(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu kể tên những ngôi chùa có lịch sử khởi dựng sớm nhất ở xứ Thanh, có lẽ không thể không nhắc đến chùa Long Cảm. Ngôi cổ tự tọa lạc trên sườn núi Ốc Sơn, tiểu khu Trang Các, thị trấn Hà Trung (Hà Trung) gắn liền với huyền tích vua nhà Lý trên đường chinh phục vùng đất phương Nam qua đây đã được vị thần núi Ốc Sơn hiển linh phù trợ. Cũng bởi vậy mà ngôi chùa cổ có tên Long Cảm.

Lên núi Ốc Sơn chiêm bái chùa Long Cảm

Nếu kể tên những ngôi chùa có lịch sử khởi dựng sớm nhất ở xứ Thanh, có lẽ không thể không nhắc đến chùa Long Cảm. Ngôi cổ tự tọa lạc trên sườn núi Ốc Sơn, tiểu khu Trang Các, thị trấn Hà Trung (Hà Trung) gắn liền với huyền tích vua nhà Lý trên đường chinh phục vùng đất phương Nam qua đây đã được vị thần núi Ốc Sơn hiển linh phù trợ. Cũng bởi vậy mà ngôi chùa cổ có tên Long Cảm.

Lên núi Ốc Sơn chiêm bái chùa Long Cảm

Ngôi chùa chính nằm trong quần thể kiến trúc chùa Long Cảm.

Sử liệu và truyền thuyết lưu truyền tại địa phương kể lại, năm xưa vua nhà Lý trên đường dẫn quân xuống phương Nam khi qua thôn Trang Các đã dừng chân dựng trại đóng quân tại núi Ốc Sơn (núi Ốc). Đêm xuống vừa chợp mắt, nhà vua mộng thấy vị thần hiển linh tự xưng là thần núi Ốc Sơn, hứa sẽ phù trợ cho nhà vua trong cuộc tiến quân sắp tới. Sau khi chinh phục vùng đất phương Nam thành công, trở về kinh đô Thăng Long, vua nhà Lý không quên sự “giúp đỡ” của thần núi Ốc Sơn. Vì vậy, đã “lệnh” cho người dân dựng trên núi Ốc Sơn ngôi chùa mang tên Long Cảm - hàm ý nhà vua tạ ơn.

Cũng theo tài liệu còn lưu giữ tại chùa Long Cảm, đến thời nhà Trần, vua Trần Thái Tông thân chinh dẫn quân đi đánh giặc Chiêm Thành, khi qua chùa Long Cảm dừng quân nghỉ ngơi cũng mộng thấy vị thần núi Ốc Sơn hiển linh mộng báo. Và trong cuộc hành binh này, vua nhà Trần còn bắt được vợ vua Chiêm Thành đưa về kinh đô Đại Việt. Đến thời nhà Nguyễn, trong một lần ra Bắc qua vùng đất này, vua Thiệu Trị đã cho người trùng tu lại chùa Long Cảm, đồng thời ban tặng cho chùa quả chuông đồng, khắc văn bia ghi công đức.

Trải qua gần 10 thế kỷ tồn tại cùng thời gian, chùa Long Cảm đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Dấu tích thời Lý còn lưu giữ tại ngôi chùa cổ là 4 cột đá ở hiên chùa chính, bên trên khắc chữ Hán cổ. Còn lại, kiến trúc, tượng pháp, bia ký, chuông đồng, khánh đá... đều mang dấu tích thời Lê - Nguyễn.

Tọa lạc trên sườn núi Ốc Sơn, di tích chùa Long Cảm nằm trong không gian làng quê tĩnh lặng. Từ dưới chân núi, khách bộ hành men theo từng bậc nhỏ để lên trên chùa, cảm giác thanh tịnh và thật sự trong lành. Sư cô Thích Đàm Hảo trong bộ áo nâu sồng dẫn chúng tôi dạo bộ một vòng quanh chùa Long Cảm. Kia là 4 cây cột đá dựng chùa có từ thời Lý. Qua nhiều lần trùng tu, những cột đá được cố gắng giữ, để đến hôm nay, đó là dấu tích chứng minh cho lịch sử ngôi chùa cổ. Phía dưới sân chùa là khánh đá lớn, gõ vào tiếng kêu vang; rồi cả những văn bia công đức với niên đại khác nhau đã mờ nét chữ...

Chùa Long Cảm gồm nhiều công trình nhỏ: chùa chính, nhà thờ Mẫu, nhà tổ... Trong đó, chùa chính gồm 3 gian kết cấu vì kèo theo kiểu “chồng giường, giá chiêng” với 4 hàng chân cột (cột cái, cột quân), phía trên là “câu đầu”... trên các vì kèo được trang trí hình các con giống như rồng, ngựa, hưu. Trong phật điện là hệ thống tượng phật, tượng hộ pháp, câu đối, đại tự. Hai pho tượng hộ pháp cổ được đặt hai bên với dáng tượng tạo tác kiểu vũ sĩ kích thước cỡ lớn, mặc áo giáp, tay cầm khí giới, đầu đội mũ trụ.

Lên núi Ốc Sơn chiêm bái chùa Long Cảm

Khánh đá cỡ lớn tại chùa Long Cảm.

Gian giữa của Phật điện được bài trí các pho tượng cổ với 5 lớp ban thờ từ trên xuống dưới. Trên cùng là 3 pho tượng Tam Thế ngồi trên tòa sen, tượng trưng cho chư Phật ba đời: quá khứ, hiện tại, tương lai (vị lai); lớp ban thờ thứ hai là tượng Di Đà Tam Tôn, phật A Di Đà (tư thế tọa thiền), tượng Quan Thế Âm và Đại Chí Thế; lớp ban thờ thứ ba là Phật Thích Ca sơ sinh đứng trong tòa Cửu Long, bên trái là tượng Văn Thù Bồ Tát ngồi trên lưng sư tử và Phổ Hiền Bồ Tát ngồi trên voi trắng (bạch tượng); thứ tư là ban thờ có tượng Thánh Tăng, Thổ địa và Đức ông... Ngoài các pho tượng cổ, bên trong chùa chính cũng là nơi lưu giữ các mảng chạm khắc trang trí (bức võng, cốn mê, đại tự) tinh xảo với dấu tích điêu khắc thời Nguyễn.

Từ chùa chính, có “ngách” đi thông xuống nhà thờ Mẫu với kiến trúc “ba gian, hai vì kèo” bốn hàng chân cột được tạo tác bằng đá xanh. Trên các cây cột đá cũng được khắc chữ cổ mềm mại. Trong gian thờ Mẫu hiện lưu giữ các pho tượng cổ có giá trị tâm linh và cả nghệ thuật. Bên ngoài nhà thờ Mẫu còn cả bức đại tự cổ với dòng chữ “Giai trì xuân sắc”.

Đánh giá về giá trị kiến trúc nghệ thuật và văn hóa lịch sử của ngôi chùa cổ Long Cảm, sách Địa chí huyện Hà Trung viết: “Qua kiến trúc và tượng pháp ở chùa Long Cảm cho thấy đây là một công trình thờ Phật quy mô. Số lượng tượng pháp, đại tự, câu đối, bia ký và dấu ấn kiến trúc cổ còn được lưu giữ khá nguyên vẹn. Đặc biệt trong đó, những pho tượng phật là tài sản vô giá... Lịch sử ra đời và tồn tại của chùa Long Cảm góp thêm một ngôi chùa có niên đại thời Lý trên đất Thanh Hóa ít được mọi người biết đến”.

Hơn 30 năm gắn bó tu tập tại chùa Long Cảm, sư cô Thích Đàm Hảo chia sẻ: “Ngoài những dấu tích hiện vật, công trình qua các triều đại còn lưu giữ tại chùa Long Cảm, thì di tích cũng chịu nhiều tác động bởi biến thiên lịch sử và thời gian. Tuy nhiên, với tấm lòng phát tâm công đức của phật tử thập phương, từng viên gạch, ngày công... tích tiểu thành đại để ngôi chùa cổ được trùng tu, để không chỉ là nơi tu tập của người tu hành; cửa chùa từ bi luôn rộng mở hướng con người đến những điều thiện lành”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc


Bài và ảnh: Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]