(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa), một trong những ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, nơi lưu lại dấu ấn cho cả một giai đoạn lịch sử của nền văn minh Đông Sơn. Những ngôi nhà cổ ở đây đã làm nên nét đặc sắc riêng cho ngôi làng cổ này. Và ở ngõ Trí, số nhà 10, ngôi nhà cổ của gia đình ông Lương Thế Tập cũng đã góp phần làm nên điều kỳ diệu ấy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nét đẹp ngôi nhà cổ ở làng cổ Đông Sơn

(VH&ĐS) Làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa), một trong những ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, nơi lưu lại dấu ấn cho cả một giai đoạn lịch sử của nền văn minh Đông Sơn. Những ngôi nhà cổ ở đây đã làm nên nét đặc sắc riêng cho ngôi làng cổ này. Và ở ngõ Trí, số nhà 10, ngôi nhà cổ của gia đình ông Lương Thế Tập cũng đã góp phần làm nên điều kỳ diệu ấy.

Năm 2006, ngôi nhà trên 200 năm tuổi này đã được công nhận là Di tích kiến trúc nhà cổ cấp tỉnh. Đây là ngôi nhà duy nhất đã được xếp hạng trong tổng số 13 ngôi nhà cổ ở làng cổ Đông Sơn. Ngôi nhà cổ bằng gỗ 5 gian có kiểu kiến trúc điển hình ở thế kỷ XIX còn tương đối nguyên vẹn, có giá trị về mọi phương diện. Năm 2000, chủ nhân của ngôi nhà là ông Lương Trọng Duệ cùng con, cháu đã tôn tạo lại, nhưng ngôi nhà cổ vẫn giữ nguyên được những nét xưa.

Về sau này, khi ông Lương Trọng Duệ mất, theo di chúc thì ngôi nhà được giao lại cho con trai là ông Lương Thế Tập quản lý. Cảm nhận khi bước vào ngôi nhà cổ trên 200 năm tuổi này không chỉ là vẻ đẹp về mặt kiến trúc nghệ thuật, mà còn được chiêm ngưỡng hàng trăm đồ cũ và cổ được xếp đặt ở phía bên trong ngôi nhà. Tại đây, sẽ bắt gặp các bộ sưu tập về tư liệu sản xuất của bà con nông dân hay là các đồ dùng, dụng cụ đồ đá, đồ đồng, gốm, sứ qua các thời kỳ và những di vật của chiến tranh. Ông Lương Thế Tập cho biết: “Bản thân trước đây bố tôi là công dân hỏa tuyến, là dân quân tự vệ. Còn tôi là anh bộ đội chuyển ngành. Tôi kế nghiệp bố tôi, tiếp tục đi sưu tầm những hiện vật của thời gian”.

Ông Lương Trọng Duệ (khi còn sống) đang giới thiệu về ngôi nhà cổ cho du khách đến tham quan.

Những hiện vật của thời gian, qua năm tháng vẫn còn nguyên giá trị. Những hiện vật ở trong ngôi nhà cổ này đã tái hiện lại một cách sinh động về sinh hoạt của vùng quê với nơm, dậm, cối, chày, cày bừa, cuốc xẻng... Hay những mảnh ghép của chiến tranh đã được lưu lại qua mảnh đạn, vỏ bom, bình toong, kẻng báo động... Tất cả đều thể hiện sự trân quý của chủ nhân với những giá trị cũ. “Gia đình tôi muốn lưu giữ lại cho quê hương, cho đời sau và sẽ làm tiếp công tác sưu tầm, bảo tồn, đầu tư, bổ sung các tư liệu liên quan đến bà con nông dân, đến chiến tranh...” - ông Lương Thế Tập chia sẻ.

Điều đặc biệt là ngôi nhà cổ này không chỉ là nơi để gia đình, anh em, họ hàng trở về vào những ngày giỗ, ngày lễ mà còn là nơi đặt chân của nhiều du khách đến tham quan, nghiên cứu... Tuy nhiên, cũng theo ông Tập thì gia đình ông đang rất cần hơn nữa sự quan tâm của các ban, ngành chức năng khi mà hiện nay ngôi nhà đang có hiện tượng xuống cấp, mối mọt.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]