(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong sự đổi thay của đất trời vào tiết đầu xuân, người dân khắp vùng miền xứ Thanh mở hội cầu cho một năm mới may mắn, no đủ, mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng. Để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, người nông dân xuống đồng ước vọng bội thu...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Rộn ràng lễ hội mùa xuân

Trong sự đổi thay của đất trời vào tiết đầu xuân, người dân khắp vùng miền xứ Thanh mở hội cầu cho một năm mới may mắn, no đủ, mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng. Để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, người nông dân xuống đồng ước vọng bội thu...

Nô nức lễ hội kỳ phúc

Mỗi năm đến hẹn, vào dịp 3/3 (âm lịch) người dân làng cổ Đông Sơn (TP Thanh Hóa) lại nô nức trẩy hội mùa xuân. Lễ hội diễn ra trang nghiêm, thành kính tại di tích lịch sử đền thờ Đức thánh cả Lê Uy - Trần Khát Chân, vị tướng tài giỏi ở triều Trần - Hồ. Phần hội diễn ra sôi nổi với các trò chơi, trò diễn dân gian, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Làng cổ Đông Sơn được biết đến với quần thể kiến trúc thuần nông (cây đa - giếng nước - sân đình) còn lại khá nguyên vẹn của xứ Thanh. Nằm ven bên bờ sông Mã, người dân nơi đây vốn quen với ruộng đồng. Lễ hội mùa xuân làng cổ Đông Sơn cũng diễn ra với tất cả sự háo hức, chờ đợi của người dân trong vùng. Ngoài việc cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân trong làng còn tin tưởng cuộc sống của mình có sự phù trợ của đức tiền nhân.

Còn với người dân làng Phú Khê xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa) thì lễ hội Kỳ phúc đầu năm lại diễn ra vào ngày 16/2 (âm lịch) hàng năm. Lễ hội được người dân tổ chức tại di tích lịch sử quốc gia đình Thượng Phú, nơi thờ nhị vịthành hoàng của làng.

Tương truyền, có hai người anh em song sinh họ Chu vô cùng khôi ngô tuấn tú đã gặp nạn tại đây. Thương tiếc hai anh em, người dân đã đắp mộ chôn cất cẩn thận. Cũng kể từ ngày đó đã có những sự may mắn lạ kỳ đến với nhân dân trong làng. Đặc biệt, dưới thời Lý khi nhà vua hành quân đánh giặc qua đây, trong giấc chiêm bao đã được hai chàng trai trẻ mộng báo sẽ giúp đỡ. Quả nhiên, trong trận chiến ngày hôm sau, giặc Ai Lao đã bị đánh đuổi khỏi bờ cõi nước ta. Không quên công lao hai vị thần hiển ứng giúp đỡ, sau khi thắng trận trở về, nhà vua đã ban thưởng hậu hĩnh cho làng, cùng với đó là tiền bạc để người dân lập đền thờ hương khói, thờ phụng. Kể từ đó, người dân trong làng cùng suy tôn hai anh em họ Chu thành nhị vị thành hoàng làng, thờ phụng đến ngày nay.

Hàng năm đến ngày 16/2 âm lịch được cho là ngày sinh của nhị vị thành hoàng làng, nhân dân trong vùng lại cùng nhau mở hội Kỳ phúc, cầu may. Lễ hội diễn ra không chỉ là dịp để người dân tưởng nhớ về nhị vị thành hoàng của làng, mà qua đó còn thể hiện những ước vọng mọi điều may mắn, cuộc sống no đủ sẽ đến với họ.

Rước kiệu tại lễ hội Kỳ phúc đền Độc Cước.

Độc đáo lễ hội vùng biển

Về Sầm Sơn vào ngày 16 tháng Giêng hàng năm, du khách sẽ được hòa mình trong không khí lễ hội lớn bậc nhất trong năm của người dân TP du lịch biển, lễ hội Kỳ phúc đền Độc Cước. Tương truyền thần Độc Cước là vị thần nhà trời xuống vùng biển Sầm Sơn xưa để giúp dân làm ăn, sinh sống. Và khi có quái thú quấy phá, chính thần đã xẻ đôi thân mình để giúp dân thoát nạn. Khi cuộc sống bình yên trở lại, vị thần Độc Cước cũng hóa thân về trời. Tuy nhiên, nhân dân Sầm Sơn tự bao đời vẫn hằng tin rằng thần Độc Cước vẫn dõi theo để giúp đỡ người dân biển có cuộc sống no đủ, trù phú. Vì vậy, người dân đã lập đền thờ thần ngay trên núi Trường Lệ, hướng nhìn ra biển cả. Ngày nay, đền Độc Cước trở thành điểm đến tâm linh nổi tiếng và vô cùng hấp dẫn du khách mỗi khi đến đây.

Tham dự lễ hội Kỳ phúc, du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến những nghi thức tế lễ truyền thống của cư dân biển, mà còn được hòa mình trong các trò chơi dân gian (gói bánh chưng, giã bánh giầy, đẩy gậy, đấu vật...) vô cùng sôi động và hấp dẫn.

Nhắc đến nét đẹp của các lễ hội mùa xuân, sẽ là chưa đủ nếu bỏ quên lễ hội Cầu ngư xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), là lễ hội biển đặc trưng có quy mô lớn bậc nhất ở xứ Thanh. Đây cũng chính là một trong 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của xứ Thanh.

Lễ hội Cầu ngư xã Ngư Lộc được tổ chức hàng năm từ ngày 21- 24/2 âm lịch. Tùy vào năm chẵn, lẻ mà lễ hội diễn ra với quy mô khác nhau.

Theo người dân địa phương thì lễ hội Cầu ngư vốn xuất phát là lễ hội cầu mát. Mỗi năm vào dịp tháng hai, người dân cùng nhau tổ chức lễ hội để cầu cho một mùa ra khơi gặp nhiều may mắn, tránh được thiên tai...Các vị thần được thờ trong lễ hội cầu ngư có Tứ vị Thánh nương; Đông hải Đại vương; Nẹ Sơn tôn thần... đó là những vị thần mà người dân tin rằng sẽ mang đến sự may mắn, bình an cho ngư dân trong mỗi chuyến vươn khơi.

Để thể hiện tấm lòng với đấng tối linh trong lễ hội cầu ngư, người dân Diêm Phố sẽ cùng nhau làm con thuyền tế Long Châu vô cùng rực rỡ.

Với việc duy trì và tổ chức lễ hội cầu ngư hàng năm, người dân biển Ngư Lộc nói riêng và cư dân biển xứ Thanh luôn tin rằng cuộc sống mưu sinh, vươn khơi bám biển của ngư dân thực sự có sự giao hòa, bảo trợ của đấng tối linh, siêu nhiên. Và niềm tin đó đã trở thành một trong những tín ngưỡng tâm linh ăn sâu vào tiềm thức của cư dân vùng biển nơi đây.

Có thể, ở mỗi lễ hội đầu xuân trên khắp mọi miền xứ Thanh chúng ta sẽ thấy bóng dáng những vị thần, cùng niềm tin bất diệt khác nhau của người dân. Nhưng nghĩ đến cùng, tất cả đều xuất phát từ truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn của người Việt. Để từ đó dần trở thành niềm tin, tín ngưỡng tâm linh, điểm tựa tinh thần để mỗi người sống tốt, hi vọng và hướng thiện nhiều hơn.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]