(vhds.baothanhhoa.vn) - Mùa lễ hội năm 2019 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang diễn ra hết sức sôi động. Hàng loạt các lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức. Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, thì ý thức của người đi lễ quyết định một phần không nhỏ tạo nên nét đẹp của di tích trong mùa lễ hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường công tác quản lý, nâng cao ý thức người dân: Nét đẹp di tích mùa lễ hội

Mùa lễ hội năm 2019 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang diễn ra hết sức sôi động. Hàng loạt các lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức. Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, thì ý thức của người đi lễ quyết định một phần không nhỏ tạo nên nét đẹp của di tích trong mùa lễ hội.

Di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu nằm trên Quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) những ngày đầu xuân ước đón hàng vạn lượt khách đến dâng hương, chiêm bái. Song, cảm nhận chung của phần đông du khách khi đến đây chính là sự hài lòng: không gian thiêng, môi trường, cảnh quan của di tích thật khiến người đi lễ cảm thấy dễ chịu. Lượng người đi lễ đông, cộng với khuôn viên di tích rộng lớn nhưng gần như ở đây không có sự ồn ào, chen lấn lộn xộn.

Từ cổng bên ngoài, bãi xe được quy hoạch quy củ, cộng với việc thu vé đúng giá niêm yết, đúng quy định cũng được xem là “điểm cộng” khiến du khách cảm thấy thoải mái. Bên trong di tích là những tấm biển “không vứt rác” “không thắp hương trong đền” được đặt ở nhiều vị trí khác như một lời “nhắc nhở” nhẹ nhàng mà hiệu quả.

Đặc biệt, ở đây cũng chẳng bắt gặp cảnh “giắt tiền lẻ” hay “thắp hương dưới gốc cây”. Phải chăng vì những “tiểu tiết” ấy đã khiến cho di tích thêm phần tôn kính. Anh Nguyễn Văn Tĩnh, tổ trưởng tổ quản lý di tích cho biết: như đã thành thông lệ, sau giao thừa, lượng du khách đổ về di tích đi lễ rất đông, đa phần là du khách trong tỉnh, sau ba ngày tết thì phần nhiều lại là các đoàn du khách ở huyện xa và tỉnh ngoài. Để làm tốt công tác quản lý, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho du khách đi lễ thì trước, trong và sau tết, Ban quản lý di tích phải huy động tối đa nhân lực thường trực để đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất, không vì người đi lễ đông hay những bất cập làm ảnh hưởng đến hình ảnh di tích.

Di tích và lễ hội đền Bà Triệu (Hậu Lộc) được người dân và du khách đánh giá cao.

Được xem là một trong bốn huyệt đạo thiêng của cả nước. Vì vậy, mỗi dịp đầu xuân năm mới, lượng du khách hành hương về di tích đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn) cũng chính là thách thức cho chính quyền địa phương và đơn vị quản lý di tích. So với nhiều năm trước, hình ảnh di tích và lễ hội đền Nưa - Am Tiên năm 2019 được ghi nhận đã có nhiều thay đổi tích cực. Trong đó, công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm được tăng cường. Cảnh người đi lễ chen lấn, giẫm đạp lên nhau đã hạn chế. Đây thực sự là nỗ lực lớn đối với một lễ hội lớn và dài ngày như đền Nưa - Am Tiên.

Tuy nhiên, có lẽ sẽ là hoàn hảo hơn với lễ hội cũng như điểm đến này nếu như chúng ta không bắt gặp những hình ảnh không được gọi là đẹp. Cùng với hương khói nghi ngút là những vị trí mà tiền lẻ được đặt, cài, cắm, rồi cảnh những người làm công việc được nhà đền phân công nhanh tay vơ lấy nắm tiền lẻ... chắc chắn cũng ảnh hưởng không ít đến hình ảnh và sự tôn nghiêm của di tích.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc châm hương, đặt tiền lẻ tùy tiện đã ảnh hưởng không ít đến hình ảnh, nét đẹp của một số di tích, lễ hội.

Cũng được xem là một điểm đến tâm linh “hút khách” trong dịp lễ hội đầu năm. Đặc biệt, với quan niệm đầu năm “lên rừng xuống biển” thì di tích Phủ Na nhiều năm trở lại đây đã trở thành địa chỉ đi lễ không thể bỏ qua đối với nhiều người. Vì vậy, có những ngày lượng khách đổ về đây ước đạt hàng vạn lượt cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sự “nhếch nhác” ở Phủ Na trong mùa lễ hội này dường như vẫn là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Cảnh người bán hàng chèo kéo du khách “rút thẻ”, dịch vụ “bán can” đựng nước, xả rác bừa bãi, đốt vàng mã số lượng lớn... đã khiến cho di tích kém đẹp ít nhiều.

Không thể phủ nhận sức hút và giá trị tín ngưỡng tâm linh ở một di tích phối thờ mang vẻ đẹp đặc trưng của vùng thượng du xứ Thanh như Phủ Na. Tuy vậy, dù không xảy ra cảnh tranh cướp, giẫm đạp lên nhau nhưng hình ảnh phản cảm ở một số lễ hội trong cả nước, nhưng nếu cứ xem sự “nhếch nhác” ở Phủ Na hay ở những di tích, lễ hội thu hút lượng lớn du khách đến dâng hương, hành lễ trong mùa lễ hội là điều không dễ thay đổi thì lâu dần, điều gì sẽ xảy ra?

Xứ Thanh không chỉ có di tích và lễ hội đền Bà Triệu; đền Nưa - Am Tiên; Phủ Na. Còn rất nhiều di tích, lễ hội lớn, có sức ảnh hưởng trong đời sống nhân dân, thu hút rất đông lượng du khách đổ về trong dịp đầu xuân năm mới: chùa Giáng; đền Độc Cước; đền Sòng... mỗi di tích lại là một hình ảnh khác nhau trong mùa lễ hội đầu năm. Hình ảnh đó không chỉ phản chiếu công tác quản lý của đơn vị phụ trách mà còn cả ở ý thức người đi lễ. Nếu một trong hai bên đều thiếu đi trách nhiệm, ý thức với di tích và lễ hội thì lẽ dĩ nhiên, thật khó để hi vọng về một hình ảnh đẹp cho di tích trong mùa lễ hội.

Người đi lễ trăm người, vạn ý. Đơn vị quản lý di tích, tổ chức lễ hội nếu vì cái lợi trước mắt hay sự lơ là, thiếu trách nhiệm thì chắc chắn thật khó để tạo nên hình ảnh di tích đẹp trong mùa lễ hội. Di tích, lễ hội là nơi tưởng nhớ, tôn vinh bậc tiền nhân, thánh thần có công với dân, nước. Tham dự lễ hội, tham quan di tích trước hết là để hậu thế tỏ lòng ngưỡng vọng. Vậy nên, nếu đến cả chút “lễ” tối thiểu nhất với đấng bề trên chúng ta cũng không thể giữ được thì những mâm cao cỗ đầy, cầu khấn liệu còn hữu ích.

Tại hội nghị triển khai công tác Văn hóa, Thể thao, Du lịch năm 2019 của Bộ VH,TT&DL đã khẳng định công tác lễ hội năm 2018 trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, Văn bản số 323 ngày 23/1/2019 của Bộ VH,TT&DL đề nghị các địa phương: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương”.

Bản thân mỗi di tích, lễ hội đã mang trong mình giá trị văn hóa được gây dựng, trao truyền qua những lớp người đi trước với lịch sử trăm năm, ngàn năm. Đó không chỉ là di sản văn hóa quý giá mà còn là tài sản để hậu thế thụ hưởng, bảo tồn và phát triển. Mùa lễ hội năm 2019 đã và đang bắt đầu, gìn giữ giá trị, phát huy nét đẹp của di tích thực sự cần đến ý thức và trách nhiệm của tất cả chúng ta.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]