(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Dân tộc Thổ là 1 trong 7 dân tộc cùng sinh sống lâu đời trên vùng đất xứ Thanh. Tại Thanh Hóa, người Thổ phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi như: Như Xuân, Như Thanh, Thạch Thành... Nhưng sống tập trung chủ yếu ở các xã Cán Khê, xã Yên Lễ, xã Cát Vân, xã Thượng Ninh, xã Yên Bình, xã Hòa Quý thuộc 2 huyện Như Thanh, Như Xuân. Cũng như các đồng bào dân tộc khác trên vùng đất xứ Thanh, phong tục tết cổ truyền có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa của tộc người Thổ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tết cổ truyền của người Thổ ở Thanh Hóa

(VH&ĐS) Dân tộc Thổ là 1 trong 7 dân tộc cùng sinh sống lâu đời trên vùng đất xứ Thanh. Tại Thanh Hóa, người Thổ phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi như: Như Xuân, Như Thanh, Thạch Thành... Nhưng sống tập trung chủ yếu ở các xã Cán Khê, xã Yên Lễ, xã Cát Vân, xã Thượng Ninh, xã Yên Bình, xã Hòa Quý thuộc 2 huyện Như Thanh, Như Xuân. Cũng như các đồng bào dân tộc khác trên vùng đất xứ Thanh, phong tục tết cổ truyền có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa của tộc người Thổ.

Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Thổ bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp âm lịch, bằng tục lệ làm Lễ tạ ơn tổ tiên. Đó là sự thể hiện lòng thành kính hướng về nguồn cội, biết ơn những đấng sinh thành. Ngày 27, 28 tháng Chạp là thời gian chuẩn bị các công việc quét dọn, trang trí lại nhà cửa và bàn thờ tổ tiên, các nguyên liệu làm bánh, chế biến thức ăn.

Trong phong tục thờ cúng tổ tiên của người Thổ, bàn thờ cúng phải được đặt trang trọng ở giữa nhà, hướng thẳng với cửa ra vào với quan niệm để tổ tiên phù hộ cho gia đình cuộc sống mạnh khỏe, ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt. Theo tục lệ, người đàn ông trong gia đình mớiđược soạn lễ, thắp hương ở bàn thờ cúng tổ tiên.

Ngày 30 tết, đó cũng là ngày trồng cây nêu. Các gia đình tìm chặt cây tre phải cao ngang nóc nhà hoặc cao hơn mái nhà để đem về trồng. Đêm 30 tết, người Thổ sửa soạn làm mâm cơm xôi, gà, rượu đặt lên bàn thờ để cúng mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Bắt đầu từ 12 giờ đêm 30, mọi người đi thăm hỏi, chúc nhau một năm mới gặp nhiều may mắn và kết thúc vào trưa mồng 1 Tết. Lúc này, mọi nhà đều đóng chặt cửa cổng, không cho bất cứ ai vào. Người Thổ quan niệm, có người đến nhà chơi sẽ mang lại nhiều điều không lành cho gia đình. Vì vậy, đây được xem là một điều kiêng kỵ. Vào sáng mồng 1 Tết, mỗi gia đình đều làm một mâm cơm, còn gọi là mâm cơm “Xết cả”, với quan niệm mong cả năm sẽ được ấm no. Đến chiều mồng 1 hoặc sáng mồng 2 Tết, các gia đình đều cho trâu, bò ăn để nhằm cảm ơn vật nuôi đã giúp gia đình trong năm qua.

Lễ hội của người Thổ.

Lễ hội đón Tết của người Thổ từ ngày mồng 2 Tết Nguyên đán. Các gia đình làm lễ tiễn ông bà về với tổ tiên, đồng thời, tổ chức nhảy múa, hát hò... Những đôi nam nữ cùng nhau hát điệu Dạ ời (hay còn gọi là hát giao duyên).

Ngày mồng 3 Tết, các gia đình trong làng, bản đi thăm hỏi, chúc Tết họ hàng.Ngày mồng 4 Tết, đồng bào Thổ làm Lễ “Vái xết”, tức là “Làm vía Tết”làm lễ mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ. Cúng xong, con cháu lấy chạc vái (sợi gai) buộc vào tay (buộc vía) cho ông bà được mừng thọ; ngược lại, người mừng thọ cũng “chúc sức khỏe” cho con cháu bằng cách dùng sợi gai “buộc vía” vào tay con cháu để chúc con cháu luôn khỏe mạnh, tránh mọi bệnh tật.

Từ ngày 5 đến mùng 6 Tết, người Thổ vẫn tiếp tục các hoạt động chúc tết và tổ chức các lễ hội truyền thống văn hóa.

Đến ngày mồng 7 Tết, theo tục lệ là hạ cây nêu, bắt đầu làm lễ xuống đồng khai hạ, với hy vọng sẽ có một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu, mọi người được bình an, mạnh khỏe. Sau đó, người chủ gia đình dắt 1 con trâu ra đồng để bừa trong ngày đầu tiên của năm mới. Người dân Thổ tin rằng, nếu đường bừa thẳng thì năm ấy sẽ gặp được nhiều may mắn, mùa màng bội thu. Khi lễ xuống đồng kết thúc cũng là lúc báo hiệu ngày tết đã hết, bắt đầu quay trở lại với cuộc sống bình thường.

Những phong tục, tập quán của người Thổ giờ đây đã ít nhiều thay đổi, tuy nhiên nét đẹp truyền thống văn hóa trong đón Tết với nhiều tập tục độc đáo, đặc sắc vẫn được người dân nơi đây lưu giữ nguyên vẹn, thấm đẫm giá trị nhân văn. Đồng thời, góp phần làm phong phú và đa dạng di sản văn hóa phi vật thể của vùng đất xứ Thanh.

Nguyễn Văn Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]