(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Không chỉ gìn giữ những giá trị được trao truyền lại, việc bảo lưu và thực thi hương ước tại nhiều làng quê với tinh thần chủ động thích ứng với cuộc sống hiện tại đã góp phần tôn bồi, gìn giữ những giá trị tốt đẹp ở làng quê.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy nét đẹp văn hóa làng từ những hương ước

(VH&ĐS) Không chỉ gìn giữ những giá trị được trao truyền lại, việc bảo lưu và thực thi hương ước tại nhiều làng quê với tinh thần chủ động thích ứng với cuộc sống hiện tại đã góp phần tôn bồi, gìn giữ những giá trị tốt đẹp ở làng quê.

Được đánh giá là một trong những điểm sáng của huyện Quảng Xương trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua xã Quảng Giao đã có nhiều cách làm hay và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cuộc sống của người dân. Và một trong những cách làm đó chính là xây dựng và triển khai thực hiện tốt các nội dung của bản hương ước. Lúc đầu, hương ước được quy định và truyền khẩu trong dân gian. Sau đó được xây dựng thành văn bản để phát cho từng gia đình và phổ biến tại cuộc họp thôn, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Cũng nhờ thực hiện hương ước, những năm qua, người dân ở Quảng Giao đã bỏ phong tục tổ chức đám cưới rườm rà, không được thách cưới cao. Đám ma tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, không tốn kém.

Ông Văn Doãn Chung - Chủ tịch UBND xã Quảng Giao cho biết: Mới chỉ hơn 10 năm về trước, mỗi lần gia đình có tang thì trống kèn qua đêm, đặc biệt là “đãi rượu làng” vẫn còn diễn ra. Tức là trong đám ma phải có chai rượu để bàn tiếp khách, hết chai này đến chai khác. Trong lúc đưa tang cũng phải thêm chai rượu để mọi người vừa đi vừa uống, và cũng đã có nhiều người bị say xỉn, gây mất an ninh trật tự. Tình trạng rải vàng mã vẫn còn phổ biến. Xuất phát từ những bất cập đó, thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, tang, lễ hội, từ xã xuống thôn đã tuyên truyền, vận động nhân dân thấy được những hủ tục lạc hậu. Từ đó có sự điều chỉnh hương ước làng cho phù hợp với cuộc sống hiện đại và được nhân dân đồng thuận cao. Vì vậy đến nay đã khắc phục triệt để những tình trạng trên. Không chỉ thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mà trong lễ hội Thành hoàng làng vào những dịp đầu năm cũng được đưa vào hương ước và được người dân nghiêm túc thực hiện.

Cùng chung quan điểm, ông Lê Văn Phượng - Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa cho biết: Cùng với việc điều chỉnh thì nhiều hương ước xưa vẫn được người dân nơi đây gìn giữ và phát huy trong cuộc sống hiện đại. Đó là từ sau 21h30 phút nếu người dân vào làng thì phải báo với đội an ninh trật tự; duy trì cứ đến 19h hàng ngày có tiếng trống, tiếng kẻng để nhắc nhở các học sinh học bài. Và ở thôn Ích Hạ, còn đưa quy định vào hương ước làng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua bộ môn nghệ thuật truyền thống Tuồng.

Việc thực hiện hương ước làng văn hóa góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống. (Ảnh : Lê Đức)

Ông Nguyễn Đình Sỹ - công chức văn hóa xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa tự hào cho biết: Hoằng Phượng được biết đến là cái nôi của chèo cổ và xã chỉ có hai làng là Phượng Mao và Vĩnh Gia, cả hai làng có hương ước riêng. Không chỉ đưa vào hương ước làng việc thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, mà chuyển biến rõ nét nhất được người dân gìn giữ và phát huy trong hương ước làng, đó là các hương ước đã thể hiện rõ sự trao truyền chèo cổ từ thế hệ nọ đến thế hệ kia. Tự hào khi nhiều sự kiện của địa phương, của tỉnh cũng đều có những tiết mục được dàn dựng công phu, mang tính nghệ thuật cao.

Các hương ước làng không chỉ phát huy rộng rãi trong cộng đồng dân cư ở xã Quảng Giao, Hoằng Quỳ, Hoằng Phượng mà ở rất nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh đã được người dân bàn bạc dân chủ và thực hiện nghiêm túc. Hằng năm ở các thôn, làng, bản đều lấy ý kiến góp ý kiến của nhân dân để sửa đổi, bổ sung hương ước cho phù hợp từng giai đoạn, thời điểm khác nhau. Qua triển khai thực hiện, người dân đã tự giác xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Qua đó tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư ngày càng được thắt chặt. Môi trường cảnh quan ở khu dân cư được cải thiện. Công tác khuyến học, khuyến tài được nhân dân quan tâm thực hiện. Nhiều mô hình, tổ hòa giải, an ninh tự quản được thành lập, hoạt động hiệu quả… góp phần giữ vững an ninh chính trị xã hội trên địa bàn.

Ngày nay khi cuộc sống có nhiều thay đổi thì cũng đòi hỏi các bản hương ước cũng phải thay đổi để phát huy được những giá trị tốt đẹp vốn có của mình. Nhiều làng xã đã bắt tay vào xây dựng quy ước văn hóa cho phù hợp, tuy nhiênthực tế cho thấy nhiều nơi do chưa có sự ràng buộc nên quy ước văn hóa làng vẫn chưa phát huy được ý nghĩa đúng như nội dung đã đề ra. Thậm chí có những nơi hương ước làm xong rồi để đó, nhiều nội dung quy ước không phù hợp với điều kiện của địa phương, thậm chí đã lạc hậu vẫn chưa được xóa bỏ...

Để hương ước có sức sống, phát huy hiệu quả lâu dài hơn nữa, thiết nghĩ ngay từ khâu soạn thảo phải chú ý đến đặc điểm riêng biệt của khu dân cư để xây dựng cho phù hợp. Hàng năm cần rà soát lại các hương ước, quy ước hiện hành để sửa chữa, bổ sung nếu cần thiết.

Cùng với hệ thống pháp luật, hương ước đang trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên hương ước phải gần gũi với đời sống, dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh việc hành chính hóa khi xây dựng. Có như vậy thì “lệ làng” mới có thể hỗ trợ được phép nước.

Trung Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]