(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với Quảng Xương, Hoằng Hóa, Thọ Xuân là huyện lớn cả về diện tích và dân số trong tỉnh Thanh Hóa. Là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống văn hiến với những con người siêng năng lao động, chăm chỉ học hành, giàu lòng yêu nước. Nếu tỉnh Thanh Hóa tự hào vì có tam Vương thì Thọ Xuân đã có 2 triều đại sáng ngời: Tiền Lê do Lê Đại Hành sáng lập, tồn tại 29 năm với 3 đời vua và Hậu Lê do Lê Lợi sáng lập kéo dài 354 năm với 29 đời vua của cả 2 thời kỳ Lê Trung Hưng và Hậu Lê.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quê hương Lê Lợi xưa và nay

Cùng với Quảng Xương, Hoằng Hóa, Thọ Xuân là huyện lớn cả về diện tích và dân số trong tỉnh Thanh Hóa. Là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống văn hiến với những con người siêng năng lao động, chăm chỉ học hành, giàu lòng yêu nước. Nếu tỉnh Thanh Hóa tự hào vì có tam Vương thì Thọ Xuân đã có 2 triều đại sáng ngời: Tiền Lê do Lê Đại Hành sáng lập, tồn tại 29 năm với 3 đời vua và Hậu Lê do Lê Lợi sáng lập kéo dài 354 năm với 29 đời vua của cả 2 thời kỳ Lê Trung Hưng và Hậu Lê.

Những điểm nhấn từ ngàn xưa

Quá trình lịch sử, huyện Thọ Xuân đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau. Thời dựng nước Thọ Xuân thuộc vùng đất bộ Cửu Chân trong đất nước của các vua Hùng. Thời thuộc Hán từ 111 năm trước công nguyên đến năm 210 sau công nguyên thuộc huyện Tư Phố, sau đó thuộc huyện Di Phong rồi huyện Tùng Lâm. Đến thời Trần có tên là huyện Cổ Lôi, thời Lê là đạo Hải Tây (một trong 5 đạo của cả nước). Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) gọi là huyện Lôi Dương, trực thuộc phủ Thiệu Thiên. Từ năm 1821 vua Minh Mệnh nhà Nguyễn đặt tên là phủ Thọ Xuân. Sau Cách mạng Tháng 8/1945 phủ Thọ Xuân đổi thành huyện Thọ Xuân.

Huyện Thọ Xuân có vị trí ở gần giữa trung tâm tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 36km đi về phía tây. Là một huyện có 2 vùng trung du và đồng bằng. Tuy không có núi cao nhưng có những ngọn núi đã đi vào lịch sử như núi Trẩu, núi Mục, núi Dầu,... đã gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do người anh hùng dân tộc Lê Lợi chỉ huy đánh tan giặc Minh xâm lược vào giữa thế kỷ XV.

Về đời sống văn hóa, Thọ Xuân có nền văn hóa bản địa phong phú, lâu đời như trò Xuân Phả, điệu hát Rí ren, ca trù và một kho tàng lớn về những chuyện dân gian quý giá gắn với Lê Lợi, khởi nghĩa Lam Sơn, khu di tích Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn. Bên cạnh đó còn có những tác phẩm văn học quý giá do chính những con người Thọ Xuân sáng tác như “Lam Sơn thực lục” của Lê Lợi, các tác phẩm của nhà vua, nhà thơ, nhà văn Lê Thánh Tông với nhiều tập viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Có nhiều công trình kiến trúc phản ảnh đậm nét văn hóa, lịch sử truyền thống trên đất Thọ Xuân. Đó là khu di tích Lam Kinh, bia Vĩnh Lăng, đền thờ Lê Hoàn, kinh thành Vạn Lại, lăng Trần Lựu, Lê Sao, phủ An Trường, các đền thờ Lê Văn Linh, Nguyễn Nhữ Lãm, Lê Văn An. Ngoài các bậc đế vương (Lê Hoàn, Lê Lợi) Thọ Xuân còn là vùng đất sinh thành ra nhiều danh nhân, văn quan, võ tướng tài ba, là miền đất học, có truyền thống học hành, thi cử. Trong thời phong kiến toàn huyện có 13 người thi đỗ đại khoa. Có những người tuy không đỗ đạt nhưng có chí lớn, tài cao ví như Lê Lợi vị anh hùng dân tộc đã nêu cao việc thực học, chuộng học để có đức độ, tài năng phục hưng dân tộc. Hay như Lê Văn Linh là nhà nho nổi tiếng, hiểu biết rộng, ông từng viết bài văn đuổi hổ nổi tiếng (thời bấy giờ ở Thọ Xuân còn có nhiều hổ báo). Ông cùng với Nguyễn Trãi đã được vua Lê Thái Tổ tín nhiệm giao trách nhiệm xây dựng việc học. Học trò thường gọi Lê Văn Linh là thầy Mai Trãi, Nguyễn Trãi là thầy Ức Trai.

Lê Lợi sinh ngày 6 tháng 8 năm Đinh Sửu (1385), quê cha ở hương Lam Sơn, nay là xã Xuân Lam, Thọ Xuân, quê mẹ ở làng Chủ Sơn huyện Lôi Dương, nay là xã Xuân Thắng, Thọ Xuân. Năm 1416 ông lập hội thề Lũng Nhai, chiêu tập tướng sỹ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc Minh giành thắng lợi. Theo Việt Nam Quốc sử khảo của Phan Bội Châu (Nhà Xuất bản Hà Nội) thì: “sau Ngô Quyền - Tổ Trung hưng thứ nhất, Lê Lợi xứng đáng với danh hiệu Tổ Trung hưng thứ 2 trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc”.

Thọ Xuân đã từng là nơi có hoạt động quân sự thời Lê - Mạc thế kỷ XVI, cũng là vùng đất trung tâm chính trị, quân sự thời Lê - Trịnh - Nguyễn thế kỷ XVII. Cuối thế kỷ XVIII, thực dân Pháp xâm lược nước ta, tuy không phải là vùng đất xây dựng căn cứ chính của nghĩa quân Cần Vương như ở Ba Đình - Nga Sơn, Mã Cao - Yên Định, Hùng Lĩnh - Vĩnh Lộc, nhưng mọi cuộc chiến đấu chống ngoại xâm diễn ra trên đất Thọ Xuân hoặc các vùng cận kề vẫn được nhân dân Thọ Xuân tích cực tham gia, ủng hộ như trận đánh thực dân Pháp ở Bái Thượng đêm mùng 8 tháng 11 năm 1885 của 1.000 nghĩa quân do thủ lĩnh Hà Văn Mao chỉ huy. Năm 1886, thực hiện quyết định của hội nghị các sỹ phu yêu nước tỉnh Thanh Hóa, một bộ phận nghĩa quân ở Thuần Hậu, Thọ Xuân đã đi tham gia chiến đấu ở căn cứ Ba Đình Nga Sơn. Quân và dân Thọ Xuân ở các căn cứ Thung Voi (Xuân Tín) và Thung Khoai (Quảng Phú) đã dũng cảm chiến đấu tiêu diệt sinh lực quân Pháp tại các đồn Vạn Lại và Yên Lược năm 1898.

Sau khi phong trào Cần Vương bị thực dân Pháp đàn áp và thất bại cùng với cả tỉnh nhân dân Thọ Xuân lại tiếp tục hưởng ứng, tham gia các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc như Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục theo tư tưởng của các nhà chí sỹ Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học lãnh đạo, nhưng rồi tất cả đều bị dìm vào biển máu.

Ánh sáng soi đường của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Mãi cho đến năm 1920 khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm đến được với chủ nghĩa Mác- Lênin, đến với Cách mạng tháng 10 Nga thì mới mở ra trang sử mới. Đó là con đường giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Ngày 3/2/1930 dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Chi bộ đảng đầu tiên của huyện Thọ Xuân được thành lập ngày 12/7/1930 tại làng Yên Trường xã Thọ Lập gồm 7 đảng viên do đồng chí Lê Văn Sỹ làm Bí thư. Tuy chi bộ Đảng của Thọ Xuân ra đời muộn hơn so với hai chi bộ Đông Sơn và Thiệu Hóa nhưng về số lượng đảng viên đông hơn, cơ sở quần chúng phát triển rộng và vững chắc hơn, địa phận khu vực làng Yên Trường hẻo lánh cách xa trung tâm phủ lỵ và cũng là nơi mở ra hội nghị để thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vào ngày 29/7/1930. Đồng chí Lê Văn Sỹ, Bí thư Chi bộ Thọ Xuân được bầu vào Tỉnh ủy. Nhà đồng chí Lê Văn Sỹ là cơ sở cơ quan ấn loát của Tỉnh ủy. Từ một chi bộ với 7 đảng viên lúc ban đầu đã dần phát triển thêm nhiều đảng viên, nhiều chi bộ khác trong toàn huyện, đi theo đó là việc hình thành ra các tổ chức quần chúng, các hội đoàn chính trị như Nông hội đỏ, hội nông dân nghèo, hội Thanh niên, Phụ nữ dân chủ, hội Kỳ anh (người cao tuổi), hội Tương tế ái hữu, nhóm tích cực... và đã dấy lên các phong trào đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống bắt phu bắt lính, chống bọn hương lý chức dịch lấn chiếm ruộng đất, yêu sách chia lại công điền công thổ, vay thóc của nhà giầu để cứu đói, xóa bỏ các hủ tục ma chay, cưới hỏi, lễ lạp...

Cách mạng Tháng 8 thành công chưa được bao lâu, công cuộc xây dựng kiến thiết hòa bình đang được bắt đầu thì bọn đế quốc Pháp do Anh, Mỹ hậu thuẫn quay lại gây chiến hòng để lật chính quyền cách mạng non trẻ và áp đặt ách thống trị lên đất nước ta một lần nữa. Không có gì quý hơn độc lập, tự do, không thể sống trong kiếp đời nô lệ, cùng với cả tỉnh, cả nước, Đảng bộ và nhân dân Thọ Xuân đã đồng lòng, kiên quyết đi vào cuộc chiến đấu mới chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ quê hương, góp phần xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu và bảo đảm vai trò hậu phương chiến lược cho công cuộc kháng chiến theo lời dạy của Bác Hồ khi Người về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên (tháng 2/1947). Đã có một thời cả tỉnh, cả nước rạo rực hướng tìm về với Đông Phương Hồng, với Xuân Thành, Hạnh Phúc để ngợi ca, học tập về kinh nghiệm xây dựng hợp tác xã và phát triển sản xuất nông nghiệp.

Đến năm 1969 chính Thọ Xuân là huyện đầu tiên trong tỉnh đạt được năng suất lúa bình quân 5T/ha, đến năm 1971 lên 5,7T/ha, nhiều hợp tác xã đạt 7,8T/ha, trở thành đơn vị điển hình tiên tiến trên toàn miền Bắc và được Trung ương chọn làm nơi chỉ đạo điểm. Huyện Thọ Xuân và nhiều tập thể, cá nhân được Chính phủ tặng Huân chương Lao động các loại. 2 cán bộ Trịnh Xuân Bái và Lê Trọng Đồng của hợp tác xã Xuân Thành được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Cùng với đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế, Đảng bộ và nhân dân Thọ Xuân đã làm nhiệm vụ đóng góp đối với Nhà nước hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, huy động 15.000 thanh niên vào bộ đội, 10.000 tham gia thanh niên xung phong đi chiến đấu ở khắp các chiến trường và đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Có 5 người đã được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có hơn 4.000 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh và gần 4.000 người đã để lại một phần xương máu nơi chiến trận. Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Thọ Xuân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất. Đảng bộ và nhân dân Thọ Xuân được bộ Tư lệnh Quân khu 3 tặng Cờ Thi đua Quyết thắng trong chống Mỹ cứu nước 1965- 1975. Toàn huyện có 30.076 Huân, Huy chương được tặng thưởng. Đặc biệt là sự kiện Sân bay Sao Vàng, Sân bay Quân sự cấp 1, căn cứ của Trung đoàn tiêm kích BOM 923 đoàn Yên Thế được xây dựng từ năm 1965 để phục vụ không quân chiến đấu. Sau đó là sân bay quân sự - dân sự hỗn hợp, đến năm 2013 được khai trương Cảng Hàng không Thọ Xuân, ghi thêm một kỳ tích cho tỉnh Thanh Hóa nói chung, Thọ Xuân nói riêng được chắp cánh vươn xa đến tận các tỉnh cực Nam Trung bộ, đến thành phố Hồ Chí Minh, sang nước bạn Campuchia và đang chuẩn bị sang Hàn Quốc.

Bứt phá đi lên trong công cuộc đổi mới

Đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Thọ Xuân lại cùng với cả tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, dồn sức vào việc xây dựng mô hình huyện điểm theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh để đưa huyện trở thành đơn vị pháo đài kinh tế - quốc phòng tiến bộ vững chắc.

Để vượt qua lực cản của cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp theo chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên, Thọ Xuân đã tích cực tiến hành sự nghiệp đổi mới, giữ vững tính kiên định đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xác định cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xác lập cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, thực hiện việc giao đất, giao rừng cho nông dân kinh doanh, sản xuất lâu dài. Từ đó kinh tế hộ, kinh tế gia đình trở thành đơn vị kinh tế độc lập, tiềm năng lao động được phát huy, lực lượng lao động sản xuất nông nghiệp trỗi dậy, phát triển nhanh mạnh.

Đồng thời với nông, công nghiệp, thủ công nghiệp hệ thống thương mại dịch vụ cũng phát triển nhanh mạnh. Bên cạnh những cơ sở ngành nghề truyền thống như bánh gai Tứ Trụ, kẹo lạc Đức Giang, đan lát mây tre, làm nón, nghề mộc ở các xã Xuân Yên, Nam Giang, Thọ Lộc, Xuân Bái... vẫn duy trì, phát triển có thương hiệu tín nhiệm, đã có những nghề mới du nhập từ nơi khác về như thêu tranh nghệ thuật, tăm đũa, mây giang xiên ở Xuân Giang, Thọ Lâm, Xuân Sơn, Xuân Quang, cùng với các cơ sở dịch vụ nông lâm nghiệp, vận tải, bưu chính viễn thông, internet, ăn uống, may mặc, sửa chữa ô tô, xe máy... cũng phát triển ở nhiều thị trấn, thị tứ và các làng xã.

Con đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi đến Khu kinh tế Nghi Sơn mới được xây dựng cùng với hàng trăm cây số đường giao thông dọc ngang trong huyện được trải nhựa, trải bê tông mang lại nhiều tiện ích về giao thông, thương mại mở ra cơ hội lớn cho huyện phát triển.

Trên cơ sở kinh tế phát triển, văn hóa, giáo dục cũng phát triển tiến bộ. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sâu rộng, hàng ngàn làng, xã, cơ quan được công nhận đơn vị văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện. Các trung tâm văn hóa của huyện, và các xã, thôn hoạt động đều, sôi nổi. Các lễ hội truyền thống lớn nhỏ đặc biệt như lễ hội Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn, làng trò Xuân Phả hàng năm được tổ chức đều đặn thu hút đông đảo nhân dân bản địa và du khách thập phương đến dự.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được tiến hành tích cực với bước đi vững chắc. Đến cuối năm 2017 toàn huyện đã đạt 648 tiêu chí, bình quân mỗi xã là 17,51 tiêu chí, có 28 xã đã được công nhận đủ 19 tiêu chí theo quy định. Hiện đang phấn đấu để đến đầu năm 2019 tất cả các xã còn lại đều cán đích.

“Phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông để lại, tiếp thu thực hiện tinh thần, nội dung các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đặc biệt là trải qua các đợt học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Thọ Xuân, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận từ huyện đến cơ sở luôn đoàn kết, thống nhất, giữ vững kỷ cương, tăng cường đoàn kết, quyết tâm cao trong thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ. Thường xuyên phát động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Biết vận dụng, cụ thể hóa các chủ trương của cấp trên phù hợp với tình hình địa phương để chỉ đạo tập trung, quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực trọng yếu. Luôn chủ động, tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát huy cao độ nội lực kết hợp với tranh thủ tốt các nguồn lực bên ngoài và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội”. Đó là những lời tâm sự của các đồng chí lãnh đạo Đảng và chính quyền huyện Thọ Xuân trong khi trò chuyện với chúng tôi. Và có thể coi đó là nguyên nhân, là bí quyết thành công của Đảng bộ Thọ Xuân trong quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển.

Văn Như Tước - Lê Nguyên Xương


Văn Như Tước - Lê Nguyên Xương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]