(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Là vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, qua quá trình lao động, chiến đấu gian khổ với thiên nhiên để sinh tồn, phát triển, Sầm Sơn đã tạo ra nhiều huyền thoại, huyền tích hóa thân vào cuộc sống, với nhiều di tích, danh thắng, lễ hội văn hóa độc đáo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sầm Sơn xưa và nay (Kỳ IV): Vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc

(VH&ĐS) Là vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, qua quá trình lao động, chiến đấu gian khổ với thiên nhiên để sinh tồn, phát triển, Sầm Sơn đã tạo ra nhiều huyền thoại, huyền tích hóa thân vào cuộc sống, với nhiều di tích, danh thắng, lễ hội văn hóa độc đáo.

Đa dạng di tích danh thắng

Ở Sầm Sơn, mỗi hòn núi, rặng cây đều gắn liền với những sự tích, huyền thoại do người dân sáng tạo nên để rồi từ đó góp phần tạo nên mật độ di tích dày đặc, nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh như đền thờ thần Độc Cước, đền thờ Tô Hiến Thành, đền Cô Tiên, đền Bà Triều, đền Cá Lập, hòn Trống Mái... đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân.

Từ TP Thanh Hóa đi dọc theo quốc lộ 47 về phía Đông, trước mắt chúng ta là núi Trường Lệ giống hình dáng một người phụ nữ, với những nét cong mềm mại, nằm ngửa mặt lên vòm trời xanh cao lồng lộng. Mỗi hòn núi với một huyền thoại và hình dáng bên ngoài tự gợi mở cho trí tưởng tượng của người du ngoạn những hình ảnh khác nhau.

Nằm trên hòn Cổ Giải, thuộc dãy núi Trường Lệ (phường Trường Sơn) linh thiêng và nổi tiếng là ngôi đền thờ vị Thần Một Chân (Độc Cước). Ngôi đền gắn với sự tích chàng khổng lồ đã tự xẻ đôi thân mình để vừa đánh giặc quỉ ngoài biển và đánh giặc trong đất làng, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đền được lập từ đời Trần (1225 - 1400), dựng lại vào thời Lê và đã trải qua trùng tu nhiều lần. Nơi đây còn là nơi diễn ra lễ hội truyền thống bánh Chưng - bánh Dày hàng năm vào ngày 12 tháng 5 âm lịch.

Phía Nam dãy núi Trường Lệ còn có đền Cô Tiên nằm trên đỉnh hòn Đầu Voi, với vị trí khá đẹp, thoáng đãng. Theo truyền thuyết, ngôi đền thờ một người con gái làm nghề thuốc cứu nhân độ thế. Đền Cô Tiên được xây dựng vào thời Lý. Trải qua mưa nắng, gió bão và sự tàn phá của chiến tranh, ngôi đền đã bị hư hỏng nặng và nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Mới đây nhất là năm 2010, thị xã Sầm Sơn đã trùng tu, tôn tạo lại toàn bộ ngôi đền nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kính. Ngoài đền chính, trong quần thể đền Cô Tiên còn có đền trình, Miếu lộ thiên Nam Hải Đại Vương, Miếu Cô Chín, Tam tòa Thánh Mẫu... Ngôi đền vinh dự được Bác Hồ về thăm và nghỉ chân năm 1960.

Đền Độc Cước.

Trên đỉnh dãy núi Trường Lệ còn có danh thắng nổi tiếng là hòn Trống Mái tựa hình dáng một đôi chim khổng lồ đang chụm đầu, nghiêng mỏ. Tạo hóa đã ban tặng cho Sầm Sơn một bức tranh tuyệt đẹp, một câu chuyện bi tình sử với mối tình thủy chung, sống chết bên nhau của cặp vợ chồng trẻ sau đại nạn Hồng thủy. Trong đề án “Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Sầm Sơn giai đoạn 2016 - 2020”, thị xã Sầm Sơn cũng xây dựng sản phẩm mới là Công viên tình yêu và tổ chức lễ hội tình yêu tại khu vực hòn Trống Mái, nhằm tạo thêm sản phẩm du lịch có giá trị cao cho Sầm Sơn.

Bên cạnh đó, Sầm Sơn còn nhiều di tích như đền Hoàng Minh Tự (hay còn gọi là đền Hạ); chùa làng Lương Trung; đền làng Hới; đền Thanh Khê; đền thờ phủ Đô Hầu; đền thờ Ngư Ông, và nhiều di tích khác như nơi Bác Hồ về thăm và tham gia kéo lưới cùng ngư dân Sầm Sơn; nơi Anh hùng Nguyễn Thị Lợi đánh chìm tàu chiến Pháp; nơi đón tiếp các tử tù Cách mạng Miền Nam ra Bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954...

Tất cả đã làm nên một Sầm Sơn huyền thoại, linh thiêng.

Đặc sắc lễ hội văn hóa truyền thống

Trên địa bàn Sầm Sơn, các lễ hội truyền thống tập trung nhiều nhất vào dịp xuân, hè - mùa của lễ hội và du lịch biển như lễ hội Cầu phúc đền Độc Cước, lễ hội đền Đề Lĩnh, lễ hội Bà Triều, lễ hội Cỗ oản chùa Khải Minh, lễ hội Bánh Chưng - Bánh Dày, lễ hội Cầu Ngư - Bơi Chải, lễ hội khai trương hè... Mỗi lễ hội đều mang những nét đặc sắc, có ý nghĩa riêng của từng mùa, từng giai đoạn trong năm.

Mở đầu cho mùa lễ hội và cũng là mở đầu cho mùa du lịch Sầm Sơn là lễ hội truyền thống Cầu phúc đền Độc Cước, với phong tục cầu Thánh - Thần - Trời - Đất phù hộ cho quốc thịnh dân an, cầu cho nhân dân gặp nhiều thuận lợi trong lao động sản xuất, may mắn, bình yên trong cuộc sống.

Nếu như lễ hội Cầu Phúc mở đầu cho bức tranh sinh hoạt đời sống của người dân Sầm Sơn thì đến lễ hội Cầu Ngư - Bơi chải lại mang một sắc thái khác. Đây là lễ hội văn hóa thể thao truyền thống của dân vùng biển Sầm Sơn, được tổ chức vào ngày 15 tháng 5 âm lịch. Lễ hội thường được tổ chức ở Cửa Hới, nơi dòng sông Mã từ non cao đổ về gặp biển. Người dân Sầm Sơn tổ chức đua thuyền cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, thuyền bè đầy ắp tôm, cá.

Ngoài ra, vào tháng 5 âm lịch, Sầm Sơn còn nổi tiếng với Lễ hội bánh Chưng - bánh Dày. Đây được xem là lễ tạ ơn, tưởng nhớ công ơn Thần Độc Cước và cảm tạ Ngài đã ban cho dân làng một mùa màng bội thu. Lễ vật dâng lên Thần là những chiếc bánh chưng, bánh dày - thứ sản vật do thành quả lao động của bàn tay con người làm ra, tượng trưng cho khí linh trời đất. Lễ hội bánh Chưng - bánh Dày đã trở thành nội dung không thể thiếu và sôi động nhất trong lễ hội văn hóa du lịch Sầm Sơn hằng năm, thu hút hàng ngàn du khách từ bốn phương về chiêm ngưỡng và tham gia lễ hội.

Bên cạnh lễ hội văn hóa truyền thống nổi tiếng, Sầm Sơn còn là vùng đất có vốn văn hóa - văn nghệ dân gian phong phú, mang sắc thái của cư dân vùng biển. Dân ca, dân vũ ở vùng đất này có nhiều sắc thái. Điển hình có thể nhắc đến điệu hò như: hò kéo thuyền, hò kéo lưới, hò vá lưới, hò ra khơi, hò đi cấy, đi cày, đi chợ... các làn điệu hò thường là tiếng lòng, điệu hồn của người vùng biển luôn vang vọng, bổng trầm, lan xa trên vùng biển đông đầy nắng gió. Cùng với truyền thuyết, tục ngữ, phương ngôn, người Sầm Sơn thường thích vè và nói vè, với chủ đề phong phú, đa dạng, phản ánh muôn mặt của đời sống xã hội.

Mỗi di tích lịch sử văn hóa cùng những lễ hội, những huyền thoại, những thiên tình sử đậm chất nhân văn, say đắm lòng người ngày càng được nhân dân các làng thôn, phường xã gìn giữ, phát huy. Đó vừa mang yếu tố tâm linh, vừa mang giá trị như một nguồn động lực thu hút nhân dân và du khách bốn phương về Sầm Sơn tham quan, nghỉ mát, tắm biển, tạo nên sự hòa quyện giữa văn hóa vật chất với tinh thần, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước xây dựng đô thị du lịch biển Sầm Sơn giàu - đẹp - văn minh và hiện đại.

Trong định hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Sầm Sơn giai đoạn 2016 - 2020, hướng đến trở thành khu du lịch quốc gia và đô thị du lịch, thị xã Sầm Sơn đã và đang xây dựng các tour du lịch tâm linh vòng quanh khu vực thị xã; hình thành tuyến du lịch tâm linh kết nối các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn thị xã với nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]