(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Hầu hết người dân Sầm Sơn trên đường di cư cứ men theo dọc bờ biển mà đi mãi, bàn chân lún cát lầy không hề chùn bước, nhặt con còng, con ốc... sóng đánh dạt vào để ăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sầm Sơn xưa và nay (Kỳ VII): Phác họa người Sầm Sơn

(VH&ĐS) Hầu hết người dân Sầm Sơn trên đường di cư cứ men theo dọc bờ biển mà đi mãi, bàn chân lún cát lầy không hề chùn bước, nhặt con còng, con ốc... sóng đánh dạt vào để ăn.

"Sào non không cắm bến lầy

Non gan chẳng đến chốn này làm chi".

Lời ca dao dân gian phổ biến ấy không nói riêng con người Sầm Sơn, nhưng cũng nói lên tính cách họ, những lưu dân từ phương xa lạc loài kiếm sống, như những con chim đã rời tổ lìa cành, dù đất không lành chim vẫn phải đậu.

Hầu hết người dân Sầm Sơn trên đường di cư cứ men theo dọc bờ biển mà đi mãi, bàn chân lún cát lầy không hề chùn bước, nhặt con còng, con ốc... sóng đánh dạt vào để ăn. Họ đã tìm được đất hứa trong hoàn cảnh ngặt nghèo, Mũi Gầm - Sầm Sơn, cái tên đẹp, hấp dẫn sau này ngày càng nổi tiếng gần xa.

Khoảng thế kỷ X, núi Trường Lệ rừng rú um tùm, quê hương của dã thú, chim muông, lưu dân phải trở lại đời sống người tiền sử, từ hai bàn tay trắng bốn bàn tay không, họ tạo nên tất cả đất đai, ruộng nương và rất quan trọng: Chiếc mảng đi biển cùng với cần câu, tấm lưới. Họ như con tép giữa biển hồ mênh mông, lao vào cuộc chiến không cân sức, đấu tranh với sóng gió biển cả để giành giật lấy cuộc sống... Họ không thể “non gan”. Sau những lần thử thách đánh đổi bằng mạng sống con người, biển cả đã dạy họ những bài học đắt giá trong đấu tranh chinh phục thiên nhiên để tồn tại và phát triển, tiến bộ không ngừng.

Bằng phương tiện đánh bắt cũ kỹ, dân chài Sầm Sơn dưới chế độ cũ, dám ra tận hòn Nẹ, hòn Mê là sự dũng cảm đáng khen và phải tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Cho nên thuyền lưới nào cũng có người già đi kèm.

Nhà ta nghề lộng nghề khơi

Lấy nường khuya, sớm vác bơi vác chèo

Ai ngờ ba tiếng rung (sóng) kêu

Sớm trông hòn Nẹ lại chiều hòn Mê...

Hòn Nẹ vùng biển Hậu Lộc, hòn Mê vùng biển Tĩnh Gia, hai mỏ cá, mỏ vàng, nhưng loài cá ăn đàn, gặp đàn (tía) cá lớn, ngư dân đuổi theo có thể hàng chục hải lý. Người đi biển ngoài khơi xa cũng như dân trong bờ thường lấy hai hòn biển đảo làm mục tiêu. Dù đã có nhiều kinh nghiệm từng trải, chuyện bất trắc ngoài khơi, không ai có thể lường trước. Nhưng “sinh ư nghệ tử ư nghệ” cư dân Sầm Sơn vẫn thường nói vui với nhau: “Con chịu khó con lấy nó ba cơn sóng gió con về với mẹ!”. Đó là một lý do khiến họ phải sinh đẻ nhiều, cần nhất con trai để có lao động nối nghiệp cha ông. Dân số đông, càng đông đất đai càng chật hẹp, nhà cửa chen chúc, phải ra bãi phi lao dựng tạm cái liều là chuyện dễ hiểu.

Nơi đón tiếp đồng bào cán bộ chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TX Sầm Sơn.

Không có ruộng đất, gia đình mọi thứ đều phải trông vào người chồng, người cha gánh vác. Phụ nữ Sầm Sơn nói chung rất tháo vát, đảm đang:

Chồng thì vô lộng ra khơi

Vợ thì bát sét bát vơi cũng vừa

Không chạy hàng ế chợ trưa

Chạy thì trên nắng dưới mưa cực lòng!

Chị em phụ nữ Sầm Sơn buôn hàng gì mà phải “chạy”, “đi” nhất thiết không được sao?

Cá biển có tươi mới ngon, càng tươi càng ngon, gọi là “tươi xanh” một nghề buôn không cần vốn, mua chịu cũng được. Những thuyền mảng đi lộng, đi khơi về bến, được cá bán ngay. Chị em chờ sẵn có thể mua chịu của bà con thân thuộc và lập tức “lên đường”. Nghề này là buôn “cá rổi” vô cùng vất vả. Thuyền, đánh cá gần, ra đi lúc nửa đêm theo hướng gió, giong buồm nhanh, quá trưa sang chiều nổi gió đông nam vào bờ thuận tiện, người buôn cá đón ngay lấy cá, “phi nước đại” một mạch cho kịp ăn chợ chiều. Cũng không được lời lãi gì nhiều, chẳng qua lấy công làm lãi mua bát gạo ống khoai, nuôi con qua bữa. Gặp những ngày biển động, chồng ngồi nhà vá lưới, sửa thuyền, chuyện ăn uống hoàn toàn trông vào bàn tay tháo vát đảm đang của người vợ. Cảnh ngư dân cũng nợ nần như nông dân và nhà giàu ở đâu cũng ít khi nới lỏng hầu bao!

Một kinh nghiệm đi biển rất quí giá của ngư dân được đúc rút thành câu tục ngữ: “Ông lên hiệu liệu mà trốn”. Khi động trời, biển cả sôi sùng sục, sóng gió dữ dội, áp lực không khí quá mạnh khiến cá voi khó thở phun ra những tia nước đằng mũi, thân hình đồ sộ bị chao đảo. Nhiều cá voi chết, xác trôi dạt vào bờ. Cá voi tìm thuyền để nương tựa, thuyền gặp được cá voi, đôi bên kết lại thành con tàu lớn vượt qua sóng gió hiểm nghèo. Bởi thế người cám ơn cá voi cứu nạn, gọi là cá Ông Voi, dân Sầm Sơn lập miếu thờ suy tôn “kim Cương tướng quân”, huyền thoại hóa thành những tình tiết ly kỳ.

Dù khó khăn, nhưng người dân Sầm Sơn đã nhường cơm sẻ áo, đón tiếp đồng bào, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (ảnh tư liệu).

Dũng cảm đấu tranh chống thiên nhiên, người dân Sầm Sơn cũng không lùi bước trước phong kiến cường hào trong thôn xã. Câu chuyện điển hình thời Pháp thuộc về hai làng Cá Lập, Triều Dương tranh giành địa giới sinh ra đánh nhau, được đặt thành một bài “vè” để phổ biến và lưu truyền hậu thế:

Kể từ tiền đại sinh ra

Hai dân hòa hợp thuận hòa với nhau

Cá Lập, Lạch Tra, Rừng Bầu

Triều Dương, Thổ Phụ cận nhau giáp bờ

Lý Hệnh sao khéo làm trò

Sai quân phường xuống phá bờ chặt cây!

Mấy trăm cây dừa non tơ của làng Triều Dương mới trổ bắp ra hoa bị chặt phá sạch. Đã thế Lý Hệnh còn “ra tiếng thị hùng” lệnh bắt trói tất cả những ai dám cả gan ngăn trở. Triều Dương càng “nộ khí xung thiên” không biết sợ là gì, xông ra đánh trả:

Trong làng tức giận bồi hồi

Rủ nhau ra đánh, chết thôi không cần!

Kẻ phải sợ lại chính là Lý Hệnh trước sức mạnh tức nước vỡ bờ của làng Triều Dương:

Liền bà con nít hò vang

Lý Hệnh bỏ chạy đầu đàn trước tiên!

Lý trưởng Hệnh lập mẹo xui ông “Toài già” giả bị Triều Dương đánh nằm lăn ra bờ cây để ăn vạ, để hắn có cớ lên huyện cáo quan. Quan huyện sai thầy đề (đề lại) về khám. Rồi quan huyện xử “hòa”. Làng Triều Dương bỗng dưng bị mất toi mấy trăm cây dừa, một nguồn lợi không nhỏ! Tên cường hào Lý Hệnh được trắng án!

Không phải bọn quan lại “dĩ hòa vi quý” mà thực chất chúng bao che lũ cường hào lý dịch tay sai ác bá gây thù hằn, mất đoàn kết giữa làng này với làng khác dễ sinh kiện cáo, đánh nhau chí tử để có cơ hội đục nước béo cò.

Một câu chuyện khác: Lý Bỉnh tranh chiếm ruộng đất ít ỏi của bà con Lương Trung bị dân kiện lên quan. Vì hành vi quá trắng trợn của Lý Bỉnh, quan huyện chỉ xử chung chung là “giải hòa”. Dân Lương Trung ức quá kiện lên tỉnh. Lý Bỉnh sợ các quan lớn tỉnh Thanh Hóa chiếu theo pháp luật triều đình Huế, mình sẽ bị tội, chạy sang nhờ cậy nhà thờ giúp đỡ. Đức cha gọi điện thoại cho quan Công sứ người Tây. Công sứ gọi quan Tổng đốc Nam triều khiển trách tỉnh dung túng cho huyện đường ức hiếp giáo dân, bênh vực kẻ vô đạo. Quan tri huyện liền xử cho Lý Bỉnh thắng kiện. Mãi đến sau Cách mạng Tháng Tám dân Lương Trung kiện lên chính quyền cách mạng, Lý Bỉnh phải trả lại hơn mười mẫu đất đã tranh chiếm từ đầu thế kỷ XX.

Pháp thực dân cho xây dựng Sầm Sơn thành khu nghỉ mát nổi tiếng. Các lâu đài, biệt thự, quán xá... mọc lên. Có cả Sở Cẩm. Lính Tây mượn tiếng giữ gìn trật tự, bảo vệ an ninh, ngày ngày sục sạo, dò la, bắt bớ người bị tình nghi tuyên truyền yêu nước, hoạt động cộng sản... Nhưng nhân dân Sầm Sơn không sợ Tây, đấu tranh chống lại chúng. Thú vị nhất là chuyện “Ông Binh Bài đánh chắc với Tây”

Sầm Sơn là đất anh tài

Có ông Binh Bài đánh chắc với Tây

Ông Bài đi lính sang Tây hồi Đại thế chiến lần thứ nhất 1914-1917 giỏi bắn súng và biết nhiều tiếng Tây bồi. Mỗi lần gặp mấy thằng Tây đeo súng đi tuần, ông nói: “Ê siêng!”. Chúng tưởng được tiếng khen là siêng năng, nên vui vẻ: “Merci”! (cám ơn) rồi chúng cũng nghĩ ra tiếng Tây “siêng=chien” là con chó: Ê siêng! Này, đồ con chó! (Tiếng Tây bồi). Chúng xúm lại đánh ông, ông vùng chạy, nhảy vọt lên một mái nhà ngói, lấy ngói ném xuống. Mấy đứa bị trúng mảnh ngói vào đầu chảy máu. Chúng bắn vài phát súng chỉ thiên rồi rút chạy.

Thời kháng chiến chống Pháp, các trận càn quét vào Sầm Sơn đều bị dân quân du kích “quét” sạch. Thời chống Mỹ, tàu địch cũng bị đánh chìm, đồng đội chúng không dám lai vãng vùng biển Sầm Sơn.

Đất đai chật hẹp, nhà cửa bé nhỏ, nhưng tấm lòng người dân Sầm Sơn rộng rãi và hiếu khách.

Năm 1954, Sầm Sơn đón tiếp đồng bào, cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, tất cả 7 đợt, 45 chuyến tàu với 79.996 người ở Cửa Hới sông Mã thuận tiện để tàu thủy neo đậu. Đất đai xã Quảng Tiến, trên những cánh đồng khoai lúa từ bãi cát được cải tạo, san lấp thành, nay nhường chỗ cho hàng ngàn gian nhà lán luồng nứa, tranh lau mà ấm áp tình Nam Bắc. Dĩ nhiên bà con miền Nam chỉ tạm thời tập kết ở đây để rồi phân tán khắp nơi trên miền Bắc, tiếp tục công tác. Riêng 2.631 học sinh được nhân dân 8 xã Quảng Xương, trong đó 4 xã Sầm Sơn: Quảng Sơn, Quảng Tường, Quảng Tiến, Quảng Cư giúp đỡ nơi ăn chốn ở để tiếp tục học tập.

Người Pháp mở đường du lịch Sầm Sơn đem đến đây loại du lịch hưởng lạc bất chấp thuần phong mỹ tục, khuyến khích giải trí lạc hậu, những ổ thuốc phiện, mại dâm, cờ bạc, trộm cắp, lừa đảo, ăn mày, bói toán, mê tín... Dưới chế độ mới, Sầm Sơn đổi mới, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực. Truyền thống yêu nước “trai anh hùng gái đảm đang” được phát huy tích cực. Đoàn thuyền nan của nữ dân quân xã Quảng Tiến chẳng quản thân gái dặm trường đi lại ngày đêm như con thoi trên biển Đông để tiếp tế quân nhu, vũ khí cho chiến trường miền Nam. Anh hùng Nguyễn Hùng Lễ ôm bom lao vào Cửa Việt, Vũ Hồng Út lái ca nô trên bến Phà Ghép để rà bom phá đạn quân Mỹ... Đàn ông đi bộ đội, đàn bà ở nhà thay thế bám biển ra khơi kéo lưới, kéo rùng.

Khi du lịch Sầm Sơn phát triển, còn nhiều điều khiến cho du khách phải phàn nàn. Cho nên các cấp chính quyền đã làm nhiều việc để “Sầm Sơn là nơi đáng sống nhất!”.

Hoàng Tuấn Phổ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]