(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 22 - 23/11/2019, huyện Thạch Thành sẽ tổ chức Lễ hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch; công bố điểm du lịch và quảng bá các sản phẩm tiêu biểu năm 2019. Đây là dịp nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc, các môn thể thao dân tộc, giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch và các sản phẩm tiêu biểu của huyện trên các lĩnh vực. Qua đó xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp; thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào địa bàn huyện Thạch Thành để phát triển du lịch. Nhân dịp này, phóng viên Báo Văn hóa và Đời sống có cuộc trao đổi với ông Phạm Đình Minh - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành xoay quanh nội dung trên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thạch Thành - Điểm hẹn văn hóa và du lịch

Ngày 22 - 23/11/2019, huyện Thạch Thành sẽ tổ chức Lễ hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch; công bố điểm du lịch và quảng bá các sản phẩm tiêu biểu năm 2019. Đây là dịp nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc, các môn thể thao dân tộc, giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch và các sản phẩm tiêu biểu của huyện trên các lĩnh vực. Qua đó xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp; thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào địa bàn huyện Thạch Thành để phát triển du lịch. Nhân dịp này, phóng viên Báo Văn hóa và Đời sống có cuộc trao đổi với ông Phạm Đình Minh - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành xoay quanh nội dung trên.

- PV: Xin ông điểm qua những nét nổi bật về tiềm năng, thế mạnh của huyện Thạch Thành trong phát triển KT-XH nói chung, lĩnh vực du lịch nói riêng?

- Ông Phạm Đình Minh: Thạch Thành là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hoá.Huyện có 26 xã, 2 thị trấn, với 199 thôn, khu phố. Tổng diện tích tự nhiên của huyện hơn 55 nghìn 911 ha, dân số hiện nay trên 144 nghìn người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 45,8%; dân tộc Mường chiếm 53,6% và 0,6% là dân tộc khác. Thạch Thành có đầy đủ đặc điểm địa hình miền núi đá vôi, đồi đất của miền trung du và đồng ruộng của đồng bằng, giàu tiềm năng nông nghiệp và du lịch, là địa bàn giao lưu kinh tế - văn hóa của các vùng trong tỉnh và với các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình. Đây là những yếu tố thuận lợi để địa phương phát triển văn hóa, thể thao và du lịch và những sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Yếu tố thuận lợi đầu tiên của Thạch Thành là có hệ thống kết nối giao thông đường bộ: Nằm trên trục Quốc lộ 45 xuyên suốt theo hướng Bắc - Nam nối từ Ninh Bình sang vùng đồng bằng qua huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn về trung tâm thành phố Thanh Hóa; đường Hồ Chí Minh đi qua vùng đệm của rừng quốc gia Cúc Phương. Đây được xem là “điểm dừng chân” tạo đà cho Thạch Thành lợi thế phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông của huyện được nâng cấp, tương đối hoàn thiện.

Yếu tố thuận lợi thứ hai là nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, đặc trưng, có giá trị. Với diện tích 49.508,8 ha đất đang sử dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp, phần lớn chất đất ở đây rất thích hợp cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và cây hàng năm khác, đó là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của Thạch Thành trong phát triển kinh tế. Bên cạnh địa hình của huyện cũng rất đa dạng, được hình thành bởi các lòng máng lớn kề nhau xuôi theo hướng Bắc - Tây Bắc và thấp dần về phía Nam, từ núi cao qua miền trung du kéo dài xuống đồng bằng. Chính đặc điểm địa hình này đã ban tặng cho Thạch Thành những thác nước dài, nhiều tầng kỳ vỹ như thác Mây, thác Voi, thác Đẹn; những hồ nước rộng lớn quanh năm xanh trong như: Hồ Đồng Sung, hồ Vũng Sú, hồ Bỉnh Công, suối nước nóng Vó Ấm... Ngoài ra ở những vùng núi đá vôi có nhiều hang động khá đẹp gắn với di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ như hang Con Moong, hang Mang Chiêng, hang Lai, hang Diêm, hang và mái đá Mộc Long, hang Treo...

Ông Phạm Đình Minh - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành (áo trắng ở giữa) cùng các đại biểu thăm khu quy hoạch cây ăn quả công nghệ cao xã Thành Vân.

Đối với tài nguyên nhân văn, Thạch Thành là địa phương có hệ thống di tích lịch sử không chỉ có giá trị đặc trưng mà còn phong phú về số lượng và thể loại, với 46 di tích và địa điểm di tích, trong đó có 14 di tích được xếp hạng. Trong đó có những di tích có giá trị cao về ý nghĩa lịch sử cũng như kiến trúc nghệ thuật như Di chỉ khảo cổ học hang Con Moong được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt năm 2016. Đây là di tích có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng ghi lại dấu vết của người Tiền sử sinh sống tại đây liên tục cách ngày nay khoảng 60.000 năm, hiện nay đang được Chính phủ chỉ đạo xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới; Khu di tích Chiến khu Ngọc Trạo được xếp hạng Di tích quốc gia - nơi ra đời và đóng quân của đội du kích Ngọc Trạo, tiền thân của lực lượng vũ trang Thanh Hóa; Di tích thắng cảnh Phố Cát, một trong ba trung tâm lớn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một tín ngưỡng lớn ở nước ta.

Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS huyện Thạch Thành luôn được giữ gìn và phát huy.

Bên cạnh đó, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của Thạch Thành cũng rất đa dạng và độc đáo, mang sắc thái văn hóa riêng của 2 dân tộc Kinh - Mường, với 78 di sản đã được kiểm kê như: Lễ xóa tội vong nhân; lễ hội đền Phố Cát; lễ hội đình Tam Thánh; lễ hội đình Mường Đòn; lễ dựng cây nêu; lễ mừng cơm mới...Trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhân dân Thạch Thành, có loại hình văn học truyền miệng. Đó là những bài ca dao, câu đố, tục ngữ, truyện kể, thơ ca như: “Đẻ đất đẻ nước”, chuyện “Nàng Nga - Hai Mối”, chuyện “Út Lót - Hồ Liêu”. Các nghệ thuật trình diễn dân gian như: Xường bộ mệnh, hát đối, hát đúm, mo Mường, hát Mường, hát Tuồng cổ, séc bùa, cồng chiêng...; các làng nghề và nghề truyền thống cũng được bảo tồn, góp phần tạo ra những sản phẩm đặc sắc như: Làng nghề nấu mật mía, nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường, nghề làm nõ điếu. Gần đây, một số doanh nghiệp đã đầu tư vào địa bàn để khai thác các nguồn nguyên liệu phong phú làm tinh dầu sả, tinh bột nghệ, rượu dứa, rượu nghệ, mật mía, mật ong... Cùng với đó, nhân dân còn bảo tồn, lưu giữ nhiều các trò chơi, trò diễn dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ, sắc phong, văn bia, thần tích, phong tục tập quán và nét ẩm thực phong phú... đã tạo thuận lợi cho Thạch Thành phát huy nền văn hoá độc đáo, gắn với phát triển du lịch và quảng bá các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, tiến tới xây dựng, hình thành các khu, điểm du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch khám phá, trải nghiệm gắn với du lịch sinh thái.

Hiện nay, huyện Thạch Thành có 3 điểm du lịch được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận, đó là: Khu di tích Chiến khu Ngọc Trạo - xã Ngọc Trạo; Đền Phố Cát - xã Thành Vân và thác Mây - xã Thạch Lâm. Đây là cơ hội mới cho các điểm du lịch trên địa bàn trong việc xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch và thu hút đầu tư...

- PV: Có thể thấy, mặc dù huyện có nhiều điều kiện tự nhiên, tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch, song việc phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của huyện còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Xin ông cho biết một số khó khăn của huyện và nguyên nhân của những hạn chế trên?

- Ông Phạm Đình Minh: Những năm qua, nhận thức rõ về tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, huyện Thạch Thành đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước tăng tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ, phát triển các sản phẩm tiêu biểu. Những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân huyện Thạch Thành trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của huyện. Cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, để biến tiềm năng, thế mạnh của huyện trở thành sản phẩm đặc trưng, nhất là trong lĩnh vực du lịch chưa đạt được những kết quả như mong đợi. Là một huyện miền núi, ngân sách của huyện còn khó khăn, tỷ trọng giá trị của ngành thương mại - dịch vụ trong GDP của huyện còn chưa cao. Khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, du lịch phần lớn còn nằm dưới dạng tiềm năng. Số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, du lịch còn ít, đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; một số dự án thiếu năng lực tài chính. Hoạt động xúc tiến, quảng bá, tuyên truyền văn hóa, du lịch, thể thao và các sản phẩm tiêu biểu của huyện chưa được đầu tư quan tâm thỏa đáng. Sản phẩm có thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý, nhãn mác chưa nhiều, chưa phát huy được ưu thế về giá trị của tài nguyên, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường.

- PV: Vậy, để thực hiện hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TƯ ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị. Xin ông cho biết những giải pháp cụ thể để phát huy tiềm năng, lợi thế của du lịch, đặc biệt phát huy vai trò quan trọng của văn hóa, thể thao, du lịch trong phát triển KT-XH của huyện Thạch Thành?

- Ông Phạm Đình Minh: Để phát huy tiềm năng, lợi thế, từng bước nâng cao đời sống văn hóa, thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08, thời gian qua, huyện Thạch Thành đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án để phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và sản phẩm tiêu biểu. Đồng thời, gắn phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ dân trí để phát triển bền vững, nâng cao vị thế của Thạch Thành.

Cụ thể, huyện đang đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có chất lượng cao, phát triển, nâng tầm các sản phẩm tiêu biểu của huyện.

Ưu tiên đầu tư kinh phí, hệ thống cơ sở vật chất, nhất là hệ thống giao thông, bến xe, các loại hình dịch vụ để phát triển văn hoá, thể thao, du lịch. Thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông, các điểm dừng nghỉ để hỗ trợ phát triển du lịch tại các tuyến đường: Thành Yên - Thành Mỹ - Thạch Lâm, Thạch Quảng, kết nối điểm tham quan du lịch hang Con Moong - đình Mường Đòn - Khu du lịch sinh thái thác Mây - suối nước nóng Vó Ấm, thác Đẹn; tuyến đường Chiến khu Ngọc Trạo - Hang Treo Thành Tâm, kết nối đền Phố Cát - Khu du lịch sinh thái thác Voi.

Tiến hành xây dựng các chương trình khai thác hoạt động văn hóa nghệ thuật cồng chiêng, dân ca, nhạc cụ dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển phong trào bóng chuyền giai đoạn 2016 - 2020.

Nghiên cứu lập mới một số quy hoạch các điểm, khu du lịch làm cơ sở cho việc hình thành một số sản phẩm du lịch đặc trưng có tính cạnh tranh cao, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch như: Du lịch sinh thái gắn với cộng đồng (khu vực thác Mây - Thạch Lâm; Khu vực suối nước nóng Vó Ấm, thác Đẹn - Thành Minh; Khu vực thác Voi - Thành Vân); Du lịch lịch sử văn hóa, tâm linh (Chiến khu Ngọc Trạo, đền Phố Cát, đình Mường Đòn, đình Tam Thánh, đền Mẫu, chùa Cảnh Yên...); du lịch khám phá (hang Con Moong, hang Mang Chiêng, hang Lai, hang Diêm, hang và mái đá Mộc Long).

Kêu gọi, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, khu vui chơi giải trí, các loại hình dịch vụ tại địa bàn du lịch trọng điểm. Khuyến khích các dự án đầu tư khách sạn từ 2 - 3 sao, hệ thống nhà hàng đạt chuẩn, nhà hàng cao cấp phục vụ khách du lịch. Tập trung tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư vào phát triển du lịch của huyện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài, trang thông tin điện tử các cấp, các hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, huyện, hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo huyện với các doanh nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, xây dựng các sản phẩm du lịch làng nghề, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nhằm cung ứng sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách, như: Nghề dệt thổ cẩm tại xã Thạch Lâm, Thành Yên; nghề làm mật mía tại xã Thạch Sơn, Thạch Bình, Thành Kim;tranh đính hạt cườm, sản xuất hàng mây, tre đan tại các xã, thị trấn Vân Du, Thành Vân, Thành Thọ. Xây dựng thương hiệu đặc sản ẩm thực nổi tiếng như: Mía tím Kim Tân, cam Vân Du, gạo nếp hạt cau Thạch Bình, tinh bột nghệ Cucumin Thạch Quảng, mật ong; tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại vùng trồng cây ăn quả công nghệ cao xã Thành Vân và khu vực phụ cận để giới thiệu quảng bá sản phẩm nông nghiệp, từ đó hình thành phát triển điểm du lịch xanh.

- PV: Được biết, vào ngày 22 - 23/11 tới đây, huyện Thạch Thành sẽ tổ chức Lễ hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời công bố điểm du lịch và quảng bá sản phẩm tiêu biểu năm 2019. Xin ông đánh giá tầm quan trọng của sự kiện đối với tình hình phát triển KT-XH của huyện. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị của huyện Thạch Thành cho sự kiện quan trọng như thế nào, thưa ông?

- Ông Phạm Đình Minh: Lễ hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch; công bố điểm du lịch và quảng bá sản phẩm tiêu biểu huyện Thạch Thành năm 2019 sẽ được tổ chức trong 2 ngày: 22 - 23/11, khai mạc vào lúc 19h30 ngày 22/11/2019 tại sân vận động huyện Thạch Thành với nhiều các hoạt động như: Tổ chức hội nghị xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch Thạch Thành, tổ chức đoàn famtrip khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch; tổ chức hội trại văn hóa, trang trí, trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của các đơn vị xã, thị trấn; tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu huyện Thạch Thành; cuộc thi ảnh đẹp “Khoảnh khắc Thạch Thành”; thi một số môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian và Liên hoan tiếng hát dân ca.

Đây là một sự kiện lớn, với nhiều hoạt động thiết thực, dự kiến sẽ thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và du khách tham gia lễ hội; thu hút các nhà đầu tư đến với Thạch Thành để phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp. Qua đó sẽ tác động tích cực vào tình hình phát triển KT-XH của huyện, nâng cao hình ảnh và vị thế của Thạch Thành trong toàn tỉnh, xứng danh đơn vị anh hùng.

Đến nay, huyện Thạch Thành đang tích cực chuẩn bị các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả cao nhất.

- Xin cảm ơn ông, chúc ông sức khỏe và thành công!

Huyện Thạch Thành có 3 điểm du lịch được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận, đó là: Khu di tích Chiến khu Ngọc Trạo - xã Ngọc Trạo; đền Phố Cát - xã Thành Vân và thác Mây - xã Thạch Lâm, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện mở rộng liên kết vùng để hình thành các tour, tuyến du lịch kết hợp lịch sử với văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng và nằm trong hành lang các tour, tuyến du lịch quan trọng trong và ngoài tỉnh. Lượng khách du lịch đến Thạch Thành ngày một tăng, 11 tháng đầu năm 2019 đón hơn 80.000 lượt khách (trong đó có nhiều khách quốc tế); doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt gần 100 tỷ đồng; hạ tầng phục vụ phát triển du lịch ngày càng được đầu tư, nâng cấp với 21 cơ sở lưu trú du lịch, 1 công ty lữ hành quốc tế.

Khu di tích Chiến khu Ngọc Trạo

Chiến khu Ngọc Trạo - một trong những chiến khu du kích đầu tiên của cả nước, đỉnh cao của phong trào phản đế cứu quốc ở Thanh Hóa, giai đoạn 1940 - 1941; nơi thành lập của đội du kích Ngọc Trạo - tiền thân của lực lượng vũ trang Thanh Hóa.

Ngọc Trạo nằm về phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa, cách thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) 15 km. Nơi đây là vùng đất “địa lợi, nhân hòa”, cuối tháng 7/1941, Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định thành lập Chiến khu Ngọc Trạo. Ban lãnh đạo chiến khu bao gồm 3 đồng chí: Đặng Châu Tuệ (Thường trực Tỉnh ủy phụ trách chung); đồng chí Trần Tiến Quân và Đặng Văn Hỷ (Tỉnh ủy viên phụ trách công tác an toàn khu).

Đêm 19/9/1941 tại Hang Treo, đội du kích Ngọc Trạo ra đời. Bên ánh lửa hồng, dưới lá cờ đỏ sao vàng, 21 chiến sĩ du kích với gương mặt sáng quắc, kiên nghị xếp hàng làm lễ tuyên thệ thề nguyện hy sinh phấn đấu đến giọt máu cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đội du kích Ngọc Trạo ra đời, đánh dấu bước trưởng thành mới của lực lượng vũ trang Thanh Hóa, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Từ đây, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã có lực lượng vũ trang thoát ly đầu tiên, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang sau này. Mặc dù ra đời và hoạt động chỉ trong một thời gian ngắn nhưng Đội du kích Chiến khu Ngọc Trạo đã nêu cao tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân. Từ Chiến khu Ngọc Trạo ngọn lửa đỏ hang Treo - Ngọc Trạo đã lan tỏa về mọi miền quê tỉnh Thanh Hóa, bền bỉ cháy, là đỉnh cao của phong trào khởi nghĩa vũ trang ở Bắc Trung Bộ góp phần thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân.

Với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn ấy, năm 1994, Chiến khu du kích Ngọc Trạo được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. 78 năm qua, Đảng bộ và nhân dân nơi đây đang ra sức xây dựng Ngọc Trạo phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xứng đáng với tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Chiến khu Ngọc Trạo Anh hùng.

Đền Phố Cát

Đền Phố Cát là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh tiêu biểu thuộc xã Thành Vân, huyện Thạch Thành. Đền thờ được nhân dân địa phương lập vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVI với kiểu kiến trúc truyền thống mang những dấu ấn riêng của vùng núi xứ Thanh.

Tương truyền, Mẫu Liễu Hạnh vốn là con gái Ngọc Hoàng. Vi phạm lỗi đánh rơi chén ngọc mà bị phạt phải xuống trần gian. Trong đó, hai lần giáng trần đầu tiên là ở Nam Định với tên gọi là Phạm Tiên Nga và Lê Giáng Tiên. Tuy nhiên, khi được trở về trời thì lòng tiên chúa lại vấn vương cuộc sống trần gian, nên nàng được vua cha Ngọc Hoàng cho phép tùy ý quay trở lại với con người trần tục.

Trong lần giáng trần thứ ba, vùng đất non cao, nước biếc, sơn thủy hữu tình Phố Cát (Thạch Thành) được công chúa nhà trời lựa chọn làm chốn hành thiện, giúp đời, diệt trừ kẻ gian ác. Khi tướng quân Phan Phái đi dẹp giặc quấy rối phương Nam, Tiên Chúa đều âm phù cho thắng trận, tiễu trừ được giặc. Triều đình vì thế ban sắc phong: “Chế Thắng Hoà Diện Đại Vương”, được ghi trong tự điển, hàng năm hương khói phụng thờ.

Qua thời gian và biến động thời cuộc, di tích đền Phố Cát ngày nay phần nhiều được phục dựng lại trên nền cũ: Đền thờ Mẫu; đền thờ Quan Giám sát... Đặc biệt, tại di tích hiện vẫn lưu giữ một số hiện vật cũ: Bia đá, nhà lục lăng... được khắc, dựng ở các triều vua nhà Nguyễn.

Nghi lễ cầu cúng Thánh Mẫu rất đơn giản mà tôn nghiêm, không phân biệt trên, dưới, giàu, nghèo. Quanh năm bốn mùa đền Phố Cát mở cửa đón du khách thập phương về vãn cảnh, nghe những câu hát văn về Thánh Mẫu và cầu nguyện những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Ngày nay, với niềm tin tâm linh, tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh có ở khắp mọi vùng miền. Tuy vậy, người ta vẫn tìm về “Phố Cát” như tìm về với cội nguồn. Người Việt có câu “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”. Trong câu ca này, tháng ba Âm lịch giỗ Mẹ chính là để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh - bậc mẫu nghi thiên hạ, một trong 4 vị thánh bất tử của người Việt. Bởi vậy, Phố Cát không chỉ là điểm đến, mà còn là nơi góp phần định vị văn hóa xứ Thanh trong dòng chảy nghìn năm của lịch sử dân tộc.

Thác Mây

Thác Mây thuộc thôn Đăng Thượng, xã Thạch Lâm, cách trung tâm thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành khoảng 45 km, cách Hà Nội hơn 100 km, từ đường Hồ Chí Minh đi vào thác khoảng 10 km.

Thác Mây có vẻ đẹp nguyên sơ gồm 9 bậc thác lớn gối liền nhau tạo cảnh quan hùng vĩ, là đầu nguồn của sông Ngang chảy từ thôn Đăng Thượng đến thôn Thống Nhất với chiều dài 12 km, hòa mình vào sông Bưởi. Thác Mây có độ cao khoảng trên 100m đổ xuống từ đỉnh của hệ thống núi đá vôi Trường Sơn Bắc. Nước chảy trên thác quanh năm, nhưng đẹp nhất vào các tháng từ tháng 5 đến tháng 10 Âm lịch. Trong khu vực thác Mây có hệ sinh thái phong phú, đa dạng, phát triển quanh năm. Đặc biệt, dưới chân thác Mây còn lưu giữ được một quần thể hơn 300 nhà sàn truyền thống của người Mường, trong đó có một số nhà sàn cổ có tuổi đời trên 200 năm rất đẹp thuộc địa bàn thôn Đăng Thượng, thôn Nội Thành, thôn Đồi. Nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của người Mường còn được giữ gìn và phát huy tại cộng đồng dân cư nơi đây như: Hát mường, sắc bùa, cồng chiêng, hát giao duyên, đánh mảng, ném còn... cùng với những món ăn truyền thống đặc sắc như: Xôi nếp nương, gà đồi, thịt trâu lá lồm, cá thính Sông Ngang, thịt lợn rừng, canh lá đắng, ốc đá, măng đắng... đang tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách đến thăm thác Mây.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]