(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Có thể rất nhiều danh hiệu, bằng chứng nhận, bằng khen đang dần bị đánh mất vị trí của nó. Nhưng tại sao các nghệ nhân dân gian, đặc biệt là các nghệ nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa phi vật thể vẫn chờ đợi sự công nhận từ bao năm nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghệ nhân dân gian - cả đời tâm huyết vì nghề (Kỳ 1): Rộn ràng những dịp liên hoan, phong tặng

(VH&ĐS) Có thể rất nhiều danh hiệu, bằng chứng nhận, bằng khen đang dần bị đánh mất vị trí của nó. Nhưng tại sao các nghệ nhân dân gian, đặc biệt là các nghệ nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa phi vật thể vẫn chờ đợi sự công nhận từ bao năm nay.

Lãnh đạo UBND tỉnh và Sở VH,TT&DL trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Đơn vị đầu tiên vinh danh các nghệ nhân dân gian chính là Hội văn nghệ dân gian, do GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian làm chủ tịch. Đó là vào những năm 2000, nhận thấy kho di sản dân gian đang đứng trước nguy cơ không thể cứu vãn, nhiều nghệ nhân hoặc đã quá cố; hoặc còn sống thì cũng vào tuổi 70 - 80 rồi, Hội Văn nghệ dân gian đã đưa ra kế hoạch vinh danh các nghệ nhân mà UNESCO gọi là Báu vật nhân văn sống (Living Human Treasures). Trong 15 năm, Hội Văn nghệ dân gian đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và vinh danh cho khoảng trên 300 người. Sau Hội Văn nghệ dân gian, trong những năm qua, một số địa phương cũng đã có những hình thức tự vinh danh và hỗ trợ kinh tế cho các nghệ nhân cao tuổi. Tuy nhiên, các nghệ nhân vẫn chờ đợi một sự vinh danh chính thức cấp nhà nước.

Sau 12 năm xây dựng, Nghị định xét tặng các danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) chính thức có hiệu lực (ngày 7/8/2014) gồm 5 chương, 18 điều. Theo đó, việc xét duyệt các danh hiệu NNND, NNƯT sẽ được tiến hành 3 năm/lần, với 3 vòng xét duyệt từ các Hội đồng cấp cơ sở, cấp Bộ và cấp Nhà nước. Bên cạnh các đặc thù về tài năng và đạo đức, nghệ nhân được vinh danh còn phải đảm bảo tuổi nghề ít nhất 15 năm (NNƯT) hoặc 20 năm (NNND).

Và ngày 18/11/2015 Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 2533 về việc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” cấp Nhà nước cho 617 cá nhân, (trong đó 17 cá nhân được truy tặng). Nằm trong danh sách này, 18nghệ nhân Ưu tú của Thanh Hóa đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể khác nhau như khặp Thái, trò Xuân Phả, hát xẩm, hát chèo, đánh trống hội, đánh trống hát tuồng cổ, chèo chải, dân ca, dân vũ Đông Anh... đã được Sở VH,TT&DL Thanh Hóa tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu vào ngày 30/8/2016.

Chờ đợi - là cảm giác rất rõ khi chúng tôi tiếp xúc với các nghệ nhân. Chúng tôi về xã Đông Anh (huyện Đông Sơn) và tìm đến hai nghệ nhân Nguyễn Duy Giăng, Lê Thị Dòn và rất hiểu tại sao các nghệ nhân này vui mừng đến vậy. Thời gian đâu chờ đợi họ, đã ở cái tuổi ngót nghét 90, thậm chí như nghệ nhân Nguyễn Duy Giăng đã ngoài 90 tuổi. Ông chia sẻ: Trong suốt 60 năm, ông đã lưu giữ, truyền dạy cho nhiều thế hệ các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc Đông Anh. Ngoài ra ông còn là người đang lưu giữ các bản ghi chép trò Ngô, trò Chiêm Thành, trò Thủy

Còn với bà Lê Thị Dòn, từ những năm 1946 của thế kỉ trước bà đã bắt đầu thu thập và và lưu giữ nghệ thuật diễn xướng dân ca dân vũ Đông Anh. Đồng thời bà còn nhớ các tích trò, sau đó ghi chép, truyền lại cho con cháu và tổ chức luyện tập. Hai ông bà vừa kể, vừa hát, thậm chí vừa múa lại cho chúng tôi xem. Niềm vui đó không tính bằng vật chất, niềm vui đó chính là sự khẳng định giá trị của cuộc sống. Cả một đời âm thầm đam mê, cống hiến, trao gửi cuối cùng những ngọn nến tưởng leo lét ấy vẫn cháy sáng, thậm chí tỏa hương.

Sau khi được phong tặng NNƯT, nghệ nhân Ngô Trọng Bình xúc động nói: So với nhiều bạn bè, tôi còn may mắn hơn họ vì còn có cơ hội để đứng trên bục nhận trao bằng NNƯT. Hay nghệ nhân Phạm Thị Tắng ngay từ nhỏ bà đã được các ông Mo, bà Máy cho theo học để truyền nghề. Sau khi trở thành bà Máy bà đã tham gia thực hành và truyền dạy cho các thế hệ biết về lễ hội truyền thống Pồôn Pôông của đồng bào người Mường ở Thanh Hóa. Bà Tắng ngân ngấn nước mắt: Từ trước đến nay tôi chỉ lặng lẽ làm, lặng lẽ cống hiến, truyền dạy cho các cháu nhỏ. Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng đã nhận được quyết định của Chủ tịch nước, tôi quá vui.

Theo ông Nguyễn Huy Sơn - Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh có 7 dân tộc, sinh sống tại 27/27 huyện, thị, thành phố trong tỉnh và mỗi vùng miền đều có một phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, bản sắc văn hóa của các dân tộc đang dần mai một. Vì vậy, tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng các nghệ nhân vẫn tâm huyết, miệt mài sưu tầm, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc và truyền lại cho thế hệ mai sau “hồn cốt” của dân tộc là việc làm rất trân trọng”.

So với các nghệ nhân thuộc các lĩnh vực khác, sau khi vinh danh họ có thêm nhiều cơ hội để phát triển nghề, làm nghề thậm chí giàu có. Còn các nghệ nhân dân gian thuộc lĩnh vực văn hóa phi vật thể hầu hết là những người lớn tuổi, điều kiện sinh sống chủ yếu phụ thuộc con cái. Những điệu hò câu hát, những hồn cốt dân tộc ấy chỉ mang ý nghĩa tinh thần, không có giá trị về vật chất. Sự vinh danh cũng chủ yếu vì cái tình, vì yêu mà thôi.

Chờ đợi để được vinh danh và sự vinh danh ấy đã thành hiện thực. Nhưng ngay cả khi đã được vinh danh thì họ, những NNƯT, NNND mới chỉ có danh mà không có thực. Họ lại quay trở về điểm xuất phát ban đầu, miệt mài dạy và truyền nghề, không cân, đo, đong, đếm sức lực, trí tuệ và vẫn bằng lòng với hai tiếng: không lương. Ranh giới giữa danh và thực, với họ vẫn quá xa vời... Và niềm vui ngắn chẳng tày gang.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]