(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Lật từng trang cuốn sách ảnh “Non nước Thanh Hóa”, tôi vừa thưởng thức từng bức vừa ngẫm nghĩ về tác giả của nó: nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Ngôn. Ấy là Thanh phẩm của một Thanh nhân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tập sách ảnh của một tấm lòng

(VH&ĐS) Lật từng trang cuốn sách ảnh “Non nước Thanh Hóa”, tôi vừa thưởng thức từng bức vừa ngẫm nghĩ về tác giả của nó: nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Ngôn. Ấy là Thanh phẩm của một Thanh nhân.

Tập sách bề thế với lượng ảnh khá lớn, với mong muốn bao quát xứ Thanh cả về không gian lẫn thời gian. Mở sách ra là được theo chân tác giả đến mọi vùng miền xứ Thanh. Từ danh lam thiên nhiên đến thắng tích văn hóa, từ nền nếp sinh hoạt đến chứng tích lịch sử, từ làng nghề truyền thống đến công nghiệp hiện đại, từ những công trạng xưa đến những công trình nay, từ những diện mạo lộ thiên đến những trầm tích còn ẩn khắp nước non Thanh… Từng tấm, từng tấm như từng miếng ghép nhỏ hợp nên một bức tranh toàn cảnh về một vùng quê giàu tiềm năng và truyền thống. Đó là di sản và cũng là tài sản. Ảnh vốn chụp về những đối tượng vật thể (hữu hình), mà dường như không ít bức còn ghi được cả những thứ là phi vật thể (vô hình) vẫn ẩn tàng, bảng lảng đó đây.

Dù dừng lâu hay lướt mau, thì ở mỗi tấm ảnh người xem cũng được dịp phơi trải những cảm xúc của mình trước cảnh và người mà tác giả đã nắn nót ghi lại. Có thể trầm trồ, có thể ngậm ngùi, có thể tự hào, có thể tiếc xót, có thể khao khát, có thể hân hoan… Chả cứ một khách du lịch đến đất này, ngay cả với một người quê Thanh cũng có thể xem đây như một album quý, một cẩm nang ảnh tin cậy. Du khách có thể mang theo một xứ Thanh thu nhỏ trong hành trang du ngoạn của mình.

Viết về xứ Thanh đã có rất nhiều công trình lớn. Chụp về xứ Thanh, rải rác từ độ nhiếp ảnh còn non trẻ cho đến giờ, cũng đã có không ít những bức nổi tiếng, những series xuất sắc. Nhưng, cả một tập sách ảnh lớn và nặng, chụp theo chuyên đề “Non nước Thanh Hóa”, thì hẳn đây là một trong những công trình đầu tiên. Xem và đọc Nguyễn Hữu Ngôn, tôi cứ miên man về một khái niệm chừng quen nhàm mà không phải lúc nào cũng tường tận: thế nào là người có văn hóa? Người có bề dày của vốn liếng, tầm cao của tiếp cận, độ tinh của phát hiện, độ nhạy của cảm nhận… chăng? Không. Tất cả những cái đó tuy cần, nhưng đến sau. Và, chưa hẳn nhất thiết. Cốt lõi và tiên quyết phải là một tấm lòng với văn hóa. Nó hiện ra bằng niềm trân trọng giá trị. Cả giá trị vật chất/ giá trị tinh thần, giá trị hữu hình/ giá trị vô hình, vật thể/ phi vật thể, cả giá trị của người/ giá trị của mình…

Người có văn hóa là người có niềm thiết tha ngay với cả những giá trị nhỏ bé nhất. Còn, ở một nhà văn hóa, đương nhiên, niềm thiết tha đó phải mãnh liệt, bền bỉ và được chuyển hóa thành những hoạt động văn hóa không mệt mỏi của mình. Hoạt động ấy có thể vang dậy, có thể lặng thầm, có thể rộng lớn, có thể chuyên sâu, có thể chỉ là cuộc chơi của đam mê, có thể kết thành tựu, thành nghiệp. Thì Nguyễn Hữu Ngôn là thế chứ sao. Dễ thấy Ngôn có một hoạt động khá rộng trên nhiều mảng văn hóa. Anh làm xuất bản, làm thơ, viết sách, chụp ảnh, sưu tầm… Nhưng, mọi hoạt động đều xuất phát từ cùng một tấm lòng của người con xứ sở. Anh thiết tha với non nước quê Thanh, nặng lòng với con người và văn hóa xứ Thanh. Mọi hoạt động của anh đều nhằm tôn vinh những giá trị Thanh. Và tập sách ảnh này chẳng là thế hay sao? Ảnh chụp bằng con mắt tinh nghề, đương nhiên. Bằng tay máy thạo nghề, đương nhiên. Nhưng, hơn hết, là chụp bằng một ống kính đặc biệt. Cái thấu kính anh cài vào máy chính là một tấm lòng. Qua thấu kính ấy, bức hình nào cũng bình dị, bức nào nét cũng căng một tấm lòng Thanh.

Quen biết nhau từ hồi học chuyên văn, nhưng mãi gần đây tôi mới tìm được một ẩn dụ cho mình về người bạn này. Tôi chắc Ngôn không thích tính trừ. Phải trừ, với anh, thật khó khăn. Nguyễn Hữu Ngôn là một phép cộng. Cộng trong cuộc sống. Cộng trong đam mê văn hóa. Anh là dấu cộng kết nối những quan hệ họ mạc, thân nhân, bằng hữu. Anh là phép cộng các hoạt động đa dạng: văn chương, học thuật, nhiếp ảnh, sưu tầm…

Không muốn bớt những gì đã có. Chỉ muốn mỗi ngày được cộng thêm. Dường như anh sinh ra để gìn giữ. Căn cốt của anh là con người của bảo lưu. Nhất là lưu giữ các giá trị, vật phẩm đang có nguy cơ bị chìm trôi, quên lãng, mai một. Vì thế, sưu tầm, bảo tồn, bảo tàng không chỉ là đam mê sâu bền nhất của anh, mà còn là điểm thống nhất mọi hoạt động văn hóa của anh. Có thể nói bảo lưu là phong cách Nguyễn Hữu Ngôn.

Và, ảnh của anh là thế. Bức nào cũng là sản phẩm của một tấm lòng quê, một góc nhìn nghệ sĩ. Nhưng, từng bức vẫn ánh lên cái phong cách của một ống kính bảo lưu, bảo tồn, sưu tập. Dựng tập “Non nước Thanh Hóa” khác nào như dựng một bảo tàng bằng ảnh của riêng anh. Đó là tâm huyết cũng là hồn cốt của ảnh Nguyễn Hữu Ngôn.

Chu Văn Sơn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]