(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Xin được gọi họ là “người cầm đèn không lương”, bởi họ tình nguyện đến với công việc bằng cả trái tim, trách nhiệm mà không đòi hỏi bất kì quyền lợi gì. Không chỉ trông coi, giữ gìn vệ sinh mà có những lúc lại kiêm luôn cả vai trò của hướng dẫn viên với những câu chuyện sinh động xung quanh đình, chùa, miếu, mạo. Chính những công việc thầm lặng đó đã góp phần làm sống lại những trang lịch sử hào hùng của dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những người cầm đèn không lương

(VH&ĐS) Xin được gọi họ là “người cầm đèn không lương”, bởi họ tình nguyện đến với công việc bằng cả trái tim, trách nhiệm mà không đòi hỏi bất kì quyền lợi gì. Không chỉ trông coi, giữ gìn vệ sinh mà có những lúc lại kiêm luôn cả vai trò của hướng dẫn viên với những câu chuyện sinh động xung quanh đình, chùa, miếu, mạo. Chính những công việc thầm lặng đó đã góp phần làm sống lại những trang lịch sử hào hùng của dân tộc.

Nối quá khứ với hiện tại

Đến thăm di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia đền Quan Mãn, phường An Hoạch, TP Thanh Hóa vào bất cứ thời gian nào, du khách cũng sẽ bắt gặp vợ chồng ông, bà Lê Thị Nguyệt và Lê Đình Nhung với dáng người nhỏ nhắn, nụ cười hiền hậu, lặng lẽ chăm sóc khu lăng và đền thờ Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa (thời Lê), thường gọi là Lăng Quận Mãn.

Bằng lối kể chuyện chậm rãi, nhẹ nhàng, ấm áp, bà Lê Thị Nguyệt vừa trò chuyện vừa giới thiệu cho chúng tôi nghe về cuộc đời, sự nghiệp của Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa và cũng không quên nhắc nhở ý nghĩa của việc chăm sóc thờ cúng “người hiền” của đất nước. “Tôi là con dâu của dòng họ, năm 2010, sau khi họp dòng họ xong, vợ chồng tôi được tin tưởng, giao nhiệm vụ trông coi di tích. Vinh dự lắm”, bà Nguyệt nói.

Đến với công việc bằng chữ tâm, ông bà đã dành nhiều thời gian, công sức để quét dọn vệ sinh cho Lăng Quận Mãn. Theo ông Nhung, hàng ngày công việc trông coi, bảo vệ lăng chỉ là quét dọn, vệ sinh, mở cửa đón khách tham quan. Nói ra nghe có vẻ nhàn hạ, nhưng không phải ai cũng làm được nếu không có chữ tâm và sự kiên nhẫn, trong điều kiện gia đình ông bà cũng đang còn gặp rất nhiều khó khăn.

Vợ chồng ông Lê Đình Nhung, bà Lê Thị Nguyệt đang ngày ngày gìn giữ di tích cho đời sau.

Ông Nguyễn Văn Hợp, 74 tuổi, thị trấn Vạn Hà cũng đã có 12 năm gắn bó với ngôi đình làng Chí Cẩn. Bằng giọng nói chậm rãi, ông Hợp cho biết: Những người được giao nhiệm vụ trông coi tại các đình, đền, miếu là một vinh dự lớn. Chúng tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc nhiệt tình, không nề hà.

Hiện nay, ngoài công việc trông coi, quét dọn, lau chùi tại đình, thỉnh thoảng ông cũng kiêm luôn người thuyết minh giúp những người muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử của đình làng mình. Theo như lời ông nói: Có những người gọi tôi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng tôi lại thấy vui với tên gọi đó. Những công việc thầm lặng của chúng tôi cũng đã góp phần gìn giữ tốt các di tích.

Người cầm đèn không lương

Xin mượn câu nói của Trưởng phòng VHTT huyện Thiệu Hóa, Lê Duy Sơn khi nói về những công việc thầm lặng của những người trông coi tại các đình, đền, miếu, lăng mộ hiện nay. Bởi theo như cách lý giải của ông Sơn thì hầu hết họ không đòi hỏi bất kỳ lợi ích nào, họ chỉ mang cái tâm đến các đình - đền đó làm việc thiện, họ khơi ngọn đèn, khơi ngọn nến sáng để mọi người thắp nén hương cầu xin việc thiện.

Ngoài công việc trông coi, quét dọn, có những lúc họ giống như như một thuyết minh viên của khu di tích ấy. Họ trao truyền lại những giá trị, kể cả vật thể và phi vật thể cho con cháu mình.

Khi được hỏi về chế độ tiền công dành cho người trông coi di tích lăng mộ, ông Lê Đình Nhung chia sẻ: “Vợ chồng tôi làm việc này đã lâu nhưng chưa nhận đồng tiền lương nào, chủ yếu từ tiền đèn dầu của một số người đi thắp hương ngày mùng 1 và ngày rằm”.

Còn ông Nguyễn Văn Hợp, 10 năm gắn bó với đình làng Chí Cẩn cho biết: Trước đây bà con trả công bằng lúa, đến nay làng trả 100.000 đồng/tháng. Nếu không xuất phát từ cái tâm, có lẽ tôi khó đảm nhận được công việc này đến ngày hôm nay. Những người được giao nhiệm vụ trông coi các đình - đền, tôi khẳng định rằng họ đến với công việc cũng đều xuất phát từ chữ tâm, mong muốn được góp phần bảo tồn giá trị văn hóa di tích lịch sử.

Với 774 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 4 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 100 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 661 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thì những công việc thầm lặng của những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc, trông coi các di tích lịch sử, văn hóa thật đáng trân trọng.

Được chứng kiến công việc hàng ngày, nghe lời nói chân tình của ông Hợp, ông Nhung, bà Nguyệt, chúng tôi hiểu rằng giữa cuộc sống hiện đại vẫn đang còn có rất nhiều những con người làm việc thầm lặng, nhỏ bé nhưng rất có ý nghĩa đó. Họ đang góp phần bảo vệ những tên đất, tên làng, bảo vệ những di sản văn hóa còn lại của địa phương.

Trung Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]