(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Đồng bào Dao xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy sinh sống ở 3 thôn: Phú Sơn, Sơn Lập, thôn Quần, thuộc nhóm Dao Quần Chẹt, chiếm 30% dân số toàn xã, hiện nay vẫn còn gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán có từ lâu đời như: một số nghi lễ, tết truyền thống của người Dao như lễ cấp sắc, tết năm cùng, tết nhảy...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người Dao xã Cẩm Châu mong muốn xây dựng điểm văn hóa du lịch

(VH&ĐS) Đồng bào Dao xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy sinh sống ở 3 thôn: Phú Sơn, Sơn Lập, thôn Quần, thuộc nhóm Dao Quần Chẹt, chiếm 30% dân số toàn xã, hiện nay vẫn còn gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán có từ lâu đời như: một số nghi lễ, tết truyền thống của người Dao như lễ cấp sắc, tết năm cùng, tết nhảy...

Vốn được các cụ thân sinh truyền dạy chữ Nôm Dao từ khi lên 8 tuổi, ông Phùng Thanh Khang, thôn Phú Sơn là một trong những người am hiểu, gìn giữ, truyền dạy nghi lễ đặc sắc của người Dao. Năm nay bước sang tuổi 60, vừa là trưởng thôn, vừa là thầy cúng trong các nghi lễ của người Dao, trong đó có lễ cấp sắc, tết nhảy, tết năm cùng... Hiện nay, ông gìn giữ hàng chục cuốn sách chữ Nôm Dao cổ của ông cha để lại. Trong đó có các sách về tìm nhà tổ, tạ mả, làm đám chay, làm tết nhảy, làm đám ma tươi, đám ma khô, xem ngày cưới xin, làm nhà. Ông cũng là một trong những người góp phần sưu tầm, xây dựng Bộ chữ Nôm Dao Thanh Hóa được UBND tỉnh phê chuẩn tại Quyết định số 877 ngày 17/3/2015. Đây là bộ chữ Nôm Dao đầu tiên của cả nước được phê chuẩn. Bộ chữ đã được đưa vào dạy và học trong cộng đồng người Dao các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy mang lại hiệu quả thiết thực, nhằm gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong một năm, theo phong tục của người Dao có 3 cái Tết quan trọng là Tết Thanh minh, rằm tháng Bảy và Tết năm cùng. Đối với cộng đồng người Dao ở Cẩm Châu, tết năm cùng là quan trọng nhất, là dịp để con cháu đi làm ăn xa trở về báo hiếu với gia đình, dòng họ. Người Dao ăn Tết năm cùng xong sẽ tiến hành ăn tết cổ truyền dân tộc. Nét đặc biệt nhất tết năm cùng là làm bánh dì (bánh giầy). Trong lễ cúng tổ tiên, người Dao không dùng hương để đốt mà dùng vỏ cây hương phơi khô bỏ vào chén, bát nhỏ. Mỗi lần đốt dùng than hồng để đốt cùng, mùi hương đốt từ vỏ cây có mùi thơm đặc trưng. Người Dao không bày thức ăn trên mâm mà được bày trên lá chuối tươi để nhắc nhở con cháu khắc ghi về cuộc sống lưu tán, du canh du cư của tổ tiên.

Bên cạnh đó, người Dao tổ chức Tết Nhảy để tạ ơn trời, đất, long vương, thánh thần, tổ tiên; đồng thời còn là dịp để cầu mùa, cầu bình an, hạnh phúc, để con cháu đoàn viên, tri ân tổ tiên và gửi gắm ước vọng về cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc... Đây là một tục lệ gắn với truyền thuyết về một cuộc thiên di vượt biển đầy bi tráng của người Dao. Tết nhảy thường được tổ chức vào 2 tháng cuối năm (tháng 11 và 12 âm lịch). Điều làm nên nét đặc biệt Tết Nhảy chính là gia đình phải có một bộ tranh tam thanh (hay còn gọi tranh Đại Đường) gồm 15 bức mang màu sắc tôn giáo của người Dao và nhiều lương thực, thực phẩm khác. Hiện nay, ở Cẩm Thủy người duy nhất vẽ bộ tranh tam thanh là ông Triệu Hùng Cường, thôn Thạch An, xã Cẩm Liên. Bộ tranh mua về để làm Tết Nhảy phải được làm lễ khai quang mới chính thức được công nhận, sử dụng trong lễ nghi, thờ cúng. Món ăn chính để cúng và dùng để ăn Tết Nhảy là thịt lợn. Trước kia tết nhảy thực hiện 3 ngày 3 đêm, nay đơn giản còn 2 ngày 1 đêm. Trong các nghi lễ tổ chức Tết Nhảy không thể thiếu các điệu múa và múa rùa chính là tiết mục đặc sắc. Đây là những giá trị văn hóa tinh thần vô cùng quý giá trong kho tàng văn hóa nghệ thuật của người Dao mà hiện nay đồng bào Dao huyện Cẩm Thủy nói chung, xã Cẩm Châu nói riêng còn bảo tồn, gìn giữ.

Đồng bào Dao Cẩm Châu gìn giữ việc thêu thùa, may vá trang phục truyền thống.

Ngoài ra, độc đáo hơn cả, đồng bào Dao ở Cẩm Châu còn gìn giữ, bảo tồn nghi lễ cấp sắc, một trong những nghi thức đặc sắc của đồng bào Dao. Theo truyền thống, lễ cấp sắc đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời người đàn ông dân tộc Dao, từ đó trở thành người có tâm, có đức, biết lẽ phải trái ở đời, hướng tới việc thiện, không làm điều ác, được coi là người đàn ông đã trưởng thành mới có thể lấy vợ, sinh con đẻ cái và có đủ thẩm quyền tham gia các công việc của cộng đồng. Lễ cấp sắc thường diễn ra vào dịp cuối năm hoặc tháng Giêng (âm lịch). Lễ cấp sắc là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của người Dao, mang đậm dấu ấn lịch sử và có tính chất giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ đang được lưu truyền, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.

Ngoài những nghi lễ, phong tục tập quán đặc sắc như tết ngảy, lễ cấp sắc, tết năm cùng thì người Dao ở Cẩm Châu còn có kho tàng văn học dân gian khá phong phú, đa dạng gồm truyện cổ, dân ca, câu đố, múa. Trong đó, múa gắn với lễ nghi tôn giáo như múa chuông, xúc tép, đằn gỗ, múa rùa, múa bát.. Cùng với đó, đồng bào Dao nơi đây còn gìn giữ bộ trang phục truyền thống sặc sỡ. “Mỗi gia đình đều có ít nhất một bộ trang phục truyền thống. Tuy nhiên, cũng như các dân tộc thiểu số khác, việc gìn giữ trang phục truyền thống của đồng bào Dao gặp khó khăn, do lớp trẻ ngày nay không còn mặn mà với việc mặc, thêu thùa, may vá nên không thể truyền dạy. Trang phục truyền thống chỉ được mặc vào mỗi dịp lễ, tết của dân tộc”, bà Triệu Thị Liên, thôn Phú Sơn, xã Cẩm Châu cho biết.

Từ những giá trị văn hóa, phong tục, tập quán mà đồng bào Dao xã Cẩm Châu vẫn còn gìn giữ, với mong muốn bản sắc văn hóa của đồng bào Dao được nhiều người biết đến hơn nữa, đồng bào Dao ở Cẩm Châu mong muốn xây dựng khu văn hóa bảo tồn nét văn hóa đặc sắc, đồng thời là điểm du lịch hấp dẫn trên hành trình về nguồn xứ Thanh trong các tour du lịch tham quan Khu di tích Lam Kinh - Thành Nhà Hồ - Suối cá Cẩm Lương. Cùng với đó, trong quy hoạch tổng thể xây dựng đô thị Cẩm Châu đến năm 2030 có quy hoạch xây dựng khu bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào Dao Cẩm Châu trên diện tích 5 ha. Ở đó, xây dựng những ngôi nhà cổ của đồng bào Dao, tái hiện nét văn hóa như trang phục, ẩm thực, lễ hội... khách du lịch sẽ có dịp được hòa mình vào lễ hội của đồng bào, khám phá bản sắc văn hóa rất riêng của người Dao. Đây cũng là một trong những yếu tố, cơ sở mà trong phương hướng, nhiệm vụ đề ra tại Đại hội lần thứ 2, nhiệm kỳ 2017 - 2022 của Hội Dân tộc học và Nhân học Thanh Hóa là thực hiện “Đề án làng dân tộc Dao Phú Sơn, xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng”, phục vụ phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao.

Nhờ vị trí địa lý thuận lợi nằm trên trục đường mòn Hồ Chí Minh, với việc hiện nay đồng bào Dao Cẩm Châu còn bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống thì ý tưởng, mong muốn việc xây dựng điểm văn hóa du lịch của đồng bào Dao xã Cẩm Châu là hoàn toàn chính đáng, không những góp phần bảo tồn gìn giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào Dao, đồng thời góp phần phát triển du lịch xứ Thanh.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]