(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn 10 năm nay, phong trào thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) chèo quần chúng phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Ngày xuân nghe nhịp trống chèo: Thắp lửa đam mê

Hơn 10 năm nay, phong trào thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) chèo quần chúng phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Ngày xuân nghe nhịp trống chèo: Thắp lửa đam mêNNƯT Nguyễn Thị Oanh (bên trái), thành viên CLB nghệ thuật hát chèo văn làng Phượng Mao.

Nỗ lực của các câu lạc bộ

Từ đội văn nghệ quần chúng do Đoàn Chèo Thanh Hóa đỡ đầu và giúp đỡ về chuyên môn nghệ thuật, năm 2006, CLB hát chèo thôn Xuân Áng, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) chính thức thành lập. Thành viên tham gia là những người có năng khiếu văn nghệ muốn được thỏa sức hát ca, được sống với niềm đam mê nghệ thuật. Ông Vũ Đình Nguyện, Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Từ 20 thành viên ban đầu, sau 16 năm hoạt động, CLB vẫn duy trì và phát triển. Sự say mê, mong muốn giữ gìn nghệ thuật truyền thống của quê hương chính là yếu tố then chốt giúp các thành viên trong CLB không bỏ cuộc trước những khó khăn. Sau mỗi buổi biểu diễn, với mục đích giúp nhau cùng tiến bộ, các thành viên CLB thường ngồi lại trao đổi, chuyện trò vừa để động viên, khích lệ, vừa để góp ý, giúp nhau phát triển. Ngoài ra, từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền mà CLB hoạt động có hiệu quả hơn. Trong năm 2020, CLB được huyện Vĩnh Lộc hỗ trợ 20 triệu đồng mua thiết bị âm thanh, xã hỗ trợ 10 triệu đồng mua trang phục biểu diễn. Năm 2021, xã tiếp tục hỗ trợ CLB thêm 10 triệu đồng. Đây là động lực để mỗi thành viên CLB ý thức hơn về trách nhiệm của mình với cộng đồng. Vì thế, cùng với việc tái hiện các trích đoạn chèo cổ, các thành viên CLB còn tự biên, tự diễn hàng chục tiểu phẩm, trích đoạn với ý hay, tứ lạ, thấm tình quê, mang tính thời sự và nhân văn, phản ánh tâm tư, tình cảm của Nhân dân”.

Ngày xuân nghe nhịp trống chèo: Thắp lửa đam mêÔng Lê Huy Cẩn (thôn 3, xã Trung Thành, huyện Nông Cống).

Cũng là miền quê giàu truyền thống văn hóa lịch sử, xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) ngoài CLB chèo làng Vĩnh Gia thì CLB nghệ thuật hát chèo văn làng Phượng Mao được nhiều người biết đến bởi có phong trào sôi nổi. Ông Hàn Hải Vịnh, Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Từ bao đời nay, hát chèo đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ quen thuộc của người dân trong xã. CLB từ 25 thành viên ban đầu, nay đã phát triển lên 30 người. Tuy vậy, đã có thời điểm CLB ở vào tình trạng “tan đàn xẻ nghé”. Để có kinh phí hoạt động, mua sắm loa đài, đạo cụ, nhạc cụ..., các thành viên đã tự nguyện đóng góp. Nhưng hơn hết, sự tồn tại và phát triển của CLB nhờ tinh thần đoàn kết của các thành viên.

Rời Hoằng Phượng với lời dặn dò của ông Hàn Hải Vịnh: “Hết dịch COVID-19, cô về đây nhé. Lúc đó, chúng tôi sẽ tập hợp tất cả các thành viên và biểu diễn một tiết mục đặc sản của quê hương tôi”.

Giữ trọn niềm đam mê

Lực lượng diễn viên, nhạc công “không chuyên” ở các CLB có nghề chính làm nông nghiệp. Nhưng vì say mê, muốn góp sức mình giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật chèo mà họ không quản thời gian, tuổi tác tham gia sinh hoạt ở CLB.

Để thành lập và giữ gìn được các CLB không thể thiếu vai trò của các nghệ nhân, thành viên ban chủ nhiệm. Nếu ai đã từng gặp ông Lê Huy Cẩn (thôn 3, xã Trung Thành, huyện Nông Cống) hầu như đều thắc mắc: “Động lực nào để ông yêu chèo đến vậy?”. “Người làng Mưng phải giữ chèo làng Mưng”, chính là điều mà ông Cẩn luôn nhắc nhở mình. Có bố là diễn viên Đoàn Nghệ thuật Chèo Thanh Hóa, từ nhỏ ông Lê Huy Cẩn đã nhiều đêm cắp ghế cùng mẹ đi xem bố hát. Những câu chèo ngấm dần, đặc biệt chèo thờ làng Mưng có làn điệu riêng, đặc trưng riêng khiến ông muốn được thể hiện. Dù đã gần 70 tuổi nhưng tình yêu của ông với nghệ thuật chèo chưa bao giờ thay đổi. Ở làng Mưng này, nếu tết mà không được xem Tống Trân Cúc Hoa, Thục Vân, Tuấn Khanh, Lưu Quân Bình... thì sẽ mất vui. Bởi thế, ngay sau khi gặt hái xong vụ mùa vào tháng 10 âm lịch, người già, người trẻ lại kéo nhau đến nhà văn hóa thôn tập luyện đến trước rằm tháng Chạp để chuẩn bị cho tết, và từ tháng Giêng đến tháng ba là những đêm hội rộn ràng tiếng hát. Những người như bà Nguyễn Thị Nhị, Lê Thị Nam 90 tuổi vẫn hăng hái đăng ký tham gia hát chèo thờ, người trẻ hơn là các bà Nguyễn Thị Dụng, Lê Thị Liên, Phạm Thị Hằng, Vũ Thị Hạnh... ngoài 60 tuổi vẫn hát chèo truyền thống. Ông Lê Huy Cẩn chia sẻ: “Nếu không được hát thì đời tôi buồn và nhạt nhẽo lắm. Mà chẳng riêng gì tôi, ở làng này, ai cũng mê chèo, đặc biệt là phụ nữ”.

Dù chưa phải là nghệ nhân, nhưng ông Cẩn luôn là người duy trì và gìn giữ những câu chèo ở làng Mưng. “Một năm có mấy tháng ba/ Nhớ ngày lễ hội mùng 5 ta về”, câu hát vang lên để nhắc nhở mọi người về với lễ hội đền Mưng nghe hát chèo thờ.

Đến xã Thiệu Nguyên, hỏi bà Tống Thị Ca ở thôn Nguyên Thành thì nhiều người biết: “Bà hát chèo hay lắm”. Nổi tiếng là người hát và hát hay tất cả các làn điệu chèo, bà còn viết kịch bản chèo, hướng dẫn, chỉ bảo mọi người từng câu hát. Bà Ca kể: “Số tôi vất vả từ bé, ngày làm đủ thứ việc, nhưng đêm nào cũng phải đi tập văn nghệ. Chỉ cần nghe câu chèo là thấy khỏe ngay. Tôi còn nhớ, trước đây khi biểu diễn vai Tấm Cám, Thị Kính... thương xót số phận những nhân vật này, mà các ông, các bà trong làng còn lên tận sân khấu để cho tôi tiền, thậm chí ôm tôi và khóc”.

Nhiều lần được đoàn nghệ thuật về tuyển, nhưng bà không đi. Tuy vậy, cả đời bà Ca chỉ yêu ca hát. “Chỉ vì yêu thôi, dù không có sự hỗ trợ nào, nhưng chỗ nào cần đến bà Ca dạy hát chèo, chỉnh sửa từng động tác là bà ưu tiên dừng mọi việc, chạy đến ngay". Ông Ngô Xuân Thư, Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên, khẳng định: “Nếu không có bà Tống Thị Ca thì phong trào hát chèo của xã Thiệu Nguyên cũng không mạnh được. Bà là người gìn giữ giá trị các làn điệu chèo”. Nhờ tiếng hát của mình, bà Tống Thị Ca không chỉ được đi biểu diễn ở các huyện trong tỉnh, mà còn được đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hiện bà đang được đề nghị xét tặng Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian “Hát các làn điệu chèo”).

Bà Nguyễn Thị Oanh là một trong 2 NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở làng Phượng Mao, xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa). Cuộc sống hiện tại của bà dẫu còn nhiều vất vả, vừa chăm sóc bố 96 tuổi và mẹ 85 tuổi, vừa thêm mỗi khi trái gió trở trời, căn bệnh thoái hóa cột sống khiến bà đi lại khó khăn. “Bà Nguyễn Thị Oanh ở ngoài và trên sân khấu khác nhau một trời một vực. Khi điểm phấn, tô son, nhập hồn vào vai diễn, như: Súy Vân, mẹ Đốp, Thị Màu và thậm chí những vai diễn mới như bà Hà trong vở “Sám hối”, bà chủ tịch trong vở “Bừng sáng một vùng quê”... chẳng ai còn nhận ra được”, ông Hàn Hải Vịnh, Chủ nhiệm CLB nghệ thuật hát chèo văn làng Phượng Mao khoe với chúng tôi.

Cả một đời gắn bó với nghệ thuật chèo, những “diễn viên” không chuyên đến nay đã bước sang cái tuổi chân yếu, mắt mờ, tay mỏi, nhưng nhiệt huyết vẫn luôn cháy bỏng. Họ vừa là di sản đồng thời cũng gánh trên vai trách nhiệm giữ gìn di sản của ông cha.

Huyền Chi


Huyền Chi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]