(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hoá là hình ảnh của một đất nước Việt Nam thu nhỏ; miền đất “Địa linh nhân kiệt”; có truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng lâu đời, phong phú và đa dạng; đồng hành cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Xứ Thanh còn là một trong những cái nôi của người Việt cổ mà di chỉ khảo cổ học núi Đọ, hang Con Moong là minh chứng; đồng thời, đây cũng là nơi phát tích nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng từ thời đại các Vua Hùng dựng nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hoá, lịch sử cách mạng của vùng đất và con người xứ Thanh trở thành động lực cho phát triển

Thanh Hoá là hình ảnh của một đất nước Việt Nam thu nhỏ; miền đất “Địa linh nhân kiệt”; có truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng lâu đời, phong phú và đa dạng; đồng hành cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Xứ Thanh còn là một trong những cái nôi của người Việt cổ mà di chỉ khảo cổ học núi Đọ, hang Con Moong là minh chứng; đồng thời, đây cũng là nơi phát tích nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng từ thời đại các Vua Hùng dựng nước.

Trong lòng đất xứ Thanh, bên đôi bờ Lương Giang, Mã giang hùng vĩ, là đậm đặc các di chỉ khảo cổ, chứng tích của các nền văn minh nhân loại xuyên suốt từ thời tiền sử, sơ sử, thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ và cho đến thống nhất quốc gia, dân tộc.

Thanh Hoá có một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, không những có giá trị đặc trưng mà còn đa dạng về thể loại; với hơn 1.535 di tích lịch sử văn hóa; nhiều danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc nghệ thuật, đền đài lăng tẩm, thành trì, tiêu biểu như: khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, đền Bà Triệu, phủ Trịnh, Gia Miêu - Triệu Tường; các khu, điểm du lịch nổi tiếng như: Bến En, Pù Luông, Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà... Vùng đất Thanh Hoá cũng sáng tạo và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo, mang sắc thái riêng của 7 dân tộc; đó là các làng nghề truyền thống nổi tiếng của người Kinh, Mường, Khơ Mú, Mông, Dao, Thái, Thổ...; đến những sử thi, truyền thuyết (Đẻ đất đẻ nước, Khăm Phanh, Mai An Tiêm) các trò chơi, trò diễn dân gian (trò Xuân Phả, trò Chiềng, Pôồn Pôông, Kin Chiêng Boọc Mạy...); các làn điệu dân ca, dân vũ (dân ca Đông Anh, hò sông Mã,...) các lễ hội truyền thống (lễ hội Bà Triệu, lễ hội Lê Hoàn, lễ hội Lam Kinh, lễ hội Cầu Ngư,...) và hệ thống văn bia, sắc phong, thần tích, phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết... đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân Thanh Hóa.

Thanh Hoá cũng là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam, vùng đất đã gắn liền với quá trình tồn vong, hưng thịnh của quốc gia, dân tộc. Người Thanh Hoá xưa và nay đã viết nên nhiều trang sử hào hùng của dân tộc, lưu danh sử sách với những nhân vật kiệt xuất như: Triệu Thị Trinh, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi...và các vương triều trong lịch sử dân tộc như vương triều Lê (tiền Lê, hậu Lê), vương triều Hồ, vương triều Nguyễn. Không những vậy vùng đất "địa linh" này cũng là nơi sản sinh ra 2 dòng Chúa nổi danh: Chúa Trịnh với 249 năm có mặt trên chính trường Đại Việt đã song hành cùng vua Lê dựng đặt kỷ cương phép nước; Chúa Nguyễn bắt đầu từ Nguyễn Hoàng đã có công mở cõi về phía Nam, ổn định bản đồ và giữ vững chủ quyền dân tộc suốt các thế kỷ XVII, XVIII, để rồi các vua Nguyễn tiếp nối, thống nhất đất nước.

Không chỉ là miền đất "Tam vương nhị chúa", xứ Thanh còn là vùng đất hiếu học. Trong dòng chảy của lịch sử khoa bảng nước nhà, Thanh Hoá đã có 1.627 các nhà khoa bảng, trong đó có 240 tiến sĩ, với nhiều tên tuổi được lưu danh muôn thuở trên các lĩnh vực văn hóa, sử học, quân sự, ngoại giao nổi tiếng như: Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Lương Đắc Bằng, Đào Duy Từ...

Tiếp nối những tinh thần quật cường trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm với hình ảnh hiên ngang cưỡi voi xung trận của nữ tướng anh hùng Triệu Thị Trinh; với hào khí vang dội của nghĩa quân Lam Sơn đã tạo dựng nên một triều đại hưng thịnh; cùng với đó là những Ba Đình, Mã Cao, Hùng Lĩnh... quật cường chống Pháp. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, người dân xứ Thanh đã đoàn kết, không ngại gian khổ, hy sinh, chiến đấu kiên cường làm tròn vai trò là hậu phương lớn, cùng với cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên chấn động địa cầu, Hàm Rồng vang dội chiến công và Đại thắng mùa Xuân 1975. Nhiều tên đất, tên làng của xứ Thanh (Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực, Đông Sơn, Đồi C4, Phà Ghép, Đò Lèn) đã đi vào lịch sử như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng... Truyền thống lịch sử, văn hóa và 990 năm xuất hiện danh xưng, đã hun đúc và tỏa sáng những giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa: Anh hùng trong chiến đấu, kiên cường vượt lên ngàn gian khó; thông minh, sáng tạo, trọng đạo lý, giàu nghĩa nhân văn. Đó chính là sức mạnh nội sinh, là nền tảng vững chắc, tạo động lực dựng xây cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Các đồng chí: Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở VH,TT&DL; Mai Xuân Bình - Trưởng ban Dân tộc tỉnh trao các giải A ở nội dung thi trình diễn trang phục dân tộc truyền thống tại Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII - năm 2020. (Ảnh: Thu Thủy)

Trong những năm qua, phát huy truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng của vùng đất và con người xứ Thanh, Thanh Hoá đã chuyển mình và có nhiều bứt phá; kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá; quốc phòng an ninh được giữ vững, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Đời sống vật chất, tinh thần và trình độ dân trí của Nhân dân được nâng lên; giá trị văn hoá truyền thống được tiếp tục bảo tồn và phát huy; môi trường văn hoá ngày càng lành mạnh; hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở được củng cố, từng bước phát triển. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền được củng cố và nâng cao.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa tương xứng với bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng của xứ Thanh, đó là:

- Chưa khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, sức mạnh nội sinh của đất và người xứ Thanh, biến chúng trở thành động lực của sự phát triển. Nhiều giá trị nổi bật, phẩm chất tốt đẹp của con người Thanh Hoá chưa được khai thác phát huy tốt.

- Phát triển văn hoá chưa được đặt ngang hàng với kinh tế như quan điểm chỉ đạo của Đảng. Cơ chế, chính sách về văn hoá, về đào tạo, thu hút nhân tài chưa đồng bộ, chưa phát huy các nguồn lực xã hội hoá, nguồn lực của nhân dân một cách hiệu quả.

- Còn thiếu những người am hiểu sâu rộng về lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật; thiếu những chuyên gia đầu ngành. Cán bộ làm công tác văn hoá hạn chế về ngoại ngữ và tin học.

- Công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu; chưa xây dựng được sản phẩm văn hoá đặc sắc, nổi trội; chưa gắn sản phẩm văn hoá với phát triển du lịch, tạo nên thương hiệu của du lịch Thanh Hoá.

- Trang phục, tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian và mỹ tục của đồng bào dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một, song chưa có biện pháp quyết liệt để bảo tồn.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên, nguyên nhân là:

- Công tác tuyên truyền, giới thiệu để người dân hiểu về những giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng của vùng đất và con người xứ Thanh chưa đủ mạnh; hình thức chưa phong phú, đa dạng; chưa đủ ngấm và thẩm thấu trong mỗi con người xứ Thanh để trở thành niềm kiêu hãnh, niềm tự hào dân tộc; để từ đó có những hành động, việc làm rõ nét, nổi bật trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị đó.

- Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở chưa đầy đủ, chưa toàn diện về vai trò, vị trí, chức năng của văn hoá, còn tập trung nhiều đến phát triển kinh tế; có lúc, có nơi còn xem nhẹ phát triển văn hoá, do vậy chưa thể hiện rõ quyết tâm hành động, biến truyền thống văn hoá, lịch sử cách mạng thành nguồn lực nội sinh xuyên suốt quá trình chỉ đạo điều hành trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.

- Nguồn nhân lực về văn hóa, nhất là cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ từ tỉnh đến cơ sở đông nhưng chưa mạnh. Chất lượng, năng lực cán bộ văn hoá, văn học nghệ thuậttừ tỉnh đến cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách văn hoá xã, phường, thị trấn chưa cao, thiếu chuyên gia trên một số lĩnh vực chuyên môn, một số cán bộ còn yếu về nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn.

- Ngân sách Nhà nước dành cho công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu tôn tạo di tích lịch sử văn hóa; bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa; sự phát triển của cơ chế thị trường, các phương tiện truyền thông, những sản phẩm văn hoá độc hại đã ảnh hưởng đến nhận thức của một bộ phận người dân trong việc phát huy các giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng của dân tộc.

- Cơ chế chính sách của tỉnh chưa đủ mạnh để phát huy các nguồn lực xã hội hoá, nguồn lực của nhân dân một cách có hiệu quả. Chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá; việc kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý những vi phạm trên lĩnh vực văn hoá chưa đủ mạnh, kết quả còn hạn chế.

Thanh Hoá đang phấn đấu nhằm sớm đạt được mục tiêu “đến năm 2030 Thanh Hoá trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, là một trong những trung tâm lớn về văn hoá của khu vực và cả nước...” theo Nghị quyết58 - NQ/TW của Bộ Chính trị. Vì vậy, sự cần thiết phải cần phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng của vùng đất và con người xứ Thanh trở thành động lực cho sự phát triển. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần tập trung làm tốt những việc sau:

- Tiếp tục quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu của các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về văn hoá, văn nghệ của Trung ương, của tỉnh. Chú trọng xây dựng văn hoá trên tất cả các lĩnh vực; đặt phát triển văn hoá ngang hàng với phát triển kinh tế; xác định văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển đất nước, quê hương.

- Phát huy giá trị truyền thống của con người Thanh Hoá, tập trung xây dựng con người Thanh Hoá kiểu mẫu với các phẩm chất tiêu biểu: Giàu lòng yêu quê hương, đất nước, có lý tưởng, trách nhiệm công dân, có tri thức, thể lực, thẩm mỹ; có kỹ năng lao động và đạo đức nghề nghiệp; đoàn kết, trung thực, sáng tạo, có ý chí vươn lên trong cuộc sống; cùng với việc xây dựng môi trường văn hoá, gia đình, làng bản, thôn, xóm, xã phường, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp kiểu mẫu làm nền tảng để xây dựng và phát triển văn hoá, con người Thanh Hoá đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, quê hương.

- Ban hành cơ chế chính sách khuyến khích, kêu gọi, khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu quê hương, đất nước trong đội ngũ trí thức, doanh nhân người Thanh Hoá để tiếp tục có những đóng góp, cống hiến, đầu tư nguồn lực phát triển quê hương; chú trọng phát huy nhân tố con người, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, xem đây là một trong những khâu đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển triển kinh tế - xã hội bền vững.

- Ban hành cơ chế chính sách chuyên biệt về văn hoá, đặc biệt là công tác bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương. Tập trung nguồn lực đầu tư các dự án bảo tồn và phát huy hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đang xuống cấp nghiêm trọng.

- Lựa chọn các loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc, các làng nghề tiêu biểu, quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch với đủ các loại hình du lịch văn hoá, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, công đồng...; nghiên cứu phục hồi, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, xây dựng thành thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc trưng Thanh Hoá. Quy hoạch và xây dựng các công trình văn hoá, thể thao trọng điểm, trở thành biểu tượng văn hoá của tỉnh; khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ tích cực, sáng tạo, sáng tác nhiều tác phẩm, công trình văn hoá - nghệ thuật có giá trị, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, văn hoá dân tộc, làm giàu sắc thái văn hoá xứ Thanh...

- Tăng cường tuyên truyền về giá trị văn hoá, lịch sử, cách mạng của quê hương Thanh Hóa; tuyên truyền về các nhân vật lịch sử, doanh nhân, trí thức có đóng góp to lớn cho quê hương; phải làm cho người dân Thanh Hoá hiểu, tự hào, trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng đã được đúc kết từ ngàn đời nay, biến chúng thành động lực trong học tập, lao động và sản xuất. Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, lòng tự tôn dân tộc, tạo nên sức mạnh nội sinh, chung sức, đồng lòng cùng Đảng bộ và chính quyền và nhân dân đưa Thanh Hoá sớm trở nên thịnh vượng, kiểu mẫu.

-Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động giao lưu đối ngoại và hợp tác quốc tế về văn hóa. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá sâu rộng văn hóa Việt Nam và Thanh Hóa. Đưa những giá trị đặc sắc của văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của tỉnh nhà tham gia các lễ hội, liên hoan khu vực và quốc tế.

Với truyền thống yêu quê hương, đất nước, kiên cường, quả cảm trong đấu tranh dựng nước và giữ nước; với bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử cách mạng của vùng đất địa linh nhân kiệt, chúng ta tin tưởng rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà, tin chắc rằng việc phát huy truyền thống văn hoá, lịch sử cách mạng của vùng đất và con người xứ Thanh đã và đang trở thành động lực cho sự phát triển tỉnh Thanh Hoá trở thành tỉnh văn minh, giàu đẹp và hiện đại trong tương lai gần.

Phạm Nguyên Hồng

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]