(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Với những nét văn hóa đa dạng, đặc sắc về vùng miền, dân tộc, các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không những giúp bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, mà còn giúp khơi dậy niềm lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước và tăng cường tình đoàn kết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy các giá trị lễ hội truyền thống

(VH&ĐS) Với những nét văn hóa đa dạng, đặc sắc về vùng miền, dân tộc, các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không những giúp bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, mà còn giúp khơi dậy niềm lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước và tăng cường tình đoàn kết.

Thanh Hóa với điều kiện tự nhiên rất phong phú đa dạng, hội tụ đầy đủ những giá trị văn hóa truyền thống từ vùng ven biển, đồng bằng, trung du, miền núi, vùng cao. Ở bất cứ vùng nào cũng có lễ hội văn hóa truyền thống mang đậm sắc thái văn hóa, là lời ăn tiếng nói từ đời sống lao động sản xuất từ ngàn đời của người dân bản địa. Những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển KT - XH, các địa phương trong tỉnh đã có sự quan tâm, chú trọng tới công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, trong đó các lễ hội đóng vai trò quan trọng.

Chúng tôi lên với đồng bào dân tộc Thái, Mường của huyện Bá Thước vào những ngày đầu xuân Đinh Dậu 2017 để được tham gia Lễ hội Mường Khô. Ở huyện miền núi cao này, chúng tôi được đến các điểm du lịch, lễ hội như khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, khu vực Kho Mường (xã Thành Sơn), thác Hiêu (xã Cổ Lũng) mới thấy được nhiều điều mới mẻ tích cực trong việc phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây. Lễ hội Mường Khô năm nay dù chỉ được tổ chức ở quy mô cấp xã song lại thu hút số lượng khách du lịch đông hơn so với cùng kỳ, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Lễ hội Mường Khô 2017 (Bá Thước) diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc, thu hút đông đảo du khách tới tham dự.

Bên cạnh những nghi lễ chính, Lễ hội Mường Khô còn có những hoạt động giao lưu văn hóa, ẩm thực, văn nghệ và đặc biệt là TDTT... Sự tham gia đông đảo của bà con nhân dân trong những bộ áo, váy truyền thống của dân tộc Thái, Mường cùng các du khách thập phương vào các tiết mục văn nghệ, trò chơi, thể thao dân tộc, thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương…không chỉ đem lại những bức tranh đa sắc màu, không khí vui tươi, mà còn được xem là nét đột phá đầy mới mẻ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị lễ hội truyền thống ở Bá Thước.

Nếu như Bá Thước có những lợi thế về các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao, thì TX Sầm Sơn lại mang trong mình những nét đặc sắc nhất của người dân vùng biển xứ Thanh với rất nhiều lễ hội truyền thống. Những ngày trung tuần tháng 2 âm lịch là thời điểm người dân các phường, xã của TX Sầm Sơn bận rộn, sôi động chuẩn bị cho Lễ hội cầu phúc đền Độc Cước 2017. Không khí lễ hội bắt đầu rộn ràng nhiều ngày trước khi lễ hội diễn ra (16 tháng 2 âm lịch) với hoạt động làm bánh giầy truyền thống của người dân phường Trung Sơn. Người dân trong những bộ trang phục truyền thống đã nô nức tham gia làm bánh.

Năm nay, TX Sầm Sơn đã quyết định làm chiếc bánh có kích thước lớn nhất từ trước tới nay (đường kính 2,17m, chiều cao 0,65m, trọng lượng hơn 2 tấn). Sau khi hoàn thành, chiếc bánh đã được rước qua các phường, xã trước khi dâng cúng thần Độc Cước. Lễ hội cầu phúc đền Độc Cước năm nay cũng đã được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT đa dạng, phong phú…Đây chính là những yếu tố đã thu hút một lượng lớn du khách về với Sầm Sơn trong dịp này.

Lễ hội Cầu Phúc (Sầm Sơn) năm 2017 với hoạt động nổi bật như làm bánh giầy kỷ lục, thi kéo co, đẩy gậy… thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham dự.

Từ nay đến mùa du lịch hè Sầm Sơn 2017, sẽ còn nhiều lễ hội đặc sắc khác được tổ chức nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch tới tham quan, nghỉ mát và trải nghiệm, như: Lễ hội cầu ngư, bơi chải phường Quảng Tiến... Đặc biệt, TX Sầm Sơn hướng đến phát triển du lịch quanh năm thì yếu tố phát huy giá trị lễ hội truyền thống sẽ là điểm nhấn thu hút du khách.

Xác định việc bảo tồn, tổ chức và quản lý tốt các lễ hội truyền thống là cơ hội và đòn bẩy thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần phát triển KT - XH, bởi vậy các địa phương trong tỉnh đều đề ra chiến lược, kế hoạch lâu dài. Mặc dù các địa phương còn gặp nhiều khó khăn song đã thể hiện được sự nỗ lực của mình trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Các lễ hội đã được tập trung quảng bá, giới thiệu qua nhiều kênh thông tin, việc tổ chức đã bắt đầu bài bản hơn; công tác chuẩn bị được tổ chức tốt hơn có sự tham gia trực tiếp của người dân địa phương,…Nhờ đó, các lễ hội không còn ở quy mô, phạm vi của địa phương, dần dần trở thành những điểm đến hấp dẫn, quen thuộc đối với du khách thập phương như: Lễ hội khai hạ Suối cá Cẩm Lương, Lễ hội Kho Mường (Bá Thước), Lễ hội bánh chưng - bánh giầy (TX Sầm Sơn); Lễ hội Lê Hoàn, Lễ hội Lam Kinh (Thọ Xuân)…

Cũng có ý kiến cho rằng, các địa phương cần chú trọng tới việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dành kinh phí bảo tồn, tôn tạo các di tích, tăng cường đầu tư và quản lý tốt hạ tầng dịch vụ, có các đội văn nghệ, CLB TDTT để sẵn sàng tham gia lễ hội, tạo sức hấp dẫn cho du khách.

Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]