(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những năm qua, hoạt động du lịch đã thúc đẩy các ngành khác phát triển, tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ; lễ hội truyền thống được khôi phục, phát huy được thuần phong mỹ tục.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy lợi thế tài nguyên hệ sinh thái và nhân văn để phát triển du lịch bền vững

(VH&ĐS) Những năm qua, hoạt động du lịch đã thúc đẩy các ngành khác phát triển, tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ; lễ hội truyền thống được khôi phục, phát huy được thuần phong mỹ tục.

Nhiều làng nghề khôi phục và phát triển, tạo thêm các điểm tham quan du lịch, sản xuất hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ phục vụ khách, tạo thêm việc làm và thu nhập; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Du lịch phát triển đã tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu các di tích và nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư giữ gìn, phát triển di sản văn hóa. Tuyên truyền, quảng bá du lịch của tỉnh đã truyền tải được giá trị của di sản thiên nhiên, di sản văn hóa dân tộc và sắc thái văn hóa tỉnh Thanh đến nhân dân và du khách quốc tế, góp phần phát triển kinh tế, tranh thủ sựủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, quê hương.

Bên cạnh những lợi thế nêu trên, để phát triển du lịch bền vững, du lịch ở Thanh Hóa cũng gặp nhiều thách thức, đó là:

So với các điểm du lịch của cả nước và các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ, du lịch Thanh Hóa còn phải phấn đấu nhiều mới tiến kịp với những Phong Nha - Kẻ Bàng, di tích cố đô Huế, Khu di tích Nam Đàn - Kim Liên… có sức hút mạnh mẽ bởi tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến, quảng bá và dịch vụ du lịch đã trở thành thương hiệu có uy tín.

Du lịch tỉnh Thanh đang đối mặt với việc rác thải ảnh hưởng tới môi trường tại các điểm du lịch Sầm Sơn, Hải Hòa, Cửa Đạt, Phủ Na… Tình trạng chèo kéo, bắt chẹt khách, tăng giá tùy tiện đâu đó vẫn còn, gây phản cảm và phiền lòng du khách. Cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, dịch vụ chưa đồng bộ; nhiều di tích không được bảo quản đúng mức, tu bổ làm sai lạc và biến dạng so với di tích gốc; công tác quản lý của các cơ quan chức năng chưa đạt hiệu quả…

Thanh Hóa có tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng cách làm du lịch của Thanh Hóa còn thiếu tính chuyên nghiệp và đồng bộ. Những năm qua làm du lịch mới chỉ làm phần ngọn quanh quẩn với ăn - tắm biển - ngủ và ăn, các điểm vui chơi, mua sắm, làm đẹp, giải trí còn rất khiêm tốn; chưa kết nối các di sản thiên nhiên, di sản văn hóađể tạo thành các tou du lịch dài ngày trong tỉnh và các vùng miền trong cả nước.

Nghề đúc đồng ở Thanh Hóa cần được phục vụ cho phát triển du lịch.

Xứ Thanh là đất của “tam vương, nhị chúa”, do vậy mà tư tưởng “bề trên” (nói thiên hạ phải nghe, chứ không nghe thiên hạ nói; thiên hạ phải phục vụ mình chứ mình không phục vụ thiên hạ). Chính điều đó là trở ngại và gây phản cảm đối với du khách. Bởi giờ đây du khách là “Vua - Thượng đế", muốn làm du lịch và phát triển du lịch bền vững, những người làm du lịch tỉnh Thanh phải thực sự xem du khách là thượng đế. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực phục vụ ngành du lịch đã được đào tạo cơ bản còn ít, yếu về trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, thiếu về kinh nghiệm. Đặc biệt, thiếu người quản lý và phục vụ có trình độ chuyên môn cao trong các cơ sở phục vụ kinh doanh du lịch ở lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, các nơi nghỉ dưỡng, các cơ sở vui chơi, giải trí… do đó du lịch Thanh Hóa chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập trong vùng, khu vực và quốc tế.

Du lịch Thanh Hóa mấy năm gần đây đã có bước chuyển nhất định cùng với sự ra đời của Khu nghỉ dưỡng cao cấp FLC, song du lịch Thanh Hóa vẫn chưa thoát khỏi tính mùa vụ, các loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh vốn là lợi thế của tỉnh nhà để tạo việc làm mang lại nguồn thu cho người dân và góp phần xóa đói, giảm nghèo đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, nông thôn vẫn mang tính tự phát.

Về phát triển sản phẩm và thị trường, ngoài sản phẩm trống đồng làm quà tặng là chính, tỉnh nhà chưa tạo ra được các sản phẩm du lịch như quà lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ hấp dẫn du khách. Sản phẩm du lịch nghèo nàn và trùng lặp giữa các vùng miền, ít sáng tạo, thiếu tính độc đáo, đặc sắc củamỗi làng quê.

Nhu cầu du lịch thế giới có nhiều thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hoá truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo, du lịch hướng về cội nguồn, hướng về thiên nhiên là những xu hướng nổi trội. Chất lượng môi trường trở thành yếu tố quan trọng cấu thành giá trị thụ hưởng du lịch. Đây là thách thức lớn với du lịch tỉnh Thanh nói riêng và Bắc Trung Bộ nói chung, nếu không nắm bắt kịp sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu và du lịch tỉnh Thanh mãi là tiềm năng.

Tiềm năng văn hóa du lịch tỉnh Thanh thời gian qua đã được đánh thức song mới chỉ khai thác và phát huy bước đầu. Thực hiện chương trình phát triển du lịch đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII đề ra; để tiềm năng này trở thành nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá về lịch sử văn hóa, danh thắng và vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài nước, du lịch Thanh Hóa cần rà soát lại quy hoạch phát triển du lịch, lựa chọn sản phẩm để đột phá, xây dựng sản phẩm mới; khai thác thế mạnh của loại hình văn hóa phi vật thể; cần nghiên cứu, xúc tiến, quảng bá, thu hút các thị trường khách Lào, Thái Lan, Trung Quốc... Trong công tác quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh công cộng, xử lý tình trạng chèo kéo khách tại các điểm du lịch. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường liên kết đẩy mạnh quy hoạch cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên cơ sở gắn kết các điểm, tuyến du lịch, cụm du lịch, đồng thời có kế hoạch trùng tu bảo quản các cơ sở hạ tầng này một cách thường xuyên, để sử dụng có hiệu quả cho phát triển du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch và kêu gọi đầu tư để khai thác thế mạnh của mình phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật quy định. Phát triển du lịch trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ vững trật tự an toàn xã hội.

TS. Hoàng Minh Tường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]