(vhds.baothanhhoa.vn) - Bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của các dân tộc cùng sự nỗ lực quảng bá, đưa hình ảnh, nét đẹp văn hóa xứ Thanh đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh, để cùng hiểu và yêu hơn về mảnh đất, con người Thanh Hóa trong dòng chảy ngàn năm của lịch sử dân tộc... là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Ở đó còn là những trăn trở, khát vọng vì sự phát triển của một sắc thái văn hóa xứ Thanh độc đáo hòa chung trong đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Miệt mài chảy trong dòng sông văn hóa

Bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của các dân tộc cùng sự nỗ lực quảng bá, đưa hình ảnh, nét đẹp văn hóa xứ Thanh đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh, để cùng hiểu và yêu hơn về mảnh đất, con người Thanh Hóa trong dòng chảy ngàn năm của lịch sử dân tộc... là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Ở đó còn là những trăn trở, khát vọng vì sự phát triển của một sắc thái văn hóa xứ Thanh độc đáo hòa chung trong đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Niềm tự hào di sản văn hóa phi vật thể xứ Thanh

Năm 2016, Thanh Hóa lần đầu tiên có Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được công nhận: Trò diễn Xuân Phả. Niềm vui như vỡ òa không chỉ với người dân Xuân Phả xã Xuân Trường (Thọ Xuân). Sự tự hào đã lan tỏa đến khắp người dân xứ Thanh bởi khi ấy, khái niệm “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” còn quá mới mẻ, nhất là khi “Di sản” đầu tiên ấy lại là một trò diễn - nghệ thuật trình diễn dân gian tưởng chừng như rất đỗi thân quen, bình dị với cuộc sống người dân. Tuy nhiên khi những giá trị văn hóa ấy được chính thức khoác lên chiếc áo “danh phận” thì cũng đồng nghĩa với đó là trách nhiệm. Trách nhiệm giữ gìn nguyên vẹn ý nghĩa, giá trị văn hóa của cha ông đi trước cho mình, cho đời và thế hệ mai sau. Tạo nên sức sống tinh thần lâu bền của người Việt suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Từ niềm tự hào “Trò diễn Xuân Phả”, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chính thức sở hữu con số 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Trò diễn Xuân Phả (Thọ Xuân); Lễ hội Cầu Ngư (Hậu Lộc); Lễ hội Pôồn Pôông” (Ngọc Lặc); Kin Chiêng Boọc Mạy (Như Thanh); Trò Chiềng (Yên Định); Ngũ Trò Viên Khê (Dân ca Đông Anh); làng nghề đúc đồng Trà Đông (Thiệu Hóa) và Lễ hội đền Độc Cước. Trong đó, năm 2018 hai di sản Lễ hội đền Độc Cước và nghề Đúc đồng Trà Đông vừa được công nhận.

Nhắc đến Lễ hội đền Độc Cước người dân xứ Thanh và du khách yêu mến, có dịp về với Sầm Sơn hẳn vẫn còn ấn tượng với một lễ hội truyền thống rực rỡ cờ hoa, không gian náo nức cả một dải dọc bờ biển vô cùng đẹp đẽ. Trong không gian biển với tiếng sóng vỗ muôn đời ầm ào, cư dân biển Sầm Sơn lại cùng nhau tổ chức lễ hội hướng về vị thần Độc Cước tài năng, quả cảm. Lễ hội đền Độc Cước sau khi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia còn được kỳ vọng là sản phẩm văn hóa, góp phần tạo nên sự đa dạng của du lịch biển Sầm Sơn.

Năm 2018 có lẽ cũng được xem là dấu mốc quan trọng với nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) khi đây là nghề truyền thống đầu tiên ở Thanh Hóa được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhắc đến nghề đúc đồng truyền thống làng Chè, không ít khơi gợi về một lịch sử làng nghề tiếng tăm và rực rỡ ở quá khứ. Nghề đúc đồng làng Chè được khẳng định với cả nghìn năm ra đời, tồn tại và phát triển, gắn liền với nhu cầu thiết yếu trong đời sống người dân xứ Thanh nói riêng, thậm chí vang danh cả nước. Vậy nhưng, biến động lịch sử, thói quen sử dụng... tưởng chừng đã khiến cho một làng nghề truyền thống với lịch sử phát triển cả nghìn năm tưởng chừng chỉ còn là ánh hào quang của ngày hôm qua. Vậy nhưng, khát vọng níu giữ tinh hoa cha ông xưa để lại, khát vọng thay đổi để tồn tại, khát vọng để mang sản phẩm làng Chè đến với muôn phương... tất cả đã hun đúc, tạo nên quyết tâm để những nghệ nhân Trà Đông ngày hôm nay miệt mài tìm hiểu, học hỏi, thử nghiệm để tạo nên những sản phẩm làng nghề chất lượng. Đó là việc từng bước khôi phục lại những sản phẩm truyền thống: chiêng, tượng, đồ thờ, lư hương và đỉnh cao là đúc trống đồng Đông Sơn với những họa tiết, hoa văn chạm khắc tinh xảo mô phỏng kiểu dáng cổ xưa được các nhà khoa học, nghiên cứu và giới chuyên môn cả nước đánh giá cao.

Làng nghề đúc đồng Trà Đông cũng giống như hàng trăm làng nghề truyền thống đã bị mai một trên địa bàn tỉnh. Nhưng, dòng máu “nghề” chảy trong huyết quản mỗi người dân sinh ra tại đây không cho phép họ từ bỏ. Và chân lý “bảo tồn gắn với phát triển” được xem là cứu cánh khi những sản phẩm của làng nghề đúc đồng Trà Đông từng bước thay đổi, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu sử dụng của người dân. Chính điều đó đã giúp làng nghề Trà Đông tồn tại, phát triển và từng bước đi tìm lại “ánh hào quang” thuở trước.

Khi các trò diễn dân gian chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm.

Để phục dựng, bảo tồn một làng nghề truyền thống, lễ hội văn hóa, trò diễn dân gian đã là điều không dễ dàng, nhưng gìn giữ, phát triển được những di sản văn hóa phi vật thể đó của cha ông để lại thì thực sự là một thách thức. Vậy nhưng, mọi bài toán khó đều có lời giải cũng như mọi con đường trắc trở cuối cùng nếu cố gắng cũng sẽ tìm ra lối đi. Vấn đề là ở quyết tâm. Nhưng việc để những di sản văn hóa “vươn tầm, sánh vai” hòa chung trong dòng chảy đa dạng của văn hóa Việt Nam thì chắc chắn cần đến quyết tâm, trách nhiệm của không chỉ ngành Văn hóa tỉnh nhà nói chung. Và ở mục tiêu ấy, việc các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận mới chỉ là bước đầu.

Bảo tồn dấu tích trăm năm

Cùng với việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong đời sống tinh thần của người dân xứ Thanh thì 2018 cũng được xem là một năm thành công cho những nỗ lực trong công tác bảo tồn, khảo cổ di chỉ, dấu tích người xưa để lại. Có thể kể đến việc khai quật khảo cổ tại di tích Lăng miếu Triệu Tường; lập bản đồ khoanh vùng và cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích, hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích lịch sử thành Hoàng Nghiêu - căn cứ Nguyễn Chích; kế hoạch khai quật khảo cổ nghiên cứu cấu trúc và kỹ thuật xây dựng tường thành Di sản thế giới Thành Nhà Hồ; tiếp nhận dự án “Tu sửa khẩn cấp mái vòm và bảo tồn cổng thành phía Nam di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ” thuộc chương trình tài trợ của Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ... Và mới vừa qua, trong quá trình khai quật, khảo cổ học tại di tích chùa Am Các xã Định Hải (Tĩnh Gia) thì các nhà khoa học đã phát hiện nhiều di vật, hiện vật liên quan đến hoạt động tôn giáo thời Trần ở khu vực di tích.

Việc tiến hành khai quật, khoanh vùng cắm mốc bảo vệ... đối với các khu vực di tích được xem là bước đầu cho những kế hoạch dài hơi trong công tác bảo tồn những dấu tích của cha ông, đó còn xem là những căn cứ khoa học khẳng định cho lịch sử, vị thế của vùng đất Thanh Hóa trong tiến trình dựng nước, giữ nước, mở mang bờ cõi của dân tộc Việt Nam.

Thành Nhà Hồ đang được bảo tồn cấp thiết.

Khi Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản thế giới thì đó không đơn thuần chỉ là vết tích của một triều đại tồn tại vẻn vẹn 7 năm trong lịch sử nghìn năm. Đó là sự nhìn nhận cho những sáng tạo, nỗ lực, kỳ tích xây thành của cha ông ta cách đây hơn 600 năm, để lại cho cháu con hôm nay tòa thành đá khổng lồ với không ít thán phục và cả những xót xa. Hay như việc cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích Thành Hoàng Nghiêu - căn cứ Nguyễn Chích trên địa bàn các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống cũng chính là sự khẳng định về đóng góp của tướng Nguyễn Chích trong cuộc kháng chiến chống Minh, góp phần không nhỏ cho thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo, lập nên vương triều Hậu Lê kéo dài, thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến nước nhà...

Lịch sử dẫu đã đi qua với những thăng trầm, biến động có hào hùng vinh quang nhưng cũng có thể là đau thương, vất vả. Song tựu chung, nhìn lại tất cả, dù hát bài ngợi ca bất tận hay sẵn sàng lên án, phủ bỏ cũng là điều không đủ. Lịch sử cần hậu thế nhìn nhận một cách công bằng, sòng phẳng để từ đó có những đúc rút kinh nghiệm cho những hành xử, quyết sách hay đơn giản là lựa chọn... tất cả đều phải hướng đến sự phát triển của một dân tộc Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng.

Những nỗ lực, cố gắng dù đã được khẳng định nhưng năm 2018 cũng khép lại với trăn trở vì sự phát triển bền vững, rực rỡ hơn nữa của ngành VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa. Con số ước đón hơn 8,2 triệu lượt khách du lịch năm 2018 hẳn đã ấn tượng. Song với tiềm năng, lợi thế và không thiếu khát vọng thì xứ Thanh kỳ vọng vào sự phát triển hơn nữa trong sự phát triển của ngành công nghiệp không khói. Hay như con số hàng trăm làng nghề, lễ hội, trò diễn dân gian; hàng nghìn di tích, danh thắng đã được kiểm kê... Đó là tài sản cha ông xưa đã để lại, đòi hỏi chúng ta phải bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn. Đồng thời từng bước biến những di sản văn hóa trở thành niềm tự hào, hành trang để đất và người xứ Thanh vang danh cả nước.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]