Bám trên các hành lang bảo vệ di tích, hoặc phấp phới bay trên những cành cây, buộc nút chắc chắn vào thân cây…, xung quanh khu vực chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) đang xuất hiện tràn ngập những dải băng “lạ” màu đỏ, chất liệu vải, trên có in một dòng chữ tiếng nước ngoài. Đây là hiện tượng lạ chưa từng xuất hiện tại chùa Đồng, điểm di tích linh thiêng bậc nhất thuộc quần thể di tích - danh thắng Yên Tử.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những dải băng “lạ lùng” trên đỉnh non thiêng

Bám trên các hành lang bảo vệ di tích, hoặc phấp phới bay trên những cành cây, buộc nút chắc chắn vào thân cây…, xung quanh khu vực chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) đang xuất hiện tràn ngập những dải băng “lạ” màu đỏ, chất liệu vải, trên có in một dòng chữ tiếng nước ngoài. Đây là hiện tượng lạ chưa từng xuất hiện tại chùa Đồng, điểm di tích linh thiêng bậc nhất thuộc quần thể di tích - danh thắng Yên Tử.

Dải băng đỏ trên các cành cây ở khu vực chùa Đồng

Treo dải băng đỏ lên cây làm gì?

Trên chặng cuối cùng của tuyến đường hành hương lên đỉnh chùa Đồng, chúng tôi bắt gặp khá nhiều hình ảnh những dải băng vải màu đỏ rực, được treo, buộc la liệt trên các cành cây, thân cây hoặc ở hành lang bảo vệ khu vực đường lên, xuống di tích. Sự xuất hiện tràn ngập những dải băng đỏ, với dòng chữ nước ngoài in màu trắng bay phất phơ này khiến nhiều người thắc mắc: Để làm gì vậy?

Hỏi chuyện một chị bán hàng rong ngồi men rừng trúc sát đường tiếp giáp chùa Đồng, được biết từ đầu Tết âm lịch đến giờ, nhiều du khách lên chùa thường mang theo sợi dây màu đỏ. Họ nói mua ở nhà xe Ga Giải Oan, hoặc thỉnh tại chùa Trình (thuộc quần thể di tích- danh thắng Yên Tử). Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi tìm đến chùa Trình và đã “vỡ” ra “gốc tích” của những dải băng đỏ được gọi là Cát tường này.

Vô số dải băng cát tường được buộc trên cây ở khu vực chùa Trình

Tại chùa Trình có hẳn địa điểm ghi: Nơi thỉnh dây Cát Tường. Người đi lễ có thể đăng ký thỉnh dây và đặt lễ từ 10 ngàn đến 50 ngàn, hoặc tùy tâm. Sau đó họ nhận từ các nhà sư dải băng đỏ Cát tường được niệm chú với ý nghĩa cầu may mắn, thành công, an lạc. Dải băng đỏ có thể được ghi thêm tên gia chủ cùng với dòng chữ đã in sẵn và được buộc nút lên cây. Với những ai không thể tiếp tục hành hương lên chùa Đồng thì dây cát tường được buộc ngay trên cây đặt tại chùa Trình. Bởi vậy, ngay từ cổng vào chùa, du khách đã bắt gặp rất nhiều dải băng màu đỏ được buộc chặt lên các thân cây. Cành to buộc nhiều, cành nhỏ cũng có đến cả chục dải.

Nhiều người còn tâm niệm mang theo sợi dây lên đỉnh cao nhất là chùa Đồng thì càng gặp nhiều may mắn. Theo chỉ dẫn của nhà chùa, dây cát tường khi treo lên cây sẽ có được sinh khí của trời đất. Và đó là lý do rất nhiều cây lớn ở gần khu vực chùa Đồng hay các điểm di tích khác dọc đường hành hương được treo, buộc rất nhiều dải băng cát tường màu đỏ.

Nhà chùa cho biết, từ đầu năm đến nay đã có đến cả chục ngàn người đi lễ đăng ký thỉnh dây cát tường. Tìm hiểu thêm, phóng viên còn thấy trên trang facebook “Tin tức Phật giáo Quảng Ninh” cũng có nội dung giới thiệu về ý nghĩa của việc thỉnh và treo dây cát tường. Trong đó ghi rõ: Dây kết cát tường là một trong những vật phẩm được sử dụng phổ biến trong phong thủy truyền thống của một số nước phương Đông, xuất hiện nhiều trong các dịp lễ tết, cưới hỏi và dưới nhiều dạng thắt nút khác nhau, đa phần là màu đỏ, biểu tượng cho sự may mắn.

“Theo quan niệm Phật giáo, biểu tượng này còn được gọi là nút thần – là một trong tám bảo vật phẩm (bát bảo) mang lại điềm lành. Nó có nghĩa là không có bắt đầu và không có kết thúc, phản ánh triết lý Phật giáo về vòng luân hồi. Từ đó, nó tượng trưng cho một dòng năng lượng may mắn chảy hài hòa không bị gián đoạn bởi bất kì sự thất bại, tai nạn hoặc bất hạnh nào.

Bên cạnh đó, dây kết cát tường còn biểu tượng cho cuộc sống hạnh phúc và sự dài lâu. Người ta tin rằng sự hiện diện của dây kết cát tường sẽ thỏa mãn mọi khát khao của bạn trong cuộc sống và là vật bảo hộ cho tình yêu, sự giàu có”, facebook Tin tức Phật giáo Quảng Ninh giới thiệu.

Đi kèm nội dung này là những hình ảnh người đi lễ thỉnh dây cát tường và các sợi dây màu đỏ được buộc lên cây.

​Trước hiện tượng này, chúng tôi nhận thấy không có sự can thiệp, chấn chỉnh của Ban quản lý Khu di tích - danh thắng Yên Tử. Mỗi ngày trên những thân cây lại được buộc thêm vô số những dải băng màu đỏ. Ở đó có thể có những mong ước tốt đẹp, cũng có thể có cả những mê muội được gửi gắm. Và trên hết vẫn phải nhắc lại một điều, dải băng “lạ” bởi nó vốn không tồn tại trong truyền thống, với những biểu tượng thân quen của nền văn hóa dân tộc

Những dải băng đỏ buộc trên những thân cây

Không có trong truyền thống văn hóa người Việt?

Mặc dù có những lý giải phù hợp với tâm lý của khách hành hương đến vùng đất Phật nguyện cầu những điều may mắn, an lành nhưng trên thực tế, dây cát tường là một vật phẩm xa lạ trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt. Theo tìm hiểu nhanh của Văn Hóa, trong số hàng trăm khách hành hương thỉnh dây cát tường ở chùa Trình Yên Tử, số người hiểu và có nhu cầu tìm hiểu kỹ về ý nghĩa của dòng chữ trên dải băng đỏ này hầu như rất ít. Họ chỉ nghe các vị sư tại chùa giải thích nhưng chẳng mấy ai biết rõ trên dải băng ghi những gì, có nguồn gốc, xuất xứ từ đâu.

“Tôi thấy nhiều người thỉnh dây cát tường thì cũng làm theo. Các nhà sư niệm chú thì chắc là an tâm rồi. Ai chả mong gặp nhiều may mắn, an lành…”, chị Vân, một du khách từ Hà Nội trả lời.

Phải tận mắt chứng kiến hàng trăm, thậm chí nhiều hơn thế nữa những dải băng đỏ được mọi người nô nức buộc lên thân cây đặt tại chùa Trình. Phải tận mắt chứng kiến nhiều du khách hồ hởi, chen lấn giữa đông người để buộc bằng được dải băng đỏ trên những thân cây quanh khu vực chùa Đồng, rồi trên các hành lang bảo vệ điểm di tích. Và kết quả là tạo nên những khối màu đỏ lạ lẫm cả về thị giác, cả về niềm tin tín ngưỡng, mới thấy nhiều nỗi hoài nghi không phải là vô căn cứ. Vì sao một yếu tố văn hóa không phải của người Việt bỗng dưng lại xuất hiện và trở nên tràn lan tại một di tích trọng điểm, có sức thu hút đối với hàng triệu du khách mỗi năm như vậy?

Theo sư trụ trì tại một ngôi chùa ở Hà Nội (đề nghị giấu tên- P.V), việc sử dụng dây cát tường cầu an là nét văn hóa của nước ngoài, khá phổ biến ở Trung Quốc, nhưng tại Việt Nam thì các phật tử lại xa lạ. Dòng chữ in trên dây cát tường là tiếng Trung Quốc, vì vậy không phải ai cũng hiểu cặn kẽ. Nhiều người cứ thấy nhà chùa làm, mọi người thỉnh thì họ làm theo. Nếu không cân nhắc cặn kẽ thì việc thỉnh sợi dây màu đỏ treo lên cây như thế này sẽ lan rộng ra nhiều cơ sở tín ngưỡng thờ tự Phật giáo khác.

Quan sát các cành cây, gốc cây ngập tràn các nút thắt từ các dải băng màu đỏ, chúng tôi còn có thêm một băn khoăn, những dải băng đó sau này sẽ được xử lý như thế nào? Để lại thì ô nhiễm môi trường, tạo nên cảnh quan lộn xộn tại các điểm di tích. Thời tiết, mưa gió cũng sẽ làm các dải băng phai màu, nhòe chữ. Hóa đi thì ai sẽ là người leo lên từng cành cây để tháo các dải băng để mang đi đốt.

Trả lời báo chí, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói rằng, xui hay hên, tốt hay xấu, hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại đều là những điều diễn ra hằng ngày trong cuộc sống của con người. Thay cho những việc làm trên, mỗi người hãy tăng cường làm việc thiện, giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn để tăng thêm cho mình phước đức. Tăng phúc mới hóa giải được nghiệp. Đó mới là những điều răn dạy trong giáo lý nhà Phật.

Việc tùy tiện treo các dải băng đỏ vốn không có trong truyền thống văn hóa dân tộc, thiết nghĩ cũng là một kiểu “vật phẩm lạ” mà công văn 2662 của Bộ VHTTDL khuyến cáo. Nhất là khi những dải băng lạ đó lại bất ngờ trong một thời gian ngắn đã phủ đầy lên các thân cây và cảnh quan xung quanh các điểm di tích thu hút đông du khách, điển hình như chùa Đồng Yên Tử.

​Bộ VHTTDL mới đây cũng đã tổ chức sơ kết ba năm thực hiện Công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Công văn này đã nhấn mạnh thực trạng nhiều địa phương trưng bày, sử dụng các biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp tại các khu di tích, đình, chùa… Bộ VHTTDL cũng đã khuyến cáo việc không trưng bày, không sử dụng các biểu tượng, sản phẩm linh vật cũng như các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Theo baovanhoa.vn


Theo baovanhoa.vn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]