(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 21-11-2019, Quốc hội đã thông qua Luật Thư viện, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 thay cho Pháp lệnh Thư viện năm 2000.

Luật Thư viện và kỳ vọng sự phát triển

Ngày 21-11-2019, Quốc hội đã thông qua Luật Thư viện, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 thay cho Pháp lệnh Thư viện năm 2000.

Luật Thư viện và kỳ vọng sự phát triển

Để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, việc định hướng tạo lập thói quen đọc sách cho trẻ em là điều cần thiết.

Theo đó, Luật có 6 chương, 52 điều đã cụ thể hóa các chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được Hiến pháp 2013 quy định: Quyền tiếp cận thông tin, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa. So với Pháp lệnh Thư viện năm 2000, Luật Thư viện đã bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập, mở rộng đối tượng được thành lập thư viện, xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số, đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện và hàng năm định kỳ đánh giá hoạt động thư viện... Tiếp đó ngày 18-8-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện; ngày 28-8-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 05/2020/TT-BVHTTDL quy định về đánh giá hoạt động thư viện.

Thay vì đầu tư dàn trải, theo Luật Thư viện, các thư viện công lập có vai trò quan trọng sẽ được nhà nước ưu tiên đầu tư. Đồng thời quy định rõ điều kiện thành lập, hoạt động của thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã; thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam... So với Pháp lệnh Thư viện năm 2000, Luật Thư viện đã chú trọng đến yếu tố xã hội hóa và hiện đại hóa hoạt động thư viện. Trong đó, xã hội hóa tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng tham gia xây dựng, đóng góp tiền bạc, công sức phát triển thư viện. Tận dụng lợi thế cách mạng công nghiệp 4.0, các thư viện đẩy nhanh việc số hóa tài liệu, xây dựng thư viện điện tử, thư viện đa phương tiện, liên thông thư viện, truy cập mở... để nhu cầu tìm kiếm, tra cứu thông tin trên hệ thống thư viện của Nhân dân được đáp ứng tối đa.

Nằm ở vị trí trung tâm TP Thanh Hóa, cơ sở vật chất được đầu tư mới, Thư viện tỉnh tự hào khi sở hữu trụ sở khang trang so với hệ thống thư viện tỉnh trong cả nước. Với tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 200 tỷ đồng, Thư viện tỉnh bao gồm 6 phòng chức năng, đội ngũ cán bộ thư viện được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ bài bản và sở hữu số vốn tài liệu lớn, bao gồm tri thức ở hầu khắp các lĩnh vực, đáp ứng cơ bản nhu cầu đọc, nghiên cứu của người dân trong tỉnh. Đặc biệt, năm 2020, Thư viện tỉnh còn được UBND tỉnh đầu tư công nâng cấp phần mềm (tra cứu) Ilib từ 3.5 lên 8.0, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin, nghiên cứu, học tập của người dân. Ông Đỗ Hữu Cương, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: “Theo quy định của Luật Thư viện, về cơ bản các tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị tại thư viện đã cơ bản được đáp ứng. Một số tiêu chí về nguồn tài liệu số, tài liệu cổ, tài liệu quý hiếm đang được tiếp tục hoàn thiện”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Đỗ Hữu Cương, nếu theo quy định của Luật Thư viện thì phần lớn thư viện cấp huyện, xã chưa đảm bảo được yêu cầu về cơ sở vật chất, con người... Trong đó, đặc biệt là thư viện ở các huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Tại TP Thanh Hóa, hiện nay, để người dân được sử dụng tài liệu và tham gia hoạt động do thư viện tổ chức một cách thuận tiện, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch đã xây dựng phương án cải tạo trụ sở cũ của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa (số 179, đường Trường Thi) thành trụ sở mới của Thư viện TP Thanh Hóa. Trên nền diện tích xây dựng 450m2 sẽ được tu sửa để đáp ứng quy định của Luật Thư viện và phù hợp với công năng của hoạt động thư viện: phòng máy tính; phòng đọc; phòng mượn. Theo bà Lê Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Thanh Hóa: Dự kiến, vào nửa cuối năm 2021, việc cải tạo trụ sở thư viện sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động, phục vụ Nhân dân.

Là một trong những thư viện cấp huyện được đánh giá hoạt động khá tốt, Thư viện huyện Quảng Xương mỗi ngày vẫn đều đặn mở cửa phục vụ bạn đọc đến tra cứu, mượn tài liệu và đọc tại chỗ. Song, trong không gian diện tích chỉ khoảng 80m2 lưu chứa, trưng bày hàng chục ngàn tài liệu, sách báo, máy tính nên khu vực dành cho bạn đọc là không nhiều. Chị Đinh Thị Lý, cán bộ Thư viện huyện Quảng Xương, chia sẻ: Do hạn chế về không gian đọc sách nên nhiều bạn đọc thường chỉ đến mượn sách, tài liệu về nhà tự đọc. Còn ở các xã hiện chủ yếu mới chỉ có “tủ sách pháp luật”, tài liệu thuộc các lĩnh vực của đời sống chưa nhiều, thiếu đa dạng, trong khi đó không phải người dân nào cũng có điều kiện đến thư viện huyện, thư viện tỉnh.

Không chỉ là thiết chế văn hóa, thư viện còn được xem là cơ quan giáo dục ngoài trường học. Ở đó, sách chính là thầy. Mỗi người, để hoàn thiện mình có thể học ở nhiều nơi, nhiều cách khác nhau, trong đó học ở sách vở được xem là sự đầu tư sinh lời với chi phí rẻ nhất nhưng cho hiệu quả thiết thực. Không thể có dân tộc, quốc gia vững mạnh nếu người dân quay lưng, bỏ quên văn hóa đọc. Và để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, hệ thống thư viện công cộng các cấp giữ vai trò quan trọng. Giám đốc Thư viện tỉnh Đỗ Hữu Cương, cho biết: “Ở khu vực thành phố, trung tâm, có thể người dân không thiếu sách. Nhưng ở nông thôn, vùng khó khăn mới thấy sách được người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ trân quý thực sự. Vì thế, Luật Thư viện và nghị định hướng dẫn thi hành đã cụ thể quy định, tiêu chí để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Vấn đề là ở sự quan tâm, thực hiện nghiêm túc của từng cấp, ngành, địa phương”.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu vẫn thường mong ước “Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” và Người đã chỉ ra “một dân tộc dốt là dân tộc yếu”, “học hỏi là một công việc phải học tập suốt đời”. Bản thân Bác là tấm gương tự học vĩ đại. Nhà nghiên cứu Vassiliew từng khẳng định: “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ai cũng có thể bắt đầu từ việc: Đọc sách!.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]