(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trước những ngày diễn ra lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất, tôi lại có dịp đến nhà các nghệ nhân để được trò chuyện, chung niềm vui với họ. Và trong câu chuyện đó, có cả những nụ cười, xen lẫn những giọt nước mắt...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những “báu vật nhân văn”

(VH&ĐS) Trước những ngày diễn ra lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất, tôi lại có dịp đến nhà các nghệ nhân để được trò chuyện, chung niềm vui với họ. Và trong câu chuyện đó, có cả những nụ cười, xen lẫn những giọt nước mắt...

Vui và tự hào

Tỉnh Thanh Hóa hiện nay có hàng trăm nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Họ là những người đang nắm giữ, truyền dạy, có cống hiến to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Sau nhiều năm chờ đợi, trong lần xét tặng Danh hiệu nghệ nhân dân gian đầu tiên, 18 nghệ nhân của tỉnh Thanh Hóa được Nhà nước phong tặng nghệ nhân ưu tú (NNƯT). Đây là niềm vui và sự động viên lớn với các nghệ nhân bởi nhiều người đã chờ đợi cả đời về một danh hiệu chính thức của Nhà nước.

Trong danh sách những nghệ nhân được phong tặng lần này, người được nhắc đến đầu tiên là ông Ngô Trọng Bình (TP Thanh Hóa), một nghệ nhân ưu tú về ca trù. Ông không chỉ biết đàn, hát mà còn viết nhiều lời mới cho làn điệu ca trù. Cùng với tình yêu ca trù, ông còn dành phần lớn thời gian để dạy cho những người cùng niềm đam mê mà không đòi hỏi bất kỳ tiền công nào.

Trong ngôi nhà nhỏ của mình, ông Bình xúc động: Còn vài tháng nữa tôi bước sang tuổi 90 rồi, được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT tôi mừng và xúc động lắm. So với nhiều bạn bè, tôi còn may mắn hơn họ vì còn có cơ hội để đứng trên bục nhận trao bằng. Tôi luôn nguyện rằng, còn hơi sức đến ngày nào, mình còn phải gìn giữ, truyền dạy cho những người cùng niềm đam mê ca trù mà không đòi hỏi bất kỳ tiền công nào. Đó cũng là công việc tâm huyết mà tôi đã làm nhiều năm nay...

Đó cũng là tâm sự của bà Phạm Thị Tắng - nghệ nhân loại hình lễ hội truyền thống ở xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc. Chia sẻ niềm vui khi được Nhà nước vinh danh, không giấu được những giọt nước mắt, bà Tắng cho biết: Múa Pồôn Pôông là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào Mường. Ngay từ những ngày còn nhỏ tôi đã sớm say mê lời ca, điệu múa, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Từ niềm đam mê, tôi đã dạy được nhiều người trong bản, trong xã của mình và cũng không nhớ rõ mình đã dạy cho bao nhiêu người. Từ trước đến nay mình chỉ lặng lẽ làm, lặng lẽ cống hiến, truyền dạy cho các cháu nhỏ. Sau nhiều năm chờ đợi, từ khi nghe tin được nhận quyết định của Chủ tịch nước, tôi đã quá vui. Nhất định xa xôi mấy tôi cũng phải đi xuống tận nơi để nhận bằng, vinh dự lắm chứ.

Thầy - trò đều được phong tặng

Xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) là xã duy nhất trên địa bàn tỉnh vinh dự và tự hào có đến hai nghệ nhân được nhận bằng nghệ nhân ưu tú. Đó là NNƯT Tô Quốc Phương và NNƯT Nguyễn Thị Oanh. Lần này gặp ông Tô Quốc Phương thấy ông gầy và sức khỏe kém đi rất nhiều. Không thể đi lại được, chỉ nằm bất động một chỗ vì bị tai biến cách đây đã vài tháng nay nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn. Theo ông thì ngay từ nhỏ ông không chỉ mê tiếng trống, điệu chèo, những làn điệu hát xẩm, mà còn say tiếng đàn nguyệt, đàn nhị, cây sáo.

Nghệ nhân Tô Quốc Phương (thứ 2 từ trái sang) đang truyền dạy cho học trò.

Cả cuộc đời theo đuổi niềm đam mê để góp một phần nhỏ bé vào việc gìn giữ, phát huy vốn văn hóa của dân tộc. Và trong cuộc đời mình ông cũng không nhớ rõ đã truyền dạy cho bao nhiêu học trò của mình. Thế nhưng thoáng chút buồn, ông nói: Đôi tay này hiện nay đâu còn mềm mại để đánh phách, đánh đàn nữa, hơi sức cũng yếu nhiều, nhưng cũng mừng vì nhiều người được tôi dìu dắt từ những ngày đầu giờ đã “giỏi hơn thầy”.

Trong câu chuyện, ánh mắt ông ánh lên niềm hạnh phúc khi kể về những người học trò của mình. Điển hình như học trò của ông là Nguyễn Thị Oanh cũng là một trong những NNƯT được vinh danh lần này. Nhiều học trò thường xuyên liên lạc và khi có thời gian lại về thăm thầy. Chẳng nói đâu xa, mới chỉ cách đây khoảng vài ngày, những người học trò của ông đang công tác tại Hội Nghệ sỹ Việt Nam đã đến thăm ông. Có những người ông nhớ tên, nhưng cũng có người ông chỉ nhớ mặt. Nhưng ông vui lắm, vui vì trò tiến bộ nhiều, và cũng vui vì ngày càng thêm nhiều người gìn giữ, phát huy và họ cũng đồng thời là người truyền dạy cho những người xung quanh vốn văn hóa dân gian truyền thống này. Trước hết là nghệ nhân trong lòng của nhân dân đã là niềm hạnh phúc rồi.

Ông xúc động nói: “Được Nhà nước trao tặng Bằng NNƯT tôi mừng lắm. Nhưng sức khỏe của tôi như thế này liệu có đi lên nhận Bằng được không?, phải có phát biểu chứ, làm sao có càng nhiều người chung tay gìn giữ, phát huy vốn văn hóa dân tộc hơn nữa chứ”... Trong câu chuyện đó, tôi không chỉ thấy được niềm đam mê, sự hy sinh thầm lặng mà đó còn là những trăn trở cho những bộ môn nghệ thuật truyền thống ông cha để lại. Trong sâu thẳm, ông luôn hy vọng, tin tưởng bản sắc văn hóa truyền thống gắn liền với cuộc sống bình dị của người dân như môn nghệ thuật chèo, hát xẩm, hát văn sẽ không mai một theo thời gian

Đó cũng là mong ước chung của biết bao nghệ nhân với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Khẳng định rằng, họ là những nghệ nhân đã dành cả đời gắn bó với di sản, vẫn đam mê, đau đáu mong muốn được truyền dạy cho con cháu và giờ nhiều người ở cái tuổi gần đất xa trời được vinh danh. Đó cũng là sự động viên, khích lệ chưa quá muộn để những thế hệ sau tiếp tục gìn giữ những di sản quý báu ấy...

Trung Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]