(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hàng chục di tích được đầu tư kinh phí trùng tu, chống xuống cấp. Nhiều di tích thực sự phát huy hiệu quả tích cực sau khi được trùng tu. Dẫu vậy, cũng có không ít di tích sau khi trùng tu vẫn đang “loay hoay” đối mặt với tình trạng xuống cấp trong khi hiệu quả vẫn còn... bỏ ngỏ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy hiệu quả di tích sau trùng tu: Liệu có phải bài toán khó?

(VH&ĐS) Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hàng chục di tích được đầu tư kinh phí trùng tu, chống xuống cấp. Nhiều di tích thực sự phát huy hiệu quả tích cực sau khi được trùng tu. Dẫu vậy, cũng có không ít di tích sau khi trùng tu vẫn đang “loay hoay” đối mặt với tình trạng xuống cấp trong khi hiệu quả vẫn còn... bỏ ngỏ.

Xót xa di tích

Đình Gia Miêu xã Hà Long (Hà Trung) được biết đến là di tích lịch sử cấp quốc gia đậm chất kiến trúc thời Nguyễn. Trải qua thời gian và thăng trầm lịch sử với nhiều hạng mục bị xuống cấp, đình đã được trùng tu để giữ gìn giá trị của tiền nhân để lại. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, ghé thăm đình Gia Miêu, nhìn bề ngoài, vẫn còn đó nguyên vẹn một công trình kiến trúc bề thế, khang trang và uy nghi song lại “cửa đóng then gài”. Vào bên trong đình, nhiều người không khỏi sửng sốt do sự xuống cấp ở một số hạng mục của di tích, cộng với sự ẩm ướt do không thường xuyên được mở cửa, quét dọn khiến hiện trạng bên trong di tích thực sự đáng lo ngại.

Thực tế, cùng đình làng Gia Miêu, không ít di tích đặc biệt là các di tích đình làng trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng xuống cấp: đình Thượng Phú xã Hà Đông (Hà Trung); đình Hồ Nam xã Vĩnh Khang (Vĩnh Lộc)... và loay hoay với bài toán trùng tu - phát huy giá trị sau trùng tu. Các di tích đình làng phần lớn đều đang đối mặt với tình trạng xuống cấp và bài toán kinh phí trùng tu. Và liệu sau khi đầu tư kinh phí trùng tu, di tích liệu có thực sự phát huy hiệu quả? Hay lại “đóng cửa chờ ngày xuống cấp”!

Đình làng Gia Miêu dù mới được đầu tư kinh phí trùng tu trước năm 2010 nhưng đang có nhiều dấu hiệu xuống cấp bên trong di tích.

Đi tìm lời giải

Gần đây, trong lần tình cờ về làng Phú Khê, xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước công trình kiến trúc đình làng bề thế của địa phương. Và ngỡ ngàng hơn khi biết đến sự quan tâm và sự trân quý của người dân đối với di tích đình làng Phú Khê. Dù đây là công trình kiến trúc có từ thời Lý, được trùng tu nhiều lần song đến thời điểm hiện tại vẫn được giữ nguyên giá trị vốn có. Bác Lê Văn Lai - Trưởng Ban quản lý di tích đình làng Phú Khê cho biết: đình làng Phú Khê là báu vật mà cha ông đã để lại cho hậu thế.

Vì vậy hầu hết người dân trong làng đều ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, chăm sóc và trông coi di tích. Năm 2012, khi di tích được Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng để trùng tu thì con em làng Phú Khê đã cùng nhau đóng góp kinh phí gần 3 tỷ đồng cho việc trùng tu, tôn tạo di tích. Qua câu chuyện với bác, tôi phần nào cảm nhận được niềm tự hào của người dân làng Phú Khê đối với di tích của mình. Chợt thấy lòng xót xa khi nghĩ đến những di tích giá trị không kém phần, lại bị thờ ơ, ghẻ lạnh!

Nói về câu chuyện phát huy giá trị di tích sau trùng tu, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh cho rằng: đối với các loại hình di tích trên địa bàn tỉnh hiện nay, ngoại trừ các di tích cách mạng thì có lẽ, đình làng là một trong những loại di tích gặp nhiều khó khăn nhất trong việc kêu gọi đầu tư cũng như phát huy giá trị sau đầu tư. Bởi vậy, mới có chuyện di tích đình làng được đầu tư kinh phí trùng tu chưa được bao lâu, hiệu quả sau trùng tu còn chưa thấy đã có hiện tượng xuống cấp. Đó là bởi việc trùng tu không đồng bộ do nguồn kinh phí bị eo hẹp, hạn chế.

Và để phát huy hiệu quả di tích, đặc biệt với di tích đình làng sau trùng tu, đó là trách nhiệm của cả một tập thể. Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: bản thân lãnh đạo mỗi địa phương phải thực sự trăn trở, quan tâm tới di tích. Khơi dậy niềm tự hào đối với di tích trong mỗi người dân... Khi người dân đã hiểu được ý nghĩa của di tích, chắc chắn họ sẽ cùng nhau chung tay bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Địa phương nào tận dụng tốt nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ thì hiệu quả là vô cùng rõ nét. Ngoại trừ các di tích đặc biệt, không thể có chuyện trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách nhà nước. Nếu mỗi địa phương không tự tìm cho mình lời giải thích hợp thì chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục loay hoay với câu hỏi: phát huy hiệu quả di tích sau trùng tu, liệu có phải bài toán khó!

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]