(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngay trong Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, ở nhiều địa phương đã tổ chức lễ hội, phục vụ người dân và du khách tham quan lành mạnh, an toàn. Các lễ hội đã diễn ra trong không khí linh thiêng và thành kính, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Linh thiêng lễ hội đầu năm

Ngay trong Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, ở nhiều địa phương đã tổ chức lễ hội, phục vụ người dân và du khách tham quan lành mạnh, an toàn. Các lễ hội đã diễn ra trong không khí linh thiêng và thành kính, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc.

* Sáng mùng 8 tết (tức 23/2), tại làng Thành Sơn, xã Kiên Thọ, UBND huyện Ngọc Lặc đã tổ chức Lễ dâng hương Trung Túc Vương Lê Lai, thu hút hàng nghìn người dân, du khách thập phương bất chấp trời mưa, gió rét đến tham gia.

Buổi lễ nhằm tưởng nhớ công ơn của Lê Lai đã hi sinh thân mình cứu Lê Lợi thoát khỏi sự truy sát của giặc Minh.

Lê Lai sinh ra ở thôn Dựng Tú, xã Đức Giang huyện Lương Giang (nay là thôn Thành Sơn (làng Tép), xã Kiên Thọ. Ông là con của Lê Kiều, nối đời làm chức phụ đạo trong vùng. Lê Lai tính cương trực, dung mạo khác thường, chí khí cao cả lẫm liệt, lo việc hậu cần cho Lê Lợi.

Năm 1416, ông cùng Thái Tổ và các tướng lĩnh khác tham gia Hội thề Lũng Nhai, thề sống chết có nhau, nguyện chung sức đánh đuổi giặc Minh.

* Trước đó, ngày 21/2 (mùng 6 tháng Giêng) đã diễn ra Lễ hội chùa Mèo thuộc huyện Lang Chánh, thu hút hàng nghìn phật tử, du khách thập phương về dâng hương, dự lễ.

Hàng nghìn người dân và du khách tham quan Lễ hội chùa Mèo huyện Lang Chánh. (Ảnh: Lê Thiết)

Lễ hội chùa Mèo được tổ chức thường niên vào ngày mùng 6 tháng Giêng với các hoạt động tâm linh, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Lang Chánh, như: Ném còn, kéo co, bóng chuyền, bắn nỏ... tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong những ngày đầu xuân năm mới.

* Từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng, tại xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia đã diễn ra Lễ hội Quang Trung.

Lễ hội Quang Trung tại xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia.

Trên đường hành quân ra Bắc đại phá quân Thanh xâm lược, đến ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Thân 1788 quân bộ của Nguyễn Huệ tập trung ở Tam Điệp, quân thủy tập kết ở Biện Sơn (nay là xã Đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia). Cuộc đại phá quân Thanh được thực hiện trong 5 ngày, đến sáng ngày mùng 5 Tết, Nguyễn Huệ trên mình voi tiến vào Thăng Long trong niềm vui hân hoan chào đón của nhân dân.

Để ghi nhớ công ơn của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, nhân dân đảo Nghi Sơn đã lập đền thờ cạnh bờ biển, gần căn cứ thủy quân Biện Sơn thời bấy giờ.

Chương trình Lễ hội Quang Trung năm 2018 được xã đảo Nghi Sơn tổ chức với nhiều nội dung: Rước kiệu, dâng lễ vật; tiến hành tế lễ theo nghi thức cổ và đọc chúc văn ca ngợi công đức của vua Quang Trung và các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống; trưng bày các sản phẩm truyền thống và các chương trình văn nghệ mang đậm yếu tố dân gian.

* Phủ Na đã hết “ồn ào”...

Không còn những trò chơi trá hình, hàng quán lấn chiếm đường đi, cũng đã giảm những cảnh xô lấn, chen chúc... Đó là những hình ảnh đẹp mắt trong Xuân này ở di tích Phủ Na thuộc xã Xuân Du (Như Thanh).

Không còn cảnh bán hàng trong khu di tích, đường đi lối lại trong Phủ Na đã thông thoáng.

Năm nay, lần đầu tiên, tại di tích Phủ Na đã được thành lập 6 tiểu bangồm 97 thành viên tham gia với những nhiệm vụ khác nhau, nhưng cùng chung mục đích là nâng cao văn hóa, văn minh trong lễ hội. Điều này với Phủ Na trong nhiều năm qua vẫn đang còn những hạn chế. Không dừng ở đây, các phương tiện đi lại của du khách đã được đưa vào bãi gửi xe chứ không đưa vào gửi nhà dân, có đường vào, đường ra riêng. Bên cạnh đó, là lệnh nghiêm cấm bán hàng, cấm tổ chức các loại trò chơi từ lầu Cô Bơ trở vào. Từ đền cô Bơ trở ra sẽ phân khu bán hàng, dịch vụ riêng...

Có lẽ chưa bao giờ ở di tích Phủ Na những ngày đầu năm, du khách thấy được sự nghiêm túc và sạch sẽ đến thế. Ngày mùng 4 Tết Mậu Tuất, bà Nguyễn Thị Kỳ ở thôn 13, xã Xuân Du cùng hòa mình vào dòng người đi lễ hội Phủ Na. Bà cho biết: “Tôi là người dân ở đây, năm nào cũng đi lễ hội nên thấy rõ được sự khác biệt. Trước đây, từ đền Cô Bơ lên đền Cô Chín, hai bên đường toàn hàng quán, ngồi chiếm cả đường đi. Nhưng giờ thì đường đi lối lại đã được thông thoáng chỉ dành cho du khách vãn cảnh, dâng hương”.

Ông Ngô Văn Tứ, nhân viên quản lý đền Cô Chín, người đã có đến 16 năm “gác” đền trong mùa lễ hội cũng cho biết: “Từ hôm 30 Tết đến giờ, có hôm anh em chúng tôi đã phải ăn mì tôm sống. Tôi nói vậy vì trước đây chỉ đi qua cầu đã ăn được bát phở, giờ hàng quán không còn ở trong này nên đành hoãn phở ăn mì tôm. Mà để xuống ăn được bát phở bây giờ phải mất khoảng 30 phút, lúc lên đến đền chỉ sợ du khách lại lộn xộn trong việc dâng hương...”.

Ông Tứ nhớ lại, một vài năm về trước khi an ninh còn lỏng lẻo, một số kẻ xấu còn lên tận đền Cô Chín “xin” tiền, không cho là giở trò ngay. Năm nay, an ninh được siết chặt nên cũng đã giảm đáng kể ăn xin, ăn mày, không còn những trò chơi trá hình, mê tín dị đoan, hạn chế ăn trộm, ăn cắp... Vì hàng quán không được vào trong khu di tích nên đã hết cảnh bán can, bán lọ, hết cảnh xô đẩy, chen lấn để xin nước thánh trên đền Cô Chín...

Xuân này về di tích Phủ Na, nhìn cảnh nay mà nhớ cảnh xưa. Nhớ về những chuyện buồn mang tên: văn hóa lễ hội. Nhưng những chuyện ấy giờ đã là quá khứ. Di tích Phủ Na nay đã hết “ồn ào”... Đó là kết quả đáng ghi nhận của Ban Quản lý di tích Phủ Na trong việc thực hiện hướng dẫn tổ chức lễ hội đầu năm của Sở VH,TT&DL và các cấp chính quyền.

Nhóm PV


Nhóm PV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]