(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong những ngày tháng bảy lịch sử, tại Quảng trường Hồ Chí Minh - TP Vinh, tượng đài binh biến Đô Lương (tỉnh Nghệ An) và Quảng trường Giải phóng, khuôn viên Thành cổ - thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị)... đã diễn ra triển lãm tranh cổ động tấm lớn kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những màu sắc và đường nét tri ân

(VH&ĐS) Trong những ngày tháng bảy lịch sử, tại Quảng trường Hồ Chí Minh - TP Vinh, tượng đài binh biến Đô Lương (tỉnh Nghệ An) và Quảng trường Giải phóng, khuôn viên Thành cổ - thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị)... đã diễn ra triển lãm tranh cổ động tấm lớn kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017).

Triển lãm là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tưởng nhớ, tri ân những con người đã ngã xuống hoặc hy sinh một phần xương máu cho độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Triển lãm ở Nghệ An và Quảng Trị đã tuyển chọn, giới thiệu 67 tác phẩm có chất lượng cao cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện trong số hơn 500 tác phẩm của 230 tác giả trên khắp các vùng miền đất nước tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) tổ chức.

Xuất phát từ nguồn cảm hứng tưởng nhớ - tri ân, các tác giả đã tập trung vào một số chủ đề như: Tiếp nối truyền thống; Uống nước nhớ nguồn; Hình tượng người Mẹ Việt Nam Anh hùng; Nghĩa tình đồng đội; Thương binh tàn nhưng không phế và Khát vọng hòa bình.

Với chủ đề Tiếp nối truyền thống, người xem có thể bắt gặp những tác phẩm khắc họa các em thơ rất có ý thức học tập để sau này xây dựng một nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Các em cũng chính là những người được giáo dục bài bản, nền nếp từ tấm bé, biết sẻ chia và giúp đỡ các chú thương binh, các bà mẹ liệt sỹ. Đó là các tác phẩm: Chúng cháu yêu chú thương binh (Trần Đức Lợi), Để cháu giúp chú qua đường (Lưu Ngọc Phan), Chúng em mãi biết ơn người thầy giáo thương binh (Trần Duy Trúc), Cảm ơn Mẹ Việt Nam Anh hùng (Trần Đức Lợi)... rồi các tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, Ngã ba Đồng Lộc và không thể không nhắc đến Tự hào tiếp bước cha anh của Tô Minh Tấn qua hình ảnh một chiến sỹ trẻ đang cúi xuống ôm hôn lá cờ Tổ quốc thắm máu đào của bao lớp người đi trước.

Chủ đề Uống nước nhớ nguồn được các họa sỹ thể hiện khá đa dạng vì đây cũng là đạo lý, lẽ sống của dân tộc ta. Đó có thể là hình ảnh Đưa hài cốt chiến sỹ quân tình nguyện về nước; các cơ quan, đoàn thể, cá nhân xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc động viên gia đình thương binh, thân nhân liệt sỹ trong tác phẩm Bùi Văn An, Lưu Yên Thế, Đinh Thị Thu Mai, Trần Duy Trúc... Cũng không thể không nhắc đến các bức tranh khắc họa việc làm đẹp đài tưởng niệm liệt sĩ, tu bổ nghĩa trang, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng hay Yêu chú thương binh của Nguyễn Bá Siếu...

Chúng ta từng có không biết bao nhiêu ngôn từ, không biết bao nhiêu tác phẩm thơ, nhạc ca ngợi các bà mẹ. Nói như nhà văn Nga M.Gorki: “Đời thiếu mẹ hiền không phụ nữ/ Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu?”. Với người mẹ Việt Nam trong thế kỷ XX, họ còn phải đi qua nhiều cuộc chiến tranh (chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc) mà cuộc chiến tranh nào cũng phải lần lượt tiễn chồng, con ra mặt trận để rồi hàng chục vạn người trong số đó “khóc thầm lặng lẽ” ngày non sông quy về một mối hay nói như lời “Bài hát Then tặng mẹ”: “Rồi đến ngày chiến tranh kết thúc/ Nước nhà được độc lập vẹn toàn, Tổ quốc Bắc liền Nam thống nhất... (á ơi, á ơi)/ Trong niềm vui dào dạt, hân hoan/ Mẹ biết rồi... chồng, con của mẹ chỉ còn trong nỗi nhớ vô biên...”. Chính vì vậy, ở triển lãm tranh cổ động tấm lớn lần này, hình tượng người Mẹ Việt Nam Anh hùng - tiêu biểu hơn cả: Tượng đài Mẹ Thứ (Quảng Nam) - thực sự là những trăn trở, khắc khoải nghệ thuật trong tranh Lê Duy Khanh, Lê Ngọc Thể, Lê Văn Oanh...

Cụm tranh cổ động tấm lớn ở Quảng trường Hồ Chí Minh - TP Vinh (Nghệ An).

Bên cạnh hình tượng người Mẹ Việt Nam Anh hùng là Nghĩa tình đồng đội. Trong cuộc sống, có nhiều thứ tình cảm bè bạn, bằng hữu... song có thể khẳng định, không thứ tình cảm bè bạn, bằng hữu nào sánh được với tình đồng đội của những người lính. Bởi tình cảm của họ đánh đổi bằng những lần vào sinh ra tử, trả giá bằng máu xương. Bức tranh Ôi thiêng liêng làm sao thắm nghĩa tình đồng đội của Nguyễn Ngọc Phương dựa trên tấm hình của Vũ Dũng được triển lãm đã đem lại sự xúc động lớn cho công chúng. Mấy ai không trào dâng xúc động khi nhìn gương mặt những người cựu chiến binh nhăn nheo, khắc khổ, gồ ghề... ôm chầm lấy nhau trong ngày gặp mặt?

Với chủ đề Thương binh tàn nhưng không phế, triển lãm ở Nghệ An và Quảng Trị có các tác phẩm: Chúng em mãi biết ơn người thầy giáo thương binh (Trần Duy Trúc); Thương binh chúng tôi tàn nhưng không phế (Minh Thi); Thời chiến anh là người lính giỏi, thời bình anh là người làm kinh tế giỏi (Nguyễn Minh Trung); Cùng anh làm giàu trên quê hương mới (Trần Duy Trúc); Lao động giỏi làm giàu cho quê hương đất nước (Nguyễn Mạnh Hùng)... Nếu tranh của Minh Thi thể hiện một xí nghiệp thương binh với những người giải ngũ tay búa, tay máy, tay khâu giày... thì tranh của Đỗ Trung Kiên rất trữ tình với hình ảnh người thương binh đang “dạy các em thơ bài hát quê hương”.

Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến Khát vọng hòa bình trong các bức tranh cổ động tấm lớn kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ. Có điều tưởng nghịch lý nhưng lại là sự thật: Người Việt Nam “đâu sợ chiến tranh” song rất đỗi yêu hòa bình và vì hiểu được cái giá quá đắt phải trả cho chiến tranh (hàng triệu thương binh, liệt sĩ; hàng chục vạn người và con cái của họ nhiễm chất độc da cam, biết bao nữ thanh niên xung phong phải chôn vùi tuổi xuân, hạnh phúc bên những hố bom hay những cung đường chết chóc, những tọa độ lửa...) nên Khát vọng hòa bình của người Việt Nam không kém bất kỳ một dân tộc nào trên trái đất. Không phải ngẫu nhiên mà trong lần triển lãm này, có trên 10% bức tranh thể hiện khát vọng đó qua hình ảnh đã trở thành “cổ điển”: Cánh chim bồ câu. Các cánh chim bồ câu thật đa dạng về dáng vẻ, màu sắc, kích cỡ, tư thế, tín hiệu thẩm mỹ: Có cánh chim ngậm bông lúa của Nguyễn Mạnh Hùng, có cánh chim bay cùng biểu tượng Thương binh - Liệt sỹ của Nguyễn Anh Thập, có cánh chim đậu trên nòng súng của Nguyễn Văn Công, có cánh chim hình thành từ bình hương tỏa khói của Phạm Tam, có dải lụa hình chim bồ câu mang thông điệp Đền ơn đáp nghĩa - Uống nước nhớ nguồn của Minh Thi...

Trong một bài viết ngắn, chúng tôi không thể điểm hết các bức tranh hay nêu bật được thần thái, ý nghĩa của từng tác phẩm trong cuộc triển lãm ở Nghệ An, Quảng Trị... song nhìn chung, 67 bức tranh là tấm lòng, trí tuệ của giới họa sĩ tâm huyết với mảng tranh cổ động. Đó cũng là những bó hoa, nén hương tri ân; bó hoa, nén hương tình nghĩa kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ.

Thanh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]