dân Nguyễn Chích cũng có cống hiến to lớn với kế hoạch xây dựng “đất đứng chân” ở Nghệ An mà sau này Lê Quý Đôn đánh giá rất cao: “Bầy tôi có công khai quốc, kể về bậc tài trí cao cần lao không là hiếm, nhưng sở dĩ vua Cao Hoàng bình định được cả nước là do mưu chước Lê Chích”.

Nhưng đóng góp của từng người không thể tách rời sự bàn luận, chấp nhận và tổ chức thực hiện của bộ chỉ huy, trong đó có vai trò quyết định cao nhất của Lê Lợi với cương vị người đứng đầu bộ chỉ huy. Về phương diện này, theo tôi vai trò của Lê Lợi biểu hiện tập trung trên hai mặt chính sau đây:

- Lê Lợi đã tập hợp được những người yêu nước, có tài năng không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc để tạo nên trí tuệ ưu việt của bộ chỉ huy. Lê Lợi tỏ ra có cặp mắt và khối óc xét đoán tinh tường, biết phát hiện tài năng và sử dụng tài năng của những người dưới trướng mình. Trong bộ chỉ huy có mặt nhiều người hầu như xuất thân từ mọi tầng lớp xã hội khác nhau, có mặt đối lập với nhau, nhưng tất cả đều đoàn kết quanh Lê Lợi trong sự nghiệp cứu nước thiêng liêng của cả dân tộc. Giữa họ, cương vị có khác nhau, nhưng rất gắn bó, thân thiết với nhau, khác xa tình trạng chia rẽ, xung đột như trong bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần. Kể lại quan hệ vua - tôi thuở bình Ngô, sau này Lê Lợi nói: “Trẫm đối xử với người, chẳng bao giờ là không hết lòng thành thực, thà người phụ ta chứ ta không phụ người. Phàm kẻ nào bất bình vì một việc nhỏ mà bỗng sinh chí khác thì Trẫm đều khoan thứ, cho hối lỗi dù họ từng trở mặt, coi ta như thù. Trẫm vẫn tin cậy như người tâm phúc nếu họ biết sửa đổi thì thôi...ấy là Trẫm trải nhiều ưu hoạn, nếm đủ gian nan, cho nên biết xót thương, nén giận, không vì việc nhỏ mà hại nghĩa lớn, không vì ý cạn mà nhỡ mưu đồ cao xa. Trong khoảng vua tôi, lấy đại nghĩa mà đối xử, ân tình như ruột thịt...”.

- Với vai trò của người lãnh tụ tối cao, Lê Lợi không những biết phát huy tài năng, trân trọng cống hiến của mọi người trong bộ chỉ huy mà còn biết quyết đoán khi cần quyết đoán. Chính sử còn ghi chép lại những lời phát biểu có ý nghĩa quyết định của Lê Lợi trong khi bàn luận với các tướng soái để xác định chủ trương của nghĩa quân hoặc để kịp thời ứng phó với một tình thế mới của chiến tranh. Những lời phát biểu đó cho thấy Lê Lợi là một nhà chính trị và quân sự tài ba, một nhà tổ chức giỏi và quyết đoán. Vài ví dụ:

Từ cuối năm 1426, sau chiến thắng Tốt Động - Chúc Động, nghĩa quân Lam Sơn bắt đầu mở chiến dịch vây hãm và giải phóng thành Đông Quan. Nếu không có viện binh của nhà Minh thì chiến dịch này sẽ giữ vai trò quyết định kết thúc chiến tranh. Nhưng đến mùa thu năm 1427, nhà Minh đã điều 15 vạn quân sang tiếp viện để cứu nguy cho thành Đông Quan và hòng xoay chuyển lại tình thế chiến tranh. Nhiều tướng lĩnh xin Lê Lợi cho tập trung lực lượng hạ thành Đông Quan để “tuyệt nội ứng”. Nhưng Lê Lợi đã kiên quyết bác bỏ những đề nghị đó và đề ra chủ trương “vây thành diệt viện” rất mưu trí. Lê Lợi nói: “Đánh thành là hạ sách. Ta đánh thành kiên cố, hàng năm, hàng tháng không lấy được, quân ta sức mỏi chí nhụt, nếu viện binh giặc lại đến thì trước mặt sau lưng đều bị tấn công, đó là đường nguy. Chi bằng nuôi sức quân, chứa khí hăng để đợi quân viện đến, khi viện binh bị phá thì thành tất phải hàng. Thế là nhất cữ lưỡng tiện, là mưu chước vạn toàn”.

Cuối năm 1427, sau đại thắng Chi Lăng - Xương Giang, viện binh đã bị tiêu diệt, quân Minh trong thành Đông Quan hoàn toàn bị cô lập và tuyệt vọng. Quân ta có đủ thế và lực để hạ thành Đông Quan, giành thắng lợi quân sự trọn vẹn. Nhiều tướng sĩ nghĩa quân cũng xin hạ thành Đông Quan tiêu diệt toàn bộ quân giặc. Nhưng Nguyễn Trãi lại đề ra chủ trương uy hiếp và vận động, buộc Vương Thông đầu hàng, “quyết định hòa để hai nước can qua đều khỏi” (Biểu tạ ơn). Lê Lợi đã sáng suốt chấp nhận chủ trương của Nguyễn Trãi và giải thích: “Việc dụng binh cốt lấy bảo toàn cả nước làm trên hết. Nay hãy để cho lũ Vương Thông về nói với vua Minh trả lại đất nước cho ta, không còn trở lại xâm lấn, thì ta còn cần gì hơn nữa, hà tất phải giết hết, để kết mối thù với nước lớn”.

Trong 10 năm khởi nghĩa, Lê Lợi đã đồng cam cộng khổ với nghĩa quân, đã chịu đựng nhiều hy sinh đau đớn và chia sẻ cảnh nước mất nhà tan với nhân dân. Lê Lợi đã từng “phải lánh ở tha hương, vợ con thân thích lìa tan, cơm không đủ ăn hai bữa, áo không phân biệt đông hè”. Một người con gái lên 9 tuổi của Lê Lợi đã bị giặc Minh bắt làm nô tì, đưa về Trung Quốc và chết nơi đất khách quê người. Trong một số trường hợp, Lê Lợi có trực tiếp cầm quân đánh giặc như một số trận trong thời gian hoạt động ở Thanh Hóa, trận Khả Lưu năm 1425, trận tấn công cửa Nam thành Đông Quan cuối năm 1426. Nhưng vai trò và cống hiến chủ yếu của Lê Lợi là cùng với bộ chỉ huy nghĩa quân tổ chức và lãnh đạo cuộc chiến tranh cứu nước đến toàn thắng.

Với tất cả những công lao và cống hiến trên đây, Lê Lợi xứng đáng là một anh hùng dân tộc vĩ đại mà tên tuổi và sự nghiệp sống mãi với lịch sử quang vinh của dân tộc.

(Bài viết được lấy từ cuốn Tìm về cội nguồn (2018), Nxb ĐHQG HN.

GS. Phan Huy Lê


GS. Phan Huy Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]