(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi chợt nhớ trong thi ca dân gian từng chọn cái giếng nước để ví von lòng chung thủy của cô gái đã đem lòng yêu một chàng trai: "Tưởng giếng sâu nối sợi gầu dài/ Nào ngờ giếng cạn phí hoài sợi dây". Hình ảnh cái giếng xưa - nét đẹp văn hóa đi vào thơ ca như một lẽ tự nhiên và gần gũi với đời sống con người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nét đẹp giếng xưa

Tôi chợt nhớ trong thi ca dân gian từng chọn cái giếng nước để ví von lòng chung thủy của cô gái đã đem lòng yêu một chàng trai: "Tưởng giếng sâu nối sợi gầu dài/ Nào ngờ giếng cạn phí hoài sợi dây". Hình ảnh cái giếng xưa - nét đẹp văn hóa đi vào thơ ca như một lẽ tự nhiên và gần gũi với đời sống con người.

Phải thừa nhận một điều, giếng nước, mái đình, cây đa xưa được ví như "hồn" quê luôn in đậm trong tâm thức mỗi người, nhất là những ai phải xa quê hương vẫn khát khao mong có ngày được trở về gặp lại... giếng quê. Giếng quê đẹp thơ mộng từ những ngày xưa ấy đã trở thành "đôi bạn" tri kỷ với người, hàng ngày tâm tình, gắn bó, chia sẻ và không thể... "thiếu nhau". Đó cũng chính là cái giếng của một thời để nhớ!

Miên man... liên tưởng cái giếng của thơ ca, tình cờ tôi gặp chị Hoàng Thị Út ở thôn 1 làng Nhân Lý, huyện Hà Trung vào một chiều mùa xuân Canh Tý. Tôi và chị chưa từng quen biết nhau, nhưng chị Út giới thiệu với tôi rất nhiệt tình, tự nhiên và khá kỹ "lai lịch" về một cái giếng của làng chị: "Từ xưa, đa số người trong làng đều sử dụng nước từ cái giếng này. Không biết từ bao giờ, chỉ biết rằng từ lúc bé lon ton theo mẹ, tôi đã thấy có cái giếng này rồi. Dường như "cảnh chiều người", vật đổi sao dời, người thì mỗi ngày già đi, cảnh ở đây cũng đổi khác theo thời gian, nước giếng vẫn cứ trong veo, không chỉ nấu cơm, nấu thức ăn dẻo ngon mà nấu nước chè xanh, chè khô... cứ ngọt lịm, vẫn đậm hương vị của chè". Chị hào hứng kể thêm: "Nghe các cụ cao tuổi ở làng nói rằng, sở dĩ làng Nhân Lý khi đào giếng được mạch nước đã trong lại ngọt và không bao giờ hết nước là do "ông trời" ban “lộc”. Phần đuôi rùa nằm đúng vị trí của giếng nên làng được hưởng "lộc trời".Sự thực là làng Nhân Lý ở ngay chân núi Rùa (núi tựa hình con rùa nên người địa phương gọi như thế).

Chị Hoàng Thị Út, xã Hà Bình, huyện Hà Trung giới thiệu về cái giếng ở thôn 1 (Nhân Lý).

Chị Út còn cho biết "tuổi đời" của cái giếng này đã ngót 3 trăm năm. Nói rồi, chị Út đưa tôi đến xem tận mắt cái giếng như đã giới thiệu. Vị trí giếng (ở thôn 1) dưới chân núi Rùa, bên cạnh nhà chị và các gia đình anh Hoàng Văn Tuyến, chị Hoàng Thị Vui, anh Hoàng Văn Hùng vẫn thường xuyên dùng nước giếng hàng ngày. Trước đây, đã lâu lắm rồi có một số gia đình ở 2 làng Xuân Áng, Xuân Sơn (làng Cồ) cùng xã, cách độ 2 km đã thường xuyên lấy nước ở giếng làng Nhân Lý về sử dụng, ấy vậy mà nước vẫn cứ dồi dào...

Khuôn viên của giếng có không gian rộng, bằng phẳng, tường bao quanh được xây lát gạch bằng phẳng, với nhiều cây bóng mát. Phía dưới, vanh giếng được xây bằng đá màu xanh lấy từ núi, phía trên là gạch chỉ (loại gạch dùng cho xây dựng đền, đình, chùa... trước đây) đúc thủ công và nung chín (kích thước viên gạch mỏng và ngắn hơn loại gạch chỉ hiện nay). Do tu sửa một vài lần nên mặt trên cùng của thành giếng dần được thay thế bằng loại gạch nung tuy nen. Đáy giếng là vỉa đá tự nhiên, mặt bằng phẳng, không có rêu nên nước lúc nào cũng trong suốt, không cặn đá vôi... Giếng có đường kính khá rộng, chừng 2,5 - 3m; thành giếng từ mặt đất lên cao độ 60cm; từ mặt đất xuống đáy sâu 3m; mức nước tại thời điểm cao 40 - 50cm; vào mùa mưa tháng tám hàng năm, nước giếng thường xuyên trên 1 mét nước. Điều đặc biệt là giếng không bao giờ cạn nước, kể cả thời điểm nắng hạn gay gắt.

Được biết, có 3 giếng nước vào loại cổ có giá trị nằm rải rác trong làng Nhân Lý. Tuy nhiên, hiện chỉ còn lại duy nhất giếng nước ở “phần đuôi rùa” này vẫn được nhiều gia đình trong thôn sử dụng thường xuyên bởi giá trị của mạch nước ngọt thiên nhiên ban tặng đã bao đời nay.

Cũng ít nơi như ở làng Nhân Lý này, người dân vẫn sử dụng nước giếng này và luân phiên dọn vệ sinh, giữ cho nước đảm bảo sạch sẽ. Tuy nhiên, vẫn rất cần được địa phương nơi đây quan tâm, có kế hoạch bảo vệ để tiếp tục khai thác nguồn nước sạch, thiết thực đáp ứng nhu cầu đời sống hàng ngày của nhân dân.

Lê Như Cương


Lê Như Cương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]