(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Đã trở thành nét đẹp truyền thống, cứ đến ngày 5 - 10/3 (tức ngày 8 - 13/2 Âm lịch) người dân địa phương và con em xa quê ở xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa lại tụ họp, vui mùa lễ hội kỳ phúc tại hai Khu Di tích Lịch sử văn hóa làng Vĩnh Gia và Hoằng Phượng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Rộn ràng lễ hội truyền thống ở Hoằng Phượng

(VH&ĐS) Đã trở thành nét đẹp truyền thống, cứ đến ngày 5 - 10/3 (tức ngày 8 - 13/2 Âm lịch) người dân địa phương và con em xa quê ở xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa lại tụ họp, vui mùa lễ hội kỳ phúc tại hai Khu Di tích Lịch sử văn hóa làng Vĩnh Gia và Hoằng Phượng.

Được chứng kiến lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương, mới thấy được sự chuẩn bị chu đáo, tích cực của cán bộ và nhân dân Hoằng Phượng nhiều tháng qua.

Điều đó được thấy rõ ngay từ sáng sớm ngày 5/3 (tức ngày 8/2 Âm lịch), dọc hai bên đường làng, ngõ xóm, nhiều người dân đã quần áo chỉnh tề, sắm sửa xong lễ vật để rước cỗ lên nghè ở làng Vĩnh Gia - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nơi thờ tam vị đại vương, gồm: Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân và tiến hiền nhiên tôn thành hoàng làng. Tại lễ hội làng đã diễn ra lễ rước cỗ của các thôn, dòng họ, gia đình trong làng, bắt buộc lễ vật rước cỗ, gồm chay (hoa quả, bánh kẹo) và cỗ mặn (thịt xôi, thủ lợn). Sau đó diễn ra tế cung đình, gồm lễ tế nam và nữ quan, để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân ấm no hạnh phúc.

Sau những ngày tham gia lễ hội tại làng Vĩnh Gia, người dân xã Hoằng Phượng lại tiếp tục được hòa mình trong không khí lễ hội tại làng Phượng Mao, được tổ chức tại đình làng, nơi thờ phụng hai vị thành hoàng làng là Linh thông tôn thần (Lê Công Trinh) và Linh Quang tôn thần (Lê Công Phụ). Mặc cho trời mưa, lễ hội kỳ phúc tại làng Phượng Mao cũng đã thu hút được đông đảo người dân tham gia, đặc biệt rất nhiều người con xa quê về đây dự hội. Bằng tấm lòng thơm thảo hướng về cội nguồn, có những người đóng góp câu đối, chút tiền lòng thành, thậm chí có những người bận không có điều kiện về trong dịp này cũng nhớ gửi chút quà nhỏ của mình, đóng góp cho làng, cho xóm để hội làng thêm phần vui hơn.

Nghi lễ tế trong hội làng Phượng Mao.

Trưởng làng Phượng Mao - ông Hàn Hải Vịnh cho biết: Người dân ở đây tuy còn nghèo, nhưng sống tình nghĩa lắm. Năm nào cũng vậy, những ngày này, người ít, người nhiều đều có sự đóng góp nhiệt tình cho hội làng. Chính vì thế, ở làng đã mua sắm đầy đủ trang phục cho đội tế nam và nữ quan, cũng như các dụng cụ phục vụ cho lễ hội. Năm nay lễ hội tiếp tục được tổ chức vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, người dân nơi đây tự hào khi đã, đang giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc.

Về Hoằng Phượng trong những ngày hội làng, du khách còn được hưởng ứng, tham gia các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống, như: Đu dây, đánh cờ người, kéo co, vật, đi cầu phao trên cạn…

Một trong những nét văn hóa tạo nên sức hút đặc biệt cho du khách khi đặt chân đến Hoằng Phượng trong những ngày hội làng là vào tất cả các buổi tối mọi người đều tập trung ở đình làng, được đắm mình trong những làn điệu chèo mượt mà trữ tình. Có về Hoằng Phượng trước và trong những ngày diễn ra lễ hội mới thấy được tình làng nghĩa xóm được gắn kết qua những làn điệu chèo sâu sắc. Người đi trước dạy cho người đi sau từng động tác, câu luyến, câu ngân, câu ngắt theo nhịp trống, tiếng đàn. Không chỉ những người dân trong làng, trong xóm mà còn có sự giao lưu giữa câu lạc bộ (CLB) chèo trong xã với CLB nghệ thuật chèo thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, CLB chèo Đông Lĩnh, thành phố Thanh Hóa

Bên cạnh việc cầu mong mơ ước những điều tốt đẹp, hội làng Hoằng Phượng luôn nhắc nhở, răn dạy con cháu biết ơn và tôn kính các vị thánh hiền, các bậc tiền nhân đã có công với nước với dân.

Thu Thủy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]