(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nằm ngay bên đường đê Tả Lèn, thôn 3, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, vẻ đẹp của di tích đền thờ Lý Thường Kiệt vẫn níu chân được rất nhiều người dân trong cũng như ngoài tỉnh đến tham quan bởi vẻ linh thiêng, trầm mặc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Linh thiêng đền thờ Lý Thường Kiệt

(VH&ĐS) Nằm ngay bên đường đê Tả Lèn, thôn 3, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, vẻ đẹp của di tích đền thờ Lý Thường Kiệt vẫn níu chân được rất nhiều người dân trong cũng như ngoài tỉnh đến tham quan bởi vẻ linh thiêng, trầm mặc.

Từ ngôi đền cổ hàng trăm năm

Trước khi bước vào đền là hình ảnh cây hoa đại có hàng trăm năm tuổi với gốc cây sần sùi, đang nở hoa thơm cả một góc đền càng làm cho ngôi đền mang một nét quyến rũ riêng.

Thủ từ đền Phạm Ngọc Quỳ đã bước sang tuổi 72 và có gần 10 năm gắn bó với ngôi đền, tự hào cho chúng tôi biết: Ngôi đền thờ Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, là một danh tướng đời nhà Lý. Đức thánh Lý Thường Kiệt sinh năm Kỷ Mùi (1019) và mất tháng 6 năm Ất Dậu (1105), thọ 86 tuổi, tên húy là Ngô Tuấn, tự Thường Kiệt, người làng An Xá, huyện Quảng Đức (nay thuộc Hà Nội). Ông làm quan trải qua 3 đời vua: Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072) và Lý Nhân Tông (1072-1127) và có nhiều công lớn, được triều đình ban thưởng rất trọng hậu, được nhận làm Thiên tử Nghĩa Đệ của Hoàng đế nhà Lý, cho lấy theo họ hoàng đế. Làm tới chức Thượng Trụ quốc, Thái úy, tước Khai quốc công. Năm 1028, ngài được cử về trị nhậm trấn Thanh Hóa và làm việc ở đây suốt 19 năm. Lý Thường Kiệt là một nhà quân sự kiệt xuất, có tài thao lược lỗi lạc, phá Tống bình Chiêm, đánh đâu thắng đấy. Ông cũng là một nhà chính trị tài giỏi và ngoại giao xuất sắc. Lý Thường Kiệt là một nhân cách lớn, một anh hùng dân tộc bậc nhất của đời Lý mà tên tuổi và sự nghiệp mãi sáng chói trong lịch sử vinh quang của dân tộc.

Sau khi danh nhân Lý Thường Kiệt mất nhằm để ghi nhớ công đức của ông với đất nước và với xứ Thanh, người dân nơi đây đã xây nghè trước khi xây đền. Đền được xây dựng từ công sức của người dân 3 làng là làng Đề, làng Chợ và làng Bùi đã cùng nhau góp công, góp sức để xây dựng lại. Mỗi làng xung phong làm một “vì” bằng gỗ (cột tính theo hàng ngang ngăn các gian trong đền để dâng cho đền). Và có một điều rất kỳ lạ trong lúc xây dựng ngôi đền, đó là khi cả 3 làng đem vật liệu đến lắp các bộ phận của ngôi đền vào thì các khớp chuẩn nhau đến mức thợ không phải dùng một tiếng búa, tiếng vồ nào để đóng. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng mà không ai ngờ tới. Chỉ trong thời gian ngắn là ngôi đền được dựng xong.

Đền thờ Lý Thường Kiệt vẫn giữ được vẻ linh thiêng, trầm mặc.

Ông Nguyễn Minh Tấn - Chủ tịch UBND xã Hà Ngọc cho biết thêm: Ngày còn nhỏ, tôi nghe các cụ cao niên kể lại rằng, ngày xưa nghè thiêng lắm. Chính vì vậy, trải qua hàng trăm năm, người dân rất có ý thức trong việc giữ được kiến trúc tổng quan của ngôi đền, với nhiều họa tiết hoa văn từ các linh vật như long, ly, quy, phượng, tới các họa tiết thiên nhiên về cỏ cây, hoa lá, muông thú... được chạm khắc tinh xảo, công phu, tinh tế bởi những bàn tay tài hoa của ông cha xưa.

Đến thống nhất chủ trương tu bổ, phục dựng

Năm 2015 trước sự xuống cấp của ngôi đền, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định trong việc tu sửa cấp thiết ngôi đền, tuy nhiên trong quá trình tháo dỡ thì thấy hư hỏng nhiều, mái ngói bị hỏng gần như hoàn toàn, nhiều cột bị mối mọt... Trước thực trạng đó, huyện đã dừng lại tu sửa cấp thiết và xin trùng tu, tôn tạo lại di tích cho bền vững. Và mới đây UBND tỉnh đã có Văn bản số 8214 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Thường Kiệt, quy mô đầu tư bao gồm tu bổ, tôn tạo các hạng mục tiền bái và hậu cung. Thời gian dự kiến thực hiện trong hai năm 2017 - 2018.

Ông Nguyễn Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho biết: Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt dù trải qua hàng trăm năm nhưng đến nay vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ với nhiều chứng tích, lịch sử văn hóa lớn. Việc UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, tu bổ tôn tạo di tích là cơ hội tốt không chỉ nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và KT-XH của địa phương.

Với mục tiêu tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với du lịch, theo lộ trình khi đền thờ Lý Thường Kiệt được trùng tu tôn tạo sẽ hình thành kết nối tour du lịch tâm linh từ Tượng đài Đò Lèn Chiến thắng, thị trấn Hà Trung đến chùa Trần, đền thờ Lý Thường Kiệt, chùa Linh Xứng, đền chầu đệ Tứ (Hà Ngọc) và đến tuyến đi đền Hàn Sơn, xã Hà Sơn linh thiêng.

Trung Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]