(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Ở một nơi thâm sơn cùng cốc có những hang đá bí ẩn, nơi trú ngụ của tổ tiên loài người. Câu chuyện về người xưa cách đây hàng chục ngàn năm nằm sâu trong cánh rừng già, dưới những tán cây cổ thụ, trong hoang vu và lạnh lẽo... Rồi một ngày, chuyện cổ tích về loài người dần hé lộ, khi những hang động lần lượt được các nhà khảo cổ học phát hiện. Lần giở lại những tài liệu khảo cổ học, trí tò mò trong tôi trỗi dậy. Tôi quyết định thực hiện một chuyến đi điền dã vào vùng lõi của rừng Cúc Phương, để khám phá những “mái nhà cổ tích” của loài người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những ‘mái nhà cổ tích’ giữa đại ngàn

(VH&ĐS) Ở một nơi thâm sơn cùng cốc có những hang đá bí ẩn, nơi trú ngụ của tổ tiên loài người. Câu chuyện về người xưa cách đây hàng chục ngàn năm nằm sâu trong cánh rừng già, dưới những tán cây cổ thụ, trong hoang vu và lạnh lẽo... Rồi một ngày, chuyện cổ tích về loài người dần hé lộ, khi những hang động lần lượt được các nhà khảo cổ học phát hiện. Lần giở lại những tài liệu khảo cổ học, trí tò mò trong tôi trỗi dậy. Tôi quyết định thực hiện một chuyến đi điền dã vào vùng lõi của rừng Cúc Phương, để khám phá những “mái nhà cổ tích” của loài người.

Điểm chúng tôi đến đầu tiên là hang Con Moong, vừa được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Thuộc địa phận bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, được phát hiện tháng 11 năm 1974 vàkhai quật lần đầu tiên năm 1976,di chỉ hang Con Moong là chìa khóa để tìm hiểu diễn trình phát triển lịch sử văn hóa nhân loại trong mối liên hệ với hệ thống các di tích thuộc vườn Quốc giaCúc Phương và trong khu vực Đông Nam Á.

Từ hang Con Moong đi sâu vào phía trong khoảng 8 km, ngay cạnh trục đường chính của xã Thành Yên, bên trái là hang Mộc Long và bên phải là Mái đá Mộc Long. Hang Mộc Long nằm ở ngay chân núi. Đây là hang đá khá sâu và thông hai đầu nên có cảm giác gió lùa qua lòng hang, dù không nhìn thấy cửa bên kia. Những thạch nhũ trong hang khá đẹp mắt. Hang đá này nếu kết hợp với di tích hang Con Moong và khu vực hồ - thác gần đó, sẽ trở thành một tuyến du lịch khám phá thiên nhiên khá thú vị.

Nằm ở phía đối diện, Mái đá Mộc Long có độ cao khoảng 50 m tính từ chân núi. Gọi là “mái đá” vì phía trên là vỉa đá nhô ra như mái nhà, phía dưới là một hang nhỏ và nông. Các nhà khảo cổ đã tổ chức khai quật nơi đây để tìm ra các dấu tích của người xưa. Người dân địa phương cho biết, để trèo lên được đến cửa hang, các nhà khảo cổ phải chặt tre, bắc thang thành nhiều đoạn. Nay chúng tôi phải tự vạch cây rừng để leo lên vì không có thang. Các di tồn vỏ nhuyễn thể và dấu vết tro bếp còn lại cho thấy sự cư trú, sinh hoạt của người nguyên thủy khá rõ. Việc lựa chọn hang động, mái đá làm nơi trú ngụ là đặc tính của người nguyên thủy trong sơ kỳ đồ đá. Các “ngôi nhà” của họ đều ở những nơi dồi dào nguồn thức ăn và gần nguồn nước.

Rời Mái Đá Mộc Long, chúng tôi tìm đến hang Diêm (ở bản Sánh, xã Thành Yên). Hang này nằm ở khoảng giữa Mái Mộc Long và hang Con Moong, cách Con Moong khoảng 4km.Hang có độ dài khoảng 24 m, rộng khoảng 7m. Việc chinh phục hang Diêm khiến chúng tôi đổ mồ hôi hột vì đường lên khá hiểm, phải bám dây rừng, cây dại để đu qua vách đá dựng đứng. Leo lên đã khó, leo xuống còn kinh khủng hơn, phía dưới sâu thẳm, lởm chởm mũi nhọn của đá tai mèo, phải dò mãi mới tìm được điểm đặt chân trên vách đá, chỉ cần sẩy tay sẩy chân là đi tong tính mạng. Khi vượt qua rồi, chúng tôi tưởng tượng như chính mình là người vượn cổ của hàng vạn năm trước.

Nền trầm tích tại hang Diêm gồm 3 lớp, dày gần 2m, chất đầy vỏ nhuyễn thể, xương động vật, hiện vật đá và các lớp mộ táng, cho thấy cư dân sống ở đây thuộc thời đại Đá mới, với nguồn thức ăn khá phong phú bao gồm chim, thú, nhuyễn thể trên núi và sông suối. Vết tích văn hóa hang Diêm có quan hệ gần gũi với di tích Con Moong lớp trên, có sự tiếp nối từ con Moong. Những phát hiện tại hang Diêm đã góp phần bổ sung tư liệu nghiên cứu lịch sử văn hóa cộng đồng cư dân sống trong hang động đá vôi ở vùng núi Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung.

Từ trung tâm xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, chúng tôi bắt đầu cuộc dã ngoại vào vùng lõi rừng Quốc gia Cúc Phương để thám sát hang Mang Chiêng. Để đến được hang Mang Chiêng chỉ có một lối mòn độc đạo.

Ông Đinh Công Nghiệp, người đồng hành cùng chúng tôi khá thạo con đường rừng này. Ông cho biết phải đi bộ 8 km thì mới tới khu vực hang. Thỉnh thoảng ông lại cắt lối đi tắt để hành trình được nhanh hơn. Chỉ có một chặng nghỉ duy nhất ở giữa rừng, người địa phương thường gọi là Quèn Cả (tức hẻm đá lớn nhất, là lối rẽ trong rừng). Người đi rừng thường nghỉ chân ở đây.

Vượt Quèn Cả, chúng tôi tiếp tục đi vào khu vực trung tâm rừng Cúc Phương. Càng đi sâu vào rừng, những cây cổ thụ càng to hơn. Ông Nghiệp giảng giải cho chúng tôi những cách thức mà người dân ở đây tìm thức ăn từ rừng. Chúng tôi cũng gặp một số người dân đang đi kiếm thức ăn từ nguồn nước suối và rau rừng. Đối với những người không có chút kinh nghiệm về rừng như chúng tôi thì không thể phân biệt được những loại cây, quả rừng nào có thể ăn được. Nhưng với ông Nghiệp và những người dân chuyên đi rừng, thì họ luôn kiếm được nguồn thức ăn dồi dào và thậm chí còn gọi là đặc sản từ nơi hoang vu heo hút này. Điều đó cho thấy, người xưa chọn rừng núi là môi trường sống đầu tiên, bởi rừng nuôi sống họ.

Phải đi qua mấy điểm “quèn đá” nữa thì chúng tôi mới tới một sườn núi dốc,đá tai mèo khá hiểm trở. Vượt qua từng chỏm đá sắc nhọn như những mũi chông, cuối cùng chúng tôi đã tới được hang Mang Chiêng. Hang nằm trong khu vực trung tâm Vườn Quốc gia Cúc Phương. Tầng văn hóa xuất lộ ngay sát cửa hang, phơi bày cấu trúc lớp nhuyễn thể dày hóa thạch.

Hai hố khai quật tại hang Mang Chiêng đã cung cấp các địa tầng văn hóa cùng hàng trăm di vật, gồm các vết tích bếp lửa, cụm chế tác đá, các di tích động vật, đặc biệtlà lớp chứa di tồn văn hóa của người tiền sử, với 10 vết tích mộ táng với di cốt gãy vụn và nhiều mảnh bị đốt cháy... cho thấy táng thức, táng tục ở đây còn nhiều điều phải nghiên cứu để giải mã. Vết tích cư trú không thường xuyên liên tục, phản ánh hình thái di động tìm kiếm thức ăn và cư trú theo mùa của cư dân tiền sử.

Địa tầng hang Mang Chiêng chứng minh sự thích ứng của con người với môi trường sống cũng như tiến triển văn hóa của cư dân tiền sử. Di chỉ hang Mang Chiêng về mặt hình thái cư trú, kiếm sống và kỹ nghệ đá mang tính chất văn hóa Hòa Bình. Di tích hang Mang Chiêng góp thêm nhiều tư liệu quý để nghiên cứu về cơ tầng văn hóa Hòa Bình và nâng tầm giá trị lịch sử văn hóa của quần thể di tích hang Con Moong cũng như các di tích lân cận.

Hang Con Moong và các di tích phụ cận được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt đã thêm cơ hội cho du lịch xứ Thanh phát triển.

Giá trị lịch sử văn hóa nổi bật ở hang Con Moong và các di tích phụ cận là sự thích nghi của con người với môi trường trong suốt hàng vạn năm. Khoảng sau 7000 năm trước CN, từ hang Con Moong và các di tích phụ cận, cư dân nguyên thủy đã làm một cuộc di cư vĩ đại, vươn ra chiếm lĩnh đồng bằng châu thổ huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) và Nho Quan - Tam Điệp (Ninh Bình) tạo dựng nên bộ mặt văn hóa mới - văn hóa Đa Bút - văn hóa Trung kỳ Đá mới Việt Nam. Có thể coi đây là công cuộc di cư khai phá châu thổ sông Hồng và sông Mã đầu tiên trong lịch sử.

Chúng tôi tiếp tục đi vào khu vực thác Đẹn, nơi tiếp giáp giữa xã Thành Yên và Thành Minh. Đây là một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, chưa có bất cứ khách du lịch nào đặt chân đến, thậm chí “dân phượt” chuyên nghiệp cũng hầu như chưa biết tới. Thác nước hùng vĩ đổ từ trên cao xuống, phía dưới là mặt hồ trong xanh phẳng lặng soi bóng mây trời cây núi. Khoan khoái ngồi nghỉ dưới chân thác sau chặng hành trình dài, chúng tôi tưởng tượng ra viễn cảnh nơi đây sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái vô cùng ấn tượng trong tương lai. Được biết trên địa bàn huyện Thạch Thành còn có khá nhiều thắng cảnhtự nhiên, chưa được nhiều người biết đếnnhư Thác Mây ở xã Thạch Lâm, Thác Voi thuộc xã Thành Vân; suối nước nóng ở xã Thành Minh. Nếu lấy trục hang Con Moong làm điểm chính thì nơi đây có thể thiết kế thành điểm đến du lịch tuyệt vời, không thua kém bất cứ địa điểm du lịch nào ở xứ Thanh, vì có đủ động - thác - hồ - rừng, lại thấm đẫm yếu tố văn hóa tâm linh. Kết hợp với những thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú ở Thạch Thành nói riêng và Thanh Hóa nói chung, phối hợp liên vùng du lịch với Ninh Bình, Hòa Bình, hi vọng rằng trong tương lai gần, quần thể động - thác - hồ - rừng này sẽ là địa chỉ được du khách thường xuyên đến tham quan thám hiểm. Đây cũng là niềm mong mỏi của nhân dân và lãnh đạo địa phương.

Dưới những “mái nhà cổ tích” ẩn sâu giữa rừng già Cúc Phương, tổ tiên chúng ta đã có một giấc mơ vĩ đại: từ rừng già vươn tới chinh phục vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn, mở rộng không gian sinh tồn, duy trì và phát triển loài người đến muôn đời sau. Ngày nay những cư dân thời đương đại cũng có một giấc mơ to lớn: phấn đấu đưa di sản của cha ông sớm trở thành di sản văn hóa thế giới, thành những điểm đến của loại hình du lịch về nguồn và khám phá thiên nhiên hoang sơ.

Trịnh Mai Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]