(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghè Đa Sỹ, thuộc làng Đa Sỹ, xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa vốn hàm chứa những giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng tiêu biểu rất có ý nghĩa và sức sống trường tồn trong đời sống của nhân dân nơi đây.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghè Đa Sỹ còn lưu giữ nhiều hiện vật quý

Nghè Đa Sỹ, thuộc làng Đa Sỹ, xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa vốn hàm chứa những giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng tiêu biểu rất có ý nghĩa và sức sống trường tồn trong đời sống của nhân dân nơi đây.

Đây là nơi thờ tự các vị thần có công lao to lớn đối với cộng đồng cư dân làng xã, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của làng. Đến nay những giá trị về lịch sử, văn hóa tín ngưỡng vẫn được nhân dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy...

Nghè Đa Sỹ.

Nghè Đa Sỹ có địa thế cảnh quan đẹp, nằm quay mặt về hướng Đông Nam, tựa lưng vào núi Đa Sỹ ngay trung tâm của làng, mặt trước đền là một cánh đồng lúa bao la rộng lớn. Ở địa thế này đền vừa gắn liền với thiên nhiên lại vừa gắn liền với đời sống sinh hoạt của nhân dân. Không gian kiến trúc được bố trí, gồm cổng nghè, sân ngoài, cổng Nghi Môn, sân trong, nhà Tiền đường, Trung đường và hậu cung...

Thủ từ Nghè Đa Sỹ Nguyễn Thị Quế (75 tuổi), nhiều năm gắn bó với công việc thủ từ đã kể cho chúng tôi nghe về lịch sử của nghè với niềm tự hào lớn. Bà nói rằng, nghè là nơi thờ hai vị thần là Cao Sơn Đại Vương và Đậu Đại vương Lục cung chàng nương Thiên tôn. Vị thần Cao Sơn Đại vương là vị thần chính được thờ ở gian giữa của hậu cung nghè Đa Sỹ. Đây là vị thần có một vị trí, cũng như sức ảnh hưởng hết sức quan trọng đến đời sống tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng làng xã. Đồng thời cũng là vị thần chở che, bảo hộ cho đời sống của nhân dân trong làng được bình yên, hạnh phúc, là nơi gửi gắm niềm tin, gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng lâu dài của địa phương. Về vị thần Đậu Đại vương Lục cung chàng nương Thiên tôn, đến nay chưa tìm thấy hành trạng của thần một cách chi tiết. Tuy nhiên theo các cụ già ở làng Đa Sỹ cho biết vị thần là người có công trong việc bảo trợ cho làng cùng với vị thần Cao Sơn Đại Vương và cũng được dân làng Đa Sỹ thờ cúng tại Nghè.

Đây là những vị thần đã có công với dân với nước được nhà vua ban tặng sắc phong và sức cho làng Đa Sỹ và nhân dân trong vùng thờ phụng. Vì vậy di tích thường gọi là Nghè Đa Sỹ. Trước đây Nghè Đa Sỹ gồm 5 gian tiền đường, 5 gian trung đường, 3 gian hậu cung, cổng Nghi môn 2 tầng mái được xây kiên cố bằng bê tông cốt thép. Năm 1964, do thời kỳ bài phong, toàn bộ công trình này đã bị phá hủy chỉ còn lại 3 gian hậu cung xây cuốn vòm và một số hiện vật cũ.

Với niềm tự hào về truyền thống của cha ông, các thế hệ người con làng Đa Sỹ nói riêng và xã Đông Vinh nói chung luôn có ý thức trong việc gìn giữ, bảo vệ đền. Từ tấm lòng hảo tâm của con em đang sinh sống ở địa phương cũng như mọi người con đang làm việc trên mọi miền của tổ quốc, cũng như khách thập phương đã đóng góp, tôn tạo thêm một số hạng mục. Hiện nay Nghè Đa Sỹ còn bảo tồn được kiến trúc thời Nguyễn với hình thức kiến trúc cuốn vòm xưa. Cùng với cổng Nghi môn còn nguyên vẹn, trong những năm qua, ngôi đền được nhân dân địa phương đóng góp và tôn tạo thêm hạng mục Nhà Tiền đường 3 gian, phần nào lưu giữ được nét cổ kính, truyền thống và những giá trị xưa của đền. Nghè Đa Sỹ được công nhận di tích cấp tỉnh vào năm 2017.

Thủ tử Nguyễn Thị Quế giới thiệu về những hiện vật có giá trị gắn liền với Nghè Đa Sỹ.

Phó Chủ tịch UBND xã Đông Vinh Hà Việt Bắc cho biết thêm: Hiện nay nghè Đa Sỹ đang còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật cổ, như mâm đồng bằng đá có kích thước, chiều cao 23 cm, đường kính 28 cm; bát hương đá có kích thước chiều cao 13 cm, đường kính miệng 15 cm; bát hương gốm, ngai thờ... Đây là những hiện vật rất có giá trị giúp các nhà nghiên cứu trong việc tìm hiểu sự ra đời tồn tại của Nghè Đa Sỹ trong lịch sử cũng như sự hình thành và phát triển làng xã của vùng đất này. Những di vật này cũng là thành quả của nghệ thuật điêu khắc đá trong truyền thống và mỹ thuật ở thế kỷ XIX của làng quê xứ Thanh.

Cùng với đó, nhân dân vẫn còn giữ được nhiều sắc phong ghi chép lại bằng chữ Hán, trong đó có một bản sao chép lại sắc phong thời Lê về việc phong sắc cho Cao Sơn Đại Vương, một bảng kê về các đạo sắc cho Cao Sơn Đại Vương gồm: Sắc phong niên hiệu Cảnh Thịnh tứ niên ngũ nguyệt nhị thập nhật (1796) nhất đạo; Sắc phong niên hiệu Gia Long cửu niên lục nguyệt thập ngũ nhật (1810) nhất đạo; sắc phong niên hiệu Minh Mệnh ngũ niên thập nhị nguyệt sơ nhất nhật (1824) nhất đạo; sắc phong niên hiệu Thiệu Trị tứ niên tam nguyệt nhị thập tứ nhật (1844) nhất đạo...

Cũng như rất nhiều vùng quê khác, việc thờ phụng, tôn trọng thần linh luôn được nhân dân trong làng, trong xã coi trọng, giữ gìn và coi đó là một phần không thể thiếu được của đời sống nhân dân. Hàng năm cứ vào các ngày lễ, tết, ngày rằm, ngày mùng 1 hàng tháng, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán, nhân dân trong làng lại nô nức tụ họp về đây, dâng lễ vật lên các vị thần để cầu mong cuộc sống yên bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt. Nghè Đa Sỹ là trung tâm sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng. Người dân tin rằng thần luôn chở che, bao bọc, mang lại may mắn, giúp đỡ các thế hệ con người làng Đa Sỹ.

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]