(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nghề truyền thống ở Sầm Sơn được bảo tồn và đang dần phát triển với sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sầm Sơn xưa và nay (Kỳ V): Phát huy nghề truyền thống trở thành sản phẩm đặc sản

(VH&ĐS) Nghề truyền thống ở Sầm Sơn được bảo tồn và đang dần phát triển với sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Nổi tiếng với nghề đan lưới truyền thống

Sự tích Bà Triều, tổ sư của nghề dệt săm súc đánh moi đã trở thành câu chuyện thuộc lòng của bao thế hệ người dân Sầm Sơn. Hằng năm Sầm Sơn đều tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao to lớn của Bà Triều. Ngày nay, về Sầm Sơn, đến các xã Quảng Cư, phường Quảng Tiến hình ảnh các bà, các mẹ với đôi bàn tay thoăn thoắt, khéo léo đã dệt nên nhiều tấm lưới, với các kích cỡ khác nhau phục vụ người dân đánh bắt thủy hải sản.

Gia đình ông Vũ Đình Niên, thôn Công Vinh, xã Quảng Cư là một trong gia đình có truyền thống đan, sản xuất lưới. Từng là người lính rồi trở về quê hương, giữ nghề truyền thống của ông cha và bắt đầu hình thành cơ sở sản xuất từ năm 1993. Đến nay cơ sở đã tạo việc làm cho hơn 100 lao động trong thôn, chủ yếu là phụ nữ. Tùy từng công đoạn làm lưới mà thu nhập khác nhau, dao động từ 3 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Nghề đan lưới không vất vả, phụ thuộc vào sự khéo léo, tỉ mỉ, tận dụng thời gian nông nhàn nên thích hợp với nhiều lứa tuổi. Lưới của gia đình ông không chỉ phục vụ nghề cá truyền thống của người dân Sầm Sơn và khắp nơi trong tỉnh và ngoài tỉnh như Đồ Sơn, Cát Bà, Thái Bình...

Nghề đan lưới được công nhận là nghề truyền thống của Sầm Sơn.

Xây dựng thương hiệu nước mắm Sầm Sơn

Sầm Sơn không chỉ nổi tiếng với nghề đan lưới truyền thống, đây cũng là một trong những cái nôi của nghề làm nước mắm truyền thống của tỉnh. Theo chân anh cán bộ văn phòng xã Quảng Cư tên Nghĩa, chúng tôi về thôn Tiến Lợi thăm cơ sở sản xuất nước mắm Lam Hiền của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền. Gia đình chị đã 3 đời làm nước mắm truyền thống. Yêu nghề, giữ nghề và thành quả gây dựng thương hiệu bao nhiêu năm nay, chính là nhiều du khách gần xa khi đến Sầm Sơn đã ghé qua gia đình chị mua nước mắm về ăn hoặc làm quà. Mỗi năm gia đình chị sản xuất hơn 10.000 lít nước mắm nguyên chất, hơn 30 tấn mắm các loại như mắm tép, mắm tôm, mắm chua. Nước mắm Sầm Sơn hương vị rất riêng, độ mặn vừa phải, mùi không quá nồng, khi ăn cảm nhận vị ngọt nơi cuống lưỡi. Hiện nay, TX Sầm Sơn hướng tới “xây dựng thương hiệu nước mắm”, vận động các gia đình thành lập Hiệp hội Nước mắm Sầm Sơn.

Theo Quyết định 203/QĐ-UBND ngày 21/1/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, TX Sầm Sơn được công nhận: Nghề đan lưới ở thôn Công Vinh, xã Quảng Cư và khu phố Tân Lập, phường Quảng Tiến; nghề chế biến nước mắm ở khu phố Trung Thịnh và khu phố Vạn Lợi, phường Quảng Tiến là nghề truyền thống.

Phát huy nghề cũ, tạo ra sản phẩm mới...

Nghề truyền thống ở Sầm Sơn được bảo tồn và đang dần phát triển với sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong nước, chưa ổn định, chưa có thị trường xuất khẩu, khả năng tiếp thị sản phẩm nghề truyền thống còn yếu. Kiểu dáng chưa phong phú, chất lượng nhiều sản phẩm chưa ổn định. Việc đăng ký thương hiệu, thiết kế cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, kiểu dáng công nghiệp còn hạn chế; chưa khai thác tốt tiềm năng du lịch trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Trong giai đoạn 2016 - 2020, TX Sầm Sơn định hướng phát triển TTCN theo hướng tập trung đẩy mạnh khôi phục và phát triển vững chắc các nghề: chế biến hải sản, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm được làm từ vỏ ốc, vỏ trai... Tập trung sản xuất nước mắm cao đạm, cá khô, moi khô, sứa khô có nhãn mác, đóng gói bao bì phục vụ cho khách du lịch tại chỗ và xuất bán nội địa. Từng bước phát triển theo hướng hình thành thương hiệu. Khảo sát lập chương trình khôi phục và phát triển nghề truyền thống chế biến hải sản, dệt săm tơ và đan vá lưới sợi, hàng lưu niệm, thêu may, thảm cói... từng bước đưa nghề truyền thống trở thành tài nguyên du lịch để phát triển loại hình du lịch làng nghề.

Sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch là một trong những nhân tố góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, giữ chân du khách, khuyến khích chi tiêu và là biện pháp quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả. Nhằm tạo ra sản phẩm mang đậm tính chất địa phương Sầm Sơn đã và đang nghiên cứu, đánh giá, tìm ra mẫu mã, chất liệu sản xuất các sản phẩm lưu niệm với hình tượng Độc Cước, hình tượng hòn Trống Mái, mô hình bè mảng đặc trưng vùng biển Sầm Sơn...

Đến Sầm Sơn du khách không những được thả hồn trong tắm biển, được phơi mình đùa vui trên bãi cát dưới ánh nắng mặt trời và tham quan di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đẹp, mà còn được thăm các làng nghề, ngắm bà con đan lưới, làm nước mắm, mua vài món đồ từ vỏ trai, vỏ ốc làm kỷ niệm rồi thưởng thức món ăn đặc sản địa phương như gỏi cá, gỏi tôm, mực khô, cua biển, sò huyết, nghêu, ốc. Đặc biệt, món mực khô rất riêng của Sầm Sơn khác với mực ở các vùng khác trong và ngoài tỉnh bởi mực dày hơn, khi nướng xong, xé ra thơm phức, chấm với tương ớt, nước mắm tỏi - uống bia, rượu thấy có vị thơm, ngọt rất riêng. Ngoài ra, ở Sầm Sơn, du khách không khó để được thưởng thức đặc sản quê hương xứ Thanh như chả tôm, chè lam Phủ Quảng, bánh răng bừa, bánh gai Tứ Trụ, mắm tép Hà Yên, rượu nếp Nga Sơn, cá mè sông Mực, thịt dê Quán Lào...

Với bãi biển đẹp và nổi tiếng Đông Dương gắn với những di tích, danh thắng đậm nét văn hóa và huyền thoại, cùng với nhiều dự án đã và đang được triển khai về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và hệ thống dịch vụ du lịch đồng bộ, Sầm Sơn sẽ mang lại cho du khách những bổ ích và lý thú trong mỗi chuyến đi du lịch.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]