(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghệ sĩ Thanh Hường, sinh năm 1941, ở làng Đông, xã Hà Dương, nay là xã Yên Dương (Hà Trung). Vừa độ tuổi trăng tròn, chị vào công tác Đoàn Ca múa miền núi. 8 năm ở đoàn, không một nơi nào trong số 8 huyện miền núi (sau này chia tách thành 11 huyện) không có dấu chân của chị. Rồi những tháng ngày ở Trường Sơn, chị đã hát và cống hiến tuổi xuân.

Những lời ca vượt qua đạn lửa

Nghệ sĩ Thanh Hường, sinh năm 1941, ở làng Đông, xã Hà Dương, nay là xã Yên Dương (Hà Trung). Vừa độ tuổi trăng tròn, chị vào công tác Đoàn Ca múa miền núi. 8 năm ở đoàn, không một nơi nào trong số 8 huyện miền núi (sau này chia tách thành 11 huyện) không có dấu chân của chị. Rồi những tháng ngày ở Trường Sơn, chị đã hát và cống hiến tuổi xuân.

Những lời ca vượt qua đạn lửaNghệ sĩ Thanh Hường cùng các học trò cũ.

Ở vào tuổi 82, nhắc lại những ngày gắn bó với nghề, nghệ sĩ Thanh Hường không khỏi xúc động: “Nếu để nói một câu tổng kết cuộc đời mình thì tôi không biết nói gì. Nhưng tự hào rằng, nơi nào gian khổ nhất tôi đều có mặt”.

“Thanh Hóa nằm trong tọa độ lửa của máy bay địch, là cửa ngõ miền Bắc hậu phương vào Quân khu 4. Trên Quốc lộ 1A từ Đò Lèn - Hàm Rồng đến bến phà Ghép, huyết mạch giao thông quan trọng Bắc - Nam, là mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ suốt ngày đêm rất ác liệt nhằm cắt đứt sự chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Lúc đó, không gian căng thẳng, đặc quánh mùi thuốc súng xung quanh các trận địa pháo, chúng tôi được bố trí hàng ngày lên đồi Quyết thắng để hát phục vụ bộ đội. Nhiều khi mải quá đến mức có báo động mà tôi chẳng hay. Nhớ cái lần bị sập hầm, tôi nghe tiếng mọi người gọi tìm, rồi hét to: Tôi đây. Nhưng chỉ là những tiếng vọng. Cái sống với cái chết trong gang tấc khiến tôi trưởng thành hơn, ý thức hơn về trách nhiệm nghệ sĩ của mình”, nghệ sĩ Thanh Hường kể.

Giai đoạn Đoàn Ca múa miền núi sáp nhập vào Đoàn Ca múa Thanh Hóa, cũng là những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đứa con gái đầu lòng vừa mới tròn 5 tháng, chị là một trong 6 nữ nghệ sĩ tham gia đoàn văn công xung kích đi phục vụ bộ đội ở khu vực Tây Trường Sơn. Chị kể: “Lúc đó có cả trăm người viết đơn xin đi ra tuyến đầu nhưng chỉ chọn được 16 người toàn năng cả ca hát và múa”.

35 kg, nghệ sĩ Thanh Hường gầy gò và yếu ớt. Đi được nửa đường, chị bị ốm nặng. Đến Tây Trường Sơn, mọi người nói với chị: “Cô về đi, lẻo khẻo lèo khoèo thế này không lên Trường Sơn được đâu”. “Tôi nhất quyết không “B quay”, vào đến đây thì tôi phải hoàn thành nhiệm vụ. Những đêm dưới hầm, vắt cắn không thể chịu nổi lại mò lên miệng hầm. Bom đạn gầm rú khắp nơi. Lúc đó chẳng biết sống chết gì, nhưng vẫn hát và hát”.

Những lời ca vượt qua đạn lửa

Đường Trường Sơn khi ấy là tuyến vận tải chiến lược trọng yếu, cung cấp binh vật lực, vũ khí, khí tài để chi viện cho chiến trường miền Nam. “Chúng tôi đi qua Khăm Muộn, Savanakhet... cho đến Ngã ba Đông Dương, phục vụ văn nghệ từ Binh trạm 32 đến Binh trạm 37. Ác liệt thì không thể nói hết, 24/24 giờ máy bay trên đầu. Ở nơi tuyến lửa Trường Sơn ai cũng khổ cũng đói, nhưng chúng tôi luôn được bộ đội và người dân nhường cơm cho ăn, nhường chỗ cho nằm. Thương lắm. Chúng tôi chỉ có một cung đường từ hầm ra đường phục vụ. Gặp bộ đội ở đâu cũng có thể làm sân khấu biểu diễn. Từ binh trạm này sang binh trạm khác, văn công luôn được ưu tiên đi... bộ, hoặc 8 người trên chiếc xe Com-măng-ca, hạn chế việc phải đi xe vượt tuyến vì quá nguy hiểm. Cái nắng, cái gió và những hòn tên mũi đạn đã lấy đi sự sống của biết bao người. Giờ nghĩ lại tôi thấy mình thực sự may mắn. May mắn còn sống sót trở về với gia đình và nuôi con khôn lớn”, nghệ sĩ Thanh Hường chia sẻ.

Khi được hỏi: Thời gian đấy chị biểu diễn bài hát nào nhiều nhất? Nghệ sĩ Thanh Hường cho biết: “Sau sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh niềm tiếc thương là khí thế của toàn quân, toàn dân quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ thực hiện mong muốn của Người. Ca khúc “Trông cây lại nhớ đến Người” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận với giai điệu dân ca xứ Nghệ quen thuộc đã khích lệ tinh thần bộ đội và Nhân dân ta. Bộ đội Trường Sơn cứ nghe và vỗ tay liên tục. Tôi hát mãi, hát đến khi mờ cả mắt thì đoàn trưởng ra xin thôi”.

150 ngày ở Trường Sơn là những ký ức đẹp mà mỗi lần nhắc đến, nghệ sĩ Thanh Hường lại ngân ngấn nước mắt. Những năm tháng đẹp đẽ thanh xuân ấy, không chỉ như một kỷ niệm đẹp mà còn là niềm tự hào. “Khi ấy với vai trò là đảng viên, dù gầy gò và yếu ớt thế nào, chúng tôi cũng là những người đi đầu, sẵn sàng cống hiến phục vụ những nơi ác liệt nhất”.

Chính bởi thế, sau những ngày tháng ở Trường Sơn, trở về với quê nhà, chị lại tiếp tục cống hiến lời ca tiếng hát của mình. Ở Đoàn Ca múa Thanh Hóa (nay là Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn) nhắc đến tên nghệ sĩ Thanh Hường ai cũng còn nhớ. Với chất giọng nữ cao, những tiết mục đơn ca như Hà Nội, Huế, Sài Gòn; Xa khơi... hay khi đoàn dựng các vở ca kịch: Cánh buồm đỏ, Mai An Tiêm... chị luôn ở vị trí solist. Chỉ tiếc chuyện chị phải lỡ nhịp với nhiều danh hiệu.

Chị bộc bạch: "Tôi đã phải chứng kiến sự mất mát của đồng đội, có những cái chết ngay trước mắt khiến tôi ám ảnh đến giờ. Có những lúc bản thân tôi phải ôm ba lô chạy... Đi gần hết đời người, sống sót qua bom rơi lửa đạn và lành lặn trở về với gia đình, con cái. Đó đã là điều quá may mắn”.

Chiến tranh đã đi qua lâu, nhưng những nhân chứng sống đều không thể nào quên. Đó không chỉ là ký ức cá nhân, mà còn là niềm kiêu hãnh của cả một thế hệ đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh giành độc lập, tự do và chủ quyền cho quốc gia, dân tộc.

Bài và ảnh: Bảo Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]