(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau 12 năm lập dự án và khởi công, đến năm 1911 Nhà hát Lớn Hà Nội mới hoàn chỉnh và đưa vào khai thác sử dụng. Thế nhưng đến tận bây giờ khi Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội chính thức mở cửa tham quan thì người dân thủ đô và du khách mới có dịp tường tận khám phá những bí ẩn từ những giá trị kiến trúc cho tới lịch sử của địa điểm được coi là thánh đường nghệ thuật này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà hát Lớn Hà Nội rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật: Có những điều hơn 100 năm bây giờ mới biết...

Sau 12 năm lập dự án và khởi công, đến năm 1911 Nhà hát Lớn Hà Nội mới hoàn chỉnh và đưa vào khai thác sử dụng. Thế nhưng đến tận bây giờ khi Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội chính thức mở cửa tham quan thì người dân thủ đô và du khách mới có dịp tường tận khám phá những bí ẩn từ những giá trị kiến trúc cho tới lịch sử của địa điểm được coi là thánh đường nghệ thuật này.

Hình ảnh Nhà hát Lớn nhìn từ đường Tràng Tiền.

Trong chương trình tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội với tên gọi “Lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật truyền thống”, du khách đã được tận mắt chứng kiến và lắng nghe những “bật mí” xung quanh việc thiết kế, xây dựng, chất liệu đặc biệt xây dựng nên kiến trúc độc đáo này.

Có mặt đúng vào thời điểm ngày chương trình tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội mở cửa, bà Nguyễn Thị Kim, 79 tuổi (phố Lê Quý Đôn, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Tôi là người Hà Nội đi qua Nhà hát Lớn rất nhiều lần nhưng hôm nay mới được vào.

Trước đây muốn vào xem nghệ thuật ở Nhà hát Lớn Hà Nội phải bỏ tiền mua vé tới hàng triệu đồng, giờ chỉ cần vài trăm ngàn là có thể vào tham quan, và thưởng thức nghệ thuật. Chúng tôi được tham quan toàn bộ thiết kế bên trong Nhà hát Lớn như sảnh chính, cầu thang, khán phòng và được trải nghiệm lô VIP dành cho nguyên thủ khi xem biểu diễn, đồng thời nghe hướng dẫn viên giới thiệu rất tỉ mỉ, kể cả việc tìm hiểu các vật liệu xây dựng và trang trí Nhà hát từ hồi đầu thế kỷ XX”.

Nhà hát Lớn không chỉ có giá trị kiến trúc mà còn là thánh đường nghệ thuật.

Ông Nguyễn Viết Linh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và du lịch Bạn đồng hành chia sẻ: “Trước đây trong tour du lịch tham quan Hà Nội, khách quốc tế chỉ được đứng và chụp ảnh phía ngoài Nhà hát Lớn. Tôi thấy giá vé vào chương trình rất ổn, chắc chắn khách nước ngoài của công ty sẽ rất thích khi đưa chương trình vào tour du lịch của họ. Khách quốc tế vừa được tìm hiểu những giá trị về kiến trúc, lịch sử lại được xem một show diễn nghệ thuật rất đặc sắc”.

Những con số được công bố như thời gian xây dựng là 12 năm, kinh phí xây dựng lên tới 2 triệu franc, công trình đã sử dụng hơn 12.000 m3 vật liệu, gần 600 tấn gang thép, chiếm diện tích 2.600 m2... đã phần nào khiến du khách nhìn nhận được sự công phu của việc thiết kế và xây dựng nên một Nhà hát Lớn với kiến trúc độc đáo như hiện nay. Đơn cử như việc san lấp mặt bằng cũng đã rất vất vả, hằng ngày có tới 300 công nhân xây dựng làm việc cho tới sự kì công của việc thiết kế với 35.000 cọc tre đã được đóng với khối bê tông dày 90 cm để củng cố cho phần móng.

Đến với tour tham quan du lịch Nhà hát Lớn, du khách còn được tìm hiểu những dấu ấn lịch sử đã diễn ra trong khán phòng và ngoài Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội gắn với những sự kiện lịch sử và những giai đoạn quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc.

Những người lần đầu tiên được đặt chân vào Nhà hát Lớn trong chương trình tham quan đều có chung một cảm giác choáng ngợp trước những hoa văn, họa tiết trang trí và những thiết kế tinh tế của một kiến trúc được phối hợp của ba dòng: tân cổ điển, tân ba rốc và những biểu hiện của xu hướng kiến trúc thời chuyển tiếp cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Có những câu chuyện đầy thú vị như góc phòng Khánh tiết còn lưu giữ di tích tấm gương bị vỡ do đạn bắn năm 1946 hay ký ức về quảng trường và chiếc còi tầm được gắn lên trên nóc nhà hát.

Khi biết Nhà hát Lớn đã chính thức cho người dân vào tham quan, GS.KTS Hoàng Đạo Kính, người phụ trách công trình tu bổ Nhà hát Lớn cách đây hơn mười năm chia sẻ: “Nhà hát Lớn Hà Nội có những giá trị tự thân, xứng đáng đứng trong danh sách những nhà hát kinh điển của thế giới. Về những giá trị kiến trúc, đô thị, cảnh quan cho đến nay Nhà hát Lớn vẫn là một công trình biểu diễn nghệ thuật lâu đời nhất, tiêu biểu nhất, trang trọng và đường bệ nhất, phù hợp nhất với các chương trình nghệ thuật sân khấu và âm nhạc đẳng cấp, đáp ứng trình diễn biểu diễn quốc tế.

Năm 1994 do nhu cầu lớn về một công trình biểu diễn nghệ thuật có đẳng cấp nên tôi đã được Chính phủ giao phụ trách công trình trùng tu và nâng cấp Nhà hát Lớn. Trong lần tu bổ đó hầu hết các giá trị, các nét kiến trúc của nhà hát này vẫn được giữ nguyên.

Chúng tôi tu tạo những bộ phận đã xuống cấp, hỏng hóc và đặc biệt là nâng cấp sân khấu, trang thiết bị điều hòa, chiếu sáng, âm thanh, phòng cháy chữa cháy hiện đại để đáp ứng với một công trình biểu diễn nghệ thuật đẳng cấp cao. Việc tổ chức tham quan và biểu diễn nghệ thuật truyền thống chất lượng cao tại Nhà hát Lớn là cơ hội cho mọi người dân được chiêm ngưỡng một di tích kiến trúc, lịch sử, đồng thời cũng là dịp để thưởng thức nghệ thuật chất lượng cao trên một sân khấu lý tưởng”.

Là một công trình di tích kiến trúc của thời Pháp thuộc nhưng rõ ràng Nhà hát Lớn Hà Nội hôm nay đã được nâng cấp và hiện đại và đẹp hơn rất nhiều nhờ sự sáng tạo của những người làm công tác bảo tồn, trùng tu, phục chế, nâng cấp rất khoa học. Chỉ kể riêng việc phục hồi mái nhà hát cực kỳ phức tạp, những người làm công tác tu bổ Nhà hát Lớn đã phục nguyên toàn bộ mái lợp bằng ngói ardoises khai thác ở Lai Châu (rẻ hơn báo giá từ Pháp đến 6 - 7 lần), phục chế các đường viền trang trí các vòm nóc và hình con sư tử bằng kẽm như bản gốc bởi kỹ thuật ép dựng khuôn 5 - 7 lần theo độ tinh tế dần của hoa văn (kỹ thuật này là một sáng tạo đáng ghi nhận của các nhà kỹ thuật VN, rẻ hơn nhiều so với giá chào của các công ty từ Pháp). 20 năm sau khi trùng tu nâng cấp những vật liệu, chất liệu được sử dụng vẫn tốt, chứng tỏ độ bền và chất lượng tốt.

Việc ra mắt chương trình tham quan Nhà hát Lớn “Lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật truyền thống” vào đầu tuần vừa qua là thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc bảo tồn, khai thác và phát huy di sản văn hóa của Bộ VHTTDL. Đây là cơ hội để du khách có thể chiêm ngưỡng một trong những công trình kiến trúc Pháp tuyệt đẹp, nơi gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, đồng thời là dịp để thưởng thức nghệ thuật truyền thống đặc sắc chất lượng cao của VN. Trước mắt, công việc của Nhà hát là vẫn duy trì các chương trình biểu diễn nghệ thuật buổi tối, còn chương trình tham quan các khu vực của Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ cho mở một tuần hai buổi, vào thứ Hai và thứ Sáu. Từ nay cho đến tháng 12, chúng tôi vẫn đang cho thử nghiệm. Hy vọng, với sự hỗ trợ của truyền thông báo chí và các kênh thông tin lữ hành, năm 2018 lượng khách đến tham quan công trình này sẽ ngày một đông hơn. (Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội).

Nguồn: baovanhoa.vn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!